Chuyên trang thông tin...

[-] Hướng đi mới cho cây chè trên đất Văn Miếu | CÔNG TY CỔ PHẦN CHÈ THÁI BÌNH LẠNG SƠN Hướng đi mới cho cây chè trên đất Văn Miếu

Chuyên mục: Tin tức tổng hợp,  |  Đọc: 107 |  Bản in  | Cỡ chữ


Sản phẩm chè của HTX sản xuất chè an toàn Văn Miếu, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ đã cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường

Từ bao đời nay, cây chè ở xã Văn Miếu, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ đã trở thành cây trồng chủ lực giúp đời sống của bà con thêm khấm khá. Với những kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình sản xuất cùng sự chủ động áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, người dân đã chuyển từ sản xuất chè truyền thống sang sản xuất theo quy trình an toàn với diện tích đang cho thu hoạch khoảng 270 ha. Hiệu quả của các mô hình trồng chè ở Thanh Sơn, Phú Thọ đã và đang cải thiện cuộc sống của bà con nông dân nơi đây, từng bước góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

Sự phát triển của cây chè kéo theo một xu thế tất yếu là cần phải hình thành một tổ chức có địa vị pháp lý để từng bước xây dựng thương hiệu, đưa sản phẩm chè vươn xa hơn. Bởi nếu cứ phát triển theo lối truyền thống cũ “mạnh ai người nấy làm” thì sẽ rất khó khăn trong áp dụng tiến bộ kỹ thuật hay công nghệ cao, chưa nói đến việc liên kết đầu ra cho sản phẩm. Nhận thấy tầm quan trọng của việc liên kết sản xuất, đến 4/2018, Hợp tác xã (HTX) sản xuất chè an toàn Văn Miếu đã được thành lập với 9 thành viên, đầu tư vốn xây dựng nhà xưởng, thiết bị máy móc hiện đại để chế biến chè xanh thay cho bán búp chè tươi cho các doanh nghiệp, cửa hàng thu mua như trước đây.

Theo chân cán bộ xã, chúng tôi được chứng kiến tận mắt khu nhà xưởng của gia đình ông Đặng Đình Thành – Giám đốc HTX chè an toàn Văn Miếu có quy mô rộng 400m2 với 2 dãy máy quay, máy xao chè sắp xếp theo dây chuyền đủ để thấy sự thay đổi trong tư duy nhận thức và hướng đi cho cây chè ở nơi đây. Ông Thành cho biết: “Để có được sản phẩm chè ngon, vị đậm, nước xanh thì thổ nhưỡng trồng cũng rất quan trọng, do đó, các thành viên trong HTX đã trồng thử nghiệm và lựa chọn những vùng đất tốt, đưa các giống mới vào trồng. Trong quá trình trồng, các hộ thực hiện nghiêm ngặt quy trình sản xuất từ kích thước trồng, chăm sóc, bón phân, sử dụng thuốc trừ sâu theo nguyên tắc 4 đúng, tránh dư lượng thuốc bảo vệ thực vật còn tồn tại trong sản phẩm, gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người”.

Cũng theo ông Thành, việc liên kết sản xuất theo mô hình HTX sẽ tạo nên những thế mạnh vượt trội so với việc phát triển theo hộ, mạnh ai người nấy làm. Từ đó, các hộ sẽ đảm bảo được nguồn nguyên liệu đầu vào, đầu ra ổn định; sản phẩm bán ra thị trường có xuất xứ rõ ràng thông qua việc truy xuất nguồn gốc. Hiện nay, HTX trực tiếp quản lý 20 ha chè và liên kết với 70 ha với các hộ trong xã. Tuy nhiên, cái khó của sản xuất chè an toàn không chỉ là nguồn nguyên liệu đầu vào đảm bảo theo tiêu chuẩn “một tôm hai lá”, hái hoàn toàn bằng tay mà còn phải có kỹ thuật chế biến chuyên nghiệp, thành thạo việc điều chỉnh nhiệt, thời gian xao, tốc độ quay để cánh chè xoăn và giữ được màu sắc đẹp. Theo tính toán, trung bình 1 ha sản xuất theo quy trình an toàn cho thu nhập khoảng 100 triệu, cao gấp 2 lần so với sản xuất chè truyền thống. Thế nhưng, việc chuyển từ sản xuất chè truyền thống sang chè an toàn đòi hỏi người dân phải thực hiện nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật, tốn thời gian và công sức.

Ông Hà Văn Công – Chủ tịch UBND xã cho biết: “Trước đây, nhiều hộ dân không mặn mà với cây chè, nhiều nương chè đất cằn cỗi không phải triển được do sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu không đúng quy trình. Từ khi được cán bộ khuyến nông, các cơ quan chức năng từ tỉnh đến cơ sở hướng dẫn cách cải tạo đất, sử dụng phân bón hữu cơ, cách trồng mới và thay thế giống chè chất lượng cao, năng suất và chất lượng cây chè dần được nâng lên, đến nay trung bình đạt 13 tấn/ha”.

Để cây chè phát huy được hiệu quả kinh tế, xã đã khuyến khích người dân thay thế các giống chè cằn cỗi bằng các giống chất lượng cao, quy hoạch thành vùng sản xuất, phát triển theo hướng hàng hoá với quy trình sạch, an toàn; tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn về kỹ thuật thâm canh, trồng, chăm sóc, thu hái và vận chuyển nhằm nâng cao năng suất và chất lượng chè; đẩy mạnh ứng dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật trong thâm canh và cơ giới hóa trong khâu thu hoạch. Đồng thời, tiếp tục khuyến khích người dân tham gia vào HTX để mở rộng vùng nguyên liệu gắn vùng sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; phát huy vai trò của HTX là “cầu nối” giữa nông dân và doanh nghiệp, mở ra hướng đi mới đi cho sản phẩm chè đặc trưng, góp phần tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân, từng bước xóa đói giảm nghèo bền vững tại địa phương.

Trung tâm Thông tin- Tuyên truyền


Cập nhật: Ngày 30 tháng một năm 2021
Nguồn vca.org.vn


Các tin khác...

Sản phẩm nổi bật

  • Thái Bình Ô long trà

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...

  • Chè Ô long hút chân không 200g

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...

  • Ô long Thanh Tâm 100g

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...

  • Chè xanh Bát Tiên hút chân không 200g

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...

  • Chè xanh Ngọc Thúy hút chân không

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...