© CHELANGSON.COM | Công ty cổ phần chè Thái Bình Lạng Sơn
Hướng phát triển bền vững cho cây chè Hà Giang

Xác định cây chè là cây kinh tế mũi nhọn giúp người dân xoá đói, giảm nghèo, giúp các huyện phát triển kinh tế bền vững. Tỉnh luôn quan tâm, có định hướng cũng như triển khai các giải pháp để phát triển cây chè. Nhờ đó, chè Hà Giang đã phát triển đáng mừng cả về chất lượng cũng như số lượng, bước đầu hình thành được vùng sản xuất tập trung gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, ngành chè ở Hà Giang vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần có định hướng, giải pháp phát triển cụ thể theo hướng tăng năng suất, sản lượng và nâng cao giá trị sản phẩm.

Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm chỉ đạo của tỉnh, ngành chức năng, các địa phương nên diện tích chè phát triển mạnh. Diện tích chè trồng mới hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Tính từ năm 2005 đến nay, bình quân mỗi năm trồng mới được gần 1.000 ha, nâng diện tích chè toàn tỉnh đến năm 2010 là gần 19.000 ha, trong đó có 14.700 ha chè cho thu hoạch. Diện tích chè tập trung chủ yếu ở các huyện: Bắc Quang; Quang Bình; Vị Xuyên; Hoàng Su Phì; Xín Mần. Năng suất, sản lượng chè bình quân của tỉnh cũng đã có sự tăng trưởng đều qua các năm. Năm 2005 đạt 31,35tạ/ha, đến năm 2009 đạt 34,3 tạ/ha. Riêng năm 2010 do điều kiện thời tiết khắc nghiệt, rét đậm, rét hại kéo dài nên năng suất chè bị giảm chỉ đạt 29,3 tạ/ha. Sản lượng chè búp tươi cũng tăng 33.878 tấn năm 2005 lên 43.034 tấn năm 2010. Tỉnh dần hình thành được các vùng sản xuất chè tập trung như ở Bắc Quang, Vị Xuyên, Hoàng Su Phì. Từ đó thu hút được nhiều doanh nghiệp, cá nhân đầu tư công nghệ chế biến tiên tiến, thiết bị máy móc hiện đại để tạo ra sản phẩm chè Hà Giang có chất lượng, giá trị, bước đầu có sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Hiện trên địa bàn tỉnh có 8 doanh nghiệp, 23 hợp tác xã và trên 700 cơ sở chế biến chè. Các cơ sở chế biến chè bước đầu chú trọng việc đăng ký nhãn mác, thương hiệu nhằm quảng bá sản phẩm chè Hà Giang ra thị trường trong và ngoài nước. Đi đầu trong việc đầu tư thiết bị tiên tiến trong chế biến, tích cực quảng bá sản phẩm phải kể đến Công ty TNHH Hùng Cường; Công ty Cổ phần chè Hùng An; Công ty TNHH Thành Sơn; HTX Chế biến chè Phìn Hồ…

