Chuyên trang thông tin...

[-] NGHỀ TRUYỀN THỐNG: NGHỀ TRỒNG VÀ CHẾ BIẾN CHÈ XÃ PHÚ HỘ | CÔNG TY CỔ PHẦN CHÈ THÁI BÌNH LẠNG SƠN NGHỀ TRUYỀN THỐNG: NGHỀ TRỒNG VÀ CHẾ BIẾN CHÈ XÃ PHÚ HỘ

Chuyên mục: Tin tức tổng hợp,  |  Đọc: 77 |  Bản in  | Cỡ chữ

Kể từ khi hòa bình lập lại trên miền Bắc từ năm 1954, số hộ gia đình trồng chè ở Phú Hộ đã tăng hơn trước, nhất là từ khi có Viện Chè (nay là Viện nghiên cứu Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc) và đến năm 2001 (đầu thế kỷ XXI) lên tới gần trăm hộ làm ăn sinh sống trên một diện tích đồi núi rộng lớn. Nghề làm chè trở thành một nguồn sống chính của dân cư địa phương. Hiện tại làng nghề chè Phú Thịnh đang sản xuất khá hiệu quả. Qua điều tra, khảo sát và điền dã thâm nhập, chúng tôi được nghe đồng bào nói về nghề làm chè ở đây một cách khá cụ thể:

Trồng chè: Hàng năm, khoảng tháng 8, tháng 9 âm lịch, người ta thu hái quả chè về. Đất gieo hạt chè được đào rãnh rộng 40cm, sâu ít nhất 20cm, rãnh nọ cách rãnh kia 70 - 80cm. Trước khi gieo hạt chè, người ta đập bỏ vỏ cứng của quả chè, lấy hạt ở bên trong. Đe hạt chè nở chắc chắn hơn, người ta còn ngâm vào nước ấm để xử lý hạt chè. Hạt chè được nuôi trong rãnh, thành hàng, hạt nọ cách hạt kia 40cm, lấp một lớp đất mỏng lên và dùng lá khô hoặc rơm rạ phủ lên rãnh chè để giữ độ ẩm. Thông thường một tháng sau khi gieo hạt thì chè nở cây non.

Đốn chè: Trồng chè thu hoạch búp, trước kia 3 năm đốn một lần vì chè mau tốt, nay 5 năm đốn một lần. Hàng năm người ta đốn chè vào tháng 10, tháng 11 âm lịch. Đốn chè là người ta dùng dao sắc, có mỏ, có phần lưỡi dài (dạng dao quắm) khoảng 30cm đến 40cm (loại chuyên dùng), phất vát ngược ngọn chè, cách mặt đất khoảng 40cm đến 50cm tùy loại chè mới trồng hay đã trồng lâu năm. Mùa xuân đến, từ những thân, cành chè còn lại đó nẩy ra búp chè non cho thu hoạch. Cứ như vậy, dần dần cây chè có tán, thành hình mâm xôi, mâm lồng, cả một đồi chè trồng từ thời Pháp thuộc, cách đây 80 năm vẫn cho thu hoạch. Chè trồng sau này thường chỉ 30 năm đã phải trồng lại.

Chăm sóc chè: Trước cách mạng tháng tám 1945, đất đồi còn màu mỡ nên người trồng chè ít phải chăm sóc. Mùa đông người ta chỉ phát cây hoang dại, sới cỏ mỗi năm một lần. Ngày nay đất đồi đã bạc màu nên phải dùng phân hóa học để bón cho chè. Phân chuồng đồng bào cũng có nhưng để bón lúa vì lượng phân này rất ít.

Hái chè: Hàng năm, sau tết nguyên đán, nông dân vùng chè bắt đầu hái chè xuân, tháng 4, tháng 5, tháng 6 hái chè chính vụ và ba tháng 7 - 8 - 9 hái lần cuối cùng trong năm gọi là thu hoạch vụ. Mỗi búp chè người ta hái “một tôm hai lá”, tức một búp chè và hai lá chè non liền kề bên dưới. Công việc hái chè chủ yếu là phụ nữ. Hai tay chị em thoăn thoắt, ngắt từng búp chè xanh bỏ vào sọt đeo bên hông hoặc sau lưng đem về nhà để chế biến.

Chế biến chè: Ngày xưa, người Phú Hộ lấy lá chè tươi nấu nước uống. Họ lại băm chè phơi khô đem bán cho đồng bào ở Nam Định, Thái Bình. Xong họ thấy bán chè băm không được là bao, nên đã hái búp chè và học cách chế biến theo kiểu chè tầu bán cho người Trung Hoa.

