© CHELANGSON.COM | Công ty cổ phần chè Thái Bình Lạng Sơn
Đi qua những vùng chè

(TBKTSG) - Với người Việt, uống chè (trà) đã trở nên quen thuộc trong đời sống. Đi qua những vùng chè còn là một hành trình văn hóa đầy cảm xúc, từ câu chuyện người làm chè đến những khám phá thú vị xoay quanh cây chè khắp miền đất nước.

Cây chè Việt Nam được chia thành hai vùng rõ rệt: vùng chè đặc sản và vùng chè công nghiệp. Chè đặc sản còn gọi là chè cổ với những cây chè cổ thụ có thân to từ một đến hai người ôm, cao từ 10-40 mét, mọc trải dài khắp các tỉnh từ Đông Bắc đến Tây Bắc. Chè công nghiệp là những giống chè được người Pháp du nhập vào Việt Nam, phát triển nhân rộng ra các vùng chè nổi tiếng như ở Lâm Đồng, Phú Thọ, Mộc Châu, Thái Nguyên...

Chè cổ bao nhiêu năm tuổi?

Có thể nói không quốc gia nào nắm giữ nguồn nguyên liệu chè cổ thụ phong phú, đa dạng, chiếm diện tích rộng lớn, có số lượng cây chè thân to như ở Việt Nam. Khắp các tỉnh từ Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Điện Biên, Thái Nguyên... đều có những vùng chè cổ thụ nổi tiếng. Ngoài những vùng chè đã được người Dao, Mông, Thái, Tày... khai thác từ lâu đời, có những phát hiện mới như rừng chè nguyên sinh ở độ cao 2.200 mét trên đỉnh Phanxipan (Lào Cai), những cây chè to đến hai người ôm, cao trên 30 mét ở núi Hồng (Thái Nguyên). Liệu những vùng chè cổ đó có phải là thủy tổ của ngành chè thế giới?

Ông Đoàn Hùng Tiến, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chè Việt Nam từng có hơn 50 năm trong nghề, nhận định: “Trên bản đồ ngành chè thế giới, dải chè cổ kéo dài qua các quốc gia như Ấn Độ, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam. Giống chè cổ ở các quốc gia này đều có nét tương đồng và được định danh là giống chè san tuyết cổ thụ (các búp chè tươi phủ một lớp lông trắng ánh tuyết - PV). Việt Nam cũng có vùng chè san tuyết rộng lớn, nhưng không thể lấy đó để khẳng định rằng Việt Nam là thủy tổ của ngành chè thế giới. Theo tôi, chỉ có thể nói rằng Việt Nam là một trong những cái nôi của ngành chè thế giới”.

Nét đặc trưng của những vùng chè cổ thụ là người dân địa phương không tốn công gieo trồng chăm bón, chỉ thu hái theo vụ mùa và phó mặc cho đất trời nuôi dưỡng. Vùng chè cổ thụ thường ở độ cao trung bình từ 1.500 mét so với mực nước biển, quanh năm được mây núi, sương lạnh che phủ, thời tiết khắc nghiệt, giúp cây chè có sức sống mãnh liệt, tạo hương vị đặc trưng.

Cây chè ở các vùng chè cổ có từ bao giờ? Cụ Càn, 72 tuổi, người Dao ở thôn Nhìu Sang (Xín Chải, Hà Giang) kể: “Từ hồi bé đã thấy bố mẹ gùi chè về phơi ở sân nhà. Lớn khoảng 13-14 tuổi thì được mẹ đưa lên đồi chè dạy cho cách hái chè. Khi ấy cây chè đã to hơn thân người. Nay những gốc chè ấy vẫn không to thêm là bao. Biết thế thôi chứ chẳng nghe kể chè này do ai trồng cả”.

