© CHELANGSON.COM | Công ty cổ phần chè Thái Bình Lạng Sơn
Sơn Bình phát triển vùng chè chất lượng cao


Từ cây chè, giúp dân bản Hua Bó có thêm việc làm, thu nhập.

(BLC) - Sau gần 4 năm đưa cây chè Kim Tuyên chất lượng cao vào trồng thử nghiệm, đến nay xã Sơn Bình (huyện Tam Đường) đã hình thành vùng sản xuất chè tập trung, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Về Sơn Bình những ngày đầu tháng 3, mảnh đất vốn nghèo khó nay đang chuyển mình đổi thay từng ngày. Trên các sườn đồi cây chè đã bám rễ, vươn mình phát triển xanh tốt. Trò chuyện với chúng tôi, anh Phạm Văn Định - Phó Bí thư Đảng ủy xã Sơn Bình phấn khởi nói: “Với tiềm năng đất đai màu mỡ, nguồn lao động dồi dào, xã tận dụng chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp của tỉnh, xã đưa cây chè vào trồng tại các vùng đất nương không hiệu quả. Đến nay, toàn xã có 33,5ha chè Kim tuyên chất lượng cao. Chúng tôi đang tiếp tục tập trung thực hiện Nghị quyết về phát triển vùng chè chất lượng cao với mục tiêu đến năm 2020 toàn xã có 50ha chè Kim tuyên tập trung tại các bản: Huổi Ke, Hua Bó, Bản 46, Nậm Dê. Theo tiến độ này đến năm 2019 xã sẽ hoàn thành chỉ tiêu trồng chè, vượt một năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã đề ra. Đây là kết quả thể hiện được ý Đảng, lòng dân đồng thuận chung tay đưa cây chè trở thành cây trồng mũi nhọn của địa phương”.

Còn nhớ năm 2014, khi xã có chủ trương đưa cây chè Kim Tuyên vào trồng thử nghiệm với diện tích 5ha, bà con không ủng hộ, bởi bao đời nay chỉ quen trồng lúa, ngô, khoai sắn liệu cây chè có phù hợp với khí hậu, trình độ canh tác. Để Nhân dân đồng tình, xã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc triển khai sâu rộng đến các bản; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con, từ đó giải thích, tuyên truyền lợi ích của cây chè mang lại. Tham gia trồng chè ngoài được hỗ trợ giống, phân bón, bà con còn được hỗ trợ giống đậu tương trồng xen canh, “cầm tay chỉ việc” các quy trình kỹ thuật từ khâu làm đất, bón phân đến trồng, chăm sóc. Cùng với đó, xã tiến hành rà soát, quy hoạch vùng chè chất lượng cao thuận lợi cho việc chăm sóc, thu mua, chế biến. Cử Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ xuống giúp bà con làm đất, trồng chè tạo không khí đoàn kết, thi đua sản xuất. Với cách làm này, mỗi năm số lượng hộ dân đăng ký trồng chè tăng lên, riêng năm 2016 kế hoạch giao 10ha, bà con thực hiện được 11,26ha. Đến thời điểm hiện tại, toàn xã đã có 6,1ha chè Kim Tuyên cho thu hoạch.

Hua Bó là bản có diện tích trồng chè nhiều nhất xã với 10ha. Qua khảo sát của xã, bản có nhiều ưu thế như: đất rộng, thời tiết thuận lợi, tầng đất dày phù hợp cho cây chè sinh trưởng và phát triển. Thuận lợi là thế nhưng khi bắt đầu triển khai bà con cũng không tin cây chè sẽ mang lại thu nhập cao. Do đó, bản tiến hành họp, vận động cán bộ, đảng viên, người có uy tín làm trước. Điển hình là gia đình anh Nguyễn Quý Bắc tiên phong chuyển đổi diện tích nương đồi kém hiệu quả sang trồng chè Kim tuyên chất lượng cao. Tâm sự với chúng tôi, anh Bắc cho biết: “Lúc đầu, khi cán bộ xuống tuyên truyền, vận động trồng chè, tôi chưa đồng ý. Khi được xã cho đi tham quan thực tế tại xã Bản Bo và Công ty Cổ phần đầu tư Chè Tam Đường cam kết bao tiêu sản phẩm, năm 2014 tôi đăng ký trồng 2,45ha chè Kim Tuyên. Sau 1 năm, cây chè cho thu nhập cao gấp đôi trồng lúa, vậy là năm 2015, gia đình tôi trồng thêm 6.000m2 chè. Năm vừa qua, cây chè cho thu hoạch với giá bán 10 - 12 nghìn đồng/kg chè búp tươi, trừ chi phí gia đình thu về 33 triệu đồng”.

Thấy được hiệu quả kinh tế từ trồng chè của gia đình anh Nguyễn Quý Bắc hay anh Lường Văn Xanh, chị Lò Thị Thanh, nhiều hộ trong bản đăng ký tham gia trồng chè. Vậy nên, bản Hua Bó đã có 20 hộ trồng chè, hộ trồng ít cũng mấy nghìn mét vuông, hộ trồng nhiều lên tới vài héc ta.

Theo kế hoạch, năm nay xã Sơn Bình sẽ trồng mới 10ha chè Kim Tuyên. Những ngày này, bà con trong xã tranh thủ thời tiết thuận lợi tiến hành phát dọn thực bì, làm đất, đào hố chuẩn bị vụ trồng chè mới. Để người dân gắn bó lâu dài với cây chè, xã Sơn Bình đã lồng ghép và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng nông nghiệp vùng chè tập trung như: đường trục chính, đường nội đồng, hệ thống điện. Đến nay, xã bêtông hóa 44,27km/54,65km đường trục xã, trục bản, ngõ bản, nội đồng. Cùng với đó. khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân có vốn và năng lực vào đầu tư phát triển sản xuất, thực hiện liên kết sản xuất giữa người dân với doanh nghiệp, hợp tác xã chế biến chè, bao tiêu sản phẩm cho bà con.

Hà Tĩnh


Cập nhật: 252018
Nguồnbaolaichau.vn