Chuyên trang thông tin...

[-] Cây chè trên đất nam Tây Nguyên | CÔNG TY CỔ PHẦN CHÈ THÁI BÌNH LẠNG SƠN Cây chè trên đất nam Tây Nguyên

Chuyên mục: Tin tức tổng hợp,  |  Đọc: 1220 |  Bản in  | Cỡ chữ

Không phải ngẫu nhiên mà người Pháp đã chọn vùng đất nam Tây Nguyên - Lâm Ðồng để "gieo những mầm chè", tạo nên hương vị trà đậm chất xứ đất đỏ ba-dan. Khí hậu và thổ nhưỡng ở vùng cao nguyên này rất thuận lợi để cây chè đâm chồi, nảy lộc. Nghiệp chè ở Lâm Ðồng khởi nguồn từ những thập niên đầu thế kỷ trước, gắn bó với đông đảo người dân ở vùng đất này đến tận hôm nay...

Phác họa xứ trà

 Lần theo sử liệu, tôi tìm về nơi khởi nguồn nghề trà trên vùng đất nam Tây Nguyên. Ngày xưa, nơi đây gọi là Sở trà Cầu Ðất do người Pháp lập ra năm 1927. Còn bây giờ, đây là nơi đóng chân của Công ty cổ phần chè Cầu Ðất, cách trung tâm thành phố Ðà Lạt khoảng 22 km, về phía đông nam.

 Ở Lâm Ðồng, nếu gọi B’Lao là "thủ đô chè" thì Cầu Ðất có thể coi là "nguồn cội chè". Tiết trời dịu nhẹ, hương chè Cầu Ðất thoảng bay trong gió chiều, điệp trùng mầu xanh của những nương chè phủ khắp núi đồi, mênh mang đến bất tận. Ở nhà máy chế biến trà gần 100 năm tuổi này vẫn còn giữ được khá nguyên vẹn giàn máy sản xuất chè theo kỹ thuật cơ khí hồi đầu thế kỷ trước. Ðây là dây chuyền sản xuất chè đen của Pháp gồm sáu cỗ máy được coi là cổ nhất Ðông Dương hiện nay. Trải qua biết bao thăng trầm của nghiệp trà, giờ đây luồng sinh khí mới đã thổi vào "nguồn cội" xứ trà trên cao nguyên Lâm Ðồng. Vẫn giữ lại "giàn máy lịch sử" của nghiệp trà trên xứ sở này để phục vụ khách tham quan, công ty đầu tư dây chuyền sản xuất mới, có công suất lớn để chế biến toàn bộ sản phẩm của 230 ha chè nguyên liệu chất lượng cao, cung cấp cho thị trường xuất khẩu và trong nước 350 đến 400 tấn/năm.

 Từ vùng Cầu Ðất, cùng với quá trình phát triển và nhu cầu khai thác đất đai, nhân công bản xứ của người Pháp mà cây chè đã "nảy mầm" ở vùng B’Lao (Bảo Lộc ngày nay), Di Linh theo lộ trình Ðà Lạt - Sài Gòn vào thập niên 30 thế kỷ trước. Chè bắt đầu bén rễ với đất B’Lao từ đồn điền của các ông chủ đến từ Tây Dương, như đồn điền Pôn-pe, Sô-ven, La-ruy, Fe-lit B’Lao, B’Lao Sierré... rồi sau đó là sự ra đời của các trang trại, các rẫy chè của hộ gia đình, như Năm Mậu, Huỳnh Hoa, Ngô Văn, Xu Tiên... Từ đó, trên vùng đất ba-dan này đã hình thành một tầng lớp cư dân gắn với "nghiệp trà hương", với thương hiệu được nhiều danh trà "khai sinh" tự nhiên: Hương trà B’Lao! Ðó chính là khởi nguồn của thương hiệu "Trà B’Lao", được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận vào cuối năm 2009.

 Thương hiệu Trà B’Lao được xác nhận đối với bốn sản phẩm, gồm trà xanh ướp hương, trà xanh, trà đen chế biến và trà ôlong. Hiện, toàn tỉnh Lâm Ðồng có 10 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận sử dụng thương hiệu Trà B’Lao. Như vậy, ngoài tên gọi của cơ sở sản xuất, những danh trà này đều dùng thêm chữ "trà B’Lao" trên bao bì sản phẩm - cho dù danh trà của họ có nổi tiếng đến mấy, như danh trà Ðỗ Hữu, Trâm Anh, Tâm Châu hay Rồng Vàng, Phương Nam, Ngọc Bảo... Nếu không gắn dòng chữ B’Lao vào bao bì sản phẩm, thì thương hiệu mất đi sự cuốn hút - chủ nhiều cơ sở sản xuất trà thổ lộ như thế. Ðó có lẽ là sự quyện hòa giữa con người, xứ sở và sản phẩm ra đời trên miền đất ngát hương ấy.

