Chuyên trang thông tin...

[-] Ðặc sản Lai Châu chật vật tìm thị trường | CÔNG TY CỔ PHẦN CHÈ THÁI BÌNH LẠNG SƠN Ðặc sản Lai Châu chật vật tìm thị trường

Chuyên mục: Tin tức tổng hợp,  |  Đọc: 25481 |  Bản in  | Cỡ chữ

Cán bộ UBND thành phố Lai Châu hướng dẫn quy trình sản xuất chè sạch.

 Sau gần một năm triển khai Nghị quyết số 03-NQ/TU của Tỉnh ủy Lai Châu "Về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020", những loại cây trồng đặc sản của địa phương như chè Tam Ðường, gạo Tẻ râu, Séng Cù… vẫn chưa thể bước ra khỏi thị trường trong tỉnh. Nông dân mong muốn tỉnh Lai Châu sớm có các giải pháp tìm thị trường tiêu thụ nông sản, góp phần xóa nghèo, vươn lên làm giàu. 

Những năm 60 của thế kỷ trước, những người lính thắng trận Ðiện Biên Phủ nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc tình nguyện ở lại khai phá và hàn gắn những vết thương chiến tranh còn ảnh hưởng nặng nề ở vùng đất Ðiện Biên - Lai Châu. Họ mang những gốc chè đầu tiên cắm xuống đất, chỉ để làm hàng rào và lấy lá tươi đun nước để uống. Không ai ngờ, loài cây này lại rất phù hợp với thổ nhưỡng nơi đây, nhanh chóng phủ xanh các sườn đồi, mảnh nương khát nước. Và sau đó, cây chè được lựa chọn làm loại cây chủ lực của các nông trường quốc doanh của địa phương. Từ năm 1970 đến năm 1978, vùng chè được quy hoạch đến khoảng 3.000 ha, gồm các vùng Bình Lư, Than Uyên, Tam Ðường, Sìn Hồ. Thời gian đó, người tiêu dùng cả nước biết nhiều đến chè Tam Ðường, Than Uyên chứ không phải là chè Thái Nguyên như sau này.

Những hạn chế trong cơ chế quản lý, cũng như vì nhu cầu cuộc sống trước mắt, khiến người dân không còn mặn mà với cây chè, diện tích trồng chè sụt giảm nghiêm trọng vào những năm 1980. Ði kèm theo đó là các cơ sở chế biến không có nguyên liệu sản xuất, thị trường không mặn mà, làm cho đầu ra của sản phẩm gặp nhiều khó khăn. Thương hiệu chè Tam Ðường, chè Than Uyên dần biến mất và bị quên lãng ngay cả khi tỉnh Lai Châu được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép chuyển đổi các nông trường chè về tỉnh quản lý. Ðầu những năm 2010, cây chè Lai Châu vẫn phải chật vật tìm chỗ đứng, giữa sự cạnh tranh khốc liệt của các thương hiệu chè có tiếng khác, cũng như nạn tận thu búp, lá khiến vùng chè nguyên liệu gần như bị bóp nghẹt. Vùng chè Lai Châu một lần nữa tưởng như bị phá nát.

Năm 2014, vùng chè Lai Châu chuyển mình vượt bậc, đạt 137 ha trồng mới, năm 2015 đạt 369 ha… dự kiến đến năm 2020, cả tỉnh đạt 3.344 ha chè. Ðó là kết quả của các nghị quyết về cây chè của Ðảng bộ tỉnh thời kỳ 2005 - 2010, đề án phát triển vùng chè giai đoạn 2011 - 2014; đó cũng là nỗ lực và mong muốn tìm lại thời kỳ vàng son, tìm lại giá trị đích thực của loại cây có giá trị kinh tế cao, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân vùng đất này.

Sau cây chè, Lai Châu cũng tập trung phát triển một số loại cây đặc sản nhằm tạo thế mạnh đột phá như quýt chum, hồng giòn, mận tam hoa, mận Úc, đào sớm… Nhưng sau nhiều thử nghiệm, chỉ có hai loại gạo Séng Cù và Tẻ râu nhanh chóng được biết đến. Ðây là hai loại gạo tẻ có chất lượng và giá trị dinh dưỡng cao được người tiêu dùng ưa chuộng. Hiện cả tỉnh có khoảng 1.300 ha trồng thuần hai giống lúa này (trong đó có hơn 100 ha lúa Séng Cù), đạt sản lượng khoảng 30 đến 35 tạ/ha. Mới đây, Lai Châu cho phép doanh nghiệp liên kết với hộ nông dân trồng gần 23 ha lúa Tẻ râu chất lượng cao, theo tiêu chuẩn VietGAP. Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu, việc hình thành liên kết trong sản xuất nông nghiệp mang lại chuỗi giá trị cho sản phẩm và lợi ích lớn hơn cho người sản xuất.

