Chuyên trang thông tin...

[-] Quang Bình, phát triển chè trở thành cây công nghiệp mũi nhọn | CÔNG TY CỔ PHẦN CHÈ THÁI BÌNH LẠNG SƠN Quang Bình, phát triển chè trở thành cây công nghiệp mũi nhọn

Chuyên mục: Sự kiện,  |  Đọc: 77 |  Bản in  | Cỡ chữ

Là một huyện vùng thấp của tỉnh Hà Giang, Quang Bình có tổng diện tích tự nhiên là 79.289 ha, trong đó diện tích đất sản xuất nông nghiệp có 16.061,8 ha, chiếm 20,3%, diện tích đất lâm nghiệp có 57.302,1 ha, chiếm 72,3%, diện tích đất có rùng tự nhiên nghèo kiệt trên 20.000 ha, diện tích đất đồi núi có khả năng sản xuất lâm nghiệp chưa sử dụng là 10.213,5 ha, chiếm 12,9% tổng diện tích.

Dân số toàn huyện có 55.820 người với 12 dân tộc cùng sinh sống, số lao động chính là 25.814 người. Bình quân diện tích đất nông nghiệp trên người là 0,2 ha/người. Tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2010 là 35.264,9 tấn, bình quân lương thực đầu người trên 500 kg/người/năm. Huyện Quang Bình có nhiều điều kiện và tiềm năng phát triển kinh tế, trong đó có tiềm năng về đất đai, khí hậu tài nguyên rừng...phù hợp với nhiều loại cây trồng, đặc biệt là cây chè, cây trồng có truyền thống lâu đời của nhân dân trong huyện, cây chè rất phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của vùng, sản phẩm chè của huyện đã có thương hiệu và được thị trường ưa chuộng.

Những năm qua, huyện Quang Bình đã xác định phát triển sản xuất kinh doanh chè được coi là cây mũi nhọn có tính chiến lược trong sản xuất nông, lâm nghiệp của huyện, đồng thời việc phát triển cây chè có giá trị xã hội to lớn về môi trường, góp phần xoá đói giảm nghèo. Cũng như ổn định kinh tế xã hội nông thôn gắn liền với lịch sử, truyền thống văn hoá của đồng bào các dân tộc trong huyện. Từ đó huyện đã thực hiện quy hoạch và phát triển vùng chè tại 11/15 xã, đặc biệt phát triển mạnh vùng chè Shan tại các xã vùng cao: Tiên Nguyên, Xuân Minh, Tân Nam và Bản Rịa. Huyện đã xây dựng được thương hiệu chè Shan tuyết, sản phẩm đã được quảng bá giới thiệu và tiêu thụ trên thị trường và được người tiêu dùng ưa chuộng. Huyện đã kêu gọi đầu tư và bắt tay với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh xây dựng các cơ sở chế biến để tiêu thụ sản phẩm cho nhân dân. Hiện nay tổng diện tích chè toàn huyện có 2.239,8 ha, trong đó diện tích chè kinh doanh là 1.766,6 ha, năng suất chè búp tươi đạt 37 tạ/ha, sản lượng đạt 6.536 tấn. Tổng thu nhập từ cây chè năm 2010 đạt 31 tỷ đồng, toàn huyện có 2 xưởng chế biến, 5 HTX chế biến và trên 200 máy chế biến chè mi ni. Trong những năm gần đây người nông dân đã có nhận thức rõ về hiệu quả kinh tế của cây chè cho nên đã tập trung vào chăm sóc đầu tư, nhiều hộ gia đình có trên 2 ha chè, thu nhập hàng năm trên 50 triệu đồng. Mặc dù diện tích chè toàn huyện lớn nhưng không tập trung, còn manh mún rải rác, mật độ không bảo đảm, mức độ đầu tư ít nên năng suất đạt thấp, cơ sở chế biến nhỏ lẻ, hệ thống đường giao thông khó khăn, việc đầu tư thâm canh và áp dụng KHKT vào sản xuất chế biến còn hạn chế, đầu ra cho sản phẩm còn bấp bênh, không ổn định.

