© CHELANGSON.COM | Công ty cổ phần chè Thái Bình Lạng Sơn
Thu nhập cao từ cây chè


Ảnh minh họa - nguồn internet

(HNM) - Cây chè rất phù hợp chất đất trung du miền núi như: Ba Vì, Sóc Sơn, Chương Mỹ… Tận dụng lợi thế đó, những năm gần đây, với việc đưa khoa học công nghệ, nguồn giống năng suất, chất lượng tốt vào sản xuất, cây chè đã mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân miền núi…

Xã Hòa Thạch vốn là vùng trồng chè truyền thống của huyện Quốc Oai, nhưng phần lớn là giống chè cũ, kém năng suất nên giá trị kinh tế thấp. Ông Trương Văn Hồng ở thôn Long

Phú chia sẻ: Trước năm 2011, nhiều nương chè cằn cỗi, hiệu quả thấp bị bỏ hoang, rất lãng phí. Nhiều hộ muốn chuyển đổi sang cây trồng khác nhưng chất đất, khí hậu Long Phú vốn chỉ hợp với cây chè nên với cây trồng khác không khả thi… Năm 2012, được sự giúp đỡ của Sở NN&PTNT Hà Nội, nông dân thôn Long Phú đã đưa những giống chè mới vào trồng thay giống chè cũ, nhờ đó năng suất cải thiện rõ rệt. Đặc biệt, các hộ nông dân bắt đầu trồng chè theo tiêu chuẩn VietGAP nên sản lượng, giá trị đều tăng (trung bình đạt 13 tấn/ha, cao hơn 12% so với sản xuất chè theo phương pháp cũ). “Hiện gia đình tôi mở rộng trồng chè lên 4ha và toàn bộ diện tích này được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP” - ông Trương Văn Hồng chia sẻ.

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai Nguyễn Quang Thắm, hiện toàn xã Hòa Thạch có hơn 200ha trồng chè chất lượng cao, trong đó, khoảng 15ha chè đạt chứng nhận VietGAP, giá trị đạt từ 450 triệu đồng đến 700 triệu đồng/ha/năm. Cây chè đang chiếm gần 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn xã Hòa Thạch.

Tương tự, tại huyện Ba Vì, những năm gần đây, chè cũng trở thành cây trồng chính, giúp nhiều hộ dân các xã: Cẩm Lĩnh, Ba Trại, Yên Bài… thoát nghèo, làm giàu. Theo bà Đặng Thị Chanh (thôn 3, xã Ba Trại), gia đình bà trồng chè từ những năm 1960. Để gia tăng giá trị kinh tế từ cây chè, với sự giúp đỡ của ngành Nông nghiệp Hà Nội, gia đình bà đã đưa giống chè mới vào sản xuất, với quy mô diện tích gần 3ha, đạt tiêu chuẩn VietGAP. Đến nay, đã có 80% hộ dân Ba Trại trồng chè. Với hiệu quả kinh tế đạt từ 350 triệu đồng đến 600 triệu đồng/ha/năm, cây chè đã mang lại nguồn thu nhập tương đối lớn, ổn định cho người dân nơi đây.

Nhấn mạnh về cây thế mạnh ở địa phương, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì Hứa Bá Trình cho hay, toàn huyện Ba Vì hiện có 1.800ha trồng chè, trong đó, gần 300ha chè đạt chứng nhận VietGAP; diện tích còn lại được nông dân trồng theo hướng an toàn. Gần đây, nông dân trồng chè ở Ba Vì đã liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã trong sản xuất, tiêu thụ, chế biến; hầu hết chè được thu mua và chế biến với công nghệ tiên tiến nên Ba Vì đang trở thành vùng nguyên liệu cho nhiều nhà máy sản xuất chè tại Hà Nội và các tỉnh lân cận. Nhờ cây chè, nhiều xã miền núi Ba Vì đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới như: Ba Trại, Cẩm Lĩnh…

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, Hà Nội hiện có hơn 3.300ha trồng chè. Bằng việc đưa các giống mới kết hợp ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, chế biến, cây chè thực sự trở thành cây trồng làm giàu cho nông dân miền núi. Theo quy hoạch, Hà Nội tập trung phát triển cây chè tại các huyện: Ba Vì, Sóc Sơn, Chương Mỹ, Quốc Oai. Hằng năm, Sở NN&PTNT hỗ trợ các vùng trồng chè về ứng dụng công nghệ và giống. Cụ thể, trong năm 2019, ngành Nông nghiệp đã cùng các địa phương trồng mới gần 400ha chè theo tiêu chuẩn VietGAP trên nền vùng chè cũ, năng suất kém. Nhiều vùng trồng chè đã đưa hệ thống tưới, phun nước tự động, đầu tư hệ thống kho, máy sấy hiện đại phục vụ công đoạn sơ chế, chế biến, bảo quản chè...

Trong năm 2020, Hà Nội duy trì ổn định khoảng 3.300-3.500ha chè; tiếp tục đưa các giống chè mới có năng suất, chất lượng cao vào trồng tại vùng đồi gò thuộc các huyện: Sóc Sơn, Ba Vì, Quốc Oai; phấn đấu đạt 556ha chè ứng dụng công nghệ cao trong các khâu sản xuất, chế biến, bảo quản...


Cập nhật: 252021
Nguồnnhipsonghanoi.hanoimoi.com.vn