Tuy nhiên, hiện nay, Lai Châu chưa có doanh nghiệp đủ năng lực tài chính để đầu tư vào lĩnh vực này. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Văn Um cho biết: "Dù chưa có thương hiệu, chỉ được biết đến thông qua sự giới thiệu của những người đã sử dụng nhưng hai loại gạo đặc sản nói trên không có để bán, nhiều người còn đặt mua trước khi thu hoạch để mang về xuôi. Như vậy, cái khó của nông sản Lai Châu hiện nay là xây dựng thương hiệu. Người tiêu dùng muốn biết loại nông sản mình sử dụng là nông sản gì, xuất xứ ở đâu, có bảo đảm chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm hay không. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, muốn có thương hiệu phải bảo đảm diện tích sản xuất, sản lượng để cung cấp cho thị trường, nhất là thị trường lớn như các đô thị, thành phố đông dân cư…".

Ðây quả là bài toán khó bởi thực tế cho thấy, sau 5 năm "hồi sinh", như đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lai Châu, sản phẩm chè Lai Châu nói chung và chè Tân Uyên, Tam Ðường, Sìn Hồ… nói riêng vẫn "vô danh" tại thị trường trong nước mặc dù một số sản phẩm của nó đã được xuất khẩu. Bên cạnh đó, hai loại gạo đặc sản mang tính "chiến lược" của nông nghiệp hàng hóa chưa có chỉ dẫn địa lý. Theo Nghị quyết của Ban chấp hành Ðảng bộ tỉnh và Ðề án của UBND thành phố Lai Châu, đến năm 2020, phấn đấu sản xuất 400 ha lúa chất lượng cao tại các xã, phường: San Thàng, Nậm Loỏng, Ðông Phong, Quyết Thắng. Thành phố cũng thành lập Ban chỉ đạo do một đồng chí Phó Chủ tịch UBND thành phố trực tiếp phụ trách với mục tiêu "tạo ra các sản phẩm hàng hóa có tính cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của thị trường, tạo việc làm và thu nhập, nâng cao đời sống nhân dân". Thế nhưng, Ðề án còn gặp nhiều trở ngại, nhất là việc giải quyết ổn thỏa "vòng luẩn quẩn" giữa sản xuất và thị trường tiêu thụ. Nông dân sản xuất đại trà lo không có đầu ra; doanh nghiệp bao tiêu cũng e ngại thị trường chưa chấp nhận, thu mua giá cao nhưng bán không có lãi; cơ quan quản lý lo diện tích sản xuất thấp, sản lượng không đủ bán thì không thể phát huy thương hiệu sản phẩm hiệu quả...

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, bên cạnh việc thực hiện tốt, đồng bộ, hiệu quả các chính sách của Nhà nước đối với đặc thù địa phương, tỉnh Lai Châu cần thực hiện tốt chính sách hỗ trợ phát triển riêng biệt đối với sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao; đẩy mạnh cơ giới hóa; tăng cường liên kết, hợp tác giữa sản xuất và tiêu thụ; mở rộng thị trường; hình thành chuỗi giá trị, bảo đảm hài hòa lợi ích của các thành phần tham gia. Bên cạnh đó, tỉnh Lai Châu cần hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, phân cấp quản lý, khuyến khích đầu tư tạo nguồn lực cũng như tăng cường xây dựng, quảng bá thương hiệu cho sản phẩm... Có như vậy, nông sản Lai Châu mới có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

"Ban Chấp hành Ðảng bộ TP Lai Châu đưa vào Nghị quyết năm nhiệm vụ và tám giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả Ðề án phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn thành phố. Mọi vướng mắc, khó khăn về cơ chế, chính sách trong việc thực hiện Ðề án luôn được ưu tiên giải quyết sớm nhất...".

VƯƠNG VĂN THẮNG

Bí thư Thành ủy Lai Châu, tỉnh Lai Châu

"Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lai Châu cần có chính sách để xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm vùng miền, nhất là ưu đãi về lãi suất nhằm tạo nguồn lực phát triển...".

NGUYỄN THỊ LOAN

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư phát triển Chè Tam Ðường, Lai Châu

"Với giá thu mua thóc Tẻ râu 13.000 đồng/kg, chúng tôi phải bán được 25.000 đồng/kg gạo mới có lãi. Nhưng đó là bán hàng tại chỗ, còn nếu đưa gạo về xuôi, thì mức giá này không đủ chi phí. Hơn nữa, ở các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng... ít người biết đến các nông sản Lai Châu, cho nên chúng tôi hầu như chỉ bán hàng cho khách đến mua tại đây thôi...".

HÀ THỊ THẮM

Tiểu thương phường Quyết Tiến, TP Lai Châu, tỉnh Lai Châu

 

Bài và ảnh: THÀNH THƯỜNG TUẤN

Cập nhật: Ngày 23 tháng chín năm 2017
Nguồn nhandan.com.vn


Các tin khác...

Sản phẩm nổi bật

  • Thái Bình Ô long trà

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...

  • Chè Ô long hút chân không 200g

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...

  • Ô long Thanh Tâm 100g

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...

  • Chè xanh Bát Tiên hút chân không 200g

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...

  • Chè xanh Ngọc Thúy hút chân không

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...