© CHELANGSON.COM | Công ty cổ phần chè Thái Bình Lạng Sơn
Ngành chè hướng đến phát triển bền vững


Ngành chè thay đổi để thích ứng

Năm 2020, doanh thu ngành chè dự kiến đạt 552 triệu USD. Một con số còn khá nhỏ so với tiềm năng của ngành hàng này. Xây dựng ngành chè bền vững và chất lượng, không chỉ giúp nâng thương hiệu, tăng giá trị mà còn nhắm vào thị trường xuất khẩu khó tính.

Ông Đoàn Anh Tuân, Giám đốc Công ty TNHH Thế Hệ Mới – thương hiệu trà Cozy cho hay, đối với doanh nghiệp, muốn phát triển bền vững thì yêu cầu cấp thiết đó là sản phẩm phải an toàn. Trong làm chè nội tiêu, công ty đã mua toàn bộ vùng chè của đồng bào dân tộc tại Bảo Lộc (Lâm Đồng) với giá mua cao gấp 4- 5 lần so với giá chè xuất khẩu để chế biến chè, dù vậy, doanh nghiệp vẫn có lãi.

Song song với đó, doanh nghiệp cũng đẩy mạnh đầu tư vào trang thiết bị chế biến, như dây chuyền cắt chè bằng máy. Chè sau khi thu hái sẽ đưa vào máy rửa và sấy khô. Tất cả đều được làm tự động, sạch an toàn tuyệt đối.

Nếu chi phí lao động ngày càng cao, chất lượng chè đi xuống, giá bán chỉ 1,5 - 3 USD/kg thì người làm chè sẽ không thể sống được. Chính vì thế, bây giờ phải tư duy khác, nhằm tăng năng suất. Do đó, dù sản lượng xuất khẩu sụt giảm nhưng hiệu quả tăng lên rất nhiều, xuất khẩu thành phẩm hiện đang chiếm tới 70 – 80% doanh thu của doanh nghiệp, ông Tuân chia sẻ thêm.

Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một trong số ít các doanh nghiệp ngành chè làm được. Đa phần xuất khẩu chè của Việt Nam vẫn xuất thô.

Theo Hiệp chè Việt Nam, sản xuất chè 11 tháng năm 2020 đạt 175 nghìn tấn, ước cả năm đạt 180 nghìn tấn, giảm khoảng 5.000 tấn so với năm 2019. Kim ngạch xuất khẩu 11 tháng năm 2020 đạt 201 triệu USD, giảm 5,5% so với cùng kỳ năm 2020, ước cả năm 2020 đạt khoảng 220 triệu USD. Sản lượng xuất khẩu tăng nhưng kim ngạch xuất khẩu giảm, nguyên nhân do giá xuất khẩu giảm, năm 2019 đạt 1.750 USD/tấn, nhưng năm giá xuất khẩu bình quân 11 tháng năm 2020 đạt 1.621 USD/tấn, giảm 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Nội tiêu ước cả năm duy trì ở mức 45 nghìn tấn, doanh thu nội tiêu dự kiến đạt 315 triệu USD. Doanh thu xuất khẩu tiểu ngạch đạt 17 triệu USD. Tổng doanh thu toàn ngành năm đạt 552 triệu USD.

Việt Nam hiện đứng thứ 5 trên thế giới về xuất khẩu chè, đứng thứ 7 về sản xuất chè toàn cầu. Sản phẩm chè của Việt Nam hiện đã được xuất sang 74 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, theo đánh giá, khoảng 90% sản lượng chè của nước ta xuất khẩu ở dạng thô, giá bán thấp và được tiêu thụ dưới thương hiệu của các nhà nhập khẩu. Cùng với đó, hoạt động sản xuất chè còn nhiều hạn chế bất cập...

Ông Hoàng Vĩnh Long, Phó Tổng thư ký kiêm Chánh Văn phòng Hiệp hội chè Việt Nam nhận định, về cơ bản sản xuất chè của Việt Nam vẫn là sản xuất nông hộ nhỏ, nguyên liệu chè cung cấp cho chế biến chủ yếu từ các giống chè có chất lượng thấp. Ðiều này khiến cho chất lượng sản phẩm chè của nước ta không đồng đều và khó đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất tạo ra những sản phẩm chất lượng cao. Việc liên kết sản xuất, chế biến chưa đạt yêu cầu. Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cũng là rào cản lớn để chè Việt Nam tiếp cận được các thị trường cao cấp tiềm năng.

Để ngành chè có hướng đi bền vững riêng, cần áp dụng và triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đổi mới quy trình sản xuất, chế biến, nâng cao giá trị xuất khẩu, phải đi song song 2 chân. Tăng nội tiêu, tăng chế biến nhằm giảm áp lực nên xuất khẩu chè, ông Đoàn Trọng Phương - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chè Lâm Đồng khuyến nghị.

Cùng với các ngành hàng khác, thì ngành chè cũng đang đẩy mạnh hợp tác công tư (PPP) nhằm hướng phát triển bền vững, bảo vệ môi trường. Điều này giúp ngành chè Việt Nam được nâng cao cả về chất lượng và vị thế để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Phát triển ngành chè bền vững quan trọng nhất vẫn là truy xuất nguồn gốc, bảo đảm an toàn thực phẩm. Ở góc độ cơ quan quản lý, ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật - Bộ NN&PTNT cho biết, trong 5 năm vừa qua, dưới vai trò quản lý Nhà nước, Cục Bảo vệ thực vật đã tham gia vào nhóm PPP của ngành chè. Cùng với Hiệp hội Chè Việt Nam và 12 công ty, Cục Bảo vệ thực vật đã thành lập những tổ đội chuyên trách vấn đề bảo vệ thực vật. Theo đó, những tổ đội sẽ có nhiệm vụ tập huấn cho người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng, cách kiểm soát dư lượng thuốc, cách nhận biết danh sách những loại thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng trên cây chè. Mục tiêu cuối cùng là đảm bảo chất lượng sản phẩm chè, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm để phục vụ cho xuất khẩu. Cùng với vấn đề an toàn thực phẩm, việc truy xuất nguồn gốc, cấp mã số vùng trồng cũng đang được các nước nhập khẩu đặc biệt quan tâm, nhất là khi các Hiệp định FTA được thực thi. Hiện cục đã làm việc với một số tổ chức, Hiệp hội Chè Việt Nam tổ chức thí điểm cấp mã số vùng trồng cho các địa phương như Thái Nguyên, Sơn La.

Hồng Hạnh


Cập nhật: 032021
Nguồnthoibaonganhang.vn