Vào khoảng năm 1930, đồng bào Phú Hộ đã học được cách chế biến chè theo lối Âu Tây, nên gọi là chè Tây (lúc ấy có trạm thực nghiệm Phú Hộ do Pháp lập ra). Chè Tây ở Phú Hộ lúc bấy giờ chế biến chưa đúng kỹ thuật, người ta đem búp chè phơi nắng qua, rồi vò và ủ, xong lại phơi nắng lần nữa cho thật khô. Chè làm kiểu này uống vừa khét vừa chát, nên bán không được giá. Năm 1934, hãng buôn Buhloc ở Hải Phòng tìm được chỗ tiêu thụ chè Tây tại Pháp, bèn đặt đại lý thu mua ở Vũ Yen. Đại lý này chỉ mua chè hãng tốt chế theo cách thức của trạm thí nghiệm chè Phú Hộ. Chè Tây chế biến theo cách của Phú Hộ có vị ngọt, hương thơm. Người Pháp thì uống chè này với đường như uống cà phê. Mấy sở buôn to như Buhloc, có Thesic, A-Khiang đều đặt xưởng thu mua và chế biến chè không chỉ ở Phú Hộ mà cả ở Thái Ninh, Đào Giã, Hanh Cù...

Sản phẩm của chè làm thủ công truyền thống có ba loại: chè đen, chè trần và chè sao.

Chè đen: Nếu làm chè đen người ta rải búp chè tươi ra sân phơi cho đến héo tái rồi cho vào nong hoặc nia vò bằng chân tựa như vò lúa (còn gọi là đạp chè). Mỗi mẻ chè vò khoảng 20 phút là được. Đây là khâu làm búp chè xoăn lại như con tôm. Sau đó người ta rũ tơi chè ra, phun nước lã vào chè đe lấy độ mát, rồi ủ lại chè chừng 30 phút đe chè lên men. Làm như vậy uống nước chè mới mát. Ủ xong, chè được đưa lên nong, nia để sấy khô. Nhà nào không có điều kiện sấy, họ đem phơi nắng. Chè đen, chất chát hầu như không còn, nước đỏ nhưng uống mát, cho thêm đường vào uống cũng khá thú vị. Người phương Tây thích uống loại chè này.

Chè trần: Búp chè hái về rũ tơi cho vào sọt, nhúng cả sọt vào nồi nước sôi, trần qua khoảng 30 phút, làm cánh chè mềm ra rồi đem đi vò (đạp chè), từng mẻ một như khi làm chè đen. Chè vò xong cho vào thùng gỗ đe ép nước trong chè ra hết. Mỗi thùng gỗ có kích thước 30cm x 30cm x 3cm. Chè ép xong được rũ tơi, cho lên nong sấy. Khi sấy phải đảo luôn tay cho chè khô đều.

Chè khô, một là bán xô (tức là cứ thế bán), hai là phân loại ra bán, bằng cách sàng, sẩy, nhặt cẫng chè. Làm như vậy sẽ được loại chè búp (còn gọi là chè tuyết) gồm những búp chè xoăn lại như con tôm đều nhau, loại chè bồm (búp chè không xoăn mấy và cả cẫng chè) và chè cám (loại lá vụn lọt dưới sàn).

Chè sao: Búp chè hái về cho lên chảo gang nóng, sao cho chè chín tái gần như rau muống luộc, rồi đưa ra vò, rũ tơi, đem sấy khô, phân loại, rồi bán. Trường hợp lượng chè búp tươi ít, hoặc làm để nhà dùng, người ta cho chè búp vào chảo nóng sao suốt cho đến khi được sản phẩm cuối cùng. Khi sao chè, người ta dùng tay vừa đảo, vừa xoa liên tục trên chảo làm cho búp chè xoắn lại thành những con tôm chè. Chè sao suốt nước xanh, vị đậm, chất lượng thường cao hơn (gọi là chè thượng hạng).

Một mẻ chè sao tùy theo chảo to hay nhỏ, thường thì 5kg chè búp tươi được 1kg chè khô, chè xuân tỷ lệ chè cao hơn (4/1).

Mỗi lần chế biến chè, nhà ít cũng phải vài ba chục - ki - lô - gam búp chè tươi, nhà nhiều năm bảy chục ki-lô-gam, tức là phải có từ vài xào đến ba, bốn mẫu chè để hái. Nhà ít nhân công, diện tích chè nhiều, khi hái phải thuê người làm mới kịp thời vụ.

Sấy chè: người ta thường sấy chè bằng lò. Lò sấy chè đắp bằng đất, trong có cốt tre, cao khoảng 70cm, rộng 70cm đường kính. Dưới đáy lò để than củi cháy đỏ. Trên miệng là để nong hoặc nia chứa chè sấy.

