Chuyên trang thông tin...

[-] Vị thế cây chè ở vùng trung du | CÔNG TY CỔ PHẦN CHÈ THÁI BÌNH LẠNG SƠN Vị thế cây chè ở vùng trung du

Chuyên mục: Tin tức tổng hợp,  |  Đọc: 151 |  Bản in  | Cỡ chữ


Ảnh minh họa

Với nhiều tỉnh, thành phố ở vùng trung du miền núi phía bắc, cây chè giữ vị trí chủ lực trong việc phát triển kinh tế, xoá đói, giảm nghèo. Song, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, việc tổ chức sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè vẫn còn nhiều bất cập.Ở vùng chè đặc sảnThưởng thức chén trà xanh nóng, hương thơm quyến rũ, thoảng chát mà để lại dư vị ngọt ngào đã lôi cuốn chúng tôi quay trở lại xã Tân Cương - nơi sản xuất ra loại chè được coi là "đệ nhất danh trà" của thương hiệu chè Thái Nguyên nổi tiếng khắp cả nước. Gặp anh Trần Văn Thắng, chủ xưởng chè Thắng Hường - xóm Hồng Thái, chúng tôi được biết quy trình từ trồng, chăm bón, thu hái chè tươi đến các công đoạn sao sấy hết sức công phu để sản xuất ra được những loại chè đặc sản, chè mốc cau làm nức lòng người muôn xứ. Nói chuyện với anh, chúng tôi cảm nhận được niềm vui đang dần ánh lên trên khuôn mặt, bởi thu nhập đáng kể từ cây chè mang lại. Mỗi kg chè...

Với nhiều tỉnh, thành phố ở vùng trung du miền núi phía bắc, cây chè giữ vị trí chủ lực trong việc phát triển kinh tế, xoá đói, giảm nghèo. Song, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, việc tổ chức sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè vẫn còn nhiều bất cập.

Ở vùng chè đặc sản

Thưởng thức chén trà xanh nóng, hương thơm quyến rũ, thoảng chát mà để lại dư vị ngọt ngào đã lôi cuốn chúng tôi quay trở lại xã Tân Cương – nơi sản xuất ra loại chè được coi là “đệ nhất danh trà” của thương hiệu chè Thái Nguyên nổi tiếng khắp cả nước. Gặp anh Trần Văn Thắng, chủ xưởng chè Thắng Hường – xóm Hồng Thái, chúng tôi được biết quy trình từ trồng, chăm bón, thu hái chè tươi đến các công đoạn sao sấy hết sức công phu để sản xuất ra được những loại chè đặc sản, chè mốc cau làm nức lòng người muôn xứ. Nói chuyện với anh, chúng tôi cảm nhận được niềm vui đang dần ánh lên trên khuôn mặt, bởi thu nhập đáng kể từ cây chè mang lại. Mỗi kg chè đặc sản Tân Cương hiện nay đã lên tới 2,5 triệu đồng, loại rẻ nhất cũng được 90 nghìn đồng/kg. Mà cứ một sào chè tươi, sản xuất ra 5 kg chè khô (loại đặc sản), nếu là chè loại trung bình thì được khoảng từ 12 đến 15 kg. Như gia đình anh Thắng có một ha chè, ba máy quay, ba máy vò (sản xuất 40-45 kg chè thành phẩm/ngày) thì mỗi tháng thu nhập được khoảng 80-90 triệu đồng; trong đó nếu là hàng cao cấp lãi 30%, còn hàng vừa lãi khoảng 10-15%. Với chè Tân Cương giá bán bao giờ cũng cao hơn những vùng khác, và “chỉ có doanh nghiệp chè Tân Cương Hoàng Bình mới dám mua nguyên liệu chè này về chế biến, bao gói” – anh Thắng cho biết. Từ nguyên liệu của vùng chè đặc sản Tân Cương, hơn 30 loại sản phẩm chè đen, chè xanh mang thương hiệu Tân Cương Hoàng Bình đã được bán rộng rãi không chỉ trong nước mà còn xuất khẩu sang Mỹ, Cộng hòa Séc, Đức, Hàn Quốc, Hồng Công (Trung Quốc)… Cùng với nó, du khách còn biết đến các thương hiệu chè nổi tiếng khác của Thái Nguyên như chè Vạn Tài, La Bằng… với đa dạng mẫu mã, chủng loại phù hợp thị hiếu người tiêu dùng.

