Tư vấn - Thông tin

[-] Phát triển trồng chè Shan Một hướng khai thác tiềm năng ở miền núi phía Bắc | CÔNG TY CỔ PHẦN CHÈ THÁI BÌNH LẠNG SƠN Phát triển trồng chè Shan Một hướng khai thác tiềm năng ở miền núi phía Bắc

Chuyên mục: Tin tức tổng hợp,  |  Đọc: 86 |  Bản in  | Cỡ chữ


Ảnh minh họa - nguồn internet

PTO- Cây chè shan núi cao là một loại tài nguyên thực vật quí, là một trong 4 biến chủng chè phổ biến ở Việt Nam. Đặc điểm nổi bật của biến chủng chè shan là cây gỗ lớn, lá có diện tích lớn, răng cưa sâu, búp chè lớn, tôm chè có lông trắng (tuyết) năng suất búp cao, chất lượng tốt.

Chè shan ở Việt Nam được phân bố ở vùng núi cao trên 600m, chiếm tỷ lệ khoảng 30% diện tích chè cả nước. Chè shan có 2 dạng canh tác khác nhau: Canh tác theo kiểu thâm canh như các giống chè khác và canh tác theo kiểu cây rừng (chè rừng). Đây là loại hình canh tác độc đáo, chủ yếu phân bố trên vùng núi cao, mật độ cây trồng khoảng 1.500 - 2.500 cây/ha (thậm chí có 4.000 cây//ha), chè sống chung với cây rừng, tán cao, cây thu búp cao từ 2,5 - 4m, cây không thu hái cao 10 - 20m, tán rộng trung bình 4 - 6m, có những cây đường kính tán 8 - 10m, thân cây to, đường kính gốc 30 - 35cm, cá biệt có cây đường kính gốc 60 - 70cm. Năng suất búp đạt 6-8kg/cây (16-18 tấn/ha), chất lượng chè shan rất cao, đặc biệt hàm lượng axit amin cao 30-35mg/100g. Catesin đơn giản cũng cao hơn, rất có lợi cho chất lượng, chè xanh thu hoạch 4 lứa/năm, không dùng phân hóa học, thuốc trừ sâu.

Chẳng những có giá trị về dinh dưỡng phát triển chè shan núi cao có tác dụng tích cực về mặt kinh tế xã hội, do cây chè shan núi cao gắn liền với vùng núi cao và vùng đồng bào dân tộc từ lâu đời, đã hình thành tập quán canh tác chè rất phù hợp với đặc điểm sinh trưởng tự nhiên của cây chè. Trồng chè shan núi cao giống như trồng rừng, bảo vệ chè shan là bảo vệ rừng. Vì vậy, phát triển cây chè shan có ý nghĩa lớn về sinh thái, môi trường và đóng góp tích cực vào chương trình trồng rừng, bảo vệ môi trường vùng cao bền vững. Với đặc điểm thân cây lớn, tán rộng sống chung với cây rừng, tuổi thọ cao, chè shan vừa là cây trồng nông nghiệp vừa là cây rừng, nó có tác dụng phủ xanh đất trống đồi núi trọc, cải tạo đất, tạo cân bằng sinh thái cho vùng núi cao, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp bền vững. Phát triển chè shan tạo thêm điều kiện để sản xuất loại sản phẩm có gia trị kinh tế và để phát triển công nghiệp vùng núi và gop phần nâng cao dân trí đồng bào dân tộc.

Hiện nay, ở miền núi phía Bắc, hệ thống chế biến trên các vùng chè shan đã hình thành nhưng phân bố chưa hợp lý, đặc biệt công nghệ và thiết bị nhìn chung chưa đồng bộ và còn lạc hậu. Đời sống và thu nhập của đồng bào vùng chè shan chủ yếu dựa vào lúa nương, cây rừng và cây chè shan trong đó vùng chè Suối Giàng (Yên Bái, vùng chè Nậm Ty, Thượng Sơn (Hà Giang), nhân dân sống chủ yếu dựa vào chè shan, đã có những hộ thoát nghèo trở nên giàu có. Sản phẩm chè shan hiện nay chưa đa dạng (chè xanh là chủ yếu; chè vàng và có một lượng nhỏ chè đen) giá cả nhìn chung là thấp chưa tương xứng với giá trị của chè shan do chưa có công nghiệp và thiết bị thích hợp, chất lượng sản phẩm đã chế biến còn kém, tiếp thị cũng chưa tốt.

Mặt khác, các giải pháp kỹ thuật chưa được áp dụng do đó năng suất, chất lượng sản phẩm chè còn thấp.

