© CHELANGSON.COM | Công ty cổ phần chè Thái Bình Lạng Sơn
Giống chè và năng suất chất lượng chè

Cây chè là loại cây lâu năm với thời gian sinh trưởng rất dài, trồng một lần và thu hoạch trên 40 năm hoặc lâu hơn nữa. Sự đầu tư trồng chè rất tốn kém, do đó việc thiết kế trồng những giống cao sản sẽ cho hiệu quả kinh tế lớn, năng suất cao và chất lượng tốt. Để phát triển ổn định vườn chè trồng mới và đang khai thác, 3 vấn đề có thể nêu lên cho Lâm Đồng là: giống chè thích hợp, hái chè đảm bảo năng suất chất lượng và các biện pháp duy trì sản lượng cao trong nhiều năm khai thác. I. GIỐNG CHÈ

Lâm Đồng là vùng thích hợp để trồng các giống chè Shan cũng như các giống chè Ấn Độ. Qua theo dõi nhiều năm trên vùng Di Linh và Bảo Lộc cho thấy giống chè PH1 có khả năng sinh trưởng rất mạnh, đường kính tán phát triển gấp rưỡi giống TB14 sau 4 năm trồng. Giống PH1 có năng suất khoảng 24 tấn búp tươi/ha/năm, và chất lượng búp rất tốt với hàm lượng tanin là 35,56% chất khô.

Giống PH1 thích ứng ngoại cảnh tốt, chịu đựng điều kiện chiếu sáng mạnh.

Giống chè Shan TB14 có năng suất cao (khoảng 20 tấn búp/ha/năm). Tán trà phát triển khá rộng, chất lượng tốt, hàm lượng tanin là 33,46% chất khô. Giống TB14 có búp to hơn PH1 và có nhiều bạch mao thích hợp với thị hiếu tiêu thụ.

Giống chè TB11 có năng suất trung bình khoảng 16 tấn búp tươi/ha/năm, hàm lượng tanin khoảng 35,12% chất khô, tán chè phát triển trung bình.

Đó là 3 giống chè đã được bình tuyển và nhân vô tính, có chất lượng tốt để chế biến chè đen, tuy nhiên diện tích phát triển còn rất nhỏ ở Lâm Đồng vì cần phải sản xuất cây con bằng cành.

Đa số diện tích trồng chè vùng Lâm Đồng là giống Shan hỗn hợp lẫn với Trung du lá to và Trung du lá nhỏ. Năng suất bình quân thường thấp, ngoài ra cây đã được trồng rất lâu bằng hạt trên 40 năm, mật độ cây trên mỗi ha mất dần sau mỗi mùa đốn. Một đặc điểm quan trọng là cây chè trồng bằng hạt là do cây thụ phấn chéo nên các cá thể phát triển không đồng đều, cây mọc to, nhỏ khác nhau và chậm đến tuổi khai thác, cũng như năng suất thấp hơn chè cành. Sau nhiều năm khai thác, chè trồng bằng hạt suy yếu và thoái hóa dần. Tuy nhiên chè hạt dễ trồng và đơn giản trong thi công.

Để khai thác lâu dài và giữ năng suất chè ổn định, có thể dự kiến những bước phát triển về giống chè như sau:

1.1 Phát triển những giống chè cao sản bằng cành để có năng suất cao và chất lượng tốt. Những dòng chè cao sản bằng cành sẽ cho năng suất rất cao và thu hoạch rất sớm trong vòng 2 năm trồng. Hệ số nhân chè cành cũng cao, mỗi ha chè cành có thể nhân ra trồng mới cho 70 ha. Các cây chè cành rất đồng đều dễ thu hái và chăm sóc. Để phát triển chè cành, một số công đoạn cần chú ý là kỹ thuật nhân giống để đạt số cây xuất vườn cao, cây đủ tiêu chuẩn trồng trên 6 lá và trồng sớm vào đầu mùa mưa để hệ rễ cây phát triển và mọc sâu vào đất, đủ sức chịu hạn qua mùa khô. Các trung tâm nhân giống sẽ chuẩn bị hom giống và các phương tiện nhân giống, thiết kế vườn ươm để sản xuất cây con kịp thời; từ 6 đến 8 tháng nhân giống là có đủ cây con đủ tiêu chuẩn xuất vườn.

