© CHELANGSON.COM | Công ty cổ phần chè Thái Bình Lạng Sơn
Tập trung phát triển vùng chè bền vững tại Phú Thọ

Trong những năm qua, sản xuất chè của tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng: Năng suất, sản lượng chè liên tục tăng qua các năm; việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, đầu tư thâm canh, sản xuất chè theo hướng an toàn, bền vững đưa cơ giới hoá vào sản xuất được đẩy mạnh; đã hình thành được các vùng sản xuất chè thâm canh, tập trung gắn với cơ sở chế biến.

Cây chè đã và đang khẳng định vai trò, vị thế là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho nông dân khu vực nông thôn, miền núi. Tuy nhiên sản xuất, chế biến biến chè còn những tồn tại hạn chế: Năng suất chè vùng dân còn thấp, việc lạm dụng sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật còn khá phổ biến, sự liên kết sản xuất giữa nông dân và doanh nghiệp còn lỏng lẻo; chưa xây dựng thương hiệu, chưa xuất khẩu được chè thành phẩm; việc mở rộng diện tích chè áp dụng sản xuất chè an toàn còn chậm đặc biệt đối với diện tích do hộ nông dân quản lý.

Để tạo bước chuyển biến mạnh mẽ hơn trong sản xuất chè theo hướng phát triển bền vững trong chuỗi giá trị từ sản xuất - thu mua - chế biến - tiêu thụ sản phẩm, từng bước nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm chè Phú Thọ trên thị trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các huyện vùng chè quan tâm chỉ đạo thực hiện một số nội dung sau:

1. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến các quy định của Nhà nước đối với hoạt động sản xuất, thu mua, chế biến chè trên địa bàn để các tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, chế biến chè biết, tuân thủ thực hiện theo đúng quy định. Kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về hoạt động sản xuất, thu mua, chế biến chè trên địa bàn.

2. Tập trung chỉ đạo, hướng dẫn nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và nông dân theo chuỗi giá trị, phát triển vùng nguyên liệu ổn định gắn với cơ sở chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Khuyến khích các doanh nghiệp ký kết hợp đồng xây dựng vùng nguyên liệu với các hợp tác xã, tổ hợp hợp tác và các hộ dân trồng chè. Xây dựng và nhân rộng các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác dịch vụ vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho chè.

3. Chỉ đạo hệ thống khuyến nông tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn áp dụng các biện pháp thâm canh tăng năng suất, bón phân cân đối N-P-K, lựa chọn trồng cây che bóng phù hợp; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chè.

4. Chỉ đạo các xã, thị trấn trong vùng quy hoạch phát triển chè của huyện rà soát, xác định cơ cấu diện tích các giống chè hiện có trên địa bàn; diện tích chè cằn xấu, giống cũ cần trồng lại; diện tích có thể trồng mới chè chất lượng cao(theo biểu đính kèm) làm cơ sở để xây dựng kế hoạch phát triển chè giai đoạn 2016 - 2020; tổng hợp kết quả rà soát gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước ngày 5/1/2015.

5. Phối hợp chặt chẽ với Ban quản lý Dự án Qseap để cung ứng, tiếp nhận giống chè trồng lại cho các hộ nông dân. Tổ chức kiểm tra, nghiệm thu kết quả trồng lại chè; tổng hợp kết quả gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính trước ngày 25/3/2015 để phối hợp kiểm tra, tổng hợp trình UBND tỉnh cấp kinh phí hỗ trợ.

Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Thọ cũng yêu cầu: Trung tâm Khuyến nông, Chi cục Bảo vệ thực vật và các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn biện pháp kỹ thuật chăm sóc, thâm canh và phòng trừ sâu bệnh hại trên cây chè; kỹ thuật sản xuất chè an toàn. Tăng cường công tác quản việc kinh doanh và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tại các vùng chè, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đồng thời, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tăng cường công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến chè. Tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở chế biến chè, kiên quyết sử lý đối với các cơ sở không đảm bảo điều kiện sản xuất, chế biến theo quy định. Chỉ đạo nhân rộng mô hình chuỗi kiểm soát chè an toàn trên địa bàn tỉnh. Ban quản lý Dự án Qseap phối hợp chặt chẽ với Ban quản lý dự án phát triển chè, Phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện vùng chè: Cung ứng giống chè để trồng lại; hướng dẫn, đôn đốc các hộ nông dân thực hiện trồng lại chè đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật; nghiệm thu kết quả trồng lại; báo cáo kết quả cung ứng giống, kết quả trồng lại với Lãnh đạo Sở.


Cập nhật: 012018
Nguồntapchitaichinh.vn