© CHELANGSON.COM | Công ty cổ phần chè Thái Bình Lạng Sơn
Bản Liền xóa nghèo nhờ chè Shan hữu cơ


Thu hoạch chè Shan hữu cơ ở HTX Bản Liền (Ảnh IT)

Phát triển cây chè Shan theo hướng hữu cơ, HTX Chè hữu cơ Bản Liền đã giúp đồng bào dân tộc thiểu số người Tày, người Mông ở xã vùng sâu Bản Liền, huyện Bắc Hà (Lào Cai) có nguồn thu nhập khá, có việc làm ổn định, đẩy nhanh xóa nghèo và vươn lên làm giàu.

Sau sáp nhập, xã Bản Liền còn 7 thôn với 486 hộ dân, có đến 310 hộ dân tham gia liên kết sản xuất cùng HTX Chè hữu cơ Bản Liền, chiếm hơn 70% dân số toàn xã. Vùng chè Shan hữu cơ Bản Liền trải rộng trên địa bàn 4 thôn Pắc Kẹ, thôn đội 2, đội 3, đội 4 với mật độ rất thưa thớt khoảng 3.000 cây/ha, nhưng lại là nguồn sinh kế chính, mang đến đổi thay kỳ diệu tại mảnh đất này.

Trồng chè theo tiêu chuẩn VietGAP

Chè Shan ở Bản Liền được trồng cách đây hàng trăm năm, nhờ độ cao và khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp cho nên có chất lượng cao. Chè pha được nước, màu nước xanh đẹp, vị ngọt hậu và hương thơm tự nhiên, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Khai thác lợi thế đó, huyện Bắc Hà và chính quyền xã Bản Liền đã quy hoạch vùng trồng chè và xây dựng cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ phù hợp để giúp người dân trồng chè Shan, đưa cây chè thành mũi nhọn kinh tế nông nghiệp, tạo nguồn thu nhập cao hơn và bền vững.

Tháng 11/2004, HTX Chè hữu cơ Bản Liền được thành lập với hy vọng đánh thức tiềm năng cây chè để giúp xóa đói giảm nghèo. Từ khi thành lập, chính quyền địa phương đã phối hợp với ban lãnh đạo HTX đến gõ cửa từng nhà, gặp từng người dân tổ chức tuyên truyền vận động thay đổi tập quán canh tác, tổ chức các lớp tập huấn nâng cao trình độ, kỹ thuật sản xuất.

HTX đã liên kết với các hộ dân trồng và thu hoạch chè hữu cơ theo tiêu chuẩn VietGAP, bảo đảm không sử dụng hóa chất để diệt cỏ và trừ sâu, không dùng thuốc kích thích sinh trưởng để tăng sản lượng sản phẩm búp tươi.

Người dân trong xã tự nguyện phân chia thành các nhóm hộ sản xuất dựa theo địa bàn cư trú hoặc các nương, vườn chè ở gần nhau. Mỗi nhóm sản xuất tự nguyện như vậy bầu ra một nhóm trưởng, chịu trách nhiệm liên kết và quản lý các nhóm viên thực hiện sản xuất theo quy chuẩn đề ra.

Trường hợp một hộ nào đó trong nhóm vi phạm cam kết quy trình sản xuất chè hữu cơ, không bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, sẽ bị nhóm đề nghị HTX không thu mua sản phẩm trong 3 tháng liền, để chủ hộ khắc phục hậu quả, rút kinh nghiệm và tuân thủ các quy định về sản xuất chè sạch, không làm ảnh hưởng đến nhóm và HTX.

Không chỉ quản lý quy trình sản xuất chặt chẽ, ông Phạm Quang Thận, Giám đốc HTX còn cho biết khi giá chè trên thị trường biến động theo hướng giảm, HTX sẽ "chịu lỗ" để duy trì giá mua chè búp tươi cho người dân theo mức giá đã cam kết trong thời hạn một năm, sau đó mới thương lượng với hộ trồng chè.

Nguồn thu nhập bền vững

Nhờ những nỗ lực của HTX, thu nhập của người dân Bản Liền đã tăng lên rõ rệt, hiện đạt 25,88 triệu đồng/người/năm, tăng 9,92 triệu đồng so với năm 2018. Giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác đạt 38 triệu đồng/ha, tăng 5,8 triệu đồng/ha so với năm 2018. Đáng mừng nhất là tỷ lệ hộ nghèo đã giảm nhanh, hiện chỉ còn 27,98%, trước đây là trên 40%. Toàn xã còn 136 hộ nghèo, đã giảm được 69 hộ nghèo so với năm 2018.


Cây chè Shan hữu cơ đang góp phần đổi thay cuộc sống của đồng bào vùng cao xã Bản Liền (Ảnh IT)

Năm vừa qua, người dân Bản Liền thu hái được trên 1.200 tấn chè búp tươi, doanh thu từ cây chè đạt trên 19,8 tỷ đồng. Mấy năm nay, chè được mùa, được giá, trung bình từ 12.000 - 15.000 đồng/kg, có thời điểm lên tới 19.000 đồng, thậm chí cao nhất 22.000 đồng/kg nên bà con rất phấn khởi. Nhiều hộ thoát nghèo và đang làm giàu từ chuyển đổi các diện tích ngô, lúa kém hiệu quả sang trồng chè Shan, làm chè hữu cơ theo tiêu chuẩn VietGAP để bán cho HTX Chè hữu cơ Bản Liền.

Có thể kể đến gia đình ông Vàng A Vận ở Ðội 3, ông Lâm A Thướng ở Ðội 2..., bán chè mỗi năm thu về từ 60 - 80 triệu đồng, từ đó cuộc sống ngày càng được nâng cao, có tích lũy làm giàu. Khá nhất xã Bản Liền là hộ ông Vàng A Dựng, với 15 ha chè thuần chủng giống Tuyết Shan. Do chăm bón tốt theo tiêu chuẩn VietGAP, thu hoạch đúng kỹ thuật, hàng năm gia đình ông thu được khoảng từ 300 - 400 triệu đồng. Chị Lâm Thị Huệ ở thôn Đội 2 cũng nhờ trồng chè đã thoát nghèo được hai năm nay, hiện tại có việc làm và thu nhập ổn định, cuộc sống đang khá lên.

Bí thư Ðảng ủy xã Bản Liền Vàng A Dương đánh giá: "Cái được lớn nhất nhờ chuyển đổi trồng chè là tạo việc làm, có nguồn thu nhập ổn định, do đó con em trong xã Bản Liền gắn bó với gia đình, làng bản, không bỏ đi nơi khác làm thuê. Cây chè vừa giúp xóa đói giảm nghèo, vừa phủ xanh đất trống đồi trọc, giữ gìn nguồn nước sinh thủy và bảo vệ môi trường hiệu quả".

Hoàng Lê


Cập nhật: 012020
Nguồnthoibaokinhdoanh.vn