© CHELANGSON.COM | Công ty cổ phần chè Thái Bình Lạng Sơn
Chợ Mới phát triển vùng cây chủ lực có giá trị kinh tế cao


Nông dân xã Như Cố thu hoạch chè.

Nhằm chuyển đổi cây trồng gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, những năm qua, huyện Chợ Mới xác định phát triển các cây trồng chủ lực gồm: Chè, cây ăn quả, hồi và trồng rừng gỗ lớn. Từ đó, kinh tế nông, lâm nghiệp của địa phương có nhiều khởi sắc.

Diện tích các cây trồng có giá trị kinh tế cao ngày càng được huyện mở rộng theo hướng hàng hóa, mang đặc trưng từng vùng, sản lượng tăng, tạo nguồn thu nhập cho người dân. Theo đó cây cam, quýt hiện có tổng diện tích gần 300ha, được huyện quy hoạch vùng trồng tại các xã Thanh Mai, Thanh Vận, Mai Lạp, Như Cố, Yên Cư và Yên Hân. Những năm qua, cây trồng này đã mang lại nguồn thu đáng kể cho người dân địa phương. Nhiều diện tích đã được cải tạo để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Cây hồng không hạt trồng phân tán ở các xã, thị trấn, được người tiêu dùng ưa chuộng, giá thành ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Diện tích hồng cơ bản do người dân tự nhân giống, trồng phân tán, xen kẽ trên vườn đồi. Cây hồng đang được khuyến khích đầu tư chăm sóc, nâng cao năng suất, chất lượng để phát triển thương hiệu sản phẩm đặc sản của tỉnh.

Là một trong những địa phương trồng mơ với diện tích lớn, hiện Chợ Mới có khoảng 380ha, trong đó diện tích đã cho thu hoạch khoảng 250ha, năng suất trung bình 70 tạ/ha. Trên địa bàn huyện có nhà máy chế biến mơ của Công ty TNHH Việt Nam MISAKI liên kết bao tiêu sản phẩm. Do vậy, vài năm trở lại đây mơ đã trở thành một trong những cây trồng chủ lực của địa phương, mỗi năm mang lại thu nhập hàng tỷ đồng cho người dân. Chợ Mới cũng đã có 02 sản phẩm mơ được cấp giấy chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Cây chuối của huyện chủ yếu trồng ở xã Thanh Vận với diện tích trên 300ha; trong đó có 10ha được chứng nhận an toàn thực phẩm và 20ha được chứng nhận VietGAP. Hiện nay đã có 02 sản phẩm chế biến từ chuối được cấp giấy chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Chè được huyện xác định là một trong những cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Trên địa bàn huyện có 570ha chè trung du, 110ha chè Shan tuyết, nhiều diện tích được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Hiện có 5 sản phẩm chè của Chợ Mới được cấp giấy chứng nhận OCOP cấp tỉnh. Đối với cây lâm nghiệp, huyện đã chỉ đạo thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng. Hằng năm toàn huyện khai thác trên 55.000m3 gỗ nguyên liệu cung cấp cho các doanh nghiệp, hợp tác xã chế biến gỗ trên địa bàn và thị trường ngoài huyện, góp phần tăng thu nhập, ổn định đời sống Nhân dân. Huyện được triển khai chương trình quản lý rừng bền vững FSC tại xã Cao Kỳ, Hòa Mục, Nông Hạ và Dự án KfW8 trên địa bàn 5 xã Thanh Mai, Nông Hạ, Thanh Thịnh, Cao Kỳ, Mai Lạp. Địa phương từng bước đầu tư mở rộng diện tích trồng rừng cây gỗ lớn để nâng cao giá trị rừng và bảo vệ môi trường.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, việc phát triển, sản xuất các cây trồng chủ lực của Chợ Mới còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển hiện nay. Diện tích cây ăn quả đặc sản còn phân tán, chưa hình thành được vùng sản xuất tập trung, chưa được đầu tư cơ sở hạ tầng, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất cũng như kiểm soát chất lượng sản phẩm. Sản xuất quy mô nhỏ lẻ là rào cản cho việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào thâm canh và tiêu thụ sản phẩm. Khâu thu hoạch, chế biến chủ yếu bằng phương pháp thủ công; khâu chế biến sâu để gia tăng giá trị còn yếu, các loại quả chủ yếu là xuất tươi phục vụ tiêu thụ trực tiếp. Sản phẩm chưa đảm bảo tính cạnh tranh trên thị trường do mẫu mã, hình thức hàng hóa chưa hấp dẫn. Tổ chức liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu. Diện tích trồng rừng cây gỗ lớn còn thấp. Do người dân nhận thức chưa đầy đủ, nên thường khai thác rừng theo chu kỳ sản xuất ngắn, giá trị từ rừng chưa cao, chưa nâng cao được hiệu quả về bảo vệ môi trường từ rừng...

