© CHELANGSON.COM | Công ty cổ phần chè Thái Bình Lạng Sơn
Lên vùng cao tìm cây chè cổ Tùng Xán


Một cây chè cổ ở Tùng Xán.

Với giới sành sỏi, thương hiệu “chè Shan” từ lâu không còn xa lạ, nhiều người tới thăm các vườn chè cổ thụ trên Suối Giàng (Nghĩa Lộ, Yên Bái) hay ghé xưởng xao chè của đồng bào Mông, đi theo người dân hái búp trên những thân chè vài trăm năm tuổi ở Tà Xùa (Sơn La).

Nhưng ở Hoàng Su Phì, Hà Giang, gần đây đã xuất hiện thêm một dòng chè cổ thụ khác, mang đậm vị núi rừng, cũng là giống chè Shan, khi pha sẽ tạo nên hương bị đậm đà, thơm ngát, có phần chát nhưng vị ngọt hậu thì nồng nàn rất khó diễn đạt. Thứ chè cánh to, vị thơm đậm này vẫn được giới làm nghề ở Hoàng Su Phì gọi đơn giản bằng cái tên “chè rừng”.

Có nghĩa là thu hái trên rừng. Rất ít người ngoài thị trấn Vinh Quang biết đến những thân chè cổ này chứ đừng nói tới người dưới xuôi bởi đơn giản, đường lên tới nơi có chè không phải là hành trình du ngoạn bình thường.

1.Từ thị trấn Vinh Quang vào được xã Tùng Xán, con đường chỉ gần 20km nhưng có tới 4-5 quãng trơ nền đất, càng khó đi hơn khi mùa mưa đã đến. Những cơn mưa rừng dai dẳng góp phần hủy hoại con đường khiến chiếc xe 7 chỗ của chúng tôi phải đánh vật trên từng khúc lầy lội. Đoàn xe tải chở vật liệu, những chiếc xe khổng lồ chở hàng hóa đã cày nát con đường, tạo thành những vệt đất sâu hoắm. Xe tải gầm cao đi lại còn khó khăn, huống gì xe nhỏ.

Hùng, tay nhiếp ảnh vốn đã rong ruổi khắp các cung đường Bắc – Nam cũng phải nhăn trán khi ngắm những khúc đường sạt lở. Gặp mỗi khúc như vậy, người trên xe đều phải xuống đi bộ, để Hùng tự lái bằng cách ghếch bánh vào vệt đất cao, đi chênh vênh qua những bãi lầy trơn trượt. Xe cài 2 cầu, gầm rú, xả khói mù mịt, bánh xe quay tít mỗi lúc sa vào ổ lầy. Mất gần 2 tiếng đồng hồ để đi từ trung tâm huyện lên xã Tùng Xán, cảm giác căng thẳng lúc nào cũng đeo bám từng người, nhất là khi nhìn xuống vực sâu hun hút ở bờ ta luy âm.

Người quen của một thành viên trong đoàn sinh sống ở Tùng Xán. Anh tên Chu Văn Thanh, cả nhà anh làm lụng nương rẫy, nuôi lợn gà, trồng thảo quả và thu hái chè trên sườn núi mù sương cách bản 5km. Đứng trước sân nhà nhìn ra, rặng núi trập trùng mù mịt sương khói là nơi chúng tôi sẽ lên để thăm các cụ chè”. Phải gọi là cụ thật, vì theo lời người dân địa phương, những gốc chè đó chẳng biết đã có bao nhiêu năm tuổi, họ chỉ biết từ đời ông nội, cụ nội, cố nội… đã từng hái chè ở đó mang về nhà uống.

Ngày xưa giao thương khó khăn, đi lại chỉ bằng đôi chân người và chân ngựa, đường xuống huyện chỉ có lối ngựa đi thì lấy đâu ra chuyện hái chè mang về xuôi bán, vậy nên hương vị huyền bí của chè Shan cứ bao đời nay được lưu giữ trên triền núi, chỉ gần đây mới được thế giới bên ngoài biết tới và đánh động lòng yêu thích của cộng đồng.