Triển khai Đề án phát triển chè của tỉnh giai đoạn 2006-2010, Thái Nguyên đã thật sự tạo bước đột phá cả về diện tích, sản lượng, lẫn cơ cấu giống… cũng như giá trị của cây chè. Hiện nay, vùng chè Thái Nguyên đã lên tới 17.500 ha, sản lượng hơn 130 nghìn tấn chè búp tươi/ năm. Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Đặng Viết Thuần khẳng định: Với vùng đất Thái Nguyên, cây chè đã hết thời kỳ quảng canh, tới đây phải rà soát lại quy hoạch vùng sản xuất phù hợp, tạo ra những vùng nguyên liệu gắn liền với chế biến, tăng hiệu quả kinh tế trên một ha chè theo hướng đi vào chiều sâu từ quy trình sản xuất đến chế biến và thị trường, đồng thời tập trung đào tạo đội ngũ nông dân thạo nghề chè. Nhằm quảng bá và vinh danh tên tuổi chè Thái Nguyên trên thị trường trong nước và quốc tế, Thái Nguyên đang trình Chính phủ tổ chức một Festival chè tại địa phương vào năm 2011. Và tương lai không xa, tỉnh sẽ hình thành các vùng sản xuất chè, kết hợp du lịch sinh thái để thu hút khách đến tham quan và từ đó quảng bá rộng rãi sản phẩm chè.

Chưa hình thành vùng nguyên liệu lớn

Theo kết quả điều tra của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển công nghiệp chè (Hiệp hội chè Việt Nam), đến cuối năm 2009, cả nước có hơn 130 nghìn ha chè (chè kinh doanh khoảng 117 nghìn ha), tập trung nhiều nhất ở các tỉnh trung du miền núi phía bắc (chiếm 69,9%); tương ứng sản lượng chè vùng này là 496.200 tấn, chiếm 65,33% tổng sản lượng chè cả nước. Năm tháng đầu năm, ngành chè xuất khẩu được 45 nghìn tấn, đạt kim ngạch 62 triệu USD, tăng 11,3% về lượng và 22,2% về kim ngạch. Mặc dù sản lượng cũng như kim ngạch xuất khẩu chè trong những năm qua không ngừng tăng, song theo đánh giá của các chuyên gia, cây chè vẫn chưa thật sự đạt giá trị tương xứng với tiềm năng của nó. Hiện Việt Nam là một trong sáu nhà cung cấp chè hàng đầu thế giới (sau Trung Quốc, Ấn Độ, Kê-ni-a, Xri Lan-ca, Thổ Nhĩ Kỳ) nhưng giá bán cũng như kim ngạch xuất khẩu mới chỉ đạt khoảng 65% giá trị chè trung bình của tám quốc gia hàng đầu. Xác định nguyên nhân, Phó Cục trưởng Cục Chế biến – thương mại nông, lâm, thủy sản và nghề muối Đoàn Xuân Hòa nhận định: “Ngành chế biến chè Việt Nam chưa thật sự chú trọng sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng, còn tồn tại quá nhiều dây chuyền sản xuất nhỏ, công nghệ lạc hậu. Trong cơ cấu tổ chức sản xuất ngành chè vẫn là tình trạng quy mô hộ phân tán, nhỏ lẻ, chưa hình thành được mối quan hệ giữa doanh nghiệp và nông dân, giữa doanh nghiệp nhỏ với doanh nghiệp lớn làm đầu tàu để quản lý kỹ thuật và đầu mối xuất khẩu”.