 Cây chè xuất hiện ở Lâm Ðồng từ năm 1927, do người Pháp trồng và khai thác. Trước năm 1975, diện tích chè ở đây khoảng năm nghìn ha. Giờ đây, ngành chè đã trở thành một trong những ngành kinh tế chủ lực của Lâm Ðồng với diện tích hơn  24 nghìn ha, chiếm hơn 20% diện tích chè cả nước. Trong 34 tỉnh trồng chè trên toàn quốc với tổng diện tích 124 nghìn ha, thì Lâm Ðồng được mệnh danh là "thủ phủ trà Việt Nam".

 Nghiệp chè

 Theo dòng chảy lịch sử, cây chè trên đất Lâm Ðồng cũng có những thăng trầm, song vẫn sinh sôi nảy nở, gắn liền với số phận con người trên vùng đất nam Tây Nguyên.

 Trở lại với xứ trà B’Lao, tôi gặp cụ Sâm, người được mệnh danh "Bà chúa trà hương", người sáng chế sản phẩm trà hương đầu tiên ở B’Lao cách đây hơn nửa thế kỷ. Ðã gần 90 tuổi, nhưng ký ức về những ngày đầu lập nghiệp trên vùng đất B’Lao của cụ Sâm vẫn vẹn nguyên. Năm 1950, cụ Sâm từ Huế vào B’Lao sinh sống. Nghiệp trà ướp hương đến với cụ thật tình cờ. Trong một lần uống trà, anh trai bà ngẫu hứng hái bông hường vi thả vào tách trà, uống thấy thơm ngon nên bảo bà ướp thử. "Mang sản phẩm mời nhiều người uống ai cũng thích, từ đó tôi chú tâm nghiên cứu thêm nhiều hương vị khác, như trà hương sói, hương lài, hương sen..." Cụ Sâm cho biết. Năm 1956, danh trà Ðỗ Hữu chính thức có mặt trên thị trường với biểu tượng chim bồ câu trắng biểu thị mong ước hòa bình và nổi danh đến ngày nay. Giờ đây, đối với cụ, làm trà dường như không còn ý nghĩa bán mua, mà là trao gửi cho nhau những món quà văn hóa tao nhã xứ B’Lao.

 Ông Vũ Hùng Anh, 63 tuổi, chủ danh trà Trâm Anh, Bảo Lộc thổ lộ, tuổi thơ của ông gắn liền với những sáng tinh sương theo ông ngoại lên những đồi chè ngút ngàn, tít tắp từ chân đèo Bảo Lộc đến tận huyện Di Linh. Gia đình ông có bốn đời gắn bó với nghề trà. Bố ông xây dựng thương hiệu trà Vạn Xuân. Ông là đời thứ ba, nối nghiệp trà của ông ngoại với thương hiệu Chín Phương. Nay, con gái ông tiếp tục "vun vén" thương hiệu trà Trâm Anh.

 Tiếp nối nghiệp trà, nhiều hộ nông dân ở Lâm Ðồng đã chuyển hướng sang trồng chè, nhiều thương hiệu trà mới lần lượt ra đời, như Phương Nam, Bình Ðông, Hoàng Thiên, Hoa Sen... Công nghệ ướp hương trà đã được nâng lên một bậc, nhiều cơ sở, doanh nghiệp trà đã đầu tư trang thiết bị hiện đại để mở rộng thị trường. Giám đốc Kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân trà Thiên Thành (Bảo Lộc) Trần Ðại Bình cho biết, nhờ thay đổi công nghệ mà nay mỗi tháng trà Thiên Thành sản xuất được 20 đến 30 tấn trà các loại. Trong đó có sản phẩm trà hương túi lọc, rất mới lạ trên thị trường, góp phần đưa hương trà B’Lao ngày một lan xa. Không dừng lại ở đó, nhiều doanh nghiệp trà Lâm Ðồng đã chú trọng sản xuất, canh tác chè chất lượng cao. Doanh nghiệp trà Phương Nam (huyện Bảo Lâm) là một điển hình. Quả đồi rộng tới 40 ha đã phủ kín một mầu xanh mướt của chè, được canh tác theo tiêu chuẩn GlobalGAP, với các loại giống chất lượng cao, như tứ quý, thúy ngọc, kim tuyên để chế biến trà ô long hảo hạng. Ðây là doanh nghiệp đầu tiên và duy nhất hiện nay của ngành chè Việt Nam đạt được ba tiêu chuẩn: GlobalGAP, HACCP và hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001-2008.