Chỉ ở Suối Giàng (Văn Chấn, Yên Bái) có cây chè lớn nhất vùng (là cây chè tổ Suối Giàng), thân to hơn một vòng tay người ôm, được các nhà khoa học xác định có hơn 300 năm tuổi. Còn lại những vùng chè cổ khác, tuổi của cây chè được phỏng tính theo cách ước lượng đời người sống theo cây chè. Ở bản Hấu Chua ven con sông Đà, phần ranh giới tận cùng của Điện Biên giáp Sơn La, ông trưởng bản Hạng A Chư được chúng tôi gọi là “vua chè cổ” bởi ông đang sở hữu một vườn chè cổ thụ hơn 400 cây, cao từ 8-15 mét, có nhiều gốc to hai người ôm không xuể. Ông Chư cho biết: “Bố mình hồi nhỏ có lấy hạt chè ngoài vườn, trồng lên một cây, nay đã hơn 80 năm, đường kính nó chỉ khoảng 30 cen ti mét. Vườn nhà mình có mấy cây to hơn hai người ôm, nghĩ chắc nó phải hơn 300 tuổi rồi”.

Báu vật đánh rơi của đất trời

Theo kinh nghiệm của người làm chè ở các vùng chè cổ thụ, chè mọc trên núi càng cao, vị càng đậm đà. Người Mông ở Suối Giàng từ ngàn xưa đã gọi chè cổ thụ là báu vật đánh rơi của đất trời, là cây thuốc Xùa Ziề (Xùa là thuốc, Ziề là chè). Ngoài việc thu hái búp non ở mỗi vụ chè, người Dao áo dài ở Hà Giang thường bẻ một cành lá chè già treo trên xà nhà hay gác bếp, phòng khi cơ thể bất an đem sắc lấy nước uống như một phương thuốc.

Ngày xưa, người miền cao sống ở các vùng chè cổ chỉ làm ra một loại duy nhất: các búp chè khi hái xong được để héo, dồn chặt vào các ống bương, ống tre, treo trên gác bếp để vài ba năm cho chè kết lại thành khối, khi uống chẻ ống lấy chè ra dùng (người miền xuôi gọi chung là chè mạn hảo). Đi khắp vùng chè cổ Đông Bắc - Tây Bắc, dòng chè mạn hảo không còn ai làm, nhưng bù lại người làm chè đã biết vận dụng những kỹ thuật vào sao chế chè, cho ra những sản phẩm độc đáo.

Nếu như chè san tuyết cổ thụ vùng núi cao Hà Giang có mình chè thanh mảnh, vị chát nhẹ, ngọt hậu đậm và kéo dài, thì chè cổ thụ Tủa Chùa (Điện Biên) lại cho màu nước vàng kim hơi ngả sắc đỏ, khi uống đậm vị chát và gắt, pha quá tay rất khó uống. Chè Tà Xùa (Sơn La) lại có vị ngọt thanh và nhả hương thơm dịu, nét khác biệt nổi bật là khi sao chế chè phủ đầy đốm trắng của các búp tuyết tròn mập, trông khá đẹp mắt. Mỗi vùng chè cổ, mỗi giống chè cổ mang một đặc trưng độc đáo như thế.

Hành trình tìm đến các vùng chè cổ rải rác từ dãy Tây Côn Lĩnh, Hoàng Su Phì, sang Hoàng Liên Sơn, đến Tà Xùa... còn là một thách thức lớn khi những báu vật đất trời ấy thường mọc ở những miền đất xa xôi, vắng bóng người. Ngoài những vùng chè cổ được người vùng cao khai thác, núi rừng Tây Bắc hiện còn một vùng chè cổ tự nhiên ở độ cao từ 2.200-2.800 mét trên đường lên đỉnh Phanxipan, với những gốc chè đại thụ hai người ôm, cao đến hơn 40 mét, mọc thành rừng.

Có dịp theo chân những nhân viên kiểm lâm của Vườn quốc gia Hoàng Liên Sơn tìm đến vùng chè cổ, chúng tôi hái một ít lá tươi sắc lấy nước uống. Những lá chè không dày, không sậm màu xanh như lá chè bánh tẻ người dưới xuôi thường dùng, nhưng nấu sôi trong nước gần hai giờ đồng hồ nước chè mới chỉ hơi ngả màu vàng lợt, vị chè không nơi đâu sánh bằng: ngay từ ngụm đầu tiên, vị ngọt thanh dịu đã tràn đầy trong vòm miệng, mang đến cảm giác sảng khoái, lâng lâng thật khác biệt. Dù chưa có một nghiên cứu cụ thể nào về giống chè trên dãy Hoàng Liên Sơn, nhưng việc phát hiện ra một vùng chè cổ mọc trải dài bao quanh đỉnh Phanxipan thực sự là một vốn quý của ngành chè Việt Nam.

