© CHELANGSON.COM | Công ty cổ phần chè Thái Bình Lạng Sơn
TUYÊN QUANG PHÁT TRIỂN CÂY CHÈ BỀN VỮNG

Trong 5 năm trở lại đây, việc phát triển cây chè gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm đã được ngành Nông nghiệp của tỉnh Tuyên Quang chú trọng. Qua đó đã góp phần tích cực trong việc nâng cao thu nhập cho người nông dân và khẳng định được vị trí mũi nhọn trong phát triển kinh tế của cây chè ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh.


Mô hình chè sạch tại thôn Làng Bát, xã Tân Thành (Hàm Yên). Ảnh: TQĐT

Xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn là một trong những địa phương có diện tích chè lớn nhất trong tỉnh. Với trên 570 ha chè đang cho thu hoạch và tiếp tục mở rộng diện tích một số giống chè chất lượng cao, cây chè thực sự trở thành cây trồng mũi nhọn, mang lại giá trị kinh tế cho bà con nông dân trong xã. Hiện nay, bên cạnh việc mở rộng diện tích, tăng năng suất cây chè, xã Mỹ Bằng đã chú trọng phát triển cây chè theo hướng chất lượng cao. Cụ thể là việc sản xuất chè theo hướng an toàn gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm, đặc biệt là vận động, khuyến khích cho người dân tự làm thương hiệu. Hiện ngoài chè Bát Tiên đã được Cục sở hữu trí tuệ công nhận thương hiệu, thì người dân xã Mỹ Bằng cũng đã tự xây dựng nhiều thương hiệu riêng của cá nhân, hộ gia đình theo hình thức sản xuất chè sạch, an toàn, góp phần rất lớn trong việc nâng cao thu nhập và giải quyết việc làm cho người lao động trong xã.

Để phát triển cây chè bền vững, thời gian qua, Sở NN&PTNT; Sở Khoa học và Công nghệ; UBND các huyện, thành phố trong tỉnh đã thực hiện phối hợp việc quy hoạch, phát triển vùng sản xuất chè, hỗ trợ, hướng dẫn các hợp tác xã và các cơ sở sản xuất xây dựng các quy chế, quy trình sản xuất, tiêu chí về trọng lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm đảm bảo được các yêu cầu về chất lượng sản phẩm. Trong đó, việc quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa gắn với hỗ trợ nguồn vốn để phát triển theo các chương trình, dự án của địa phương đã tạo điều kiện để các hộ gia đình, các cơ sở sản xuất chế biến chè mạnh dạn đầu tư thâm canh, nâng cao chất lượng sản phẩm chè. Hiện nay, việc xây dựng thương hiệu chè gắn với quảng bá thương hiệu sản phẩm đã giúp cho thị trường tiêu thụ chè được mở rộng. Đặc biệt việc thiết lập các kênh phân phối, tiêu thụ ổn định làm thay đổi nhận thức của người dân từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng hàng hoá, tập trung và đảm bảo chất lượng đã thúc đẩy sản xuất phát triển, tạo được nhiều mô hình đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Một số sản phẩm chè có thương hiệu như Bát Tiên, Làng Bát, Vĩnh Tân hiện nay đã có chỗ đững vững trên thị trường.

Phát triển cây chè bền vững phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương chính là điều kiện để tỉnh đưa cây chè trở thành cây mũi nhọn, tăng thu nhập cho người dân. Đây cũng là một trong những yêu cầu để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, góp phần hoành thành chương trình xây dựng Nông thôn mới của tỉnh./.

Bình Yên - Tuấn Tú | nguồn: http://tuyenquangtv.vn/


Cập nhật: 152018
Nguồntuyenquangtv.vn