Chuyên trang thông tin...

[-] Những người biến sỏi đá thành vàng | CÔNG TY CỔ PHẦN CHÈ THÁI BÌNH LẠNG SƠN Những người biến sỏi đá thành vàng

Chuyên mục: Tin tức tổng hợp,  |  Đọc: 79 |  Bản in  | Cỡ chữ


Vợ chồng thương, bệnh binh Nguyễn Công Tiệm “biến sỏi đá thành cơm”.

Đó là những người nông dân bình dị, nhưng kì lạ thay sức vóc và ý chí mãnh liệt, bằng sức mạnh, họ đã băng qua đường hầm của bóng tối để vươn đến ánh sáng tương lai. Họ đã biến một vùng hoang sơ trở nên trù phú, làng quê giàu đẹp từ đôi bàn tay trắng, trở thành những “cột mốc sống” nơi mảnh đất phên giậu. Những con người ở Nông trường chè Thái Bình, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn.

Từ trung tâm tỉnh Lạng Sơn, chúng tôi đi theo quốc lộ 4B qua xã Xuân Lễ, xã Bằng Khánh, xã Đồng Đục, qua thị trấn Lộc Bình và thị trấn Na Dương, chỉ còn chưa đầy 20 ngày nữa là bước vào tết Nguyên đán mà cả đoạn đường dài tuyệt nhiên chẳng có lấy một cành đào rừng hé nở mầm xuân, cây cối cũng không mướt mát xanh tươi như những năm trước, thi thoảng bắt gặp đám cây héo khô thiếu nước như đã chết rụi từ lâu.

Trung úy Nguyễn Văn Hiếu ở Đội CSĐT huyện Đình Lập dẫn đường bảo nhiều tháng nay không mưa nên cây cối của rừng đồi Lạng Sơn khô héo cả, còn đào rừng thì trước đây cũng tươi tốt lắm nhưng nhiều năm nay người ta chặt mang về dưới xuôi hàng thùng xe tải nên giờ đào rừng khan hiếm rồi.

May thay, khoảng 10km nữa là về đến Đình Lập, từ xa xa, rừng keo bạch đàn xanh trải dài trên triền núi, tiếp đến là đồi thông xanh mướt để đến với nông trường chè Thái Bình nằm ở xã Thái Bình, huyện Đình Lập. Đoạn đường từ trung tâm tỉnh Lạng Sơn đến trung tâm thị trấn Đình Lập vừa vặn 70km. Tại sao đang ở trung tâm tỉnh Lạng Sơn mà chúng tôi lại đi một con đường dài để đến nơi này?

Anh hùng Lực lượng vũ trang, Đại tá Triệu Quang Điện, Trưởng phòng Cảnh sát truy nã, Công an tỉnh Lạng Sơn giới thiệu về vợ chồng thương, bệnh binh Nguyễn Công Tiệm và vợ là cô Đào là những người nông dân chân chất, từ đôi bàn tay trắng về Đình Lập, khai sơn phá thạch đất nông trường chè Thái Bình từ thuở hoang sơ, để giờ đã có cơ ngơi trù phú, làm giàu cho thôn xóm bản làng. Trung úy Hiếu - người dẫn đường - chính là con của họ.

Anh hùng Lực lượng vũ trang còn nói thêm, ở Đình Lập có nhiều con người rất hay, nhà báo về đấy mà “khám phá”, khiến chúng tôi không khỏi tò mò.

Chúng tôi có việc cần gặp ông Chu Xuân Lực, Chủ tịch UBND xã Thái Bình nhưng hôm đó là ngày nghỉ nên chúng tôi đến nhà ông. Căn nhà đang sửa nên ông tiếp chúng tôi ngay ngoài sân nhìn ra đồi chè xanh ngát và đây đó là những hàng thông xanh đang đón nắng gọi gió.

Nói về cây chè trên đất Đình Lập, ông bảo nông trường chè Thái Bình được Nhà nước thành lập năm 1962, đến năm 1998 Nhà nước bắt đầu cho người nông dân tự sản tự tiêu. Tên gọi nông trường chè Thái Bình vì nằm trên xã Thái Bình và người ở nông trường đại đa số là người dưới xuôi lên đây lập nghiệp.

Trầm ngâm một lát, ông nói: “Từ năm 2002, 2003 cây chè đã phát triển đến các thôn. Điển hình là thôn Khe Cháy, dân của các vùng xung quanh cũng bắt đầu trồng chè. Tư nhân có máy sao sấy riêng, chủ yếu tiêu thụ trong tỉnh và lân cận. Doanh nghiệp nhà nước xuất chè ra nước ngoài. Từ khi có cây chè thì đời sống của người dân được nâng lên. Đó là tiềm năng của xã. Và phải công nhận đất quê hương bản quán mà người bản xứ không biết phát huy bằng người ở nơi khác đến đây lập nghiệp”.

