© CHELANGSON.COM | Công ty cổ phần chè Thái Bình Lạng Sơn
Ngắm hàng trăm cây chè Shan Tuyết cổ thụ trên đỉnh Suối Giàng


Là một xã vùng cao thuộc huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, Suối Giàng nằm trên độ cao gần 1.400 m, được ví như Sa Pa, Tam Đảo, Đà Lạt bởi khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm.

Không chỉ mang lại giá trị kinh tế lớn, những cây chè Shan Tuyết trên đỉnh Suối Giàng (Yên Bái) cũng thu hút nhiều khách du lịch tới tham quan.

Mặc dù không chỉ ở Suối Giàng có những cây chè cổ thụ nhưng nếu xét về số lượng và năm tuổi thì có lẽ không đâu sánh được với nơi đây. Thứ trà đặc sản mang tên Shan Tuyết được hái từ những cây chè hàng trăm năm tuổi thu hút nhiều du khách tới tham quan và thưởng thức.

Cả khu vực có hàng nghìn cây chè cổ thụ hơn 100 tuổi, trong đó có cây trên 300 năm tuổi - gọi là cây chè tổ được xếp vào một trong 6 cây chè thủy tổ của thế giới đã tạo nên sự độc đáo và hấp dẫn riêng cho xã vùng cao Yên Bái.

Hàng năm, vào tháng 9, tháng 10, người Mông ở xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái thường tổ chức lễ cúng cây chè tổ nhằm bày tỏ lòng biết ơn, cảm tạ trời đất và cầu cho một năm mới mưa thuận gió hòa, cầu cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc... Ảnh những đám rêu xanh leo bám kí sinh trên thân cây.

Cây chè tổ Suối Giàng nằm ở xã Giàng B, trong rừng chè cổ thụ có vị trí cao nhất, chu vi gốc bằng một người ôm, tán cây rộng đến hơn 20m2. Thân những cây chè Shan Tuyết to lớn thân nhuộm màu trắng mốc, uốn lượn nhiều cành buộc người hái phải trèo lên mới thu hoạch được.

Những cây chè này sống trên độ cao từ 1.300 mét đến 1.800 mét so với mực nước biển. Chè Shan Tuyết càng già càng quý, càng nhiều tuyết trắng thì tính dược liệu càng mạnh.

"Từ những năm 1960, cây chè đã mang lại giá trị kinh tế cũng như văn hóa cho vùng đất Suối Giàng thu hút du khách tới thăm quan", theo ông Giàng A Tếnh, Phó Ban Dân vận huyện ủy Văn Chấn cho biết.

Cây chè Suối Giàng có lá to, dày và có màu xanh đậm, sẫm, búp chè to mập mạp, trên mặt lá có phủ một lớp lông tơ mỏng. Một năm chè Shan Tuyết được thu hoạch thành 3 vụ trong đó vụ cuối thường vào khoảng tháng 8 đến tháng 9 âm lịch. Để hái chè, người dân phải trèo lên thân cây, đôi khi phải bắc thang để hái.

Không chỉ thu hoạch mà khâu chế biến chè Shan Tuyết ở Suối Giàng cũng được làm thủ công. Sau khi chọn lọc chè được đưa vào chảo để sao khô. Ngoài việc chú ý đến củi và lửa thì người sao phải khéo léo để không làm rơi hết những tuyết trắng còn bám ở búp chè khi đảo.

Giá chè Shan Tuyết mua tại địa phương có giá bán từ 150.000 - 200.000 đồng/kg.

Theo năm tháng cũng như con người vậy... những cây chè già nua, cổ kính và cằn cỗi. Tới nay, lại chè quý này đang đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt bởi bầy mối.

Cũng theo ông Tếnh, người dân ở Suối Giàng lo lắng chè bị mối tấn công chú không phải sâu bọ. Trước đó đã có các đoàn khoa học về nghiên cứu loại bệnh trên chè Shan Tuyết nhưng chưa có giải pháp nào được áp dụng.

Khoảng thời gian này là thời điểm lý tưởng để thưởng thức một chén chè Shan Tuyết ấm lòng trên đỉnh Suối Giàng se lạnh. Đến Suối Giàng thời gian này, bạn sẽ bắt gặp hình ảnh cô gái Mông trong chiếc váy xòe bắt mắt trèo lên những cây chè cổ thụ hái búp xanh non.

Bạn có thể đi ôtô hoặc xe máy từ trung tâm thị trấn Văn Chấn qua 12 km vòng quanh các vách đá kỳ thú và các trảng rừng nguyên sinh để đến Suối Giàng. Ngoài đặc sản chè Shan Tuyết, Văn Chấn còn nổi tiếng với vẻ đẹp thuần khiết của bản Mông, nếp Tú Lệ, gạo mường Lò...

Nguyễn Như/VOV.VN


Cập nhật: 172019
Nguồnvov.vn