© CHELANGSON.COM | Công ty cổ phần chè Thái Bình Lạng Sơn
Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây chè Shan tuyết Mộc Châu

Mỗi loại chè có một phương pháp trồng và chăm sóc khác nhau. Từ đó, chúng phát triền hình thái và có những đặc tính khác nhau. Sau đây là phương pháp trồng và chăm sóc cây chè Shan tuyết Mộc Châu.

Giống chè: Là giống chè Shan tuyết Mộc Châu, được sản xuất từ hom giống đạt tiêu chuẩn 10 TCN 446-2001.

Hom chè: Gồm 1 đốt 2 lá đem giâm trong bầu đất trong túi PE khi cây đã sinh trưởng trong vườn ươm từ 8-12 tháng tuổi, mầm cây cao từ 20 cm trở lên, có 8-10 lá thật, đường kính mầm sát gốc từ 4-5 mm trở lên, vỏ phía gốc màu đỏ nâu, phía ngọn xanh thẫm, lá chè to, dày, xanh đậm, bóng láng, không có nụ hoa.

Thời vụ trồng: Thời gian giâm cành vào tháng 1-2 và tháng 7-8, và thời vụ trồng vào tháng 1-3 và tháng 8-9.

Đất trồng chè: Phải được cày vùi phân xanh trước khi trồng ít nhất 1 tháng. Khi trồng thì bổ hố hay cày rạch sâu 20-25 cm theo rãnh hàng đã được đào để trồng bầu cây. Sau khi đào rãnh hàng xong bón lót phân hữu cơ 20-30tấn/ha và 100-150kg/ha NPK, trộn vào đất trồng.

Khoảng cách trồng: Là hàng cách hàng: 1,5 - 1,7 m và cây cách cây: 0,4-0,5 m.

Người dân đang đào rãnh, trồng các bầu cây chè trên đồi. Ảnh: Chebuptancuong.

Cách trồng: Trồng cây sau khi đã bỏ túi bầu, đặt bầu vào hố hay rạch, lấp đất đều xung quanh bầu, lấp phủ lớp đất tơi trên vết cắt 1-2 cm, đặt mầm cây xuôi theo chiều gió chính. Trồng xong tủ cỏ, rác hai bên hàng cây chè hay hốc trồng dày 8-10 cm, rộng 20-30 cm mỗi bên. Loại cỏ, rác dùng để tủ là phần không có khả năng tái sinh.

Đối với đồi chè, cần phải trồng cây che bóng mát để tạo vùng tiểu khí hậu cho vùng chè, điều hòa được chế độ nước và không khí trong vùng chè… Cây che bóng là những cây thuộc bộ đậu, thân gỗ, tán thưa, rộng, không tranh chấp nước với cây chè về mùa đông, được trồng giữa 2 hàng chè, đảm bảo che bóng 30-50% ánh sáng mặt trời.

Phương pháp bón phân hiệu quả

Trong giai đoạn kiến thiết cơ bản (trong 2 – 3 năm sau khi trồng) tiến hành bón phân như sau: Phân chuồng 25tấn/ha/năm Supelân 300kg/ha/năm; Phân vi sinh 5tấn/ha Supelân 400kg/ha KCL200kg/ha, vào tháng 4 và tháng 8; Đạm Sunpát 240-300kg/ha/3 lần (tháng 5,7,9).

Tiền hành xới cỏ, đảm bảo sạch cỏ quanh năm trên hàng chè, chè 1 tuổi cần nhổ cỏ bằng tay, vụ xuân tháng 1 - 2 và vụ thu tháng 8-9 xới sạch toàn bộ diện tích 1 lần/vụ. Trong năm xới gốc 2-3 lần, rộng 30-40cm về hai bên hàng chè.

Kỹ thuật đốn chè

Hàng năm vào cuối thời kỳ sinh trưởng, cây chè được đốn đau để tạo tán và điều chỉnh sinh trưởng. Người dân Mộc Châu áp dụng các biện pháp đốn hái khác nhau, như đốn tạo hình, đốn phớt, đốn lửng, đốn đau, đốn trẻ lại trong suốt quá trình sinh trưởng của cây chè Shan tuyết. Mỗi một biện pháp đốn đều có một mối quan hệ nhất định với chất lượng búp chè.

Biện pháp kỹ thuật của người dân Mộc Châu trong việc đốn chè thường như sau:

- Đốn tạo hình: Lần 1: khi chè 2 tuổi, đốn thân chính cách mặt đất 20-25cm, đốn cành cách mặt đất 30-35cm. Lần 2: Khi chè 3 tuổi, đốn cành chính cách mặt đất 30-35cm, đốn cành tán cách mặt đất 40-45cm.

- Đốn phớt: Hai năm đầu, mỗi năm trên vết đốn cũ 5cm. Sau đó mỗi năm đốn cao thêm 3cm, khi vết đốn dưới cùng cao 70cm so với mặt đất thì hàng năm chỉ đốn cao thêm 1 cm so với đốn cũ. Tuyệt đối không tỉa cành lá, đảm bảo độ che phủ, khép tán trên nương. Đối với nương chè sinh trưởng yếu, tán lá thưa mỏng, có thể áp dụng chu kỳ đốn cách năm: 1 năm đốn phớt như trên, 1 năm đốn sửa bằng tán chỉ cắt phần cành xanh.

- Đốn lửng: Những đồi chè đã được đốn phớt nhiều năm, vết đốn cao quá 90cm so với mặt đất, nhiều cành tăn hương, u bướu, búp nhỏ, năng suất giảm thì đốn lửng cách mặt đất 60-65cm, hoặc chè có năng suất khá nhưng cây quá cao cũng đốn lửng cách mặt đất 70cm-75cm.

- Đốn đau: Những đồi chè được đốn lửng nhiều năm, cành nhiều mấu, cây kém sinh trưởng, năng suất giảm rõ rệt thì đốn đau cách mặt đất 40-45cm.

- Đốn trẻ lại: Những nương chè già, cằn cỗi đã được đốn đau nhiều lần, năng suất giảm nghiêm trọng thì đốn trẻ lại cách mặt đất 10-15cm.

Thời vụ đốn từ tháng 12 đến hết tháng 1 năm sau, đốn sau những đợt sương muối nặng. Đốn đau trước, đốn phớt sau. Đốn tạo hình chè con trước, đốn chè trưởng thành sau.

Cách tưới nước

Hệ thống tưới nước cho chè. Ảnh: Vườn Thông Minh.

Ngoài lượng nước do mưa và sông suối cung cấp, người dân Mộc Châu còn tưới nước cho chè khi độ ẩm tương đối của đất dưới 60% vào các tháng hạn (từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau).

Phương Thảo - Hương Trang (Cục Sở hữu trí tuệ)


Cập nhật: 312018
Nguồnbaomoi.vn