© CHELANGSON.COM | Công ty cổ phần chè Thái Bình Lạng Sơn
Ứng dụng công nghệ sinh học nâng cao năng suất cây chè, cà phê

Sử dụng các chế phẩm sinh học mới, năng suất cây chè đã được nâng cao...

Chè, cà phê và hồ tiêu từ lâu đã được xác định là những cây trồng chiến lược trên đất Tây Nguyên. Do đó, việc hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất ổn định cho các loại cây trồng này là cần thiết nhằm phát triển kinh tế – xã hội Tây Nguyên theo hướng bền vững. Một trong những khâu quan trọng không thể thiếu của quy trình công nghệ là việc ứng dụng các chế phẩm vi sinh nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng trên cơ sở đảm bảo duy trì và phát triển chất lượng đất.

 

Sử dụng chế phẩm sinh học nâng cao năng suất cây chè

Xuất phát từ mục tiêu đó, các nhà khoa học của Trung tâm Phát triển Công nghệ cao thuộc Viện Hàn lâm KHCNVN đã triển khai đề tài TN3/C01 “Nghiên cứu phát triển và ứng dụng một số chế phẩm có nguồn gốc sinh học trong canh tác chè, cà phê, hồ tiêu theo hướng phát triển bền vững tại Tây Nguyên”. Trọng tâm của đề tài là phát triển và chuyển giao Quy trình kỹ thuật ứng dụng dòng chế phẩm bảo vệ thực vật An is af SH, chế phẩm vi sinh xử lý phế thải đồng ruộng Vixura và một số chế phẩm vi sinh đa chức năng trong canh tác chè, cà phê, hồ tiêu theo hướng phát triển bền vững tại Tây Nguyên.

Trong khuôn khổ đề tài, các sản phẩm trên đã và đang được đưa vào thí điểm ứng dụng tổng hợp trong canh tác chè, cà phê, hồ tiêu tại Tây Nguyên (với quy mô 5ha cho mỗi loại cây trồng).

Trên cơ sở phân tích tính chất của các mẫu đất trồng chè, cà phê, hồ tiêu ở Tây Nguyên (là đất chua nhẹ, độ ẩm không cao, mật độ các vi sinh vật hữu ích thấp), nhóm nghiên cứu đề tài đã lựa chọn ứng dụng dòng thuốc bảo vệ thực vật Anisaf SH trong canh tác chè, cà phê, hồ tiêu. Cụ thể là thuốc trừ sâu bảo vệ thực vật Anisaf SH-01, chế phẩm Anisaf SH-01 (1) và Anisaf SH-01 (2).

Anisaf SH-01 có thành phần là Polyphenol được chiết xuất từ thực vật không gây độc hại cho cây trồng, vật nuôi, đảm bảo vệ sinh an toàn nông sản và bảo vệ môi trường sinh thái. Đây là sản phẩm đã được đăng ký sử dụng trong phòng trừ các loại sâu trên chè và một số loại rau (bắp cải, dưa chuột...). Đối với cây chè, thuốc có tác dụng phòng trừ rầy xanh, bọ xít muỗi, bọ cánh tơ, nhện đỏ ở liều lượng sử dụng là 50 ml/8 lít nước (lượng nước thuốc phun là 500-600 lít/ha).

Các nhà khoa học thực hiện đề tài đã tiếp tục triển khai nghiên cứu ứng dụng của thuốc trên cây cà phê và hồ tiêu. Kết quả cho thấy sản phẩm có tác dụng phòng trừ rệp sáp, hạn chế bệnh vàng lá, tuyến trùng hại cà phê, hồ tiêu ở nồng độ 1%, lượng nước thuốc sử dụng là 3-5 lít/cây, sử dụng theo đường phun cả cây với kết hợp với tưới gốc.

Ngoài việc sử dụng thuốc trừ sâu bảo vệ thực vật Anisaf SH-01, các nhà nghiên cứu đồng thời sử dụng các chế phẩm Anisaf SH-01 (1) và Anisaf SH-01 (2) nhằm hỗ trợ quá trình hấp thu dinh dưỡng của cây trồng và cải tạo chất lượng đất.

