© CHELANGSON.COM | Công ty cổ phần chè Thái Bình Lạng Sơn
Khai thác tiềm năng cây chè và văn hóa trà Đất Tổ


Du khách nước ngoài tham quan đồi chè Tân Sơn.

PTĐT-Nét văn hóa trà của người Việt không quá cầu kỳ song cũng đủ để  biểu đạt như một thứ ngôn ngữ dễ hiểu, dễ nhận biết. Trà là đồ uống gắn bó với đời sống của người dân nước ta. Từ người giầu cho đến người nghèo cũng đều thưởng thức hương vị của trà. Văn hóa trà cũng như nghệ thuật hưởng trà của người Việt không có những nghi thức quá cầu kỳ như Nhật Bản hay Trung Quốc, nhưng vẫn có những quy tắc nhất định và đây là những quy tắc trong văn hóa ứng xử. Ở Việt Nam từ thành thị đến vùng thôn quê đâu đâu cũng có quán trà và người ta mời nhau một chén nước trà chỉ đơn giản là thăm hỏi giao tiếp chứ không nhất thiết là bàn công việc. Đạo làm người được thể hiện rất rõ đó là khi mời trà phải mời người cao tuổi trước thể hiện sự tôn trọng, rót trà mời khách trước rồi mới rót trà cho mình thể hiện lòng mến khách…Cũng như miếng trầu là đầu câu chuyện, người Việt ở đâu cũng vậy, thường mời nước trà khi khách đến chơi nhà. Những lúc bình thường hay giao tiếp nghi lễ cũng vậy chủ nhà rót nước mời khách và khách thì nâng chén chè lên cảm ơn và mời lại chủ nhà trước khi uống. Mời nhau chén nước trà như nối nhịp cầu cho sự giao tiếp, xóa đi sự e dè giữa chủ và khách, nhất là trong những dịp làm quen ban đầu. Với việc kết tóc xe duyên hạnh phúc trăm năm của đôi trẻ, cân chè trong lễ cưới hỏi là không thể thiếu.

Theo tài liệu khảo cứu của Viện khoa học xã hội thì người ta đã tìm thấy những dấu tích của lá và cây chè hóa thạch ở vùng đất tổ Hùng Vương (Phú Thọ). Như vậy cây chè Phú Thọ ra đời từ rất sớm. Câu thơ Tố Hữu “rừng cọ, đồi chè, đồng xanh ngào ngạt, nắng chói Sông Lô, hò ơ tiếng hát” từ lâu đã ăn sâu trong tâm thức của bao người nhất là những người con của quê hương Đất Tổ. Còn người làm chè truyền thống ở Phú Thọ mấy ai không nhớ câu cổ nhân truyền lại “đậm đà vị chè do tay người hái”. Hương sắc và vị ngon của chè Phú Thọ từ lâu thực sự là niềm tự hào của vùng Đất Tổ. Những năm còn bao cấp, hương vị ngày Tết của cán bộ công chức viên chức không thể không có gói chè Hồng Đào của nhà máy chè Thanh Ba. Cân chè móc câu sản phẩm truyền thống do người dân vùng chè ở Thanh Ba, Phù Ninh, Đoan Hùng… làm ra là quà quý mang đi khắp xa gần. 

Ngày nay khoa học công nghệ ngày càng phát triển, cây chè Phú Thọ đã và đang được quy hoạch thành vùng trồng tập trung. Các sản phẩm chè Phú Thọ cũng ngày càng có vị thế trong nước và nước ngoài; việc khai thác, chế biến các loại sản phẩm từ chè, xuất khẩu chè đã tạo được giá trị kinh tế cao đối với địa phương. Chè không chỉ là cây trồng tăng hệ sinh thái trên vùng đất dốc mà còn trở thành cây xóa đói giảm nghèo với người nông dân. Việc sản xuất, chế biến chè ngày càng đáp ứng nhu cầu lao động việc làm và nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng trong nước và xuất khẩu. Tại các vùng chè thường có khí hậu khá mát mẻ, với những đồi chè nối nhau như bát úp, cảnh đẹp hữu tình có sức hấp dẫn khách du lịch thăm quan hưởng ngoạn quanh năm. Đây là nguồn lực để xây dựng các tua du lịch sinh thái kết hợp với thưởng thức trà.

t9-4mau02-1533887044

Tỉnh Phú Thọ hiện đứng thứ 4 cả nước về diện tích và thứ 3 về sản lượng chè. Trên địa bàn tỉnh có 17 làng nghề chế biến chè giải quyết việc làm cho 2 nghìn lao động. Tổng doanh thu của các làng nghề chè đạt trên 90 tỷ đồng. Tại một số làng nghề đã hình thành các HTX và doanh nghiệp sản xuất chè xanh. Một số làng nghề đã xây dựng nhãn hiệu hàng hóa và đăng ký các hình thức bảo hộ sở hữu trí tuệ như: Chè xanh của Làng nghề Chè  Chùa Tà, xã Tiên Phú, huyện Phù Ninh và Chè an toàn thuộc làng nghề chế biến chè Hoàng Văn, xã Văn Luông, huyện Tân Sơn. Sản phẩm chè xanh, chè đen Phú Thọ đang dần chiếm lĩnh thị trường trong nước và quốc tế.

Với các dự án phát triển cây chè, tỉnh Phú Thọ đã hình thành các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm tại các vùng trọng điểm phát triển chè của tỉnh. Toàn bộ diện tích trồng mới, trồng lại được thực nghiệm các giống mới có năng suất, chất lượng cao như: LDP1, LDP2, PH11, Phúc Vân Tiên nâng tỷ lệ chè giống mới đạt hơn 71%, tăng hơn 15% so với năm 2010. Cùng với các biện pháp kỹ thuật tiên tiến sản xuất chè an toàn, việc ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất chè được đẩy mạnh góp phần tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm chè các loại. Những điều nói trên là tiền đề quan trọng để phát triển du lịch sinh thái và thưởng trà khi về vùng chè. Tuy nhiên để khai thác tiềm năng từ cây chè và văn hóa thưởng trà bên cạnh những yếu tố về quy hoạch vùng chè và công nghệ sản xuất chế biến chè thì với những vùng chè lớn có cảnh quan hấp dẫn như ở Thanh Sơn, Tân Sơn có thể kết nối tua du lịch văn hóa chè với các tua du lịch cộng đồng, du lịch khám phá để tạo nên sản phẩm du lịch hấp dẫn với du khách. Tổ chức thường niên lễ hội chè hoặc kết hợp lễ hội thưởng trà trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương- Lễ hội Đền Hùng hàng năm nhằm giới thiệu sản phẩm chè và văn hóa thưởng trà Phú Thọ. Kết hợp thưởng thức ăn đặc sản với thưởng trà theo văn hóa truyền thống của Việt Nam nhằm nâng thú thưởng trà lên tầm nghệ thuật tạo ấn tượng với du khách. Bên cạnh đó, người dân tại các làng nghề làm chè cần được tập huấn kiến thức cần thiết về văn hóa chè cũng như nghệ thuật thưởng trà để hình thành nên những mô hình sản xuất kết hợp du lịch chè tại Phú Thọ.

Việt Hà


Cập nhật: 232019
Nguồnbaophutho.vn