© CHELANGSON.COM | Công ty cổ phần chè Thái Bình Lạng Sơn
Về vùng chè Shan tuyết


Thu hái chè Shan tuyết - nét đẹp văn hóa nơi vùng cao Yên Bái.

YênBái - Cho đến nay vẫn chưa ai biết đích xác cây chè, nhất là cây chè Shan có trên đất Yên Bái từ khi nào, chỉ biết rằng cây chè nói chung và cây chè Shan tuyết nói riêng giờ đây không chỉ là cây xóa đói giảm nghèo với người dân địa phương mà còn là điểm đến thú vị, hấp dẫn với du khách trong hành trình khám phá miền Tây Yên Bái.

Nói về diện tích thì Yên Bái không phải địa phương có nhiều chè nhất, nhưng lại là địa phương có những nương chè hình bát úp mê đắm lòng người. Đặc biệt là rừng chè Shan tuyết (chè tổ) trên 300 năm tuổi, được xếp vào một trong 6 cây chè thủy tổ của thế giới với đường kính một vòng tay người ôm không xuể.

Chả thế mà Viện sĩ K.M.Djemmukhtze - Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô - một chuyên gia chuyên nghiên cứu về chè đã viết: "Tôi đã đi qua 120 nước trên thế giới để nghiên cứu về chè nhưng chưa thấy ở đâu có những rừng chè, cây chè lâu năm như ở Suối Giàng, Văn Chấn, Yên Bái, phải chăng đây là tổ quốc của cây chè? Chè ở đây độc đáo, trong bát nước có đủ 18 vị đầu đẳng của chè trên thế giới...”.

Ở Yên Bái có nhiều vùng chè cổ thụ như: Sùng Đô, Suối Quyền, Nậm Lành, Nậm Mười… thuộc huyện Văn Chấn hay Phình Hồ, Xà Hồ… huyện Trạm Tấu, nhưng chè Suối Giàng (Văn Chấn) là ngon hơn cả. Ở đó có những cây chè cổ thụ, mọc thành rừng.

Chè Shan tuyết Suối Giàng đã được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản Việt Nam và xưa nay vẫn được xếp hàng "đầu bảng” các loại chè với biệt danh chè "năm cực” (cực khổ, cực sạch, cực hiếm, cực ngon, cực đắt).

Quần thể cây chè Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng mọc tự nhiên trên dãy Hoàng Liên Sơn, ở độ cao từ 1.400 m - 1.800 m so với mặt nước biển, quanh năm được bao bọc bởi mây mù. Những cây chè cổ thụ ở Suối Giàng đã được các nhà khoa học xác định là thủy tổ của cây chè trên thế giới.

Ngoài 400 gốc chè Shan tuyết cổ thụ được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây di sản Việt Nam thì Suối Giàng còn có trên 4 vạn gốc chè cổ thụ mọc thành rừng trên các dãy núi cao. Khi thu hái, đồng bào dân tộc Mông Suối Giàng phải bắc thang trèo lên cây, tạo nên một khung cảnh tuyệt đẹp, đồng thời các công đoạn chế biến chè vẫn hoàn toàn dựa trên phương pháp thủ công truyền thống.

Khác với cây chè cổ thụ Suối Giàng tán rộng và đan cài vào nhau, cây chè Shan tuyết ở xã Phình Hồ (Trạm Tấu) mọc thẳng và tạo thành những rừng cây tự nhiên. Chè ở Phình Hồ lá to, búp mập, có tỷ lệ đường, caffein nhiều hơn, tỷ lệ tananh ít hơn so với các giống chè Shan tuyết nơi khác. Hiện, toàn tỉnh có trên 2.290 ha chè Shan tuyết vùng cao, tập trung ở huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải và một số xã vùng cao huyện Văn Chấn, Trấn Yên.

Trong đó, có 500 ha chè Shan tuyết được trồng mật độ cao và tập trung ở xã Nậm Búng, Gia Hội (Văn Chấn) cho năng suất đạt 10-13 tấn/ha. Chè Shan tuyết là loại cây trồng chủ lực và có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế vùng cao. Riêng huyện Văn Chấn có trên 1.262 ha chè Shan tuyết đều gắn với chế biến (vùng chè cổ thụ Suối Giàng, Suối Bu) và vùng chè Shan tuyết thâm canh tại Gia Hội, Nậm Búng.

Chè Shan tuyết ở Yên Bái là giống chè có sức sống mãnh liệt và ưa thích trồng trên các triền núi cao và không cần phải chăm bón mà búp vẫn mượt mà tăm tắp. Từ phát triển hoàn toàn tự nhiên, chỉ hút những tinh túy của trời đất nên chè có hương vị đặc biệt, nước pha vàng sánh như mật ong uống vào vị chát chát, đắng đắng rồi ngọt, bùi còn đọng mãi nơi khoang miệng.

Nhờ vậy, giá thu mua chè búp tươi thuộc vùng Suối Giàng, Suối Bu bình quân khá cao, dao động từ 15.000 - 20.000 đồng/kg chè tươi, chè khô có giá từ 200.000 - 800.000 đồng/kg; chè Shan tuyết ở Nậm Búng, Gia Hội có giá 5.000 - 6.000 đồng/kg, giá chè khô từ 80.000-150.000 đồng/kg. Giá trị thu nhập từ chè Shan tuyết mỗi năm cũng đem về cho người dân vùng cao cả trăm tỷ đồng.

Yên Bái đã và đang tiếp tục phát triển cây chè Shan tuyết vùng cao, phấn đấu đến năm 2020 trồng và phát triển đạt trên 3.385 ha, trong đó có 800 ha chè Shan công nghiệp; sản lượng búp tươi đạt trên 8.000 tấn.

Chè Shan tuyết góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo ở vùng cao và cải thiện môi trường sinh thái. Trong một vài năm trở lại đây, người Mông Suối Giàng vừa phát triển cây chè Shan tuyết theo hướng hàng hóa và thị trường vừa kết hợp với tham quan du lịch khá hiệu quả.

Ngọc Trúc


Cập nhật: 262019
Nguồnbaoyenbai.com.vn