© CHELANGSON.COM | Công ty cổ phần chè Thái Bình Lạng Sơn
Nhiều giải pháp giúp làng nghề chè phát triển bền vững


Người dân các làng nghề chè ở TP. Sông Công đã chú trọng dùng phân bón hữu cơ để chăm sóc cây chè.

Sự phát triển của các làng nghề chè trên địa bàn TP. Sông Công đã và đang góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều người dân địa phương. Ngoài việc hỗ trợ thành lập các nhóm, tổ hợp tác xã sản xuất để quảng bá thương hiệu, thành phố chú trọng xây dựng vùng chè an toàn, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm…

Hằng năm, Làng nghề chè xóm Khe Lim (xã Bình Sơn) cung ứng ra thị trường trên 80 tấn chè khô các loại. Theo bà Hoàng Thị Minh, Trưởng làng nghề: Người dân đã tập trung nâng cao chất lượng chè thông qua sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng hữu cơ với diện tích trên 20ha. Nhờ đó, sản phẩm chè làm ra đến đâu được thương lái đến tận nơi thu mua hết đến đó, với giá dao động từ 300-500 nghìn đồng/kg. Đặc biệt, người dân đã chủ động đưa máy móc vào các khâu sản xuất, nhằm giảm nhân công, tiết kiệm thời gian, nâng cao năng suất chè.

Bà Nghiêm Thị Bình, Phó Trưởng Phòng Kinh tế TP. Sông Công, thông tin: Trên địa bàn hiện có 8 làng nghề chè được UBND tỉnh công nhận (tập trung ở xã Bá Xuyên và xã Bình Sơn), trong đó có 5 làng nghề chè truyền thống. Đây là những làng nghề có truyền thống sản xuất chè từ 50 năm trở lên, trên 30% hộ trực tiếp tham gia sản xuất, chế biến chè. Với diện tích trên 450ha chè kinh doanh, hằng năm, sản lượng chè búp tươi toàn thành phố đạt trên 4.800 tấn/năm.

Xác định cây chè là một trong những cây trồng chủ lực của địa phương, vì vậy thành phố đã tập trung nguồn lực đầu tư, phát triển và nâng cao kỹ thuật cho người sản xuất chè tại các làng nghề; chuyển đổi từ trồng chè hạt sang các giống mới cho năng suất, chất lượng cao như: LDP1, Kim Tuyên, Bát Tiên, Phúc Vân Tiên...

Hằng năm, toàn thành phố có trên 20ha chè được trồng mới, trồng thay thế, trong đó diện tích giống mới đạt trên 60%.


Nhiều làng nghề chè trên địa bàn TP. Sông Công đã thành lập các điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm.

Để các làng nghề phát triển bền vững, thành phố cũng tạo mọi điều kiện hỗ trợ các làng nghề thủ tục đăng ký thương hiệu sản phẩm; khuyến khích thành lập các nhóm, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất để có đủ điều kiện vay vốn, quảng bá thương hiệu; xây dựng vùng chè an toàn gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án đầu tư trang thiết bị máy móc, tổ chức cho các hộ trong làng nghề được tham gia tập huấn kỹ thuật trồng, chế biến chè chất lượng cao, bảo đảm mở rộng thị trường tiêu thụ.

Tại xã Bá Xuyên, 12/12 xóm sản xuất chè, với tổng diện tích gần 100ha. Đặc biệt, xã đã thành lập được 3 câu lạc bộ chè an toàn, thu hút hơn 100 hộ ở các xóm: Ao Cang, Chũng Na, Bãi Hát tham gia với diện tích trên 7ha.

Theo bà Trần Thị Hồng, thành viên Tổ sản xuất chè VietGAP Ao Cang - Chũng Na: Khi tham gia tổ sản xuất chè theo hướng an toàn, việc tiêu thụ sản phẩm của người dân thuận lợi hơn. Đến nay, các hộ dân đã nắm chắc quy trình sản xuất và chế biến chè theo tiêu chuẩn VietGAP, tiếp cận được với quy trình sản xuất hàng hoá chất lượng cao.

Cùng với việc tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu giống, thành lập các tổ, nhóm sản xuất chè an toàn, TP. Sông Công cũng triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ làng nghề, nhằm khuyến khích người dân phát triển cây chè.

Chỉ riêng từ đầu năm 2022 đến nay, thành phố đã hỗ trợ cây giống để trồng mới, trồng lại 14ha chè cành tại các xã, phường: Bá Xuyên, Bình Sơn, Châu Sơn, Lương Sơn; hỗ trợ hơn 1 tỷ đồng thực hiện Dự án liên kết trồng, chế biến, tiêu thụ chè VietGAP gắn với du lịch trải nghiệm tại xã Bình Sơn; hỗ trợ 3 máy chế biến chè tại xã Bình Sơn và phường Thắng Lợi; hỗ trợ lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước với tổng diện tích hơn 20ha...

Đặc biệt, thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, thành phố đã đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hỗ trợ các sản phẩm chè được chứng nhận OCOP 3 sao trở lên tham gia các hội trợ triển lãm trong và ngoài tỉnh; hợp tác, liên kết để tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường.

Đến nay, thành phố đã hỗ trợ đưa các sản phẩm chè của 2 hợp tác xã lên sàn giao dịch thương mại điện tử; xây dựng 13 điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại các xã, phường…

Từ những giải pháp cụ thể, phù hợp với thực tế địa phương, hiện nay, các làng nghề chè trên địa bàn TP. Sông Công đã góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương; trên 50ha chè tại các làng nghề được chứng nhận VietGAP; 9 sản phẩm chè được chứng nhận OCOP 3 và 4 sao…


Cập nhật: 202023
Nguồndaithainguyen.vn