Từ thực trạng trên, huyện Chợ Mới đã đề ra kế hoạch, triển khai các giải pháp nhằm tạo vùng sản xuất cây ăn quả đặc sản, cây chè, sản phẩm gỗ rừng trồng theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, góp phần cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025. Đối với từng loại cây trồng, huyện đề ra chỉ tiêu cụ thể về phát triển mới, thâm canh, cải tạo diện tích thoái hóa và mục tiêu được cấp chứng nhận ATTP cấp mã số vùng trồng...

Để thực hiện mục tiêu trên, huyện tập trung tuyên truyền, vận động người dân thay đổi phương thức sản xuất từ quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình sang hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã, liên kết sản xuất hình thành vùng sản xuất hàng hóa. Cùng với đó tiến hành rà soát, đánh giá tiềm năng và nhu cầu của các hộ gia đình có đất đai phù hợp với phát triển cây ăn quả đặc sản, cây chè; phân vùng trồng đến tận cấp thôn để có quy mô đủ lớn cho công tác chế biến, tiêu thụ sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường. Duy trì những diện tích cây ăn quả đặc sản, cây chè hiện có, tập trung trồng thâm canh cải tạo diện tích già cỗi, thoái hóa, trồng thay thế, trồng mới để mở rộng diện tích.

Tiếp tục trồng rừng theo kế hoạch, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung phục vụ công nghiệp chế biến. Tăng cường tuyên truyền vận động để người dân tích cực áp dụng biện pháp kỹ thuật tỉa thưa rừng trồng, kéo dài chu kỳ đối với cây keo khai thác sau 10 năm tuổi và cây mỡ khai thác sau 15 năm tuổi. Phối hợp thành lập các nhóm hộ, hợp tác xã để lập hồ sơ xin cấp chứng chỉ FSC, làm tiền đề để hỗ trợ đầu tư trồng, chăm sóc, khai thác, phục vụ chế biến tại địa phương theo chuỗi giá trị liên doanh liên kết nâng cao giá trị rừng trồng. Huyện sẽ tạo điều kiện, khuyến khích các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào công nghệ chế biến nhằm đảm bảo số lượng, chất lượng cho tiêu thụ nội địa, xuất khẩu. Hỗ trợ các cơ sở chế biến, cơ sở sản xuất xúc tiến thương mại thị trường trong và ngoài nước. Đẩy mạnh liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ và tiếp thị các sản phẩm, từng bước hình thành các chuỗi giá trị bền vững.

Các nhiệm vụ, giải pháp nhằm cụ thể hóa việc thực hiện kế hoạch phát triển cây ăn quả đặc sản, cây chè, sản phẩm gỗ rừng trồng trên địa bàn huyện Chợ Mới đến năm 2025 phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương, đã và đang góp phần nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững ngành Nông nghiệp./.

Lý Dũng


Cập nhật: 022021
Nguồnbaobackan.com.vn