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc sản xuất, chế biến, kinh doanh chè ở tỉnh ta vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Mật độ của các vườn chè chưa đúng kỹ thuật, trồng theo phương thức quảng canh nên năng suất, sản lượng chè còn thấp, đến nay năng suất chè của tỉnh mới chỉ đạt trên 30% mức năng suất trung bình của khu vực. Cùng với đó, một số địa phương còn có biểu hiện chạy theo thành tích mới chỉ mở rộng diện tích chứ chưa chú trọng vào công tác chỉ đạo đầu tư thâm canh nhằm tăng năng suất, tăng thu nhập cho nhân dân, tăng nguồn thu ngân sách cho tỉnh. Dù sản lượng chè búp tươi tăng đều qua các năm nhưng tăng chủ yếu là do diện tích chè cho thu hoạch tăng chứ năng suất chè tăng không đáng kể. Việc đầu tư cơ sở chế biến chưa đồng bộ, chỉ tập trung ở những nơi thuận đường giao thông nhưng lại xa vùng nguyên liệu. Dẫn đến thời gian từ khi thu hái đến chế biến kéo dài ảnh hưởng đến chất lượng. Việc hình thành các cơ sở chế biến mini một cách tự phát cũng ảnh hưởng lớn đến chất lượng cũng như mất sự ổn định về giá cả…Hầu hết các cơ sở chế biến chè chỉ chú ý đến việc thu mua nguyên liệu để chế biến chứ chưa chú trọng đến phát triển vùng nguyên liệu trên cơ sở ký kết hợp đồng chặt chẽ với hộ nông dân để nâng cao năng suất, chất lượng nguồn nguyên liệu theo tiêu chuẩn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Công tác xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm đã có nhưng mới chỉ tập trung ở một số doanh nghiệp lớn. Nhiều cơ sở sản xuất chưa thực sự chú trọng trong việc đầu tư công nghệ và xây dựng thương hiệu và nhãn mác của sản phẩm dẫn đến sản phẩm sản xuất đơn điệu. Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu chè xanh, chè vàng và chè đen ở dạng thô có giá trị xuất khẩu thấp. Công tác quy hoạch của tỉnh chưa thực hiện, việc quản lý giống còn hạn chế, chưa chủ động trong việc sản xuất giống, cung ứng giống nên ảnh hưởng nhiều đến chất lượng nguyên liệu chè. Nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trên là do tập quán trồng chè theo phương pháp quảng canh, mang tính tự cung, tự cấp, một bộ phận người dân còn bảo thủ, trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước. Cơ sở hạ tầng vùng chè chưa được đầu tư đúng mức, nhất là điện, đường giao thông, đây là những yếu tố cơ bản quyết định đến chất lượng sản phẩm chè. Việc chỉ đạo kỹ thuật thâm canh, chế biến, nâng cao năng suất chè chưa được chú trọng thường xuyên. Chưa kết hợp hài hoà giữa người trồng chè với các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ và các nhà khoa học. Việc nắm bắt các thông tin trên thị trường còn chậm, dẫn đến sản phẩm chưa đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng. Tổ chức quản lý Ngành chè còn yếu, chưa có hệ thống quản lý, giám sát thường xuyên trong sản xuất, chế biến. Người đầu tư trồng chè và chế biến chè chưa được bảo hộ. Các tổ chức, cá nhân tham gia chế biến, tiêu thụ sản phẩm chè còn gặp nhiều khó khăn về vốn, quy mô nhỏ, sản phẩm không đồng đều nên chưa đủ sức cạnh tranh, không đáp ứng được yêu cầu của khách hàng đặt hàng với số lượng lớn dẫn đến thu nhập thấp.

Trên cơ sở thực trạng phát triển chè của tỉnh với những hạn chế, lợi thế, tiềm năng, tỉnh xác định hướng phát triển cho cây chè trong thời gian tới đó là: “ ổn định diện tích chè ở mức trên 20.500 ha, đẩy mạnh thâm canh để nâng cao năng suất, sản lượng, cải tạo các diện tích chè già, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cải tiến công nghệ chế biến để nâng cao chất lượng, đa dạng hoá sản phẩm chè” .Mục tiêu cụ thể phát triển chè giai đoạn 2011-2015 đó là: Trong năm 2011 thực hiện xong việc quy hoạch vùng chè của các huyện, các xã trên cơ sở đó tập trung vào đầu tư phát triển; phấn đấu trồng mới 800 ha trong năm 2011; đưa tổng diện tích chè toàn tỉnh đạt trên 19.700 ha, trong đó có trên 15.300 ha chè kinh doanh; thiết lập vùng chè tập trung gắn với đầu tư các cơ sở chế biến sản phẩm xuất khẩu tại các huyện Bắc Quang, Vị Xuyên, Hoàng Su Phì, Quang Bình. Phấn đấu đưa năng suất bình quân của tỉnh đến hết năm 2015 đạt 50 đến 60 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi phấn đấu đạt 12 vạn tấn; trồng bổ sung các diện tích mất cây, mật độ thấp nhằm tận dụng tối đa hiệu quả sử dụng đất, tăng năng suất, sản lượng; khuyến khích đầu tư công nghệ chế biến theo tiêu chuẩn ISO; thực hiện sản xuất, chế biến theo tiêu chuẩn chè an toàn, chè sạch, đây là mục tiêu chiến lược nhằm làm tăng sản lượng sản phẩm xuất khẩu và giá trị sản phẩm chè Hà Giang.

