© CHELANGSON.COM | Công ty cổ phần chè Thái Bình Lạng Sơn
Phát triển ngành chè bền vững gắn với công nghệ cao

Chè là một trong những cây trồng chủ lực của Lâm Ðồng. Tuy nhiên, hiện nay ngành sản xuất chè Lâm Ðồng đang đứng trước những thách thức lớn khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với các nước trên thế giới. Tại buổi hội thảo tìm giải pháp phát triển ngành chè tại TP Bảo Lộc, các ngành chuyên môn đã nêu lên thực trạng và giải pháp để nâng cao chất lượng ngành chè trong xu thế hội nhập quốc tế.


Chế biến chè Oolong tại Bảo Lộc. Ảnh: Khánh Phúc

Khó thực hiện được lộ trình quy hoạch

Lâm Đồng là tỉnh có diện tích chè lớn nhất cả nước với hơn 21.000 ha, chiếm 16% so với diện tích của cả nước. Theo thống kê, trong 7 năm qua, diện tích trồng chè của tỉnh giảm hơn 2.500 ha. Về sản xuất, hiện toàn tỉnh Lâm Đồng có hơn 220 công ty, doanh nghiệp (DN) và cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến chè, từ đây đã và đang tạo công ăn việc làm ổn định cho khoảng 8.000 lao động tại địa phương. Trung bình mỗi năm, địa phương sản xuất, chế biến được khoảng 51.000 tấn chè thành phẩm. Với các sản phẩm chủ đạo là chè Oolong, chè ướp hương, chè đen và chè xanh nên chè Lâm Đồng không chỉ phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu đi các thị trường tiềm năng ở nước ngoài như Mỹ, Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản và các nước Trung Đông. Riêng tại TP.Bảo Lộc - “thủ phủ” chè Lâm Đồng hiện có gần 100 công ty, DN, cơ sở sản xuất, chế biến chè. Trung bình mỗi năm, Bảo Lộc sản xuất được khoảng 25.000 - 30.000 tấn chè thành phẩm và giá trị xuất khẩu chè đạt khoảng 32 triệu USD/năm.

Ngoài diện tích chè bị thu hẹp thì ngành chè Lâm Đồng còn gặp khó khăn trong việc liên kết vùng. Nhiều loại cây có giá trị cao đã cạnh tranh diện tích với cây chè. Mặt khác, do biến đổi khí hậu làm một số dịch hại có xu hướng tăng, nên người sản xuất chè phải sử dụng một số loại thuốc BVTV quá mức làm ảnh hưởng đến chất lượng chè. Do liên kết sản xuất và chế biến còn hạn chế dẫn đến các nhà máy chưa chủ động vùng nguyên liệu, khó khăn trong việc kiểm soát quy trình sản xuất, phân khúc lợi nhuận giữa sản xuất và kinh doanh chưa hợp lý. Theo ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, ngành chè Lâm Đồng đang đứng trước nhiều khó khăn, như sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất còn hạn chế, quản lý chất lượng còn khó khăn, xúc tiến thương mại tập trung chủ yếu trong nước và chưa xây dựng được thương hiệu mạnh. Đặc biệt, ngành có khả năng không thực hiện được lộ trình quy hoạch đã đề ra là phát triển diện tích chè toàn tỉnh đến năm 2030 đạt 23.000 - 24.000 ha.

Tăng cường liên kết

Để ngành sản xuất, chế biến chè Lâm Đồng phát triển bền vững, các giải pháp đã được đưa ra gồm chính sách tín dụng hỗ trợ khâu sản xuất nhằm tái canh vườn chè và cơ giới hóa trong khâu thu hái; hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc thu mua chè búp tươi gắn với nhà máy chế biến và thị trường tiêu thụ; có chính sách thu hút đầu tư để có điều kiện tiếp cận với công nghệ mới; chú trọng thâm canh, sản xuất các loại chè đặc sản, chất lượng cao. Ông Hoàng Sỹ Bích, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, chính sách tín dụng hỗ trợ sản xuất tái canh vườn chè là cần thiết để các nhà máy đổi mới công nghệ sản xuất gắn với xây dựng vùng nguyên liệu riêng. Để đảm bảo diện tích trồng chè không bị giảm sút thì cũng cần nghiên cứu việc cấp sổ đất theo quy hoạch, nếu hộ dân phá vỡ quy hoạch để chuyển sang trồng cây khác thì sẽ bị thu hồi sổ. Còn theo ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, trong thời gian tới, cần rà soát diện tích trên địa bàn để có những con số cụ thể về diện tích chè cao sản, chè chất lượng cao, từ đó định hướng phát triển phù hợp.

Ông Nguyễn Hữu Tài, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam, cho biết: Muốn ngành chè phát triển bền vững thì phải hội tụ các yếu tố cần và đủ là hiệu quả về kinh tế, hiệu quả về môi trường và hiệu quả về xã hội. Trên thực tế, ngành chè hiện sản xuất nhỏ lẻ, manh mún trong các hộ gia đình nên chính sách tích lũy ruộng đất, mở rộng vùng sản xuất chuyên canh là cần thiết và cần được địa phương triển khai. Ông chia sẻ: Muốn bền vững thì yêu cầu về an toàn thực phẩm, đảm bảo chất lượng sản phẩm cần được đặt lên hàng đầu. Để làm được điều này đòi hỏi sự nỗ lực của các tổ chức, cá nhân và sự vào cuộc của các cơ quan, của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương và cần đầu tư theo chiều sâu; đồng thời, các doanh nghiệp cần quan tâm đến việc liên doanh, liên kết trong sản xuất”.

Hai hội thảo phát triển bền vững ngành chè và tơ lụa Lâm Đồng

Nằm trong khuôn khổ Tuần Văn hóa Trà và Tơ lụa tại TP Bảo Lộc, hai hội thảo quan trọng về tìm giải pháp phát triển bền vững ngành chè và dâu tằm, tơ lụa Lâm Đồng đã được tổ chức trong ngày 26/12. Nhiều ý kiến của các nhà quản lý, nhà khoa học, Hiệp hội Dâu tằm tơ Việt Nam, Hiệp hội Tơ lụa Thế giới, Hiệp hội Chè Việt Nam đã được trình bày, tập trung vào tìm kiếm giải pháp phát triển bền vững đối với hai ngành này trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

ÐÔNG ANH

(Báo Lâm Đồng)


Cập nhật: 272018
Nguồndalat-info.vn