© CHELANGSON.COM | Công ty cổ phần chè Thái Bình Lạng Sơn
Bài 5: Gia tăng giá trị chè Việt Nam


Những đồi chè xanh mát trải dài (Ảnh: HNV)

(ĐCSVN) – Vấn đề đặt ra hiện nay là phải thực hiện nghiêm túc hiệu quả Đề án gia tăng giá trị nông sản nói chung trong đó có chè nói riêng mà ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tập trung đẩy mạnh. Theo đó, hướng đến xây dựng ngành chè theo hướng hiện đại, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Thực tế cho thấy, mặc dù năng suất và sản lượng chè liên tục tăng trong những năm gần đây, nhưng quá trình phát triển ngành chè ở nước ta vẫn còn một số bất cập, do nguyên nhân chủ quan và khách quan, làm hạn chế khả năng thâm canh, tăng năng suất, chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của sản phẩm chè Việt Nam trên thị trường thế giới.

Do đó, về định hướng phát triển cây chè bền vững trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) nhấn mạnh, xây dựng ngành chè phát triển theo hướng hiện đại, đồng bộ, bền vững, đa dạng, trên cơ sở nhu cầu của thị trường gắn với vệ sinh an toàn thực phẩm, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu khoa học công nghệ, đẩy mạnh thâm canh và sử dụng hợp lý tài nguyên đất đai, nguồn nước, lao động để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất. Phát triển sản xuất chè phải gắn kết chặt chẽ với công nghiệp chế biến chè, hình thành các liên kết sản xuất theo chuỗi các vùng sản xuất chè hàng hóa tập trung quy mô lớn, phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ trong nước, trên cơ sở huy động được mọi nguồn lực, phát huy lợi thế của từng vùng, nâng cao khả năng cạnh tranh, mang lại giá trị gia tăng và nâng cao thu nhập cho người sản xuất và doanh nghiệp.

Để nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển bền vững ngành chè trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT đề ra 8 nhóm giải pháp đồng bộ từ tổ chức vùng sản xuất, khoa học công nghệ, chuyển đổi cơ cấu giống gắn với định hướng sản phẩm chè... đến phân vùng nguyên liệu, tổ chức sản xuất, nâng cao năng lực chế biến, xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại.

Về phía các địa phương, cho đến thời điểm này, nhiều tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc đều ban hành chương trình, đề án đi kèm các chính sách ưu tiên phát triển cây chè và sản phẩm chè phù hợp tình hình địa phương. Đơn cử như: Yên Bái đã hoàn thành việc quy hoạch, bảo vệ và phát triển cây chè shan tuyết đặc sản theo hướng an toàn, bền vững, canh tác hữu cơ; Tuyên Quang sẽ quản lý chặt chẽ diện tích chè nguyên liệu, bảo đảm giữ ổn định diện tích chè hiện có, không để xảy ra tình trạng tự chuyển đổi diện tích đất trồng chè.

Trồng chè hữu cơ. (Ảnh: HNV)

Được biết, để đa dạng hóa sản phẩm, tăng sức cạnh tranh, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm chè, tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Đề án phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, xác định chè là cây trồng hàng đầu để tăng thu nhập, làm giàu cho người dân.

Còn tỉnh Phú Thọ triển khai Đề án tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận chè Phú Thọ với mục tiêu đưa cây chè Đất Tổ thăng hạng trên bản đồ chè Việt Nam cả về sản lượng và chất lượng. HĐND tỉnh cũng ban hành Nghị quyết số 05 về chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh, trong đó hỗ trợ sản xuất gắn với xây dựng thương hiệu chè xanh Phú Thọ với mức hỗ trợ 1,2 tỷ đồng/dự án; hỗ trợ khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, mức hỗ trợ cao nhất ba tỷ đồng/dự án.

Tỉnh Lào Cai trong những năm tới sẽ tập trung triển khai dự án ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và phát triển chuỗi giá trị chè; tiếp tục duy trì diện tích gần 500 ha chè chất lượng cao; thực hiện trồng mới nâng tổng diện tích chè ứng dụng công nghệ cao trên toàn tỉnh đến hết năm 2025 đạt hơn 1.000 ha; giá trị thu nhập cao hơn so với thu nhập bình quân chung trong sản xuất chè khoảng 25%. Đồng thời thực hiện việc thâm canh, tăng năng suất, diện tích chè kinh doanh lên 1.205 ha; nâng tổng diện tích chè VietGAP trên toàn tỉnh đạt 3.505 ha, năng suất đạt khoảng 8 đến 10 tấn, áp dụng một trong các tiêu chuẩn như: VietGAP, Global GAP, HACCP, ICM, chè hữu cơ để giúp quản lý chặt chẽ nguồn chè nguyên liệu, ổn định chất lượng sản phẩm tại các vùng nguyên liệu đặc sản chè của tỉnh.

Ngoài ra, để gắn sản xuất chè với du lịch, Phú Thọ xây dựng các tuyến du lịch, các điểm dừng chân tham quan đồi chè như đồi chè Long Cốc, Địch Quả, Vườn quốc gia Xuân Sơn. Tỉnh Yên Bái gắn việc bảo vệ và phát triển vùng chè với phát triển khu du lịch sinh thái của cộng đồng dân tộc H’Mông…Nghệ An phát huy giá trị ốc đảo chè Thanh Chương; Hà Giang, Yên Bái, Sơn La tiếp tục khai thác hiệu quả giá trị rừng chè shan tuyết cổ thụ…

Hy vọng với sự quyết liệt của ngành chủ quản, sự chủ động của các địa phương trong việc thực hiện những giải pháp đồng bộ nêu trên, những bất cập, trở ngại trong phát triển cây chè sẽ nhanh chóng được khắc phục, đưa ngành chè nước ta phát triển tương xứng tiềm năng, đưa kim ngạch xuất khẩu chè của Việt Nam tăng cao, mang lại giá trị gia tăng, thu nhập cao và bền vững hơn cho người sản xuất và doanh nghiệp, góp phần vào chặng đường thực hiện mục tiêu đưa nước ta thành một nước hùng cường, thịnh vượng năm 2045 mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra./.

Lê Anh


Cập nhật: 282021
Nguồndangcongsan.vn