 Ðể hương trà lan xa

 Theo ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Ðồng, năm 2012, sản lượng chè của địa phương đạt hơn 212,4 nghìn tấn, chiếm khoảng 30% sản lượng cả nước; năng suất đạt gần 91 tạ/ha. Trên địa bàn tỉnh có 44 doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đầu tư sản xuất, chế biến chè; kim ngạch xuất khẩu đạt 29,7 triệu USD... Có thể nói, những năm qua, ngành chè Lâm Ðồng đã có sự chuyển biến tích cực theo xu thế hội nhập, phát triển. Tuy nhiên, để hương trà nam Tây Nguyên lan xa thì vẫn còn nhiều thách thức phía trước.

 Tuy đạt năng suất cao hơn bình quân của cả nước, nhưng ngành chè Lâm Ðồng vẫn chưa phát huy hết tiềm năng về giống và điều kiện tự nhiên của địa phương. Phần lớn diện tích chè hạt ở Lâm Ðồng đạt năng suất, chất lượng thấp; hơn 30% diện tích chè già cỗi, quá chu kỳ kinh doanh. Toàn tỉnh có gần 50 doanh nghiệp và hàng chục danh trà chế biến, kinh doanh nhưng phân bố không cân đối, gây khó khăn trong việc vận chuyển nguyên liệu, sản xuất... Bên cạnh đó, theo ngành nông nghiệp tỉnh, giá chè của tỉnh trên thị trường quốc tế thấp, chưa chú trọng cơ giới hóa trong thu hoạch cho nên tốn nhiều chi phí thuê nhân công. Ðặc biệt, có hơn 80% sản lượng chè búp tươi được bán trôi nổi cho tư thương... Ðó là những "rào cản" đối với sự phát triển của ngành chè Lâm Ðồng.

 Lão nông Nguyễn Bình Ðông, chủ trang trại chè sinh thái Bình Ðông (xã Lộc Ngãi, Bảo Lâm), người bỏ phố lên rừng lập trang trại trồng chè theo tiêu chuẩn GlobalGAP cho biết, với giá chè hiện nay, người trồng chè bắt đầu tính đến chuyện chuyển sang trồng loại cây khác. Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Chè Việt Nam Nguyễn Thị Ánh Hồng, có tới 95% số hộ trồng chè cho rằng, làm theo quy trình sản xuất chè an toàn sẽ mất nhiều thời gian và kinh phí, nếu nhà sản xuất không mua với giá cao hơn thì họ không tự nguyện tuân thủ.

 Ðể người dân sống được với nghiệp chè, để ngành chè phát triển bền vững, cùng với việc nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu, các địa phương tỉnh Lâm Ðồng đã chú trọng đến sản xuất chè an toàn... Một số doanh nghiệp đã liên kết với hộ nông dân để trồng chè theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Bí thư Thành ủy Bảo Lộc Lê Hoàng Phụng cho biết: Người dân B’Lao coi việc trồng chè là sinh kế. Hương trà B’Lao sẽ còn lan xa hơn, nếu con người của xứ này mãi chung thủy với cây chè. Các cơ quan chức năng của tỉnh cần nâng cao nhận thức của người sản xuất chè trong việc lựa chọn kỹ thuật canh tác tiên tiến, bảo đảm tính đồng bộ trong sản xuất, mở rộng cơ giới hóa trong khâu thu hoạch để giảm chi phí nhân công, chú trọng sản xuất chè chất lượng cao, tăng cường hoạt động quảng bá... Bên cạnh đó, cũng nên nghiên cứu mở rộng diện tích chè dược liệu vì đây là giống chè quý hiếm trên thế giới, góp phần nâng cao uy tín thương hiệu chè Việt Nam.

 Trà B’Lao giờ đây không còn chỉ là sản phẩm tiêu thụ trong nước mà đã tỏa hương ở nhiều thị trường trên thế giới, như Nhật Bản, Trung Quốc, Nga, Mỹ, Trung Ðông... Ðể bảo đảm sự bền vững ngành chè, theo Phó Chủ tịch Hiệp hội chè Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần chè Lâm Ðồng Ðoàn Trọng Phương, định hướng phát triển của ngành chè Lâm Ðồng nói riêng và Việt Nam nói chung là phát triển vùng nguyên liệu chất lượng theo chương trình nông nghiệp công nghệ cao. Ðến năm 2015, diện tích chè Lâm Ðồng giữ ổn định ở mức 27 nghìn ha và vào năm 2020 nâng lên thành 28 nghìn ha, trong đó, có 15 đến 18 nghìn ha chè cao sản, từ 6 đến 8 nghìn ha chè chất lượng cao.

MAI VĂN BẢO
Nguồn: nhandan.com.vn


Cập nhật: Ngày 31 tháng mười hai năm 2016
Nguồn nhandan.com.vn


Các tin khác...

Sản phẩm nổi bật

  • Thái Bình Ô long trà

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...

  • Chè Ô long hút chân không 200g

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...

  • Ô long Thanh Tâm 100g

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...

  • Chè xanh Bát Tiên hút chân không 200g

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...

  • Chè xanh Ngọc Thúy hút chân không

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...