Chuyên trang thông tin...

[-] Sản xuất chè an toàn để nâng cao giá trị và phát triển bền vững | CÔNG TY CỔ PHẦN CHÈ THÁI BÌNH LẠNG SƠN Sản xuất chè an toàn để nâng cao giá trị và phát triển bền vững

Chuyên mục: Tin tức tổng hợp,  |  Đọc: 117 |  Bản in  | Cỡ chữ


Ảnh minh họa - nguồn internet

PTO- Đối với tỉnh ta cây chè là cây trồng chủ lực góp phần xóa đói, giảm nghèo và phát triển KT-XH vùng đồi. Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đang tập trung phát triển cây chè bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa với các sản phẩm đa dạng có chất lượng đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) mang lại giá trị gia tăng cao, nâng cao giá trị thu nhập cho người sản xuất và kinh doanh chè.

Trong những năm gần đây tỉnh ta đã có nhiều cơ chế, chính sách quan tâm khuyến khích phát triển cây chè, người dân đã biết áp dụng TBKT vào sản xuất chè an toàn,hiệu quả đem lại từ cây chè nâng cao. Anh Hà Xuân Thìn - người trồng chè ở xã Văn Miếu, huyện Thanh Sơn cho biết: “Trước đây chúng tôi trồng theo tập quán, ít chú trọng đến chăm sóc, cách bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật không đúng cách nên khi thu hái chè năng suất không cao lại rất khó bán hoặc bán với giá thấp. Tham gia sản xuất chè an toàn chúng tôi được hướng dẫn kỹ thuật từ khâu trồng, chăm sóc, phun thuốc BVTV, nên năng suất chè tăng, trước đây năng suất chỉ đạt 7-8 tấn/ha thì nay tăng lên 12 tấn/ha, việc tiêu thụ sản phẩm cũng dễ dàng hơn. Thu nhập của gia đình tôi cũng tăng lên, đời sống được cải thiện đáng kể”.

Năm 2015, tổng diện tích chè toàn tỉnh đạt 16,5 nghìn ha, trong đó diện tích cho sản phẩm là 15,3 nghìn ha; năng suất bình quân trên diện tích cho sản phẩm đạt hơn 10 tấn/ha; sản lượng chè búp tươi ước đạt hơn 154 nghìn tấn, tăng 2,5 nghìn tấn so với năm 2014. Tỉnh ta hiện đứng thứ 4 cả nước về diện tích và thứ 3 về sản lượng chè. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm tại 9 huyện vùng trọng điểm phát triển chè của tỉnh. Việc đẩy mạnh ứng dụng các TBKT mới vào sản xuất luôn được tỉnh quan tâm, chú trọng. Toàn bộ diện tích trồng mới, trồng lại được trồng bằng các giống mới có năng suất, chất lượng cao như: LDP1, LDP2, PH11, Phúc Vân Tiên, Kim Tuyên nâng tỷ lệ chè giống mới đạt hơn 71%, tăng hơn 15% so với năm 2010. Cơ cấu giống chè của tỉnh hiện nay đã đa dạng, phù hợp cho chế biến chè xanh gồm: Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên, Bát Tiên; phù hợp với chế biến chè đen là PH11, PH1. Các biện pháp kỹ thuật mới đã được người trồng chè trên địa bàn tỉnh áp dụng gồm: Trồng cây che bóng, bón phân chuyên dùng, quản lý dịch hại tổng hợp IPM, sản xuất chè theo quy trình an toàn. Tổng diện tích chè được chứng nhận an toàn gần 4 ha. Việc ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất chè được đẩy mạnh. Toàn tỉnh đã có khoảng hơn 2 nghìn máy hái chè, gần 1.500 máy đốn chè góp phần tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả sản xuất và chất lượng chè nguyên liệu. Trên địa bàn tỉnh đã triển khai một số mô hình sản xuất chè an toàn, bền vững. Trong số đó phải kể đến các mô hình của dự án QSEAP đã triển khai sản xuất chế biến chè an toàn tại các huyện: Thanh Sơn, Hạ Hòa, Đoan Hùng, Thanh Ba, Tân Sơn với tổng diện tích hơn 153ha sản xuất theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) cho chè búp tươi và được cấp chứng nhận sản xuất chè búp tươi an toàn. Các mô hình khuyến nông như: Mô hình sản xuất chè an toàn sử dụng phân bón NPK khép kín và ứng dụng cơ giới hóa vào khâu thu hái ở xã Hương Xạ, huyện Hạ Hòa; mô hình sản xuất chè an toàn sử dụng phân bón chuyên dùng NPK Văn Điển và sử dụng cây che bóng ở xã Võ Miếu, huyện Thanh Sơn; xã Ngọc Lập, huyện Yên lập; xã Ca Đình huyện Đoan Hùng sản phẩm được kiểm soát ATTP, được chứng nhận và gắn tem, nhãn để người tiêu dùng nhận diện được sản phẩm an toàn và có thể truy xuất được nguồn gốc.