Từ chè Phú Thọ đến Lâm Đồng...

Nếu như vùng chè đặc sản đã hình thành nên văn hóa chè Việt từ ngàn năm trước, thì vùng chè công nghiệp góp phần đưa chè Việt ra với thế giới (Việt Nam hiện đứng thứ năm thế giới về xuất khẩu và cung ứng chè nguyên liệu cho thị trường toàn cầu).

Ngành chè công nghiệp Việt Nam hình thành từ năm 1957, khởi phát từ Phú Bền, Phú Thọ. Câu chuyện của những người mở đường, khai phá, vỡ đất trồng ra vùng chè Phú Thọ được cụ Đào Thị Dậu, nguyên Giám đốc Nông trường chè Phú Thọ, kể lại: “Hồi ấy chúng tôi đều là những người từ các tỉnh đồng bằng Bắc bộ, lên Phú Thọ tham gia vỡ đất trồng từng gốc chè đầu tiên. Lúc ấy quanh vùng chỉ toàn đồi núi, rừng hoang, các đội thi đua nhau trồng chè cả ngày lẫn đêm, đốt đuốc làm việc, khí thế lắm. Đàn ông trồng và bón phân, phụ nữ lo việc hái chè. Ai đạt chỉ tiêu thì được tuyên dương, phấn khởi lắm!”.

Cũng chính vùng chè Phú Thọ là cơ sở đầu tiên của Viện Nghiên cứu chè Việt Nam. Từ đây, những giống chè mới được du nhập, nghiên cứu, nhân giống và gieo trồng khắp các vùng chè trong cả nước, là nền tảng để hình thành nên những thương hiệu chè nổi tiếng như Thái Nguyên.

...Và cây chè Yersin

Nếu như vùng chè cổ có cây chè tổ Suối Giàng, vậy cây chè tổ của ngành chè công nghiệp trồng ở đâu? Ai là người đưa cây chè công nghiệp đầu tiên vào Việt Nam? Hành trình đi tìm câu trả lời đã đưa chúng tôi đến với vùng đất mà nay chẳng liên quan gì đến ngành chè Việt: thành phố biển Nha Trang.

Lịch sử ghi lại rằng vào năm 1896, bác sĩ Yersin (tên đầy đủ là Alexandre Jean Emile Yersin) đã khai phá vùng Suối Dầu để lập trại chăn nuôi, trồng trọt, du nhập những giống cây công nghiệp vào Việt Nam. Đến năm 1915, ông khám phá ra đỉnh Hòn Bà, xây một ngôi nhà và lập trạm thực nghiệm trên đỉnh núi, ươm trồng các giống cây trong đó có canhkina (trị bệnh sốt rét) và cây chè. Từ vườn ươm thực nghiệm ấy, người Pháp đã tìm ra vùng thổ nhưỡng thích hợp cho cây chè ở độ cao tương ứng với đỉnh Hòn Bà (trên 1.500 mét so với mực nước biển), nơi Sở Trà Cầu Đất được thành lập năm 1927 thuộc tỉnh Lâm Đồng. Từ nền tảng ấy, vùng chè Lâm Đồng không ngừng phát triển và hiện là địa phương có vùng trồng chè lớn nhất cả nước, với diện tích khoảng 26.000 héc ta. Sở Trà ngày xưa ấy nay vẫn tồn tại, với nhà máy chè cổ nhất Việt Nam còn hoạt động. Và vườn chè công nghiệp đầu tiên còn lại khoảng hơn 40 héc ta với những gốc chè đã hơn 80 năm tuổi.

Gần 100 năm qua, cây chè mà bác sĩ Yersin trồng thực nghiệm vẫn còn đó, sống ven tảng đá cạnh ngôi nhà trên đỉnh Hòn Bà được phục dựng theo nguyên bản từ năm 2004. Cây chè ấy được vinh dự mang tên nhà khoa học lỗi lạc (Thea Yersinni), cũng chính là cây chè đầu tiên của ngành chè công nghiệp Việt Nam.

Nguyễn Đình


Cập nhật: 292018
Nguồnthesaigontimes.vn