1.2 Việc thu thập và phát triển tập đoàn giống chè trong vùng là cần thiết để có nguồn gen phong phú, trên cơ sở đó để khu vực hóa giống và bình tuyển giống rất có ích lợi cho ngành chè. Những giống đã được bình tuyển và phổ biến rộng rãi trong nước là PH1, TB14, TB11 đã được trồng nhiều năm ở Lâm Đồng, trong đó PH1 và TB14 cho thấy có ưu thế về chất lượng. Các giống cần được khảo nghiệm là 777, TH3 và Đại Bạch Trà. Những giống chè khác của Sri Lanka cũng cần được nghiên cứu.

1.3 Công việc lai tạo giống cũng là biện pháp quan trọng để tạo ra giống chè tốt, có khả năng thích ứng tốt với điều kiện khí hậu, đất đai Lâm Đồng. Những cây con lai tạo từ hạt sẽ dùng làm các cây đầu dòng để cho ra các cây đầu dòng ưu thế về sau.

1.4 Đánh giá chè mới có thể tiến hành trong 5 năm để khảo sát về năng suất, chất lượng, tính thích nghi để có những biện pháp thích hợp cho từng giống chè, như khoảng cách trồng, chế độ đốn hái và phân bón để tăng năng suất và chất lượng.

1.5 Việc phát triển cây chè cần triển khai bằng nhiều giống chè với giống thích hợp cho từng vùng đất khác nhau. Bước đầu diện tích chè cành cao sản còn nhỏ nhưng sẽ tăng lên trong những năm sau. Chè trồng bằng hạt giống tốt cũng được phát triển ở những vùng thích hợp và cần có sự đầu tư chăm sóc nhiều hơn để sớm cho thu hoạch với năng suất cao và ổn định.

2. HÁI CHÈ ĐẢM BẢO NĂNG SUẤT VÀ CHẤT LƯỢNG

Chè xuất khẩu chủ yếu là chè đen, do đó tiêu chuẩn hái cần được đảm bảo để có hàm lượng tanin cao so với búp chè dùng chế biến chè xanh. Chè sinh trưởng tốt thường có tỷ lệ búp 1 tôm 2 lá (P+2) và 1 tôm 3 lá (P+3) sau mỗi lứa hái. Để đạt được số búp nhiều trên tán chè sau mỗi lần hái, thì yếu tố quan trọng nhất là số lượng búp đủ tiêu chuẩn phải cao. Những vườn chè cao sản thường có số lượng búp P+2 và P+3 trên 65% và búp mù dưới 35%. Nếu số lượng búp trên tán chè cao, sau mỗi lần hái sẽ đưa đến năng suất của toàn vườn chè cao.

Một trong những tiêu chuẩn quan trọng để thu hái chè là trên tán chè có trên 30% số búp có đủ tiêu chuẩn hái. Nếu số búp 1 tôm 2 lá và 1 tôm 3 lá càng cao sau mỗi lứa hái thì cây chè đó cho năng suất cao. Do đó việc đảm bảo đúng tiêu chuẩn hái cũng như lứa hái đúng quy định là cơ sở quan trọng để cho năng suất cao.

Sự biến động số búp trên tán chè cũng thay đổi theo từng quý khác nhau. Năng suất chè tương quan rất chặt chẽ với lượng mưa của 2 tháng trước đó. Trong điều kiện của Lâm Đồng, mùa mưa rất sớm vào đầu tháng 4 và chấm dứt vào cuối tháng 11, thời gian phát sinh búp cũng tuân theo mùa mưa nếu chè trồng trên những vùng không có tưới nước mùa khô. Thông thường búp chè phát triển vào tháng 1-2, búp chè rất ít, phần lớn là búp mù, ở giai đoạn này chè thường được đốn định kỳ hàng năm với nhiều dạng đốn phù hợp như đốn đau, đốn lửng hoặc đốn phớt. Sau khi đốn cần để cho mầm phát triển thành chồi khoảng 50 đến 60 ngày và hái tạo hình nhiều lần để tạo tán chè cân đối đồng đều. Sau đó áp dụng kỹ thuật hái chè là rất quan trọng để có đủ số lá ban đầu cao và đạt chỉ số diện tích lá = 6m2 lá/m2 đất. Hái quá sớm thường cho búp nhỏ và số lượng búp giảm đi, tán che không đồng đều, nếu hái muộn thì búp chè quá lứa làm giảm sự phát triển của búp mới.

