© CHELANGSON.COM | Công ty cổ phần chè Thái Bình Lạng Sơn
Các sản phẩm làm từ cây chè của Việt Nam ngày càng đa dạng và phong phú

Dự báo, trong nửa cuối năm 2021, xuất khẩu chè của Việt Nam tăng trưởng khả quan nhờ nhu cầu toàn cầu đang cải thiện, khi các nền kinh tế thế giới bước vào giai đoạn phục hồi nhờ việc triển khai mạnh mẽ tiêm vắc xin Covid-19 và các hiệp định: CPTPP, EVFTA, UKFTA…

Trong nửa đầu năm 2021, xuất khẩu chè của Việt Nam ước tính tăng 0,1% về lượng và tăng 5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Giá chè xuất khẩu bình quân ước đạt 1.643,6 USD/tấn, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Thị trường chè thế giới

Ru-an-đa: Theo Hội đồng phát triển xuất khẩu nông nghiệp quốc gia (NAEB) của Ru-an-đa, xuất khẩu chè nước này trong tháng 5/2021 đạt 2,03 nghìn tấn, trị giá 5,2 triệu USD, tăng 43,8% về lượng và tăng 36,4% về trị giá so với tháng 5/2020. Giá chè xuất khẩu bình quân trong tháng 5/2021 đạt 2,57 USD/kg, giảm 5,2% so với tháng 5/2020.

Xri Lan-ca: Theo Hiệp hội xuất khẩu chè Xri Lan-ca, trong tháng 5/2021 sản lượng chè nước này đạt 30,37 nghìn tấn, tăng 6,2% so với so với tháng 5/2020. Trong 5 tháng đầu năm 2021, sản lượng chè của Xri Lan-ca đạt 134,72 nghìn tấn, tăng 30,7% so với cùng kỳ năm 2020. Xuất khẩu chè của Xri Lan-ca tháng 5/2021 đạt 23,79 nghìn tấn, tăng 5% so với tháng 5/2020. Trong 5 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu chè của Xri Lan-ca đạt 109,99 nghìn tấn, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2020. Xri Lan-ca xuất khẩu chè nhiều nhất tới thị trường Thổ Nhĩ Kỳ trong 5 tháng đầu năm 2021, đạt 13,8 nghìn tấn, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 10,2% tổng lượng chè xuất khẩu; Tiếp theo là thị trường I-rắc, Nga, Các TVQ Ả rập Thống nhất, Trung Quốc…

Kê-ni-a: Theo báo cáo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), loại trà đen nổi tiếng toàn cầu của Kê-ni-a đang bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu, các khu vực trồng chè ở Kê-ni-a sẽ giảm khoảng 26,2% vào năm 2050. Nhiệt độ của Kê-ni-a sẽ tăng 2,5 độ C trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến năm 2050. Kê-ni-a sẽ có lượng mưa cực lớn.

Khu vực Thung lũng Rift sẽ đặc biệt bị ảnh hưởng. Lượng mưa hàng năm và hàng tháng của Kê-ni-a dự kiến sẽ tăng vừa phải vào năm 2025 và sẽ tiếp tục cho đến năm 2075. Sự thay đổi của khí hậu sẽ ảnh hưởng đến hương vị của trà, mưa ngày càng nhiều sẽ làm thay đổi “hương vị tinh tế của lá trà và có khả năng làm giảm lợi ích sức khỏe”. Các nước sản xuất chè lớn khác bao gồm Ấn Độ, Xri Lan-ca và Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với nhiệt độ tăng và thời tiết khắc nghiệt có thể ảnh hưởng đến sản lượng chè. Trong đó, Kê-ni-a là nước sản xuất chè đen lớn nhất thế giới, trong khi Trung Quốc là nước sản xuất chè xanh lớn nhất.

Tình hình xuất khẩu chè của Việt Nam

Theo ước tính, xuất khẩu chè của Việt Nam trong tháng 6/2021 đạt 11 nghìn tấn, trị giá 20 triệu USD, giảm 8,7% về lượng và giảm 0,2% về trị giá so với tháng 6/2020. Giá chè xuất khẩu bình quân trong tháng 6/2021 ước đạt 1.818,2 USD/tấn, tăng 9,2% so với tháng 6/2020.

