© CHELANGSON.COM | Công ty cổ phần chè Thái Bình Lạng Sơn
Xây dựng vùng nguyên liệu giúp ngành chè phát triển bền vững


Vùng chè nguyên liệu ở thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ) (Ảnh Mạnh Hùng)

Với hơn 17.600ha chè, tỉnh ta được xem là một trong những vựa chè lớn của cả nước. Tuy nhiên, hiện nay, tỉnh ta vẫn chưa xây dựng được vùng nguyên liệu phục vụ ngành công nghiệp chế biến chè. Thực tế này đã khiến cho hơn 40 doanh nghiệp sản xuất chè của tỉnh không ít lần rơi vào tình thế lao đao do thiếu nguyên liệu để sản xuất…

Đơn cử như các năm 2001, 2002, mặc dù nằm giữa vùng nguyên liệu nhưng Nhà máy chè Tức Tranh (Phú Lương) vẫn phải ngừng hoạt động do không có nguyên liệu đầu vào… Theo ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Chè Việt Nam kiêm Giám đốc Chi nhánh chè Sông Cầu (có địa chỉ tại thị trấn Sông Cầu, huyện Đồng Hỷ), nguyên liệu phục vụ cho các nhà máy chế biến chè trên địa bàn tỉnh không ổn định. Trừ những doanh nghiệp có vùng chè nguyên liệu như Công ty chúng tôi, còn hầu hết các doanh nghiệp muốn có nguyên liệu chế biến đều phải thu mua trong dân. Những năm chè búp khô được giá, người dân sẽ chế biến thủ công để cung cấp cho thị trường. Chỉ những năm giá chè búp khô giảm mạnh, người dân mới chấp nhận bán chè búp tươi cho các doanh nghiệp.

Qua tìm hiểu thực tế chúng tôi được biết từ đầu năm nay 2011 đến nay, tại nhiều vùng chè trong tỉnh người làm chè đã và đang gặp không ít khó khăn do giá vật tư nông nghiệp tăng cao, trong khi đó giá bán chè búp tươi lại không tăng (hiện nay, các doanh nghiệp thu mua bình quân với giá 3.500-5.000 đồng/kg). Do vậy dẫn đến tình trạng hầu hết các doanh nghiệp chế biến chè gặp khó khăn về nguyên liệu, phải mua gom chè với số lượng nhỏ lẻ tại các hộ dân nên chất lượng nguyên liệu không đồng đều.

Theo ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, để giải quyết tình trạng này thì việc xây dựng các vùng nguyên liệu chè là rất cần thiết. Theo lộ trình, từ nay đến năm 2015, tỉnh ta sẽ tập trung quy hoạch vùng chè nguyên liệu phục vụ cho chế biến theo tỷ lệ 80% sản phẩm chè xanh và 20% sản phẩm chè đen. Đối với chè xanh, đa dạng hóa sản phẩm theo hướng an toàn, chất lượng cao, khai thác lợi thế chè đặc sản của Thái Nguyên, tập trung tại các vùng sản xuất chè của T.P Thái Nguyên, T.X Sông Công, một số vùng sản xuất chè thuộc các huyện Đại Từ, Đồng Hỷ, Phú Lương. Đối với chè đen, phát triển theo hướng tăng tỷ trọng chè CTC (chế biến theo quy trình: búp chè tươi sau khi héo được đưa vào thiết bị vò và nghiền, sau đó đưa ra máy cắt lên men - sấy), giảm dần chè OTD (chế biến theo quy trình công nghệ OTD: chè nguyên liệu tươi làm héo - vò - lên men - sấy khô - sàng phân loại), vùng nguyên liệu tập trung tại huyện Định Hóa, Võ Nhai và một số vùng sản xuất chè thuộc huyện Đại Từ, Đồng Hỷ.

Cùng với đó, tỉnh ta sẽ xác định điều kiện sản xuất chè an toàn như đất, nước, trình độ người lao động cho các vùng sản xuất chè của tỉnh; xây dựng bản đồ mức độ an toàn trong sản xuất chè; đầu tư xây dựng các vùng sản xuất chè an toàn tập trung, đáp ứng nhu cầu các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tiếp tục mở rộng diện tích chè, phấn đấu đến năm 2015 sẽ có 18.500 ha chè, năng suất đạt 12 tấn/ha, sản lượng chè hàng năm đạt 200.000 tấn búp tươi, đưa giá trị sản xuất chè lên 85 triệu đồng/ha/năm... Đồng thời chuyển đổi cơ cấu giống chè theo hướng nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm chè. Khi mở rộng diện tích sẽ xác định rõ các vùng chè tập trung nhằm tận dụng và phát huy tối đa lợi thế về sản xuất chè của tỉnh. Đặc biệt, việc phát triển vùng nguyên liệu sẽ đi đôi với phát triển cơ sở chế biến và hệ thống cơ sở hạ tầng khác, nhất là giao thông. Đối với diện tích trồng thay thế, đầu tư trồng bằng các giống chè có tiềm năng năng suất cao, chất lượng tốt thay cho diện tích chè trung du đã già cỗi. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thay thế giống chè sẽ không phá bỏ diện tích chè cũ một cách ồ ạt để tránh tình trạng thiếu nguồn nguyên liệu chế biến chè. Theo kế hoạch, 5 năm nữa, diện tích chè trung du chỉ còn chiếm 40-50% diện tích.

Cơ cấu giống chè được trồng tập trung tại các vùng nguyên liệu cũng đã được tính đến. Đối với vùng nguyên liệu chế biến chè xanh, chè đặc sản như T.P Thái Nguyên, La Bằng (Đại Từ), Trại Cài (Đồng Hỷ)… sẽ trồng các giống Phúc Vân Tiên, Kim Tuyên, PH9, LDP1. Tại các vùng nguyên liệu cung cấp cho chế biến chè đèn như Định Hóa, Võ Nhai… sẽ tập trung trồng các giống chè LDP1, PH8… Riêng với giống chè trung du, một mặt tập trung đầu tư thâm canh cao ở những diện tích còn sung sức nhằm khai thác hết tiềm năng năng suất, cung cấp nguồn nguyên liệu ổn định cho các doanh nghiệp, mặt khác, phục tráng giống chè trung du chất lượng tốt, đáp ứng cho các nhà máy chế biến chè xanh đặc sản, cung cấp cho người uống chè truyền thống.

Bên cạnh việc nhanh chóng xây dựng quy hoạch vùng nguyên liệu, tỉnh ta cũng sẽ đánh giá lại năng lực thiết bị, công nghệ của các cơ sở chế biến, khả năng cung cấp nguyên liệu của các vùng sản xuất cho cơ sở chế biến chè. Theo đó, chỉ cấp phép hoạt động cho những cơ sở chế biến chứng minh có đủ nguồn nguyên liệu chế biến; khuyến khích các xưởng chế biến quy mô nhỏ tại những trang trại, hộ trồng chè đầu tư chế biến theo hướng kết hợp thiết bị hiện đại với thủ công tinh xảo để tạo ra sản phẩm đặc sản truyền thống; thu hút đầu tư nước ngoài vào phát triển vùng nguyên liệu và chế biến chè. Mong rằng, khi hoàn thành xây dựng quy hoạch vùng nguyên liệu, cây chè sẽ phát triển theo đúng định hướng với quy mô ngày càng lớn mạnh.

Tùng Lâm


Cập nhật: 282018
Nguồnbaothainguyen.org.vn