© CHELANGSON.COM | Công ty cổ phần chè Thái Bình Lạng Sơn
Đổi thay ở một vùng quê lịch sử


Bà con huyện Đại Từ thu hoạch chè. Ảnh: Quý Hoàng

Biên phòng - Chúng tôi về Đại Từ (Thái Nguyên) vào những ngày đầu tháng Tám lịch sử, một vùng quê yên bình, no ấm, hai lần được tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND thời kỳ kháng chiến chống Pháp và thời kỳ đổi mới.

Nằm trên vùng đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống cách mạng, Đại Từ có Khu di tích lịch sử quốc gia 27-7 nổi tiếng, là điểm nối tham quan Khu du lịch hồ Núi Cốc, các khu di tích của huyện Đại Từ với các khu di tích lịch sử cách mạng An toàn khu-Thủ đô gió ngàn Định Hóa (Thái Nguyên) và Tân Trào (Tuyên Quang).

Đại Từ không chỉ là vùng quê có chè ngon nổi tiếng của Thái Nguyên, mà còn là vùng quê với nhiều dấu ấn lịch sử. Nơi đây, ngày 27-7-1947, tại gốc đa xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn (nay là thị trấn Hùng Sơn), huyện Đại Từ đã diễn ra cuộc mít tinh trọng thể của các ban, ngành, đoàn thể và Cục Chính trị Quân đội quốc gia Việt Nam, tổ chức “Ngày thương binh toàn quốc” với hơn 300 cán bộ, bộ đội và đại diện các tầng lớp nhân dân địa phương tham gia.

Tại cuộc mít tinh này, mọi người bồi hồi, xúc động lắng nghe thư của Bác Hồ kính yêu gửi động viên, khích lệ tinh thần “Tương thân tương ái” của toàn quân và toàn dân với những người đã có công với cách mạng. Với ý nghĩa chính trị, cách mạng lớn lao đó, Khu di tích lịch sử quốc gia 27-7 đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia.

Hơn 70 năm đã trôi qua, quê hương của một trong những cái nôi của cách mạng Việt Nam đã có nhiều đổi mới. Từ một vùng quê nghèo đói, văn hóa - xã hội lạc hậu, đời sống bà con các dân tộc khó khăn, thiếu thốn, đến nay, Đại Từ đã có nhiều đổi mới, thay da đổi thịt từng ngày. Đời sống người dân được nâng cao, hạ tầng cơ sở điện-đường-trường-trạm của địa phương đã khang trang sạch đẹp, kinh tế-xã hội của Đại Từ trên đà phát triển.

Chúng tôi đến thăm gia đình ông Ngô Đức Hùng, ở Tổ dân phố Cầu Thông 1, thị trấn Hùng Sơn. Ông Hùng 84 tuổi đời, 65 năm tuổi Đảng, nguyên Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đại Từ, thân nhân của liệt sĩ Ngô Đức Bình hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ông cho biết: “Trước cách mạng, quê ông nghèo lắm. Thế hệ các ông và những lớp người trước đó hầu như không được cắp sách tới trường, hằng ngày toàn phải ăn ngô, sắn thay cơm, cuộc sống lam lũ không kém gì trâu ngựa. Nhờ có cách mạng mà đời sống quê hương nay đã có nhiều đổi mới, ngỡ như trong mơ”.

Chỉ tay ra con đường bê tông phẳng lỳ, rộng rãi trước cửa nhà, ông bảo: “Con đường này ngày xưa bé lắm, toàn bậc thang và phân trâu lầy lội. Gánh nặng không bước được, còn bị nó đánh cho ngã dúi dụi xuống đường ấy chứ!”. Thoáng một chút trầm ngâm, ông Hùng nói như tâm sự: “Kể từ ngày Đảng ta thực hiện công cuộc đổi mới, kinh tế, xã hội tỉnh nhà nói chung và bà con các dân tộc huyện Đại Từ nói riêng đã khác xưa nhiều lắm. Đó là nhờ công ơn của Đảng, của Bác Hồ đem lại, bà con các dân tộc chúng tôi không bao giờ quên được!”.

Chúng tôi được biết, trong các cuộc kháng chiến, toàn huyện Đại Từ có 64 bà mẹ được phong tặng và truy tặng Mẹ Việt Nam anh hùng (hiện nay 4 mẹ còn sống, đều được các cơ quan, đơn vị nhận chăm sóc, phụng dưỡng tới cuối đời); trên 700 thương binh; trên 200 bệnh binh; gần 1.500 liệt sĩ; trên 2.000 người tham gia chiến đấu bị nhiễm chất độc hóa học và con của họ bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học; gần 12.000 người tham gia cách mạng được tặng thưởng Huân, Huy chương Kháng chiến.

Đến nay, cấp huyện và 30 xã, thị trấn trên địa bàn đều có nghĩa trang hoặc đài tưởng niệm liệt sĩ. Trong những năm qua, bằng nguồn quỹ tình nghĩa của địa phương, huyện đã hỗ trợ các xã, thị trấn tu sửa, nâng cấp lại nghĩa trang liệt sĩ đảm bảo sạch đẹp, trang nghiêm. Thực hiện phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” với các thế hệ cách mạng đi trước, hàng năm, cán bộ, nhân dân, lực lượng vũ trang địa phương đều tổ chức thăm hỏi và tặng quà cho các đối tượng chính sách trong dịp lễ, tết; hỗ trợ sửa chữa nhà và xây dựng được 179 căn nhà cho đối tượng chính sách trị giá gần 6 tỷ đồng; thực hiện chi trả trợ cấp hàng tháng kịp thời và hàng năm cấp gần 10.000 thẻ Bảo hiểm y tế cho các đối tượng chính sách, người có công, đồng thời thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ, ưu đãi trong học tập và sinh hoạt.

Ông Nguyễn Mạnh Hoạt, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Từ cho biết: “Năm 2016, sản lượng lương thực có hạt toàn huyện ước đạt gần 76 nghìn tấn; thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước thực hiện là 169,15 tỷ đồng. Xác định cây chè là một trong những cây chủ lực chính, nên năm qua, diện tích trồng mới, trồng thay thế chè của địa phương đạt 500ha với sản lượng chè búp tươi ước đạt trên 60.000 tấn. Bên cạnh đó, diện tích trồng rừng mới tập trung được 790,95ha, tỷ lệ che phủ rừng ở Đại Từ là 46,8%”.

Chúng tôi được biết, cùng với việc phát triển kinh tế, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đại Từ đã chăm lo đến chính sách giáo dục, văn hóa, xã hội, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 93,75%; 90% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh là 93,46%; tỷ lệ hộ nghèo còn 12,27%. Năm 2016, toàn huyện đã giải quyết việc làm mới cho hơn 3.000 lao động. So với các địa phương khác, Đại Từ vẫn còn nghèo, nhưng Đảng bộ và nhân dân Đại Từ đã và đang nỗ lực đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới; phấn đấu xây dựng Đại Từ ngày càng ấm no, giàu đẹp.

Lê Quý Hoàng


Cập nhật: 272019
Nguồnbienphong.com.vn