Trong nửa đầu năm 2021, xuất khẩu chè ước đạt 58 nghìn tấn, trị giá 95 triệu USD, tăng 0,1% về lượng và tăng 5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Giá chè xuất khẩu bình quân trong nửa đầu năm 2021 ước đạt 1.643,6 USD/tấn, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Tiếp đà tăng trưởng trong nửa đầu năm 2021, trong nửa cuối năm 2021 dự báo xuất khẩu chè của Việt Nam tăng trưởng khả quan nhờ nhu cầu toàn cầu đang cải thiện, khi các nền kinh tế thế giới bước vào giai đoạn phục hồi nhờ việc triển khai mạnh mẽ tiêm vắc xin Covid-19 và các hiệp định: CPTPP, EVFTA, UKFTA… tiếp tục tạo điều kiện để mặt hàng chè của Việt Nam tham gia vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi. Các sản phẩm làm từ cây chè của Việt Nam đang ngày càng đa dạng và phong phú, được đảm bảo sản lượng và chất lượng, phục vụ cho nhu cầu người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Xuất khẩu chè của Việt Nam tới thị trường Pa-ki-xtan chiếm tỷ trọng cao nhất trong 5 tháng đầu năm 2021, đạt 13,23 tấn, trị giá 25,4 triệu USD, tăng 9,2% về lượng và tăng 12,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Tiếp theo xuất khẩu tới thị trường Đài Loan, đạt 6,5 tấn, trị giá 9,94 triệu USD, tăng 16,4% về lượng và tăng 15,8% về trị giá; tới thị trường Nga đạt 5,4 nghìn tấn, trị giá 8,6 triệu USD, giảm 11,4% về lượng và giảm 8,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Đáng chú ý, xuất khẩu chè sang thị trường Trung Quốc tăng mạnh trong 5 tháng đầu năm 2021, đạt 4,55 nghìn tấn, trị giá 6,76 triệu USD, tăng 104,8% về lượng và tăng 87,7% so với cùng kỳ năm 2020. Xuất khẩu chè sang thị trường I-rắc, Ma-lai-xi-a và Ấn Độ tăng rất mạnh trong 5 tháng đầu năm 2021. Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ đạt 1,4 nghìn tấn, trị giá 1,74 triệu USD, tăng 560,5% về lượng và tăng 457,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Dung lượng thị trường nhập khẩu chè của Ba Lan và Thị phần của Việt Nam

Theo số liệu thống kê từ Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), nhập khẩu chè của Ba Lan trong trong 3 tháng đầu năm 2021 đạt 10,1 nghìn tấn, trị giá 26,5 triệu Eur (tương đương 31,5 triệu USD), tăng 0,3% về lượng và giảm 3,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Giá chè nhập khẩu bình quân đạt 2.630,5 Eur/tấn, giảm 4,1% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo nguồn CBI.EU, Ba Lan có tỷ lệ tiêu thụ chè bình quân đầu người cao nhất ở Châu Âu. Chè đen và chè xanh là chủng loại chè tiêu thụ chính tại Ba Lan. Tuy nhiên, xu hướng tiêu thụ chè tại Ba Lan đang thay đổi, người tiêu dùng chè đang hướng tới các sản phẩm chè cao cấp mới như các loại chè có hương vị trái cây, thảo mộc và đặc biệt là các loại chè đặc sản chất lượng cao. Ba Lan là trung tâm xuất khẩu chè tại châu Âu, vì vậy có nhu cầu nhập khẩu chè để phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu.

Về thị trường: Trong 3 tháng đầu năm 2021, Ba Lan nhập khẩu chè chủ yếu từ thị trường Kê-ni-a, Ấn Độ và Trung Quốc. Trong đó, nhập khẩu nhiều nhất là từ thị trường Kê-ni-a, đạt 3 nghìn tấn, trị giá 4,97 triệu Eur (tương đương 5,9 triệu USD), tăng 25,4% về lượng và tăng 6,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020; giá chè nhập khẩu bình quân từ thị trường này đạt 1.638,6 Eur/tấn, giảm 15,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Tỷ trọng nhập khẩu chè từ Kê-ni-a chiếm 30,1%, tăng 6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2020. Nhập khẩu chè từ Ấn Độ trong 3 tháng đầu năm 2021 đạt 1,7 nghìn tấn, trị giá 4,6 triệu Eur (tương đương 5,5 triệu USD), giảm 11,1% về lượng và giảm 3,4% về trị giá; nhập khẩu tư Trung Quốc đạt 1,3 nghìn tấn, trị giá 3 triệu Eur (tương đương 3,6 triệu USD), giảm 5,2% về lượng, tăng 10,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Việt Nam là thị trường cung cấp chè lớn thứ 14 cho Ba Lan trong 3 tháng đầu năm 2021, tuy nhiên lượng và trị giá nhập khẩu từ Việt Nam giảm mạnh. Tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 0,6%, giảm 1,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2020.

Về chủng loại: Ba Lan nhập khẩu chủ yếu là chè đen và chè xanh trong 3 tháng đầu năm 2021. Trong đó, nhập khẩu chè đen đạt 8,7 nghìn tấn, trị giá 22,5 triệu Eur (tương đương 26,7 triệu USD), tăng 2,6% về lượng và giảm 3,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Ba Lan tăng mạnh nhập khẩu chè đen từ thị trường Kê-ni-a, đạt 3 nghìn tấn, trị giá 4,9 triệu Eur (tương đương 5,8 triệu USD), tăng 29,1% về lượng và tăng 12,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Nhập khẩu chè xanh của Ba Lan trong 3 tháng đầu năm 2021 đạt 1,24 nghìn tấn, trị giá 3.68 triệu Eur (tương đương 4,4 triệu USD), giảm 19,1% về lượng và giảm 13,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Đáng chú ý, Ba Lan giảm mạnh nhập khẩu từ các thị trường cung cấp chính như Trung Quốc và In-đô-nê-xi-a…, nhưng tăng mạnh nhập khẩu từ Đức và Việt Nam.

Việt Nam là thị trường cung cấp chè xanh lớn thứ 20 cho Ba Lan, nhưng lượng và trị giá nhập khẩu từ Việt Nam tăng trong 3 tháng đầu năm 2021.


Cập nhật: 252021
Nguồnmoit.gov.vn