© CHELANGSON.COM | Công ty cổ phần chè Thái Bình Lạng Sơn
Yên Thế mở rộng diện tích và nâng cao chất lượng sản xuất chè hàng hóa

Xác định cây chè là một trong những cây trồng chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế cao, những năm gần đây, huyện Yên Thế đã tập trung mở rộng diện tích và từng bước nâng cao năng suất, chất lượng, tạo dựng thương hiệu cho sản phẩm chè của địa phương.

Nhận thức được lợi thế so sánh của huyện và giá trị cây chè, Yên Thế đã tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã trong vùng quy hoạch phối hợp với Công ty TNHH Hiệp Thành tổ chức thực hiện Dự án "ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình nhân giống vô tính, trồng thâm canh và cải tạo nương chè già cỗi bằng một số giống chè mới và chế biến chè an toàn tại huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang"; Đề án phát triển vùng sản xuất chè nguyên liệu huyện Yên Thế, giai đoạn 2011-2015; tăng cường tập huấn kỹ thuật thâm canh, cải tạo, trồng mới, sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAHP và đi vào thâm canh giống chè hiện có; đồng thời thay thế dần giống chè cũ bằng giống chè mới cho năng suất, chất lượng cao như giống chè LDP1, LDP2, PH1 giâm cành; ứng dụng kỹ thuật mới vào chế biến chè xanh nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm.

Ngoài ra, để không ngừng nâng cao chất lượng và giá trị cho sản phẩm chè xanh địa phương, cùng với việc mở rộng vùng chè nguyên liệu, chuyển giao quy trình sản xuất, chế biến sản phẩm, Yên Thế đã tập trung khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến chè xanh và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chè xanh Yên Thế.

Nhờ đó, đã hình thành vùng sản xuất chè tập trung có chất lượng cao tại các xã Xuân Lương, Canh Nậu...; mang lại giá trị sản phẩm chè đạt trên 15 tỷ đồng (năm 2016) cho địa phương. Đồng thời, uy tín và chất lượng sản phẩm chè xanh Yên Thế đã được khẳng định trên thị trường trong và ngoài tỉnh, được người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng và đánh giá cao.
Đây là những kết quả rất đáng mừng, thể hiện hướng đi đúng đắn của địa phương trong phát triển cây hàng hóa chủ lực. Tuy nhiên, theo đánh giá, những kết quả trên chưa tương xứng và chưa thật sự phát huy được những tiềm năng, lợi thế của cây chè trên vùng đất đồi Yên Thế. Do vậy, để không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh với quy mô lớn, xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm chè xanh đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu, nâng cao hiệu quả cho người sản xuất, huyện Yên Thế đã xây dựng và triển khai Đề án Nâng cao chất lượng sản xuất chè hàng hóa huyện Yên Thế, giai đoạn 2016-2020.

Đề án đặt ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như: Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động trong các tầng lớp nhân dân; thực hiện quy hoạch vùng sản xuất chè đến năm 2020 và những năm tiếp theo; tập trung hỗ trợ mở rộng vùng chè nguyên liệu; hỗ trợ nâng cao chất lượng sản phẩm chè; hỗ trợ quảng bá và xúc tiến thương mại; xây dựng nhãn hiệu sản phẩm. Qua hơn một năm thực hiện, Đề án đã và đang được người trồng chè của huyện, cũng như các doanh nghiệp sản xuất, chế biến chè của địa phương quan tâm và nhiệt tình hưởng ứng.
Với sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến xã, sự chung tay của các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và các hộ trồng chè địa phương, Yên Thế đang hướng tới mục tiêu tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng sản phẩm chè xanh của huyện bằng việc mở rộng diện tích chè trồng bằng các giống mới có năng suất, chất lượng cao và ứng dụng các tiến bộ KHCN, kỹ thuật mới vào sản xuất, chế biến sản phẩm; phấn đấu nâng diện tích chè toàn huyện đến năm 2020 đạt khoảng 700 ha; xây dựng các mô hình sản xuất tập trung có ứng dụng công nghệ sản xuất tiên tiến và các chuỗi liên kết giữa người sản xuất, chế biến, tiêu thụ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, cũng như giá trị sản phẩm chè xanh; khuyến khích, hỗ trợ mở rộng dây chuyền sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm của nhà máy chế biến chè Hiệp Thành, HTX Thân Trường...; đồng thời khuyến khích thành lập mới từ 1-2 HTX sản xuất chè xanh.

Bên cạnh đó, phấn đấu chuyển giao quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, thâm canh chè an toàn, kỹ thuật thu hái, bảo quản chè nguyên liệu để đáp ứng yêu cầu chế biến chè chất lượng cho nông dân; nâng cao chất lượng, phát triển thương hiệu và mở rộng thị trường; xây dựng mô hình thâm canh cao, mô hình sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAHP gắn với chế biến, xây dựng nhãn hiệu và quảng bá sản phẩm chè Yên Thế. Đồng thời, lồng ghép có hiệu quả các nguồn lực từ ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh, huyện và doanh nghiệp, nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình giảm nghèo để tăng cường củng cố kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, đáp ứng yêu cầu phát triển vùng sản xuất hàng hóa chất lượng cao của huyện trong thời gian tới./.

Văn Thư


Cập nhật: 022018
Nguồnyenthe.vn