© CHELANGSON.COM | Công ty cổ phần chè Thái Bình Lạng Sơn
Chuyện gã khùng mê “chè tiểu thư”

TQĐT - Thời điểm người dân vùng chè Phú Lâm (Yên Sơn) lao đao bởi chè mất giá, đã nhiều người tính chặt bỏ cả vườn sang trồng cây khác, nhưng Nguyễn Công Sử, thôn 17 lại vay mượn hàng trăm triệu đồng đầu tư trồng giống chè ngoại có cái tên mỹ miều “Ngọc Thúy”. Lúc đó, nhiều người gọi anh là gã khùng. Nhưng 10 năm sau quyết định táo bạo, cộng với sự tâm huyết, cần mẫn và cách làm bài bản đã giúp anh xây dựng thành công thương hiệu chè Ngọc Thúy Suối Khoáng nức tiếng gần xa.

Tiên phong trồng giống mới


Anh Nguyễn Công Sử bên gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm chè “Ngọc Thúy Suối Khoáng”.

Trong căn nhà xây khang trang, tiếp chúng tôi bằng ấm chè đậm vị đắng ngọt, dịu hương hoa, anh Sử giới thiệu, bố mẹ anh đều là công nhân Nông trường Chè Tháng 10 trước đây (nay là Công ty cổ phần Chè Mỹ Lâm). Đây vừa là cầu nối, cái duyên, cái nghiệp để anh gắn bó với ngành chè. Khoảng thời gian gần 10 năm làm việc tại Công ty cổ phần Chè Mỹ Lâm, anh đã được nếm trải những khó khăn, vất vả của người trồng chè, cũng như đúc rút nhiều kinh nghiệm về quản lý, chăm sóc, thu hái, chế biến chè. 

Từ những năm 2004 đến 2006, chè búp tươi rớt giá thảm hại, dao động từ 1.000 - 2.000 đồng/kg khiến những người trồng chè lao đao, không ai còn mặn mà đổ tiền đầu tư vào cây chè nữa, nhiều công nhân đã trả lại nương chè mà trước đó họ được công ty giao khoán. Giữa thời điểm đó, anh Sử mạnh dạn nhận khoán 10 ha chè của các hộ công nhân khác tại thôn 19, cách nhà khoảng 4 km.

Đầu tiên, anh tính chuyển đổi diện tích chè trung du năng suất và hiệu quả kinh tế thấp bằng giống chè mới có giá trị kinh tế cao. “Nước cờ” đầu tiên là anh Sử lấy mẫu đất khu vực nương chè của mình thuê Viện Thổ nhưỡng nông hóa ở Hà Nội phân tích chất đất và thấy điều kiện thổ nhưỡng ở đây rất hợp với trồng chè.

Tiếp theo, anh dày công nghiên cứu, học hỏi tìm hiểu về các giống chè như Bát Tiên, Kim Tuyên, Phúc Vân Tuyên... được trồng ở Thái Nguyên, Sơn La, Lâm Đồng... Qua so sánh ưu, nhược điểm của nhiều loại chè, anh Sử đã chọn giống chè Ngọc Thúy, có xuất xứ từ Đài Loan.

Anh Sử bảo, anh quyết định lựa chọn giống chè Ngọc Thúy bởi giống chè này đáp ứng được các tiêu chí đặt ra là nước chè có vị đậm, người uống cảm nhận được vị đắng dịu sau đó chuyển sang vị ngọt lâu, hương thơm dịu, chè khô có mẫu mã đẹp, đặc biệt là chất lượng ngon, ổn định cho thu hoạch từ tháng 2 đến tháng 11 hàng năm.

Đầu năm 2006, anh Sử mạnh dạn gom góp tiền, vay mượn thêm ngân hàng, anh em, bạn bè để thay thế vườn chè cũ sang trồng giống chè Ngọc Thúy. Để tính nước lâu dài, anh chỉ chuyển đổi 6,5 ha, giữ lại  3,5 ha chè trung du tiếp tục chăm sóc để có nguồn thu đầu tư vào vườn chè mới trồng.

Anh Sử nhớ lại: “Ban đầu, biết ý định của mình, mọi người trong gia đình đều khuyên ngăn, nhưng thấy mình quyết tâm cao nên mọi người chuyển sang ủng hộ. Khi mình thuê nhân công chặt bỏ 6,5 ha giống chè cũ, thuê máy cày đất và mua phân bón, trồng mới giống chè mới toanh hết gần 400 triệu đồng, có một số người hoài nghi, bảo mình là khùng, hâm dở”.

Cho chè “ăn” đủ chất

Dẫn chúng tôi thăm nương chè xanh rờn vút tầm mắt, anh Sử nói rằng giống chè này rất “khó tính”, cây chè, búp chè cũng khá mảnh mai như các cô tiểu thư. Do đó khi chăm sóc, thu hoạch phải tuân thủ các quy trình nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn VietGAP. Anh trồng xen các cây gỗ cao tạo bóng mát, vừa giữ nước tốt, tạo độ ẩm thích hợp cho cây chè phát triển.


              Đồi chè của gia đình anh Nguyễn Công Sử.

