© CHELANGSON.COM | Công ty cổ phần chè Thái Bình Lạng Sơn
Đổi thay ở các bản vùng cao Chiềng Khoang


Nhân dân các bản vùng cao xã Chiềng Khoang thu hái chè.

Trung tuần tháng 9, chúng tôi có dịp đến các bản vùng cao xã Chiềng Khoang, huyện Quỳnh Nhai. Mặc dù nơi đây còn nhiều khó khăn, nhưng người dân đang nỗ lực khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương để lựa chọn, xây dựng mô hình kinh tế phù hợp, vươn lên xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Cùng đi với chúng tôi có anh Quàng Văn Nhất, Phó Chủ tịch UBND xã. Vừa đi, anh vừa thông tin: Chiềng Khoang là xã vùng I, có 11 bản, trong đó, 3 bản vùng cao là Phiêng Lỷ, Hua Lỷ và bản Sản, với 324 hộ gồm 2 dân tộc Thái và Mông sinh sống. Khoảng 7 năm về trước, con đường mòn từ trung tâm xã về các bản vùng cao chỉ có thể đi bộ. Nếu đi xe máy, bà con phải đi vòng sang huyện Thuận Châu, xa thêm hàng chục cây số. Nhưng giờ đây, tuyến đường về vùng cao đã được đổ bê tông, giúp bà con đi lại, giao thương hàng hóa thuận tiện. Nhất là điện lưới được kéo về phục vụ đời sống sinh hoạt và sản xuất của bà con.

Mùa này, trên các sườn đồi ở các bản vùng cao Chiềng Khoang trải dài một màu xanh của cây chè, cà phê xen lẫn cây ăn quả, người dân đang tập trung thu hái chè, cà phê; tiếng nói, tiếng cười làm cho không khí lao động sản xuất hăng say. Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là bản Hua Lỷ, trong căn nhà 2 tầng khang trang, Trưởng bản Mùa A Tâm, chia sẻ: Bản có 14 hộ, 57 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Mông. Vận động bà con phát triển kinh tế, Ban quản lý bản đã tuyên truyền bà con chuyển đổi một số diện tích đất trồng ngô, sắn kém hiệu quả sang trồng chè, cà phê, cây ăn quả. Đến nay, bản có gần 30 ha chè, cà phê và cây ăn quả các loại. Chăn nuôi phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, người dân đã nuôi trâu, bò nhốt chuồng xa nhà để không ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhiều hộ đã có thu nhập từ 150-250 triệu đồng/năm từ trồng cà phê, chè, chăn nuôi gia súc, điển hình là gia đình anh Mùa A Phóng; chị Sùng Thị Panh và anh Vừ A Cá...

Đến bản Sản và Phiêng Lỷ, người dân nhắc lại, trước đây chưa có đường cuộc sống rất vất vả, nông sản tiêu thụ khó lắm, nếu muốn bán thì phải chở ra tận xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu, nên chi phí vận chuyển mất nhiều tiền, nhà nào có người ốm đi xuống Trạm y tế xã thì phải đặt vào võng rồi khiêng xuống; cần công chứng giấy tờ thủ tục ở xã cũng đi mất 1 ngày, trẻ con đi học ở trung tâm xã đều phải ở trọ... Nhưng từ khi con đường được đổ bê tông, đi lại thuận tiện, bà con mạnh dạn đầu tư chăn nuôi, trồng trọt phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Kinh tế ổn định, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên; việc chăm lo sự học của con trẻ được chú trọng.

Đang vào vụ thu hoạch cà phê, ông Bạc Cầm Mé, bản Sản, vừa nhanh tay hái quả, vừa nói: Hiện, gia đình tôi có 1 ha cà phê, nuôi 4 con trâu và trồng 5.000m² cây ăn quả. Giao thông thuận tiện, nên nông sản của gia đình cũng như người dân trong bản được thương lái thu mua tận nơi, hay đã có hộ trong bản đầu tư mua ô tô để chở vật liệu xây dựng, thu mua nông sản cho người dân. Hàng năm, thu nhập của gia đình tôi từ trồng trọt và chăn nuôi được hơn 100 triệu đồng.

Anh Quàng Văn Nhất, Phó Chủ tịch UBND xã, thông tin thêm: Để giúp bà con phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, từ nguồn vốn chương trình xây dựng nông thôn mới, xã đã hỗ trợ người dân trồng 40 ha xoài. Ngoài ra, các tổ chức đoàn thể tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi phát triển sản xuất. Hiện nay, người dân 3 bản đã trồng 158 ha cây cà phê, 20 ha chè, gần 60 ha cây ăn quả; duy trì 1.432 con gia súc, gần 12.000 con gia cầm; thu nhập bình quân đạt 42 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 10%.

Tiếp cận thực tế ở các bản vùng cao của Chiềng Khoang, nhận thấy sự thay đổi rõ rệt. Người dân không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, tự vươn lên, tìm hướng thoát nghèo; chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện tốt nếp sống văn hóa, văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; chung sức, đồng lòng tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới. Khu vực 3 bản vùng cao, hiện có trên 75% số hộ đạt gia đình văn hóa; 100% trẻ em trong độ tuổi được đi học; nhiều năm liền không có tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng, không có tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống và không có trường hợp nào sinh con thứ 3...

Chia tay bà con các bản vùng cao Chiềng Khoang, chúng tôi tin rằng, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự thay đổi trong nhận thức của người dân ở cách làm kinh tế, trong tương lai không xa, vùng cao này sẽ trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế của xã, góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Nguồn: Báo Sơn La


Cập nhật: 202023
Nguồnbandantoc.sonla.gov.vn