Cùng quan điểm nêu trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Đặng Viết Thuần bày tỏ sự lo lắng: “Tâm lý làm ăn nhỏ lẻ, thiếu sự hợp tác tạo vùng nguyên liệu lớn vẫn là bài toán chưa có lời giải. Hay việc thí điểm quá nhiều giống chè mới trên đồng đất của người dân càng làm tăng tính manh mún của vùng nguyên liệu chè”. Về phía doanh nghiệp, ngoài mối lo về nguyên liệu còn có băn khoăn: Thuế giá trị gia tăng của sản phẩm chè hiện tính quá cao (10%), trong khi đi thu mua trong dân lại không được chiết khấu, nên gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong việc chế biến và tiêu thụ”. Còn những người dân trồng chè, sự lo lắng bộc lộ rõ nhất trước nạn phân bón giả tràn lan trên thị trường hiện nay. Anh Thắng – chủ xưởng chè Thắng Hường cho biết: Người dân trồng chè rất khó để nhận biết phân bón thật, giả. Nếu mua phải phân bón giả thì coi như tất cả các lứa chè đều hỏng, năng suất kém và đặc biệt là chất lượng chè hoàn toàn không đáp ứng được yêu cầu.

Tổ chức lại sản xuất ngành chè

Cây chè không chỉ đem lại giá trị kinh tế mà còn mang tính văn hóa, xã hội sâu sắc bởi tác động đến số đông người nghèo, tạo công ăn việc làm, giúp nông dân, nhất là nông dân vùng trung du miền núi có cuộc sống ổn định, khấm khá hơn. Song, từ những bất cập, khó khăn, cây chè vẫn chưa đạt được giá trị tương xứng với tiềm năng của nó. Kim ngạch xuất khẩu chè không chỉ dừng lại ở con số 130 triệu USD/năm mà có thể còn phải lớn hơn nhiều lần. Làm thế nào để sử dụng một ha đất hiệu quả trên vùng đất đồi, đất dốc hay xuất khẩu hàng trăm tấn chè xanh, chè đen đúng với giá trị thực trên thị trường quốc tế? Lời giải chính là cần tập trung tổ chức lại ngành chè theo hướng sản xuất lớn gắn với thị trường. Đó cũng chính là hướng tiếp cận và thành công của doanh nghiệp chè Tân Cương Hoàng Bình khi cho ra đời hàng loạt sản phẩm gắn với nhu cầu thị trường từ chất lượng, mẫu mã đến tên gọi như: Tri âm trà, Ngân long trà, Vu quy trà, Phúc lộc trà…

Ngoài ra, để tổ chức lại sản xuất ngành chè, Hiệp hội chè cũng cần nâng cao vai trò liên kết các doanh nghiệp, với nông dân trong sản xuất nguyên liệu; gắn lợi ích người trồng chè với doanh nghiệp và cùng hợp tác trên nguyên tắc tự nguyện. Đồng thời, trong sản xuất phải khuyến khích cải tạo đổi mới cơ cấu giống, điều kiện canh tác theo hướng nâng cao chất lượng; hướng dẫn thực hành sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, cải thiện điều kiện thu hái bảo đảm đúng yêu cầu kỹ thuật. Với các địa phương cần quy hoạch cho một số doanh nghiệp lớn đứng ra quản lý nhằm giảm đầu mối, đồng thời khuyến khích nông dân trồng chè tham gia góp vốn cổ phần nhà máy. Phải rà soát hệ thống các cơ sở chế biến, bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật sao cho bảo đảm đồng đều về chất lượng chè; đồng thời phải cơ cấu lại sản phẩm chè phù hợp với thị trường theo hướng chè xanh tăng dần lên 40-50%, còn lại là chè đen (hai loại Orthodox và CTC), trong đó đa dạng hóa sản phẩm chè xanh nhằm hướng tới thị trường cao cấp.

Như vậy, tất cả các khâu từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm chè dần dần phải khép kín theo hướng CNH, xúc tiến việc hình thành sàn đấu giá, giao dịch trực tiếp giữa người bán, người mua nhằm nâng cao chất lượng, cũng như đẩy mạnh hơn nữa việc quản lý, quảng bá thương hiệu chè Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.

Theo Nhandan


Cập nhật: Ngày 08 tháng mười năm 2018
Nguồn baolangson.vn


Các tin khác...

Sản phẩm nổi bật

  • Thái Bình Ô long trà

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...

  • Chè Ô long hút chân không 200g

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...

  • Ô long Thanh Tâm 100g

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...

  • Chè xanh Bát Tiên hút chân không 200g

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...

  • Chè xanh Ngọc Thúy hút chân không

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...