Do tính chất độc đáo và tiềm năng của cây chè shan vùng núi cao ở Việt Nam, trên cơ sở phân tích những hạn chế về kỹ thuật và cơ sở hạ tầng xã hội của vùng chè shan, chúng tôi tiến hành những nghiên cứu khoa học về kỹ thuật canh tác chè shan như kỹ thuật đốn, hái, kỹ thuật nhân giống, kỹ thuật chế biến, chuyển giao kỹ thuật tiến bộ cho vùng chè shan, từ đó đề xuất áp dụng những giải pháp để phát triển chè shan núi cao, bao gồm:

Quy hoạch cụ thể các vùng chè shan. Dựa trên yêu cầu về kinh tế xã hội, đặc điểm tự nhiên và sự phân bố các vùng chè hiện có, các tỉnh cần quy hoạch vùng chè shan núi cao theo vùng và kèm theo các điều kiện về cơ sở hạ tầng, giao thông, điện. Chế biến theo phương châm quy mô vừa và nhỏ và sử dụng công nghệ thiết bị chế biến nhỏ, hiện đại sơ chế tại vùng nguyên liệu tạo ra bán thành phẩm và tinh chế chè thành phẩm ở các trung tâm của huyện và tỉnh.

Đa dạng hóa sản phẩm chế biến từ nguyên liệu chè shan núi cao. Ngoài những sản phẩm truyền thống như chè vàng Hà Giang, chè xanh Suối Giàng, chè xanh Hà Giang cần đầu tư để đa dạng hóa sản phẩm như chè đen chất lượng cao đóng túi lọc, chè xanh chất lượng cao, chè hương hoa. Đặc biệt chú ý phát huy thế mạnh của chè an toàn, chè hữu cơ. Đẩy mạnh tiếp thị trên thị trường trong và ngoài nước.

Vận động thuyết phục đồng bào vùng cao áp dụng các kỹ thuật tiến bộ trong lĩnh vực trồng, chăm sóc, thu hái, bảo quản, chế biến chè shan núi cao. Kết hợp tập huấn, huấn luyện kỹ thuật, đặc biệt phải tăng cường xây dựng các mô hình, giúp đồng bào nâng cao dần trình độ kỹ thuật và sản xuất, chế biến và tạo thị trường cho đồng bào.

Xây dựng những vườn giống gốc cho từng vùng để làm cơ sở cho nhân giống mở rộng diện tích. Viện nghiên cứu chè đã phối hợp với các tỉnh tuyển chọn các cây chè shan đầu dong và đang nhân giống, đề nghị các tỉnh phối hợp để trồng mỗi tỉnh một số diện tích chè giống gốc, để bảo tồn nguồn gen quí. Cần xây dựng mô hình chè shan để vừa bảo quản nguồn gen quí để làm cơ sở nhân giống, đồng thời cũng là mô hình để tập huấn, huấn luyện cho đồng bào trồng chè.

Áp dụng kỹ thuật nhân giống vô tính bằng giâm cành chè shan từ các cây đầu dòng tuyển chọn tại các địa phương. Thời vụ nuôi hom tiến hành vào tháng 5-6 (sau lứa hái 1) nuôi hom đến tháng 8, cắt hom và cắm cành vào tháng 9-10, năm sau tiến hành trồng mới, tỷ lệ xuất vườn nhìn chung đạt từ 65-80% trong đó có những cây đầu dòng ở Tủa Chùa đạt tỷ lệ cao nhất 90,7%. Cây chè shan sau 10 tháng giâm cành có chiều cao trung bình 32-38cm, có những cây ở Tủa Chùa cao 48,2cm. Đường kính gốc cây chè con đạt trung bình 0,25 - 0,3 cm, (có cây đạt 0,37cm - Tủa Chùa) tỷ lệ cây chè sống khi trồng đạt 80% (sau 3 tháng). Đặc biệt khi trồng cây chè bằng giâm cành với kích thước cao 40 - 45cm, đường kính thân 0,25cm, sau 3 năm đạt chiều cao 3,5m, đường kính gốc 7 - 10cm, có thể sớm trở thành cây rừng. Trong khi cây trồng bằng hạt chỉ đạt chiều cao 2,2m và đường kính gốc 3-4cm. Cách tạo bầu chè con có thể tiến hành theo 2 bước, bước 1: Giâm cành trên nền đất hay trong túi PE có kích thước 8x12cm, khi cây chè cao 15 - 20 cm có thể chuyển sang bầu to hơn kích thước 15x22cm (để cây con gần nơi trồng chè sau này). Cũng có thể áp dụng cách tạo cây giống này bằng hạt nhưng hạt chè được tuyển chọn kỹ.