Tuy nhiên, trong sản xuất chè nguyên liệu của tỉnh còn một số hạn chế: Quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, bình quân khoảng 0,3-0,4ha/hộ, khó áp dụng đồng bộ các TBKT mới và chứng nhận chè an toàn. Năng suất, chất lượng chè trong dân còn thấp. Các giống chè mới trồng xen kẽ trên một vùng nguyên liệu do đó chưa khai thác tính ưu việt về chất lượng nguyên liệu của từng giống trong chế biến. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng còn hạn chế, đa số diện tích chè trông chờ vào nước trời, chưa phát huy được tiềm năng, năng suất của giống. Sự liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp chưa nhiều nên giá bán thấp, không ổn định, chưa kiểm soát được chất lượng nguyên liệu đầu vào phục vụ chế biến chè công nghiệp. Ông Nguyễn Kim Ninh ở xã Ca Đình, huyện Đoan Hùng cho biết: “Người dân trong xã chúng tôi thu nhập chủ yếu từ cây chè. Tuy nhiên giá chè những năm gần đây còn bấp bênh, đầu ra không ổn định nên người dân chưa thực sự yên tâm với việc đầu tư phát triển cây chè”. Thực tế cho thấy việc áp dụng kỹ thuật bón phân, trồng cây che bóng, sử dụng máy hái chè còn hạn chế. Ý thức của người sản xuất về vấn đề vệ sinh ATTP chưa cao, tình trạng lạm dụng thuốc BVTV vẫn còn, việc kiểm soát chất lượng nguyên liệu chè búp tươi còn nhiều bất cập.

Thời gian tới tỉnh ta tập trung chỉ đạo phát triển cây chè theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững; mở rộng diện tích chè giống mới đặc biệt là chè chất lượng cao, hình thành các vùng nguyên liệu tập trung phục vụ chế biến chè xanh và đẩy mạnh đầu tư thâm canh tăng năng suất, chất lượng chè. Toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2020 diện tích chè ổn định 16,5 nghìn ha, năng suất chè búp tươi bình quân đạt 11 tấn/ha, sản lượng 176 nghìn tấn; tỷ lệ cơ cấu giống chè mới đạt trên 80% diện tích; diện tích được chứng nhận chè an toàn đạt 6,5 nghìn ha.

Theo đồng chí Nguyễn Thanh Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT: “Để đẩy mạnh sản xuất chè an toàn để nâng cao giá trị và phát triển chè một cách bền vững, giải pháp quan trọng là cần gắn sản xuất, chế biến với tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy cần có quy hoạch và tổ chức sản xuất hợp lý để các cơ sở chế biến có vùng nguyên liệu đảm bảo số lượng, chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm”. Do đó, tỉnh ta tiếp tục tập trung chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về vấn đề ATVSTP trong sản xuất, kinh doanh chè; đẩy mạnh tập huấn, đào tạo nghề trồng chè, sản xuất chè an toàn, bền vững; chuyển giao công nghệ cho cán bộ khuyến nông, nông dân các huyện trồng chè. Đồng thời tỉnh tập trung chỉ đạo trồng lại diện tích chè cằn xấu, năng suất thấp bằng các giống chè mới năng suất, chất lượng cao để làm nguyên liệu chế biến. Từng bước hình thành các vùng nguyên liệu phục vụ chế biến chè xanh, chè xanh chất luợng cao gắn với các HTX, làng nghề, doanh nghiệp chế biến chè xanh tại các huyện vùng chè. Đẩy mạnh áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng chè nguyên liệu. Đổi mới hình thức tổ chức sản xuất hiệu quả, liên kết trong sản xuất bằng việc xây dựng HTX kiểu mới dịch vụ về phân bón, thuốc BVTV cho vùng sản xuất chè; tổ chức sản xuất theo quy mô lớn, khuyến khích liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm để áp dụng đồng bộ TBKT và ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất và kiểm soát tốt dư lượng thuốc BVTV, nâng cao chất lượng và ATTP trong sản xuất chè. Tăng cường công tác quản lý nhà nước và thực hiện theo quy hoạch; gắn quy hoạch phát triển vùng chè với quy hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp của tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 gắn với tái cơ cấu ngành và quy hoạch sử dụng đất. Triển khai có hiệu quả chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh giai đoạn 2016-2020, trong đó có chính sách hỗ trợ phát triển chè; lồng ghép các nguồn vốn của các chương trình, dự án để tiếp tục đẩy mạnh phát triển chè trên địa bàn.

TRỊNH HÀ


Cập nhật: Ngày 24 tháng chín năm 2022
Nguồn baophutho.vn


Các tin khác...

Sản phẩm nổi bật

  • Thái Bình Ô long trà

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...

  • Chè Ô long hút chân không 200g

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...

  • Ô long Thanh Tâm 100g

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...

  • Chè xanh Bát Tiên hút chân không 200g

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...

  • Chè xanh Ngọc Thúy hút chân không

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...