Sau khi hái tạo hình, chè được đưa vào hái chính quy với tiêu chuẩn 1 tôm 2 lá và 1 tôm 3 lá đồng thời tạo bằng mặt tán từ tháng 5 đến tháng 10 và cũng rất chú trọng đến nền 1 lá cá chừa 2 lá (K+2) tùy sinh trưởng của cây. Đến tháng 11-12, búp mù trên chè nhiều, do đó hái với tiêu chuẩn 1 lá cá (P+1) 1 lá chừa (K+1). Sau giai đoạn này, búp chè ít phát triển, trong khi đó hệ rễ tích lũy tinh bột cao để làm nguồn dự trữ cho một tiến trình tạo búp mới vào đầu mùa mưa sau. Nếu đảm bảo được tiêu chuẩn hái thì búp chè sẽ phát trển rất tốt và lứa hái sẽ cũng ổn định, khoảng 7 ngày trong mùa mưa và 10 ngày cuối vụ, và đưa đến số lứa hái trong năm cao và sản lượng tăng lên.

3. CÁC BIỆN PHÁP NÂNG CAO SẢN LƯỢNG CHÈ

Hai yếu tố quan trọng là duy trì nguồn dưỡng liệu cho vườn chè và sinh trưởng cây chè trong mùa khô. Chè là cây lâu năm với thời gian thu hoạch búp gần như cả năm, do đó việc đảm bảo chất dinh dưỡng cho vườn chè có ý nghĩa quyết định năng suất trong nhiều năm khai thác. Có thể áp dụng hệ thống dinh dưỡng cây trồng tổng hợp (Integrated plant nutrition system) để nâng cao và duy trì năng suất chè trong nhiều năm kinh doanh.

Nguyên lý cơ bản của hệ thống dinh dưỡng cây trồng tổng hợp là duy trì và điều hòa độ phì nhiêu của đất và cung cấp dinh dưỡng cho cây đến mức tối hảo để ổn định sản lượng cây trồng qua việc tối ưu hóa lợi tức từ những nguồn tài nguyên khả hữu bằng phương pháp tổng hợp. Đó là sự liên kết phù hợp nguồn phân hóa học, chất hữu cơ, các nguồn phân mùn, các cây phân xanh họ đậu cố định đạm của hệ thống sử dụng đất đai trong những điều kiện sinh thái, xã hội và kinh tế cụ thể.

Hệ thống này chọn mức đầu tư từ trung bình đến tối hảo để đạt năng suất và chất lượng chè cao mà không làm ảnh hưởng đến môi trường và quản lý nguồn dưỡng liệu.

Hệ thống này cơ bản bao gồm những kỹ thuật áp dụng như sau:

3.1 Sử dụng nguồn phân hóa học cho chè

Phân hóa học cho chè bao gồm nguyên tố đại lượng và vi lượng. Nguyên tố đại lượng gồm NPK (đạm, lân, kali) rất cần thiết và quyết định năng suất chè. Nếu N được bón cân đối với P và K, N sẽ làm búp phát triển nhanh và sớm đạt tiêu chuẩn hái, búp từ lúc phát động đến khi đủ tiêu chuẩn hái chỉ cần 28 ngày, trong khi không có bón đạm cần đến 60 ngày. Vì vậy N tăng năng suất chè bằng tổng số búp đạt tiêu chuẩn, do đó lứa hái sẽ ngắn hơn. Tuy nhiên cũng cần lưu ý là việc sử dụng N phải dưới 300kg/ha để đảm bảo chất lượng chè cho chế biến.

