© CHELANGSON.COM | Công ty cổ phần chè Thái Bình Lạng Sơn
Cây chè Mường Khương khẳng định vị thế mới


Cây chè Mường Khương khẳng định vị thế mới

LCĐT - Là 1 trong 62 huyện nghèo của cả nước, những năm qua, cấp ủy đảng, chính quyền huyện Mường Khương đã lãnh đạo người dân khắc phục khó khăn, tích cực lao động, sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao thu nhập.

Trong các cây trồng chủ lực được Mường Khương lựa chọn giúp người dân thoát nghèo bền vững phải kể đến cây chè. Đây là một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực cấp tỉnh phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, không đòi hỏi kỹ thuật cao, phù hợp với trình độ canh tác của người dân các xã vùng cao và ít chịu rủi ro bởi thiên tai. Qua thực tế canh tác, cây chè mang lại nguồn thu ổn định nên được người dân lựa chọn thay thế các cây trồng truyền thống như ngô, đậu tương.

Ngày 12/5/2016, Huyện ủy Mường Khương ban hành Đề án số 01 về phát triển ổn định vùng nguyên liệu, đẩy mạnh thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chè Mường Khương, giai đoạn 2016 - 2020. Ngay sau khi Đề án số 01 được ban hành, Mường Khương đã rà soát, quy hoạch chi tiết vùng sản xuất nguyên liệu chè đến năm 2020 với 3.100 ha tại 67 thôn, bản thuộc 8 xã cả vùng thấp và vùng cao, trong đó diện tích quy hoạch tại các xã khu vực vùng thấp là 2.100 ha. Do nhu cầu phát triển trên thực tế, huyện Mường Khương quyết định bổ sung quy hoạch thêm 765 ha, nâng tổng diện tích chè toàn huyện đến năm 2020 đạt 3.865 ha. Diện tích lớn nhất là xã Lùng Vai với 1.018 ha, xã Bản Xen 634 ha, xã Thanh Bình 552 ha, xã Cao Sơn 311 ha, xã Lùng Khấu Nhin 248 ha.

Đánh giá của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Khương, trong 4 năm qua (2016 - 2019), toàn huyện đã trồng mới 945 ha chè, năm 2020 ước trồng mới 265 ha, đưa tổng diện tích chè tập trung của huyện đạt 3.436 ha, trong đó có 3.137 ha chè Shan, còn lại là chè Kim Tuyên, Ô long. Hiện diện tích chè kinh doanh (đang cho thu hoạch) ước đạt 2.127 ha, trong đó sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là 1.000 ha. Dự kiến năng suất chè năm 2020 đạt 90 tạ/ha, tăng 34 tạ/ha so với năm 2016, tổng sản lượng chè búp tươi năm 2020 toàn huyện ước đạt 17.231 tấn, tăng 9.335 tấn so với năm 2016, tổng giá trị chè búp tươi đạt 104 tỷ đồng. Về nhãn hiệu hàng hóa, huyện Mường Khương đã đăng ký thành công nhãn hiệu tập thể chè Ô long xã Cao Sơn, các nhãn hiệu sản phẩm chè khác được doanh nghiệp tự phát triển và đang duy trì tốt. Điển hình như Công ty cổ phần chè Mường Khương đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Chè Shan Mường Khương”, Công ty Mường Hoa được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu “Chè Ô long Cao Sơn”.

Năm 2019, Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tham mưu cho UBND huyện phương án cơ cấu lại vùng nguyên liệu chè huyện Mường Khương đến năm 2030, trong đó phát triển vùng nguyên liệu chè đạt 5.468 ha vào năm 2030 và nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị của sản phẩm chè. Qua tổng kết các vụ sản xuất cho thấy, cây chè tại huyện Mường Khương luôn cho năng suất cao và ổn định, nếu đầu tư thâm canh đúng quy trình kỹ thuật, 1 ha chè cho thu nhập trung bình từ 60 đến 80 triệu đồng/ha (cao nhất 100 triệu đồng/ha).

Về tiêu thụ sản phẩm chè búp tươi, giai đoạn 2016 - 2020, tại Mường Khương có thêm 2 nhà máy chế biến được xây dựng tại xã Cao Sơn và xã La Pan Tẩn. Trong khi đó, Công ty cổ phần chè Thanh Bình đầu tư thêm thiết bị, máy móc để nâng công suất chế biến chè búp tươi, đảm bảo bà con trên địa bàn không phải bán sản phẩm ra ngoài địa bàn. Hiện sản phẩm của Công ty cổ phần chè Thanh Bình chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Đông và một số quốc gia châu Á. Đầu tư phát triển vùng nguyên liệu chè tại Mường Khương đã có sự liên kết của 4 nhà và doanh nghiệp, đảm bảo tham gia sát khâu cung ứng giống, thu mua sản phẩm chè búp tươi, chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng, thâm canh cây chè cho các hộ trong vùng quy hoạch. Theo cam kết, Công ty cổ phần chè Thanh Bình có năng lực tiêu thụ đến 20.000 tấn chè búp tươi/năm, 2 doanh nghiệp khác với 2 nhà máy tại xã Cao Sơn và La Pan Tẩn cam kết thu mua toàn bộ sản lượng chè búp tươi trên địa bàn. Đây là 2 doanh nghiệp luôn đồng hành, gắn bó hỗ trợ cung ứng vật tư, tư vấn kỹ thuật cho người trồng chè.

Cùng với mở rộng quy mô, huyện Mường Khương khuyến khích người dân đầu tư thâm canh cây chè theo quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu và phục vụ thị trường nội địa. Vai trò của cơ quan quản lý chuyên ngành và địa phương là hỗ trợ người trồng chè khoa học, kỹ thuật, có cơ chế, chính sách thuận lợi để đẩy mạnh liên kết 5 nhà (nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà nông và nhà tiêu thụ, phân phối). Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp, huyện Mường Khương có cơ sở để kỳ vọng những thắng lợi mới trong thực hiện các mục tiêu phát triển cây chè.

NGÂN HÀ


Cập nhật: 272020
Nguồnbaolaocai.vn