© CHELANGSON.COM | Công ty cổ phần chè Thái Bình Lạng Sơn
Ổn định các liên kết phát triển cây chè


Sản xuất chè theo tiêu chuẩn Organic của Công ty Long Đỉnh ở xã Phúc Thọ

Dù không phải là cây trồng thế mạnh nhưng những năm trở lại đây, sản xuất chè chất lượng cao để xuất khẩu cũng là đóng vai trò quan trọng trong liên kết phát triển sản xuất của huyện Lâm Hà.

Thời kỳ thịnh vượng của cây chè ở Lâm Hà rơi vào giai đoạn từ 2012 - 2016, đó là thời điểm huyện Lâm Hà đã tập trung kêu gọi, hỗ trợ các doanh nghiệp và cá nhân có điều kiện về vốn đầu tư, kinh nghiệm sản xuất đầu tư cho các hộ nông dân có đất canh tác trồng và thâm canh các giống chè năng suất cao và chè chất lượng cao, đặc biệt là chè Kim tuyên (chủ yếu là chè ô long) theo phương thức Nhà nước hỗ trợ nông dân 60% giá cây giống, 40% còn lại do doanh nghiệp hỗ trợ. Doanh nghiệp còn có nhiệm vụ chuyển giao khoa học kỹ thuật thâm canh chè, thu mua chè búp tươi cho nông dân thông qua hợp đồng kinh tế và thực hiện “liên kết 4 nhà”. UBND huyện cũng thực hiện hỗ trợ các hộ nông dân trồng chè chất lượng cao dựa vào phát huy các điều kiện tự nhiên có thế mạnh cạnh tranh cao của từng vùng và các hộ nhận hỗ trợ có diện tích trồng thuần chè theo hướng đầu tư thâm canh.

Kết quả thống kê giai đoạn nêu trên cho thấy, tổng diện tích chè trên địa bàn huyện 327 ha, trong đó có 220 ha chè chất lượng cao. Và, để khẳng định thương hiệu chè, ngành nông nghiệp Lâm Hà đã từng bước triển khai thí điểm các mô hình sản xuất chè áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP từ khâu sản xuất đến chế biến thành phẩm. Các công ty Kin Whan Chen, Jun Hong, Hưng Nông, Long Đỉnh liên tục mở rộng liên kết, mở rộng diện tích sản xuất tại các địa phương như Phúc Thọ, Mê Minh.

Từ những kết quả đạt được, huyện Lâm Hà phấn đấu đến năm 2020 đạt 300 ha chè chất lượng cao. Để đạt mục tiêu đó, huyện đã xây dựng kế hoạch để hỗ trợ một số khâu như chọn giống, chuyển giao công nghệ, tìm thêm thị trường tiêu thụ sản phẩm, thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tới địa phương liên kết với nhà nông sản xuất chè chất lượng cao cùng nhiều chính sách ưu đãi phù hợp quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, mục tiêu này trên thực tế đã không thực hiện được. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp, đến đầu năm 2020, tổng diện tích chè trên địa bàn huyện chỉ còn 220 ha, trong đó có 190 ha chè chất lượng cao của 4 doanh nghiệp liên kết sản xuất.

Một trong những đơn vị hiện nay còn giữ liên kết sản xuất với nông dân nhiều nhất là Công ty Cổ phần Long Đỉnh. Bà Trần Phương Uyên, Phó Giám đốc Công ty cho biết, hiện nay, công ty liên kết với 40 hộ nông dân xã Phúc Thọ với diện tích 40 ha. Tất cả diện tích này được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap và tiêu chuẩn do phía đối tác xuất khẩu trực tiếp là Đài Loan đưa ra. Bên cạnh đó, công ty đang sản xuất 10 ha có chứng nhận sản xuất Organic của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ.

Theo bà Uyên, từ khi đầu tư vào địa phương năm 2009, công ty đã phải tăng cường công tác quản lý, giám sát đặc biệt là tại những vùng sản xuất tập trung để nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong việc sản xuất chè an toàn; đảm bảo chất lượng và phát triển bền vững. Qua thời gian, người dân đã biết ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất chè để tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng. Tuy nhiên, từ thực tế hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp chè đều bị ảnh hưởng bởi thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Một số hộ dân đã không còn mặn mà, không bỏ công chăm sóc cẩn thận dẫn đến hiệu quả thu lại từ cây chè không còn cao. Một số hộ đã chủ động xin ngừng liên kết, chuyển đổi cơ cấu cây trồng khác phù hợp hơn.

Ông Vũ Bá Yêu - Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện nay trong các liên kết, giá thu mua vẫn đang ở mức ổn định, doanh thu đạt 300 triệu đồng/ha nếu chăm sóc tốt, búp chè đạt chất lượng. Những năm qua, địa phương cũng đã đề nghị doanh nghiệp mở rộng liên kết với nông dân nhưng chưa thể thực hiện bởi chính bản thân doanh nghiệp cũng đang gặp khó, mà khó khăn lớn nhất như đã đề cập đó chính là tiêu thụ sản phẩm. Để làm ra sản phẩm chè chất lượng cao thì chi phí sản xuất cao, đồng thời quy trình chế biến cũng phải tuân thủ theo những tiêu chuẩn nhất định. Chính vì thế, từ 2017 trở lại đây, huyện Lâm Hà không chủ trương mở rộng trồng mới mà ổn định diện tích, vận động các hộ tham gia trồng trong liên kết, bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra ổn định.

Hiện nay, đa phần các sản phẩm từ chè chất lượng cao của địa phương dành cho xuất khẩu. Tập trung sản xuất, đa dạng và nâng cao các sản phẩm từ chè đang là hướng đi trong thời gian tới. Ví dụ như tại Công ty Long Đỉnh, ngoài 90% sản phẩm xuất khẩu thì công ty đang cố gắng nâng tầm giá trị sản phẩm bằng chứng nhận sản xuất hữu cơ - dù rằng điều này vẫn chưa thực sự được khách hàng trong nước đón nhận khi giá thành của sản phẩm ở mức cao.

HỒNG THẮM


Cập nhật: 222021
Nguồnbaolamdong.vn