Anisaf SH – 01 (1) là chế phẩm có tác dụng thúc đẩy khả năng điều hòa, chuyển hóa dinh dưỡng của cây trồng, giúp cây hấp thu và sử dụng hợp lý nguồn dinh dưỡng được cung cấp. Đây là yếu tố quan trọng giúp giảm thiểu lượng phân bón phải sử dụng, tạo tiền đề cho việc đạt được mục tiêu vừa đảm bảo cho cây phát triển tốt vừa giảm thiểu được việc sử dụng phân bón hóa học.

Trong khi đó, Anisaf SH – 01(2) là chế phẩm có tác dụng thúc đẩy sự phát triển và khả năng hoạt động của hệ vi sinh vật sẵn có trong đất (hệ vi sinh vật bản địa), thúc đẩy vai trò của chúng trong việc tái tạo dinh dưỡng, phục hồi độ phì, chống thoái hóa bạc màu đất, góp phần quan trọng trong việc xây dựng được tính bền vững cho chất lượng đất trồng và qua đó đảm bảo được tính bền vững cho cây trồng.

Với mục tiêu canh tác bền vững chè, cà phê, hồ tiêu, bên cạnh việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, nhóm nghiên cứu còn chú ý sử dụng chế phẩm phân bón vi sinh Vixura do Viện công nghệ sinh học sáng chế. Vixura có tác dụng phân hủy phế thải đồng ruộng (rơm rạ, vỏ cà phê, cành chè, cành lá cây hồ tiêu sau khi đốn....) thành mùn để từ đó ủ thành phân bón hữu cơ vi sinh.

Ngoài việc phát triển ứng dụng của các loại thuốc bảo vệ thực vật và phân bón vi sinh đã có mặt trên thị trường trong canh tác chè, cà phê, hồ tiêu, các nhà khoa học còn nghiên cứu chế tạo thành công chế phẩm vi sinh đa chức năng (cho cây chè, cây cà phê và cây hồ tiêu) từ các vi sinh vật có ích phân lập từ các mẫu đất trồng.

Trên cơ sở quy trình chung để sản xuất chế phẩm vi sinh của Phòng Công nghệ vật liệu sinh học, Viện Công nghệ Sinh học, các chế phẩm được tối ưu hóa thành phần và điều kiện nuôi cấy để đạt mật độ vi sinh vật hữu ích từ 10 9 CFU/g trở lên sau 1 tuần cấy vào và đã được theo dõi biến động mật độ VSV theo thời gian bảo quản ở nhiệt độ phòng. Khi nghiên cứu khả năng tồn tại của các chủng VSV trong chế phẩm các nhà khoa học nhận thấy chúng đều sinh trưởng và phát triển tốt trong chế phẩm. Chế phẩm có thể bảo quản trong 6 tháng ở nhiệt độ phòng (đạt mật độ theo tiêu chuẩn ngành Nông nghiệp TCN 6167-1997). Hoạt tính sinh học của các chủng cũng không bị mất đi sau thời gian bảo quản.

So với các loại phân bón vi sinh nói chung, đây là các loại phân bón vi sinh được đánh giá cao với ưu điểm vượt trội về tính chuyên biệt, phù hợp với mỗi loại đất và cây trồng cụ thể (chè, cà phê và hồ tiêu).

Kết quả nghiên cứu và thử nghiệm thành công Đề tài TN3/C01 sẽ mang lại khả năng ứng dụng đồng bộ các sản phẩm vi sinh trong canh tác chè, cà phê, hồ tiêu ở Tây Nguyên nói riêng và ở các vùng đất trồng có điều kiện tương tự trong cả nước nói chung (như Tuyên Quang, Tân Cương, Thái Bình...), giúp cải thiện chất lượng đất và nâng cao đáng kể năng suất, chất lượng cây trồng, trực tiếp góp phần thúc đẩy tăng trưởng bền vững ngành nông nghiệp Việt Nam.

Bích Diệp


Cập nhật: 222017
Nguồnvietbao.vn