Xuất phát từ những thực tế đó UBND huyện Quang Bình đã quyết tâm xây dựng đề án Phát triển cây chè giai đoạn 2011 – 2015 và có những định hướng đến năm 2020. Mục tiêu là phát triển và thâm canh cây chè theo hướng đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến nhằm tăng năng xuất, chất lượng, an toàn và hiệu quả sản xuất, tăng sức cạnh tranh sản phẩm chè của huyện, tăng thu nhập cho người trồng chè; đảm bảo phát triển bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường. Phát triển cây chè thành một cây công nghiệp mũi nhọn của huyện, cây chè quyết định phần lớn đến thu nhập của người nông dân, là một cây trồng có hiệu quả kinh tế nhằm giúp xoá đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu cho người nông dân. Mục tiêu đến năm 2015 phấn đấu tổng diện tích chè toàn huyện là 2.500 ha, trong đó diện tích cho thu hoạch là 2.394,6 ha, năng suất 65 tạ/ha, sản lượng 15.564,8 tấn, sản lượng hàng hoá là 12.451,9 tấn, từ nay đến hết năm 2015 toàn huyện sẽ trồng mới 357,4 ha. Mục tiêu đến năm 2020 phấn đấu đưa tổng diện tích lên 3.000 ha, trong đó diện tích cho thu hoạch là 2.816 ha, năng suất đạt 70 tạ/ha, sản lượng đạt 19.711,9 tấn và trồng mới 500 ha, chủ yếu được trồng mới trên đất trồng rừng đã đến tuổi khai thác thuộc các xã trên địa bàn huyện.

Để đạt được những mục tiêu trên, huyện cũng đã có các giải pháp cụ thể, thiết thực, trước hết là đẩy mạnh thâm canh nhằm tăng năng suất và sản lượng, cải tạo diện tích chè già cỗi, đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất chè. Bên cạnh đó đẩy mạnh công tác tập huấn cho cán bộ khuyến công cơ sở trong vùng chè để nâng cao trình độ hướng dẫn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân. Tăng cường công tác tuyên truyền về chè thông qua nhiều kênh khác nhau, tập huấn kỹ thuật cho nhân dân. chỉ đạo chặt chẽ quy trình kỹ thuật nhất là về đầu tư chăm sóc, thâm canh để nâng cao năng suất, chú ý từ khâu thu hái, đốn chè đúng với thời vụ và đúng kỹ thuật, đưa phân vi sinh chất lượng cao để trồng và cải tạo vườn chè. Tạo điều kiện cho các hộ trồng chè được vay vốn ngân hàng với lãi suất ưu đãi để đầu tư thâm canh chè. Cùng đó, tổ chức huy động lồng ghép tất cả các nguồn vốn thuộc các chương trình đê phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ thâm canh cây chè đạt hiệu quả, huy động các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, thâm canh vùng chè, xây dựng cơ sở hạ tầng trong vùng quy hoạch. Tranh thủ các nguồn vốn đầu tư cho phát triển hạ tầng giao thông nông thôn kết hợp với huy động sức dân, nâng cấp và mở mới các tuyến đường liên thôn, liên xã từ vùng nguyên liệu đến cơ sở chế biến, đầu tư hệ thống điện đến các cơ sở chế biến, hệ thống thông tin liên lạc thuận tiện, luôn bảo đảm có đủ nguồn điện và ổn định phục vụ sản xuất. Về giống, dùng giống Shan tại xã có hạt giống ươm giống tại các xã để giảm chi phí vận chuyển cho trồng mới đồng thời bảo đảm chất lượng giống, tiếp tục thực hiện giá giống cho nhân dân theo quy định của nhà nước. Đặc biệt hỗ trợ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX mở rộng nhà máy chế biến, mở các chi nhánh nhỏ để thu mua sản phẩm của nhân dân kịp thời, đồng thời tránh tình trạng độc quyền thu mua sản phẩm của nhân dân, không để tình trạng các doanh nghiệp ép giá người sản xuất. Chấn chỉnh các cơ sở chế biến chè không bảo đảm các yêu cầu, đặc biệt là yêu cầu về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tăng cường hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh để cải tạo, nâng cấp, cải tiến công nghệ chế biến chè, cũng như nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cơ sở chế biến hiện có. Phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại xây dựng và quản lý chất lượng hàng hoá, hướng dẫn các doanh nghiệp đăng ký và bảo vệ thương hiệu hàng hoá. Đảm bảo giữ vững thương hiệu tạo thị trường ngày càng rộng lớn để có thị trường tiêu thụ ổn định./.

Tác giả: Bài,ảnh: Hiến Chương


Cập nhật: Ngày 23 tháng bốn năm 2022
Nguồn hagiang.gov.vn


Các tin khác...

Sản phẩm nổi bật

  • Thái Bình Ô long trà

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...

  • Chè Ô long hút chân không 200g

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...

  • Ô long Thanh Tâm 100g

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...

  • Chè xanh Bát Tiên hút chân không 200g

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...

  • Chè xanh Ngọc Thúy hút chân không

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...