Tiêu thụ chè: thời Pháp thuộc, ở Phú Hộ có một số người Trung Quốc và người Pháp mở cửa hàng thu mua chè búp tươi, sơ chế qua ở Phú Thọ (xưởng chè Tê - Cốp ở thị xã) rồi đem đi nơi khác chế biến lại. Vì thế, cư dân Phú Hộ chủ yếu là bán chè búp tươi, chè sao số lượng ít, chỉ để dùng và tiêu thụ quanh vùng.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chè Phú Thọ là một mặt hàng rất quan trọng trong cuộc đấu tranh kinh tế với địch. Ban kinh tế của Trung ương, của Liên khu 10 và của tỉnh Phú Thọ đã đầu tư, lập khoảng 5 đến 10 chảo, có xưởng vài ba chục chảo gang để sao chè. Chỉ tính riêng hai huyện Thanh Ba, Hạ Hòa, năm 1948 đã sản xuất được hai tấn chè búp khô, góp phần thắng lợi trên mặt trận đấu tranh kinh tế với địch. Để đưa chè vào vùng địch hậu (gọi là vùng tề) bán, chúng ta phải dùng đôi vai gánh bộ. Đồng bào miền xuôi tản cư lên vùng chè Phú Thọ đã sáng tạo ra loại bao bì đựng chè đan bằng che nứa, kiểu đan cót, hình trụ, gọi là sọt, mỗi sọt đựng được ba chục ki-lô- gam chè búp khô. Chè được cho vào sọt lèn chặt, bịt kín miệng sọt, dùng chạc kiềng chặt để gánh. Việc vận dụng chuyển chè vào vùng địch hậu mỗi năm cần tới hàng hàng chục vạn chiếc sọt như thế, nó đã giúp cho đồng bào tản cư có việc làm, thu nhập và ổn định cuộc sống. Tuyến đường chè đã mở rộng từ Phú Hộ qua Thái Ninh đi Chân Mộng - Trạm Thản - Trang Lão - Bến Then - Phố Cọ - Thạch Trục ( Lập Thạch, Vĩnh Phúc). Ban đêm trên tuyến đường chè này nhộn nhịp như trẩy hội, anh gánh em gồng, kĩu cà kĩu kịt qua sông qua đò, đem theo cả hương vị của chè Phú Hộ, Thái Ninh... gọi chung là chè Phú Thọ.

Ngày nay, tại xã Phú Hộ đã có nhà máy tinh đấu trộn chè tươi của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thế hệ mới với qui mô và công suất lớn nhất Đông Nam Á. Viện nghiên cứu khoa học nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc có nhà máy sản xuất chè với thương hiệu: Nhà máy chè xanh đặc sản Hùng vương và Phú Hà trà nổi tiếng. Xã Phú Hộ đã thành lập HTX sản xuất và chế biến chè Phú Thịnh, là nơi cung cấp nguyên liệu cho nhiều vùng miền và có sản phẩm chè Phú Hộ đang được ưa chuộng. Mỗi ngày người dân Phú Hộ giao cho nhà máy chè hàng chục tấn chè búp tươi. Nhà máy có trạm cân chè tại địa phương. Gần đây, địa phương giao diện tích chè cho hộ gia đình chăm sóc, thu hoạch, mỗi hộ khoảng hai sào đến năm sào Bắc Bộ ( kể cả chè vườn nhà). Người nông dân được quyền tự chủ trong sản xuất, sản xuất theo tiêu chuẩn Vietgap.

Bước vào thời đại công nghiệp, cái thời mà nước khoáng, nước hoa quả, bia, rượu..., các loại đủ thứ. Chỉ cần bật đánh tách là có ngay thức uống! Nhưng đó chỉ là nước uống giải khát, lúc hối hả với trăm công ngàn việc, còn lúc rảnh rỗi, cần thư giãn thì cũng phải cầu kỳ, dềnh dàng uống ấm chè ngon cùng bạn bè bạn tri âm, tri kỷ. Người ta nói: : “Trà tam, tửu tứ”. Những câu chuyện tâm tình gia cảnh, về làm ăn, thế sự. thường được giãi bày, thổ lộ bên ấm chè. Cũng có khi độc ẩm ấy cần sự tĩnh lặng, thư giãn.

Thế giới có “Trà đạo” Nhật Bản, trà “Tân Cương” Trung Hoa, Việt Nam có chè Thái Nguyên, thị xã Phú Thọ có chè Phú Hộ. Uống chè và biết thưởng thức chè quả là thú vị. Bài thơ “Âm trà” của cụ Minh Viên Huỳnh Thúc Kháng (1876-1947) là một minh chứng thưởng trà ở một tầm cao hơn: tầm của non nước - sơn hà.

Hội văn học nghệ thuật thị xã Phú Thọ


Cập nhật: Ngày 30 tháng mười một năm 2019
Nguồn thixa.phutho.gov.vn


Các tin khác...

Sản phẩm nổi bật

  • Thái Bình Ô long trà

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...

  • Chè Ô long hút chân không 200g

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...

  • Ô long Thanh Tâm 100g

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...

  • Chè xanh Bát Tiên hút chân không 200g

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...

  • Chè xanh Ngọc Thúy hút chân không

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...