Để đạt được mục tiêu đó, tỉnh cũng đã xây dựng giải pháp tổ chức thực hiện cụ thể. Trong đó tập trung hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng, chăm sóc, thâm canh chè được đặt lên hàng đầu. Để làm được được đó, tỉnh tiếp tục tập huấn cho đội ngũ cán bộ Khuyến nông vùng chè nâng cao trình độ hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật cho người dân. Các huyện phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng tập chung chỉ đạo tuyên truyền cho người dân triển khai trồng đảm bảo mật độ, đúng thời vụ. Đồng thời chỉ đạo kiên quyết việc thực hiện trồng bằng giống chè bầu, không trồng bằng hạt gieo thẳng và trồng, chăm sóc theo đúng kỹ thuật, tổ chức tốt việc chỉ đạo đầu tư thâm canh và phòng trừ sâu bệnh. Về công tác chế biến, thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tỉnh sẽ t ăng cường hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước cải tạo, nâng cấp cải tiến công nghệ chế biến chè. Định hướng xây dựng nhà máy tinh chế chè với thiết bị công nghệ tiên tiến có công suất trên 5.000 tấn sản phẩm/năm, mua nguyên liệu thô từ các xưởng chè nhỏ để tinh chế thành sản phẩm chè đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Đồng thời xây dựng thêm một số nhà máy chế biến chè xanh, chè đen với thiết bị tiên tiến, mỗi nhà máy có công suất chế biến 15 tấn chè búp tươi/ngày tại các vùng nguyên liệu chè tập trung: Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình, Hoàng Su Phì. Khuyến khích các hộ gia đình đầu tư xây dựng các xưởng sản xuất chế biến chè có công suất từ 3 đến 5 tấn chè búp tươi/ngày ở những vùng chè không tập trung, có đường giao thông đi lại thuận tiện. Tăng cường xúc tiến thương mại với nhiều hình thức:Đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu chè Hà Giang, quảng cáo, quảng bá tiếp thị tạo ra thị trường ngày càng lớn để có thị trường xuất khẩu ổn định, lâu dài đạt được mục tiêu xuất khẩu trên 5.000 tấn trong năm 2011. Về cơ chế, chính sách, tiếp tục thực hiện các chính sách ưu đãi của Tỉnh đã ban hành như cho thuê đất dài hạn, ưu đãi về thuế sử dụng đất.

Triển khai bố trí đủ vốn cho cá nhân, các hộ vay tổ chức sản xuất kinh doanh chè theo nội dung Nghị quyết số 12/2009/NQ-HĐND về việc ban hành quy định một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư và khuyến khích phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Hàng năm Ngân sách tỉnh trích một khoản kinh phí để phục vụ cho công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trồng và chăm sóc, thu hái chè. Đầu tư kinh phí cho việc xây dựng nhãn mác đăng ký chất lượng sản phẩm chè Hà Giang. Tạo môi trường thuận lợi cho các Doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư trồng và chế biến, tiêu thụ sản phẩm chè trong tỉnh. Khẩn trương hoàn thành việc quy hoạch tổng thể vùng chè toàn tỉnh, trong đó chú trọng quy hoạch vùng nguyên liệu cho nhà máy chế biến có dây truyền sản xuất tiên tiến./.


Cập nhật: 142020
Nguồnhagiang.gov.vn