Chuyên trang thông tin...

[-] Trà Việt - từ vùng nguyên liệu đến tách trà | CÔNG TY CỔ PHẦN CHÈ THÁI BÌNH LẠNG SƠN Trà Việt - từ vùng nguyên liệu đến tách trà

Chuyên mục: Tin tức tổng hợp,  |  Đọc: 96 |  Bản in  | Cỡ chữ


“Sống lưng khủng long”, điểm săn mây nổi tiếng, cũng là vùng trà shan tuyết cổ thụ được công nhận Cây Di sản Việt Nam.

Tháng 5, trà vừa kết thúc vụ xuân, đang đợi người thưởng thức, Liên Hiệp Quốc cũng dành hẳn ngày 21.5 để tôn vinh trà. Không chỉ là nước đứng thứ hai thế giới về sản xuất trà xanh, Việt Nam còn sở hữu những tinh hoa, cực hiếm, cực quý của ngành trà thế giới.

Trà hay còn gọi là chè, một loại cây - thức uống tương truyền có từ cách đây hơn 5.000 năm, nhưng mãi đến 21.5.2020, trà - chè lần đầu tiên được thế giới vinh danh, dành trọn ngày này để tôn vinh tất tần tật chuỗi giá trị từ búp non trên cây cho đến sản phẩm cuối cùng, và cả những quốc gia, lãnh thổ, con người gắn liền với giống cây đặc biệt này.

Gọi là “chè” hay “trà”? Theo định nghĩa của Tổ chức Nông – Lương của Liên Hiệp Quốc (Food and Agriculture Organization – FAO), “chè” theo pháp danh khoa học, phải là cây có nguồn gốc từ giống Camellia Sinensis. Còn “trà” có nghĩa rộng hơn, bao gồm các loại thảo dược không hề liên quan đến giống Camellia Sinensis.

Ở Việt Nam, “chè” và “trà” tùy phương ngữ vùng miền mà định danh có thể tương đồng, hoặc khác biệt. Định danh “chè” có phạm vi sử dụng rộng rãi từ khu vực miền Trung (Nghệ An) đổ ra phía Bắc, gợi về cách thức sử dụng lá cây chè còn tươi, nấu thành nước uống giải khát. Gọi là lá chè, nước chè.

Búp chè, khi thu hái, làm ra sản phẩm khô, đa phần được các vùng miền gọi là “trà”. Tuy nhiên, khái niệm “trà” (đã ra thành phẩm sấy khô) ở Việt Nam cũng bao hàm cả các loại trà thảo dược, các loại cây lá không liên quan đến giống chè (Camellia Sinensis) như trà hà thủ ô, trà cung đình, trà cỏ ngọt, trà khổ qua…

Tìm hiểu thêm về “chè” và “trà”, người viết đã có trao đổi với chị Nguyễn Thị Thắm - Giám đốc Công ty Chè và đặc sản Tây Bắc, với thâm niên hơn 20 năm trong lĩnh vực chế biến, sản xuất, xuất khẩu trà xanh với số lượng đỉnh điểm hàng năm lên đến 1.800 tấn sang thị trường Trung Đông (Pakistan), hiện chuyển hướng sản xuất trà đặc sản giống shan tuyết cổ thụ ở Tà Xùa tỉnh Sơn La và Sùng Đô tỉnh Yên Bái, khái niệm “trà”, “chè” được lý giải cụ thể: “Hai tên gọi này, chỉ là định danh mang tính vùng miền, thói quen, theo tôi, “trà” chiếu theo định nghĩa của FAO, sẽ dựa trên bốn điểm chính: trà là một loại thực phẩm chức năng, trà là thuốc, trà là thức uống phổ biến trên thế giới, trà kết nối cộng đồng (tính văn hóa).

Nếu là sản phẩm từ giống Camellia Sinensis, sẽ hội tụ đủ 4 chức năng này; còn nếu không sẽ không thể là thức uống phổ biến, không có tính kết nối cộng đồng, tính văn hóa như cây trà nguyên bản”.

Người H’mông ở Bản Bẹ thu hoạch trà cổ thụ vụ xuân 2021.

Theo thống kê, Pakistan, Đài Loan, Nga, Indonesia, Trung Quốc… lần lượt là 5 thị trường nhập khẩu lớn nhất của trà Việt, chiếm gần 70% tổng số lượng sản phẩm và hơn 70% trị giá. Riêng ở năm COVID-19 thứ nhất, 2020, dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch, nhưng ngành trà Việt có 290 tổ chức và cá nhân xuất khẩu trà đi 67 quốc gia và vùng lãnh thổ, với số lượng 135.000 tấn (chính ngạch), gồm 51% trà đen, 48% trà xanh, 1% các loại trà khác. Kim ngạch 220 triệu USD, và giá bình quân chỉ đạt 1.630 USD/tấn. Trong đó, tính riêng thị trường Pakistan là 44 ngàn tấn, trị giá 83 triệu USD. Giảm 11% về lượng và 14% về trị giá so với cùng kỳ ở năm 2019.

Việt Nam trên bản đồ trà thế giới, luôn ở vị trí thứ 4 - thứ 5 về số lượng xuất khẩu, nhưng nhìn lại giá trị của trà Việt, con số bình quân cho xuất khẩu trà đen là 1.350 USD/tấn, và trà xanh là 1.880 USD/tấn. Đây không phải là những con số trong mơ, con số để tự hào, mà là đáng báo động, đáng để suy ngẫm, vì sao cũng là sản phẩm tương tự, giá xuất của các nước khác đạt đến 4.000 - 5.000 USD/tấn, thậm chí là hơn? Một lý giải đơn giản, người làm trà, trồng trà, sản xuất trà… ai cũng hiểu, bởi trà đạt được giá trị ấy, phải là sản phẩm chất lượng tốt, về chế biến, đặc biệt là dư lượng bảo vệ thực vật trong trà được khống chế ở mức tối thiểu ở từng thị trường nhất định, nếu muốn xâm nhập.

