© CHELANGSON.COM | Công ty cổ phần chè Thái Bình Lạng Sơn
Kỹ thuật đốn chè và chăm sóc chè vụ đông

Yêu cầu người làm chè phải có kỹ thuật đốn chè và chăm sóc chè vụ đông tốt vì Sau một năm thu hoạch, hiện các vườn chè đang bước vào thời kỳ ngủ nghỉ, tích luỹ dinh dưỡng để chuẩn bị cho một mùa sinh trưởng, phát triển mới.

ky thuat don che

Để các nương chè tiếp tục cho năng suất cao, chất lượng tốt, hiệu quả kinh tế cao nhất cần có một số biện pháp kỹ thuật đốn chè cơ bản sau đây:

Thời vụ đốn chè

Thời vụ đốn tốt nhất từ tháng 12 đến tháng 1 năm sau, khi cây chè ngừng sinh trưởng. Đốn khi trời râm mát hoặc có mưa nhỏ là tốt nhất. Không đốn khi tiết trời nắng hanh sẽ làm cho chè bị khô đầu cành.

Kỹ thuật đốn chè kiến thiết cơ bản(Chè trồng bằng cành)

Đây là biện pháp rất quan trọng nhằm làm tăng năng suất, tạo cho cây chè có bộ khung tán rộng, đều, cành cơ bản to khoẻ, tăng bề mặt hái chè, chiều cao tán hợp lý cho việc thu hái.Cây chè sau trồng 2 năm có chiều cao 65 – 70 cm, đường kính gốc 1,0 cm trở lên ta bắt đầu đốn.

  •  Đốn chè lần 1 (chè tuổi 2): Đốn thân chính cách mặt đất 12 – 15 cm, cành bên 30 – 35cm.
  • Đốn chè lần 2 (chè tuổi 3): Đốn thân chính cách mặt đất 30 –  35 cm, cành bên 40 – 45 cm tạo tán bằng.
  • Đốn chè lần 3 (chè tuổi 4): Đốn thân chính cách mặt đất 45 cm, tạo tán bằng hoặc mâm xôi tuỳ theo đốn máy hoặc đốn tay.

Chú ý: Khi đốn vết đốn vát 450, nhẵn, không dập nát, tán phẳng đều. Khi đốn lần 1 các cành xung quanh có vết đốn vát quay về tâm cây chè để cây phân tán đều. Đốn xong cần tiến hành kiểm tra vết đốn, nếu chưa đảm bảo kỹ thuật phải sửa lại cho đúng kỹ thuật.

Kỹ thuật đốn chè kinh doanh

Là biện pháp cắt bỏ một phần sinh khối (thân, cành lá) nhằm thúc đẩy sinh trưởng dinh dưỡng, hạn chế sinh trưởng sinh thực, kích thích quá trình bật búp. Đốn chè có mục đích cắt bỏ những cành chè già cỗi, tăm hương sâu bệnh, để thay bằng những cành non sung sức hơn. Nhằm tạo cho cây chè có bộ khung tán to khoẻ, có nhiều vị trí bật búp, tạo tán cao hợp lý, tăng năng suất thu hái búp. Tuỳ theo độ cao mức đốn, ở từng giai đoạn của thời kỳ kinh doanh cây chè mà ta áp dụng các biện pháp đốn hợp lý

  • Đốn phớt : áp dụng đối với những nương chè có bộ tán còn khoẻ, ít cành tăm  thì đốn trên vết đốn cũ 3 – 5 cm. Với những cây vết đốn đã cao trên 60 cm, đốn cách vết đốn cũ chỉ 1 cm hoặc sửa nuôi tán không đốn nhằm hạn chế độ cao tán chè.
  • Đốn lửng : áp dụng đối với những nương chè có bộ tán kém phát triển, nhiều cành tăm hương, năng suất có dấu hiệu giảm sút thì đốn cách mặt đất 55 – 60 cm.
  • Những nương chè năng suất còn khá nhưng cây cao quá cũng đốn lửng các mặt đất 70 – 75 cm. Sau vài lần đốn lửng cây chè có triệu chứng suy yếu, nhiều cành tăm hương, xuất hiện nhiều u bướu, búp thưa, búp mọc ra chóng mù xoè cần áp dụng kỹ thuật đốn đau cách mặt đất 40 – 45 cm để lợi dụng những mầm ngủ thấp hơn tạo ra bộ khung tán chè mới.
  • Đốn đau: áp dụng với những nương chè già cỗi mật độ còn trên 70 % đã được đốn đau nhiều lần năng suất giảm thì  đốn cách mặt đất 10 – 12 cm.

ky thuat don che

Kỹ thuật chăm sóc chè vụ đông

Để cây chè sinh trưởng tốt cho năng suất cao, trong thời gian cây chè nghỉ qua đông cần chú ý tập trung chăm sóc một số khâu chính sau đây: Sau khi đốn cần thu dọn thân và cành to ra bờ, vùi lấp cành tăm hương và lá chè theo hàng chè để tăng chất mùn (ép xanh). Những nương chè đến kỳ bón phân hữu cơ và phân lân thì kết hợp việc ép xanh với bón phân hữu cơ và phân lân cho chè. Đồng thời phun một lượt thuốc lên thân và cành tán chè để diệt sâu bệnh. Xới sạch cỏ trong gốc chè, cày và cuốc lật giữa hai hàng chè làm cho đất tơi xốp, hạn chế bốc hơi nước

Để có những sản phẩm chè chất lượng thì những người dân trồng chè Thái Nguyên hay Lâm đồng và một số tỉnh khác đều phải có quy trình kỹ thuật chăm sóc cây chè tốt. Bài viết trên đây hy vọng sẽ giúp bà con nâng cao kỹ thuật đốn chè và chăm sóc chè vụ đông, bắt đầu một năm mới sản xuất chè năng suất, chất lượng.


Cập nhật: 252017
Nguồnchebuptancuong.com