2. Trước khi lên núi, chúng tôi hỏi quanh một lượt xem nhà nào còn gà để đặt bữa trưa. Tất cả lắc đầu trả lời: “Gà thả đi hết rồi, không bắt được đâu”. Thanh cũng cười phụ họa. Trên núi người ta nuôi gà, lợn theo cách đó, sáng thả ra, chiều tối chúng nó tự tìm về chuồng, mà đã thả ra thì đừng bao giờ hy vọng bắt được, kể cả là chủ vì chúng chạy rất nhanh. Thôi đành dặn người nhà nấu nồi cơm, luộc đĩa rau rồi chúng tôi theo chân Thanh hướng về chân núi.

Một góc xã Tùng Xán.

May hôm đó trời khô ráo, con đường mòn vắt ngược lên cao còn tạm đặt được mũi giày. Làm gì có đường xếp bậc như lối các bạn trẻ hay đi phượt, cứ nhằm chỗ nào đặt được chân là trèo. Thanh nói vườn chè này có khoảng 200 gốc chè, trong đó có hơn 10 thân cổ thụ. Mỗi buổi đi hái chè sẽ thu được 3-4kg chè tươi, tính ra mỗi ngày cũng kiếm được gần 100.000 đồng, không tệ so với đời sống miền núi, nhưng thế vẫn chưa bằng người làm thảo quả. Nếu gặp mùa thuận lợi mà thương lái mua giá cao, dân trồng thảo quả có năm thu về gần 100 triệu. Nhưng đó là năm giá cao thôi, còn như mấy năm nay giá xuống thấp lắm.

Lặn lội mãi thì cũng đến được sườn núi khuất trong mây mù và trước mắt chúng tôi là những thân cây to hơn một người ôm. Nhìn chẳng khác gì các loài cây khác trong rừng, chỉ có những ai chuyên về chè mới nhận ra đó là nguồn gene cực quý của đất Việt. Thân cây cao, xù xì mốc xanh, mốc đỏ, địa y trắng bám loang lổ.

Anh chàng đi cùng mê mẩn với những lớp mốc này, về sau nghe giải thích, tôi mới hiểu, chỉ những cây chè mọc trong vùng khuất nắng, nhiều sương gió mới sinh ra lớp mốc màu đỏ và từ đó, lá chè sau khi chế biến sẽ có vị đậm đà, hương phẩm cao hơn các giống chè khác rất nhiều. Quý lắm đấy, không nước nào có đâu, một thành viên của đoàn xác nhận.

Du khách thích thú khi tận mắt xem cây chè cổ.

Và anh đã nói thì chắc chắn đúng, bởi anh là chuyên gia chè, đã lăn lộn ở vùng chè Hà Giang hơn 10 năm nay, gắn bó với dòng chè Shan và mong muốn đưa được sản phẩm quý này ra thế giới. Trong một hội chợ thương mại năm 2019 ở Thẩm Quyến, 1kg chè Shan đã từng được bán với giá 70 triệu đồng, sánh tầm với tất cả các thương phẩm nổi tiếng khác của thế giới. Không ai có thể tưởng tượng được mức giá ấy nhưng đó là sự thật. Còn ở đây, những thân chè cổ thụ gần như không ai biết tới, được dân bản thu hái để bán cho lái buôn chỉ với giá 250.000 – 300.000 đồng/kg. Không bán giá như vậy thì thương lái không mua.

Chỉ ra sườn núi xa xăm, Thanh kể ở đó còn có giống chè măng, loại mà người ta chỉ hái búp nhọn của cây, khi hãm nước sôi sẽ tạo thành một loại nước chè không màu, thơm ngát, vị ngọt rất khó tả. Đó là loại thương phẩm mới khuấy động giới sành chè 1-2 năm nay và rất ít người biết xuất xứ của nó. Nhưng để đến được những gốc chè lạ đó, cần đi núi mất 2 ngày, ngủ 1 đêm trong rừng. Với thời tiết mùa này thì điều đó là bất khả, vì vậy, chúng tôi đành bằng lòng với những thân chè cổ trên sườn núi không tên ngoài bản Tùng Xán để sau đó, về xuôi với những gói chè khô mà Thanh tự tay thu hái, tự xao bằng bếp củi sau nhà.

Thái A


Cập nhật: 212020
Nguồncstc.cand.com.vn