Chuyên trang thông tin...

[-] Phát triển chè thành sản phẩm nông nghiệp chủ lực | CÔNG TY CỔ PHẦN CHÈ THÁI BÌNH LẠNG SƠN Phát triển chè thành sản phẩm nông nghiệp chủ lực

Chuyên mục: Sự kiện,  |  Đọc: 65 |  Bản in  | Cỡ chữ


Thu hái chè đặc sản tại vùng chè La Bằng, Đại Từ. Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN

Chè là cây trồng thế mạnh của tỉnh Thái Nguyên với tổng diện tích hơn 22.000 ha, lớn nhất toàn quốc.

Tỉnh Thái Nguyên đang chú trọng đầu tư phát triển theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, đẩy mạnh sản xuất sản phẩm chè theo quy trình VietGAP, hữu cơ… để chè thành sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh.

Nằm dưới chân dãy núi Tam Đảo, xã miền núi La Bằng, huyện Đại Từ được thiên nhiên ban tặng cho khí hậu, thổ nhưỡng để người dân canh tác cây chè. Hiện nay, diện tích chè của La Bằng đạt trên 350 ha, năng xuất chè tươi bình quân đạt 118 tạ/ha, sản lượng đạt 1.715 tấn. Là cây trồng chủ lực, chè đem lại thu nhập bình quân cho người dân từ 7 - 10 triệu đồng/tháng, trở thành cây xóa đói giảm nghèo bền vững của người dân trong những năm qua. Đặc biệt, năm 2017, sản phẩm chè của Hợp tác xã chè La Bằng được chế biến theo quy chuẩn VietGAP đã được lựa chọn làm quà tặng cho đại biểu dự Hội nghị cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng.

Ông Triệu Văn Đông, Chủ tịch UBND xã La Bằng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên cho biết, Nghị quyết của Đảng bộ xã trong các nhiệm kỳ trước hay nhiệm kỳ 2020 - 2025 luôn xác định chè là cây trồng chủ lực, do vậy chính quyền và bà con đang thực hiện đồng bộ các giải pháp trong sản xuất, chế biến, quảng bá, tiêu thụ chè, đặc biệt chú trọng đến phát triển chè theo hướng an toàn VietGAP, hữu cơ… để chè La Bằng vươn xa ra thị trường quốc tế, làm giàu cho bà con.

Chè là cây trồng thế mạnh của tỉnh Thái Nguyên với diện tích hiện nay khoảng 22.400 ha, sản xuất chè góp phần phát triển nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa bền vững. Theo ông Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên, trong những năm qua tỉnh đã ưu tiên đầu tư cho phát triển chè, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế hơn hẳn so với sản xuất các cây trồng khác.

Việc triển khai Đề án “Nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững cây chè và thương hiệu sản phẩm trà Thái Nguyên, giai đoạn 2017 - 2020" đem lại hiệu quả nổi bật, như sản lượng đạt 245 nghìn tấn, tăng bình quân 3,86%/năm; Giá trị sản phẩm bình quân 1 ha chè đạt 270 triệu đồng, tăng 170 triệu đồng so với năm 2015; Gía trị sản xuất chè đạt trên 5.500 tỷ đồng, chiếm 44,3% tổng giá trị sản xuất ngành trồng trọt.

Đặc biệt, diện tích chè áp dụng quy trình sản xuất an toàn tăng nhanh, tỷ lệ giống mới đạt gần 80%, nhiều tiến bộ khoa học, công nghệ đã được áp dụng như: sử dụng phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học, công nghệ tưới tiết kiệm nước trong thâm canh chè. Đến năm 2020, diện tích chè được cấp chứng nhận VietGAP, hữu toàn tỉnh đạt 2,6 nghìn ha, diện tích chè ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm đạt 4.723 ha, chiếm 21%.

Bên cạnh đó, công tác xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, tiêu thụ chè được tỉnh Thái Nguyên quan tâm, phát triển hiệu quả nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên”, thương hiệu chè mang chỉ dẫn địa lý ‘‘Tân Cương”; nhiều sản phẩm chè được chứng nhận OCOP xếp hạng từ 3- 4 sao.

Tại Đề án phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030 xác định chè là một trong sáu sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Theo đó, Thái Nguyên đặt mục tiêu đến năm 2025 diện tích chè đạt 23.500 ha, giá trị đạt 7.976 tỷ đồng; giá trị sản xuất đạt 350 triệu đồng/ha.

Đến năm 2030, diện tích đạt 24.500 ha, giá trị đạt 9.440 tỷ đồng; giá trị sản xuất đạt 400 triệu đồng/ha. Tích cực ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chè, phấn đấu diện tích sản xuất chè theo tiêu chuẩn GAP đạt 6.000 ha, chiếm 25,5% tổng diện tích, diện tích sản xuất chè theo tiêu chuẩn hữu cơ đạt 235 ha, chiếm 1% tổng diện tích.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, tỉnh Thái Nguyên xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân, doanh nghiệp đầu tư canh tác, sản xuất chè chuyên sâu, đa dạng sản phẩm như: hỗ trợ 100% kinh phí chứng nhận tiêu chuẩn GAP lần đầu, 50% kinh phí cấp lại lần đầu chứng nhận tiêu chuẩn GAP; hỗ trợ 100% kinh phí chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ lần đầu, 50% kinh phí cấp lại lần đầu chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ; hỗ trợ 40% chi phí đầu tư phân bón hữu cơ, phân bón vi sinh, thuốc trừ sâu sinh học, chế phẩm sinh học sản xuất chè hữu cơ trong 3 năm; Hỗ trợ người dân chi phí đầu tư công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho chè và các loại máy móc, thiết bị chế biến, đóng gói, bảo quản chè.

Trần Trang (TTXVN)


Cập nhật: Ngày 20 tháng mười một năm 2021
Nguồn baotintuc.vn


Các tin khác...

Sản phẩm nổi bật

  • Thái Bình Ô long trà

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...

  • Chè Ô long hút chân không 200g

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...

  • Ô long Thanh Tâm 100g

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...

  • Chè xanh Bát Tiên hút chân không 200g

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...

  • Chè xanh Ngọc Thúy hút chân không

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...