© CHELANGSON.COM | Công ty cổ phần chè Thái Bình Lạng Sơn
Đánh thức tiềm năng phát triển đa dạng các sản phẩm chè địa phương


Vùng chè nguyên liệu tại Phja Đén (Nguyên Bình).

Thực hiện chính sách phát triển đa dạng các loại cây trồng để nâng cao đời sống cho đồng bào vùng trung du và miền núi, hằng năm, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) ký kết hợp đồng, giao cho các đơn vị, tổ chức trong và ngoài tỉnh thực hiện thành công nhiều đề tài, dự án nghiên cứu khoa học liên quan đến việc phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh. Thành công của các công trình nghiên cứu đó đã đánh thức tiềm năng phát triển đa dạng các sản phẩm chè tại địa phương.

Chè là cây trồng có từ lâu đời và gắn liền với đời sống lao động, sản xuất của người dân trong tỉnh. Tuy nhiên, trong một thời gian dài, người dân không có điều kiện học tập, nâng cao trình độ kỹ thuật về thâm canh và quy trình chế biến, bảo quản; chưa có sự gắn kết giữa chế biến và sản xuất nguyên liệu; chè Cao Bằng còn nghèo nàn về chủng loại; mẫu mã, bao bì sản phẩm hầu như không có, vì vậy chưa có uy tín trên thị trường, dẫn đến giá thành thấp và hiệu quả kinh tế từ nghề trồng chè hạn chế, nhiều người dân bỏ cây chè chuyển sang trồng ngô, sắn, mận…

Trên cơ sở xác định nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ chè của người dân trong và ngoài nước rất lớn, sản phẩm chè có thị trường rộng, ổn định; riêng chè xanh của Việt Nam đã xuất khẩu trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ; ngoài chè xanh, trên địa bàn tỉnh có nhiều loại cây trồng có thể chế biến thành các sản phẩm chè uống bổ dưỡng như: chè đắng, chè dây, giảo cổ lam… Bên cạnh lợi ích kinh tế, các loại cây này còn mang yếu tố xã hội, gắn với vùng sâu, vùng cao của tỉnh, Sở KH&CN xác định tập trung trồng và sản xuất sản phẩm chè là hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho người dân.

Từ năm 2000 đến nay, bằng nguồn vốn sự nghiệp khoa học, Sở ký kết hợp đồng, giao cho các đơn vị, tổ chức trong và ngoài tỉnh thực hiện thành công 13 đề tài, dự án phát triển đa dạng cây chè và các sản phẩm từ chè trên địa bàn tỉnh. Từ kết quả của các công trình nghiên cứu đã cho ra đời hàng loạt các sản phẩm chè chất lượng và uy tín trên thị trường, như: chè dây, chè đắng “khổ tinh trà”; chè Giảo cổ lam; chè Ô Long; chè xanh Phja Đén; chè Kolia, chè Thị Ngân…

Nhờ chú trọng thực hiện đồng bộ các giải pháp về chất lượng, mẫu mã, bao bì, xác lập quyền sở hữu trí tuệ và xây dựng, phát triển thương hiệu nên hầu hết các sản phẩm chè đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, góp phần quan trọng phát triển vùng nguyên liệu; nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh phát triển.

Điển hình có sản phẩm trà Giảo cổ lam do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN sản xuất đã được Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, được người tiêu dùng ưa chuộng và bình chọn là 1 trong 5 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Bắc năm 2012. Hiện nay, sản phẩm có mặt tại hầu hết các tỉnh trong cả nước. Trung bình mỗi năm Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN sản xuất khoảng 20.000 hộp. Do tiềm năng đưa sản phẩm ra thị trường lớn nên năm 2012, Trung tâm triển khai thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình trồng và chế biến cây Giảo cổ lam tỉnh Cao Bằng thành hàng hóa”.

Dự án cấp 10.000 cây giống cho 30 hộ dân tại một số xã của 2 huyện: Hòa An, Trùng Khánh với diện tích khoảng 10 ha. Giảo cổ lam là cây dễ trồng, không tốn công chăm sóc, năng suất đạt từ 4 - 5 tấn/ha, một năm cho thu hoạch 2 vụ, cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 3 - 4 lần so với trồng ngô. Dự án tạo điều kiện cho hàng trăm hộ dân vùng nguyên liệu tăng thu nhập.

Từ năm 2014, bằng nguồn vốn sự nghiệp KH&CN của tỉnh, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chè giống mới phối hợp với Công ty TNHH Xây dựng miền Tây triển khai Đề tài “Nghiên cứu, xây dựng quy trình chế biến tạo ra một số sản phẩm chè đặc sản từ các giống chè mới tại Phja Đén, Cao Bằng”. Hơn một năm triển khai, Công ty đã xây dựng được một số quy trình chế biến và tạo ra 6 loại trà đạt tiêu chuẩn sạch, chất lượng cao, gồm: Chè xanh thơm, chè Mao Tiêm, chè Ô Long, chè sợi, Hồng trà, chè Đông phương mỹ nhân. Các sản phẩm bước đầu được người tiêu dùng đánh giá cao và lượng tiêu thụ tốt.

Nhờ đẩy mạnh hoạt động thông tin quảng bá sản phẩm, đa dạng mẫu mã, bao bì nên các sản phẩm chè xanh của Công ty có mặt ở tất cả các siêu thị, các điểm du lịch tại Cao Bằng và một số địa phương khác. Hiện nay, Công ty nhận được đơn đặt hàng của các nước: Canada, Hàn Quốc, Đài Loan… Các sản phẩm chè xanh của Công ty mở ra nhiều cơ hội giúp người dân huyện Nguyên Bình phát triển kinh tế hộ gia đình bền vững từ việc trồng chè.

Năm 2016, Sở triển khai Dự án “Xây dựng mô hình trồng và chế biến chè xanh chất lượng cao tại xã Thị Ngân, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng” với tổng kinh phí trên 1 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách KH&CN hỗ trợ 800 triệu đồng. Dự án đã tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc chè cho các hộ dân trong xã; hướng dẫn người dân trồng 4 ha chè giống Kim tuyên, Phúc Vân Tiên, PH8; đầu tư thiết bị máy móc và hướng dẫn kỹ thuật sao chè cho các hộ dân.

Đến nay, nhiều hộ đã thu hái, chế biến từ 50 - 70 kg chè/vụ; nhiều hộ thu nhập trên 10 triệu đồng/vụ. Do đặc điểm tự nhiên của xã Thị Ngân phù hợp với trồng chè nên chất lượng sản phẩm chè xanh thơm ngon, được người tiêu dùng trong tỉnh ưa chuộng, sản phẩm hiện tại không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Từ hiệu quả của mô hình, các hộ dân mở rộng diện tích trồng 4 ha chè Kim tuyên, Phúc Vân Tiên, PH8.

Để phát triển các sản phẩm từ chè tại địa phương, Sở đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng nguồn nguyên liệu; tuyên truyền, vận động các đơn vị, tổ chức sản xuất, chế biến các sản phẩm chè thực hiện đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng và hạ giá thành sản phẩm; quan tâm đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ, đầu tư hoạt động xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm và tham gia giải thưởng chất lượng quốc gia hằng năm để khẳng định uy tín, chất lượng sản phẩm; tập hợp các nhà khoa học có năng lực, uy tín trong và ngoài tỉnh để tổ chức các công trình nghiên cứu khoa học liên quan đến việc nâng cao năng suất, chất lượng và phát triển các sản phẩm chè tại địa phương…

Hồng Nhung


Cập nhật: 112020
Nguồnbaocaobang.vn