© CHELANGSON.COM | Công ty cổ phần chè Thái Bình Lạng Sơn
Yên Sơn mở rộng diện tích tưới tiết kiệm nước cho cây chè


Anh Vũ Hải Bảy, thôn Thọ Bằng, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) điều tiết hệ thống tưới ẩm công nghệ tiên tiến cho đồi chè hơn 2 ha của gia đình.

TQĐT - Áp dụng công nghệ tưới tiên tiến đang được xem là giải pháp hiệu quả trong việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, cải tạo diện tích đất sản xuất nông nghiệp khó tưới nằm ở vị trí đất đồi dốc.

Chưa năm nào gia đình anh Vũ Hải Bảy, thôn Thọ Bằng, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) lại thu được sản lượng chè lớn như vậy. Tính đến giữa tháng 10, đồi chè của gia đình anh Hải cho thu hái trên 30 tấn chè búp tươi, doanh thu đạt trên 150 triệu đồng, tăng trên 20% so với cùng thời điểm năm 2017. Dự tính từ nay đến hết năm, đồi chè của gia đình anh sẽ cho thu khoảng 2 lứa nữa, mỗi lứa khoảng 6 đến 7 tấn. Có được sản lượng vượt trội, doanh thu cao là bởi hơn 2 ha chè của gia đình anh Hải đã được lắp đặt công nghệ tưới ẩm tiên tiến bằng van xoay văng nước và tưới mưa.

Theo anh Hải, nước được bơm dẫn theo đường ống lên đồi, khoảng 4 đến 5 m có một van xoay văng nước để tưới cho cây chè. Sử dụng công nghệ tưới ẩm tiên tiến không những giảm được công lao động mà còn giúp cung cấp đủ nước cho cây trồng, rửa được sương muối, phòng tránhsâu bệnh hại chè. Ngoài ra, khi sử dụng phương pháp tưới chè bằng van xoay, anh Hải còn có thể kết hợp phun thuốc bảo vệ thực vật và bón phân vi sinh dạng lỏng, từ đó tăng khả năng hấp thụ cho cây chè do phân được hòa tan, ngấm ngay xuống đất.

Cũng tại xã Mỹ Bằng, gia đình ông Hoàng Việt Cương, thôn Ngòi giờ đã có thể chủ động trong sản xuất chè. Ông Cương phấn khởi cho biết, vụ chè xuân vừa qua lần đầu tiên gia đình ông thu hái được 2 lứa, mỗi lứa trên 3 tấn chè búp tươi thu về 20 đến 25 triệu đồng. Theo ông Cương, chè xuân được giá nhất nhưng những năm trước thời tiết khô hạn lại không chủ động được nước tưới nên gần như vụ chè xuân không được là bao, giờ lắp đặt được hệ thống tưới ẩm chè được cung cấp nước tưới thường xuyên cây sinh trưởng tốt, cho búp đều.

Ông Tạ Văn Tình, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Sơn cho biết, mô hình tưới ẩm cho chè được huyện triển khai ban đầu với quy mô 3 ha. Tham gia mô hình người dân được hỗ trợ vật tư, thiết bị lắp đặt, tập huấn kỹ thuật tưới… Qua đánh giá cho thấy, diện tích cây trồng cạn (cây chè) được áp dụng công nghệ tưới tiên tiến đều cho năng suất cao hơn khoảng từ 20% - 30% so với những diện tích không được áp dụng công nghệ tưới tiên tiến và cao hơn 50% - 60% so với diện tích cây trồng cạn không chủ động được nước tưới. Hơn nữa, tưới bằng công nghệ tiên tiến tiết kiệm nước, giảm sức lao động, tăng năng suất tưới, thuận lợi cho việc cơ giới hóa và tự động hóa; dễ thích ứng với nhiều loại cây trồng. Tưới ẩm còn giúp người sản xuất định lượng, quản lý tốt và kiểm soát được tổng lượng nước dùng.

Thấy được những lợi ích của việc áp dụng các công nghệ tưới tiên tiến vào sản xuất, nên đã có một số chủ trang trại, gia trại trên địa bàn huyện đầu tư lắp đặt. Điển hình như gia đình ông Nguyễn Văn Hoàn, thôn Tiền Phong, xã Phú Lâm đã lắp đặt hệ thống tưới ẩm. Hiện hơn 4 ha chè của gia đình ông được cung cấp nước thường xuyên, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng chè nguyên liệu.

Hiệu quả tưới ẩm cho cây chè bằng công nghệ tiên tiến đã thấy rõ, ngành nông nghiệp huyện và chính quyền các địa phương đang khuyến khích mở rộng diện tích. Tuy nhiên, lắp đặt hệ thống công nghệ tưới tiên tiến cần khoảng 60 đến 70 triệu đồng/ha, chi phí quá lớn khiến nhiều hộ dân không dám bỏ vốn đầu tư. Do vậy, để mở rộng diện tích tưới ẩm, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là đối với cây trồng cạn rất cần có chính sách hỗ trợ để người dân mạnh dạn đầu tư lắp đặt, phục vụ cho sản xuất. Đây cũng là giải pháp để giảm thiểu tổn thất trong sản xuất nông nghiệp hiện nay.

Bài, ảnh: Đoàn Thư


Cập nhật: 042019
Nguồnbaotuyenquang.com.vn