Trong nhà máy chế biến trà ô long ở cao nguyên Mộc Châu.

Một người gắn bó lâu năm với ngành trà Việt, nhận xét thẳng thắn: “Trà Việt, sạch nhất, quý nhất, hiếm nhất, cổ thụ nhất thế giới… đều có. Và bẩn nhất, dở nhất, ẩu nhất… cũng có nốt”. Câu chuyện “sạch - bẩn” trong trà, từng hao tổn rất nhiều giấy mực báo giới, gây thiệt hại không nhỏ cho ngành trà Việt nói chung, và những người làm trà chân chính nói riêng. Nhưng từ bao năm qua, vẫn là chuyện: Biết rồi, khổ lắm, nói mãi, hoặc biết mà người trong cuộc không dám lên tiếng vì sợ liên lụy.

Tâm lý chạy theo số lượng nhiều hơn chất lượng, nhặt tiền lẻ hơn là tiền chẵn, hớt bèo vạt tép, ăn xổi trước mắt hơn là tầm nhìn dài hạn… chính là những rào cản làm chậm sự phát triển và cả gây thiệt hại về uy tín cho ngành trà Việt, nhất là những sản phẩm trà gieo trồng và thu hái theo hình thức công nghiệp.

Trong khi đó, Việt Nam cũng là một trong những cái nôi của giống trà shan tuyết cổ thụ, với những rừng trà nguyên sinh, trải rộng theo vòng cung Đông - Tây Bắc với diện tích lên đến hơn 20.000 hecta, một con số khiêm tốn nếu so với 110.000 hecta trà trồng công nghiệp. Và đó cũng là nơi cung cấp những sản phẩm trà quý nhất, sạch nhất, tốt nhất, đắt nhất của ngành trà Việt. Nghịch lý là mỏ “vàng xanh” này đang bị bỏ quên, hoặc khai thác thiếu định hướng, thiếu chiến lược dài hạn ở đa phần người sản xuất, tiêu thụ.

Cấp độ quản lý cao hơn là các bộ ngành từ trung ương đến địa phương, còn thiếu thông tin, thiếu kiểm soát nguồn tài nguyên giá trị này, phó mặc thị trường sản phẩm trà shan cổ thụ cho thương lái nhỏ lẻ từ các tỉnh bên kia biên giới sang thao túng giá cả lẫn kỹ thuật chế biến, khiến đặc sản quý hiếm trà shan cổ thụ không tạo được sản phẩm đúng với bản chất vốn có của nguyên liệu.

Trà hiện hữu ở hơn 35 quốc gia, hỗ trợ trực tiếp cho hơn 13 triệu người bao gồm các hộ gia đình sản xuất trà, sống dựa trực tiếp vào trà. Một thức uống phổ biến thế giới thứ hai sau nước, một loại thực vật có lịch sử phát triển gắn liền với văn hóa, vùng miền, thổ nhưỡng, khí hậu, cả phong tục tập quán… chỉ có thể là trà. Chất lượng trà, yếu tố khai thác (bền vững hay ngắn hạn) phản ánh đạo đức của nhà sản xuất và điều này ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng. Thông điệp cụ thể ở Ngày Trà thế giới 2021, được FAO khởi xướng, cũng nhấn mạnh: “Trà: Kiên vững, khỏe mạnh, từ vùng nguyên liệu đến tách trà”.

Hưởng ứng Ngày Trà thế giới, ngành trà Việt cũng đưa ra những hoạt động cụ thể, tôn vinh tầm quan trọng về mặt kinh tế, sức khỏe, giá trị văn hóa, môi trường… từ trà, kêu gọi cộng đồng những người yêu trà Việt thực hiện theo chủ đề: “Vì sức khỏe gia đình tôi yêu”, bằng cách đăng các bài viết, hình ảnh, các đoạn phim ngắn về thú vui thưởng trà, chia sẻ kiến thức trà Việt mùa COVID-19 trên các trang mạng của Hiệp hội Chè Việt Nam, Yêu Trà Việt, Uống Trà Đi, Trà Chiều Vintage, Đỉnh Trà, Nghiện Trà… để cùng chia sẻ thông tin, kiến thức, niềm đam mê trà Việt.

Người tham gia cũng có cơ hội nhận nhiều phần quà từ các nhà sản xuất trà Việt, có cơ hội được chọn tham gia các chuyến du lịch cùng gia đình đến rừng trà shan cổ thụ ở Tà Xùa, Sơn La, thưởng thức một tháng miễn phí Bạch Trà Mây - đặc sản nổi tiếng của vùng trà Bản Bẹ, ngay “sống lưng khủng long” - điểm săn mây lý tưởng hàng đầu vùng Tây Bắc.

Bài và ảnh: Lam Phong

___________________

(*) Tựa bài viết trích từ thông điệp Ngày Trà thế giới 21.5.2021 của Liên Hiệp Quốc.


Cập nhật: Ngày 13 tháng tám năm 2022
Nguồn nguoidothi.net.vn


Các tin khác...

Sản phẩm nổi bật

  • Thái Bình Ô long trà

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...

  • Chè Ô long hút chân không 200g

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...

  • Ô long Thanh Tâm 100g

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...

  • Chè xanh Bát Tiên hút chân không 200g

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...

  • Chè xanh Ngọc Thúy hút chân không

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...