Nguyên tố vi lượng như Zn, Bo và Mg có tác dụng làm búp phát triển đồng đều, không bị nhỏ hay biến dạng và tăng chất lượng búp.

3.2 Sử dụng nguồn phân hữu cơ cho chè

Phân hữu cơ cho chè đóng vai trò quan trọng trong việc tăng độ mùn, độ xốp và giữ ẩm cũng như cung cấp dưỡng liệu cho chè. Có hai nguồn phân hữu cơ: một là phân gia súc cung cấp cho chè lúc mới trồng và bón định kỳ 2-3 năm; nguồn thứ hai là các loại phân xanh và cây phân xanh họ đậu. Một số cây làm phân xanh mọc phổ biến ở Lâm Đồng là cây cúc quỳ dại (Tithonia diversifolia), cây muồng hoa vàng (Crotalaria striata) được trồng giữa hai hàng chè để vừa làm cây phân xanh vừa làm cây che bóng tạm thời cho cây chè con lúc mới trồng đến 2 năm sau và giúp cây con chống chịu qua mùa khô. Khi chè được 3 năm thì đốn bỏ cây che bóng tạm thời để làm phân xanh tủ gốc. Các loại đậu như đậu trắng, đậu nành cũng được trồng xen giữa hai hàng chè.

Một loại cây phân xanh đặc biệt là cây đại bình linh hay cây keo đậu Cuba (Leucoena leucocephala) rất tốt để cung cấp lượng lá như nguồn chất mùn, vừa làm cây che bóng trung tầng vừa hạn chế sự mất dinh dưỡng do trực di thẳng xuống tầng đất dưới.

3.3 Thiết lập các biện pháp chống xói mòn và chống hạn

Cây chè sinh trưởng theo định kỳ xen kẽ giữa sự phát triển của búp trên tán chè và hệ rễ dưới mặt đất. Ở đầu mùa, búp phát triển mạnh và giảm dần đến cuối vụ. Sự phát triển của rễ xen kẽ khoảng 4 đợt trong năm, do đó luôn luôn có số lượng búp mù trên tán đưa đến giảm năng suất và tỷ lệ này càng nhiều khi ở vào cuối mùa mưa và mùa lạnh. Vì vậy, việc giảm búp mù bằng sử dụng chất sinh trưởng góp phần nâng cao sản lượng từ 30-50%. Đặc biệt tình trạng sinh trưởng của chè ở giai đoạn cuối mùa mưa cần được quan tâm đặc biệt để có chế độ đốn và hái phù hợp cho sản lượng cao.

4. KẾT LUẬN

Việc đưa giống chè cao sản và những giống mới là những yếu tố đảm bảo cho năng suất chè cao và ổn định song song với trồng chè bằng hạt giống tốt tuyển lựa. Sự phân chia khu vực để trồng mỗi giống thích hợp theo địa hình là yếu tố quan trọng để đạt năng suất cao. Trong vườn chè đang khai thác, hái chè là biện pháp ảnh hưởng lớn đến năng suất và sức sống của cây. Hái đúng tiêu chuẩn và đúng lứa cần được bảo đảm để cho búp chè tốt thích hợp cho chế biến nâng cao giá trị thành phẩm.

Việc duy trì nguồn dưỡng liệu trong suốt chu trình sinh trưởng của cây chè ở hệ rễ và trên lá sẽ đảm bảo cho cây sinh trưởng tốt, năng suất cao trong nhiều năm. Sự tích lũy dinh dưỡng cao ở rễ chè là yếu tố quan trọng để cây sinh trưởng tốt trong mùa khô hạn và phát triển búp mới vào đầu mùa mưa năm tới, đảm bảo số cây/ha và năng suất ổn định. Sự theo dõi sinh trưởng cây chè trong chu kỳ sinh trưởng một năm sẽ góp phần vào việc định ra chế độ đốn hái phù hợp đảm bảo năng suất cao.

Nguồn tin: LÊ QUANG HƯNG 
Đại học nông lâm TP. Hồ Chí Minh


Cập nhật: 102016
Nguồnbannhanong.vietnetnam.net