Anh Sử bảo: “Cây trồng cũng như con người vậy, phải được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cây mới sinh trưởng, phát triển tốt. Hằng năm, tôi đều bỏ ra khoản kinh phí vài triệu đồng để gửi mẫu đất về Viện Thổ nhưỡng nông hóa để phân tích các chỉ tiêu N, K, P, Ca, Mg... làm cơ sở để sử dụng phân bón hợp lý, chuẩn dinh dưỡng, tránh tình trạng cây “bội thực” chất này, nhưng lại “đói” chất kia”. 

Tất cả phân bón, thuốc trừ sâu, bệnh cho chè Ngọc Thúy đều có nguồn gốc hữu cơ. Anh Sử đã chủ động liên hệ với Viện Nghiên cứu, Đào tạo và Tư vấn khoa học công nghệ Việt Nam để nhận được hỗ trợ, cung ứng thuốc phòng trừ sâu, bệnh sinh học Anisaf SH-01.

Đây là thuốc trừ sâu, bệnh sinh học được chiết suất 100% từ thảo mộc. Do đó, quá trình sản xuất nên đảm bảo về môi trường và chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng. Nhờ được chăm sóc tốt nên năng suất chè trung bình đạt từ 6,5 - 7,5 tấn chè búp tươi/ha/năm.

Để đảm bảo giữ được hương vị đặc trưng của chè Ngọc Thúy, tất cả chè búp tươi đều được hái bằng tay, theo quy chuẩn 1 tôm 2 lá và chỉ thu hái vào lúc thời tiết râm mát đầu buổi sáng, buổi chiều muộn. Cơ sở sản xuất chè của anh tạo việc làm thường xuyên cho gần 30 lao động địa phương với mức thu nhập trên 3 triệu đồng/người/tháng.

Nâng cao giá trị sản phẩm

Song song với việc chăm sóc chè đúng tiêu chuẩn chè an toàn, anh Sử còn đầu tư nhà xưởng, hệ thống dây chuyền chế biến, bao bì đóng gói chè hiện đại. Đặc biệt anh chú trọng đến việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chè bằng uy tín, chất lượng.

Năm 2011, mô hình trồng, chế biến chè Ngọc Thúy của anh đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận thương hiệu Chè Ngọc Thúy Suối Khoáng và Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng chứng nhận quyền sở hữu mã vạch cho sản phẩm này. Năm 2013, anh may mắn được “trợ sức” kịp thời khi Trung tâm Khuyến công tỉnh hỗ trợ tiếp tục đầu tư hoàn thiện dây chuyền sản xuất hiện đại, gồm máy sao chè, máy vo chè, máy hút chân không... 

Để mở rộng thị trường tiêu thụ chè, anh Sử đã nhiều lần lặn lội đi tiếp thị sản phẩm tại các tỉnh, thành trong nước. Sau những lần để khách hàng uống thử sản phẩm kết quả đến thật bất ngờ, số lượng khách gọi điện đặt mua chè ngày càng tăng. Đến nay, sản phẩm chè Ngọc Thúy Suối Khoáng đã được bán không chỉ trong tỉnh mà còn vươn tới các tỉnh, thành như Phú Thọ, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hà Nam, Bắc Giang, TP Hồ Chí Minh... Trung bình mỗi năm, cơ sở sản xuất chè của anh Sử xuất ra thị trường từ 7 - 10 tấn chè khô. Trừ mọi chi phí, anh thu lãi trên nửa tỷ đồng/năm. Anh Sử nhẩm tính, cứ 4 - 4,5 kg chè tươi sao được 1 kg chè khô, với giá bán 350 nghìn đồng/kg chè khô.

Chia sẻ những dự định của mình, anh Sử hồ hởi, tháng 5-2016 vừa qua, anh được vay 500 triệu đồng với lãi suất ưu đãi theo Nghị quyết số 10/2014/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh. Nguồn vốn giúp anh thực hiện dự định đầu tư hệ thống tưới nước hiện đại cho toàn bộ diện tích chè Ngọc Thúy.

Đồng thời, anh tính sẽ mở rộng quy mô chế biến của cơ sở bằng liên kết với các hộ trồng chè tại địa phương. Trong đó, anh sẽ đầu tư phân bón hữu cơ, thuốc trừ sâu, bệnh sinh học; hỗ trợ kỹ thuật và nhận bao tiêu toàn bộ sản phẩm chè búp tươi của bà con.  

Ông Nguyễn Công Tĩnh, Chủ tịch UBND xã Phú Lâm vui mừng: “Anh Sử là tấm gương nông dân tiêu biểu, tiên phong và thành công trong việc đưa giống chè đặc sản này vào thâm canh theo hướng hàng hóa, tạo sản phẩm chè an toàn, nâng cao giá trị sản phẩm chè. Sản phẩm chè Ngọc Thúy Suối Khoáng đang khẳng định được thương hiệu trên thị trường. Địa phương có thêm một sản phẩm chất lượng phục vụ khách du lịch gần xa”.

Phóng sự: Lý Thịnh


Cập nhật: 052017
Nguồnbaotuyenquang.com.vn