Áp dụng kỹ thuật trồng mới hợp lý. Trồng chè shan núi cao, không tiến hành làm đất như chè vùng thấp mà áp dụng kỹ thuật như trồng cây rừng, chỉ phát xung quanh hố trồng chè khoảng 1m2 các cây to xung quanh giữ lại, mật độ trồng với vùng rừng tái sinh, cây rừng thưa 2.000 - 2.500 cây/ha. Với vùng rừng tàn kiệt ít cây rừng: 3.000 - 4.000 cây/ha, ở vùng đất trống cần trồng 6.000 cây/ha và trồng bổ sung cây rừng bản địa. Chỉ dùng phân chuồng, phân ủ, bón lót, hàng năm cần phát cỏ xanh quanh gốc và phá váng quanh gốc, chú ý trồng dặm cây để đảm bảo mật độ.

Kỹ thuật đốn, hái chè shan. Với cây chè shan lớn đang thu hoạch tiến hành đốn phớt vào tháng 11-12 hàng năm và thu hái vào các tháng 4, 6, 7, 8, và 10. Trong vụ xuân hái búp tôm 2 lá, chừa 3-4 lá. Vụ hè thu hái 1 tôm 2 - 3 lá non, chừa 1 - 2 lá. Khi cây chè cao 1,3 - 1,5m tiến hành bấm ngọn tạo tán để khống chế chiều cao tán 2 - 2,5cm. Khi cây chè cao vượt chiều cao đó tiến hành đốn phớt và hái theo qui trình trên đây. Búp chè cần được bảo quản tốt sau khi hái, tránh làm giập nát và không phơi nắng, hái xong vận chuyển ngay đến nơi chế biến. Không phun thuốc trừ sâu và bón phân hóa học cho chè shan mà chỉ bón phân chuồng và phân ủ để đạt tiêu chuẩn chè an toàn, chè hữu cơ và giữ bền vững mô hình sinh thái.

Kỹ thuật chế biến chè shan. Do chè shan trồng ở vùng cao, địa hình chia cắt, giao thông khó khăn, vì thế chọn phương án chế biến phân tán và thiết bị nhỏ, nhưng phải hiện đại và theo nguyên tắc sơ chế tại vùng nguyên liệu và tinh chế tại các trung tâm của vùng. Búp chè shan phải được phân loại theo kích thước, trọng lượng, già non trước khi chế biến, chế biến chè shan cần áp dụng chế độ hong phơi nhẹ trước khi diệt men và đặc biệt chú ý diệt men triệt để để đảm bảo có màu nước, hương thơm của sản phẩm chè chất lượng cao. Vùng chè shan thường là vùng có ẩm độ cao vì thế chè sơ chế và chè thành phẩm phải được bảo quản tốt, tránh hút hơi nước, làm đỏ nước của sản phẩm chè xanh, các thiết bị chế biến bán thủ công phải được chế tạo bằng thép không gỉ để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Mạng lưới tiêu thụ chè shan núi cao. Ngoài hệt hống tiêu thụ như đã có trước đây, cần tăng cường quảng cáo và giới thiệu sản phẩm, nhất là cần đầu tư tiếp thị vào các tổ chức nông sản hữu cơ để thu giá trị lớn, đề nghị các tổ chức trong và ngoài nước giúp đỡ để sản phẩm chè shan núi cao của đồng bào các dân tộc phát huy và nâng cao giá trị, tương xứng tiềm năng của cây chè shan.

Trong khi khuyến khích phát triển chè shan núi cao đề nghị các tỉnh không chỉ xem đây là phát triển kinh tế đơn thuần mà là vừa có ý nghĩa kinh tế xã hội, môi trường sinh thái bền vững vì thế cần lồng ghép nhiều chương trình và nhiều nguồn vốn, khuyến khích thỏa đáng để đẩy mạnh công tác chuyển giao kỹ thuật tiến bộ đến với đồng bào vùng cao, vừa phát triển kinh tế vừa góp phần nâng cao văn hóa, dân trí, góp phần phát triển bền vững vùng cao phía Bắc Việt Nam.

Đỗ Văn Ngọc


Cập nhật: Ngày 09 tháng hai năm 2024
Nguồn baophutho.vn


Các tin khác...

Sản phẩm nổi bật

  • Thái Bình Ô long trà

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...

  • Chè Ô long hút chân không 200g

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...

  • Ô long Thanh Tâm 100g

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...

  • Chè xanh Bát Tiên hút chân không 200g

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...

  • Chè xanh Ngọc Thúy hút chân không

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...