Cô Đào vui vẻ với mẹt chè thơm.

Chỉ vào Trung úy Hiếu, ông bảo: “Bố mẹ của cậu Hiếu là thương, bệnh binh, đến đây lập nghiệp từ khi mảnh đất này còn hoang sơ mà giờ đã có cơ ngơi trù phú, là tấm gương cho người bản quán học tập”.

Chúng tôi đến nhà vợ chồng người thương, bệnh binh từ giữa trưa. Ở ngoài đường cái nhìn vào khu vườn rộng lớn của vợ chồng họ là những cây trái sum sê trĩu quả, cam canh vàng, bưởi da xanh, khế chín vàng lúc lỉu, táo chi chít quả. Để vào nhà, chúng tôi đi qua hai hàng nhãn xanh mát. Từ trong nhà, người đàn ông mặc bộ quân phục đã úa màu thời gian ra đón chúng tôi. Khuôn mặt ông cởi mở nhưng vẫn có nét của một quân nhân nghiêm nghị.

Còn người phụ nữ dáng nhỏ nhắn, khuôn mặt phúc hậu tươi tắn và đây đó trên gương mặt toát lên phần lam lũ của người làm nông là mẹ Hiếu. Tôi bảo nhà có vườn hoa quả mê hoặc quá, cô nói: Vườn đấy trước kia là đất đồi, cô chú vỡ đất khai hoang nên giờ cây mới đơm hoa kết trái như thế. Chúng tôi lên nhà trò chuyện giữa những bao chè đang chất chồng lên nhau và mẹt chè thơm mà cô đang đong cho khách dở dang.

Biết ý định của chúng tôi, vừa ngồi xuống bàn gỗ, rót trà mời khách cô bảo: “Úi, khổ lắm cháu ạ. Cái thời hồi xưa ấy khổ cực lắm, trăm cay ngàn đắng chẳng được như thế này đâu. Cái thời đấy đói chẳng có ăn, lúc nào cũng ao ước giá như mình được ăn một bữa cơm no...”. Thấy vợ nói về thời kì khổ sở đã trải qua, chú kê ghế ngồi xuống cùng ôn chuyện xưa.

Chú ở Trung đoàn 1, Sư đoàn 324, Quân khu 4, binh đoàn 678. Trong miền Nam gọi là Quân đoàn 2 đến khi miền Nam giải phóng, tập kết ra Bắc một thời gian, rồi lại tham gia chiến đấu trên đất bạn Lào. Hơn 20 năm quân ngũ, năm 1989 chú về trở về thành thương, bệnh binh. Ở dưới xuôi đất chật người đông, kinh tế khó khăn thời bao cấp, lương của chú mỗi tháng được 5.000 đồng phải nuôi 2 con nhỏ.

Ở vùng quê Hưng Yên nơi vợ chồng cô chú sống, Nhà nước phát động lên nông trường chè Thái Bình làm kinh tế. Nhà nước gọi đi, nhà ai không có con giai lớn thì con gái lớn phải thay để đi chống giặc bành trướng, giữ đất.

Cô là con thứ hai trong gia đình có 8 người con. Trước cô có người chị gái cũng đã tới đất này, sau đó cô chú lên và đưa thêm 2 người em gái lên lập nghiệp ở nông trường chè.

Năm 1990 cô chú lên đây, khi đấy còn vô cùng hoang sơ, vắng hoe vắng hoét, rừng núi trập trùng âm u mù mịt, cây cối rậm rạp, chim kêu vượn hú, đi mỏi cả chân mới gặp lán có người ở. Chú đi bộ đội về 1 tuần lên cơn sốt rét 1 lần. Vợ chồng cùng 2 con nhỏ trong một lán giữa rừng không mông quạnh cứ tối đến là cửa đóng then cài chỉ sợ cướp và hãm hiếp. Lúc đó lại chẳng hề có điện, đêm đến ngọn đèn dầu tù mù hắt ra ánh sáng leo lét. Lắm đêm mưa mà mưa rừng thì to lắm, nước dội vào cây gõ xuống bong bong ở tàu lá chuối nghe não nề, buồn thảm.

Cơm thì bữa đói bữa no. Cô tần tảo sớm hôm. Cô chú lên đây đóng lò gạch đầu tiên cung cấp gạch cho cả nông trường chè Thái Bình. Ở đất đồi bên cạnh là rừng, người ở bản không ai trồng rau, người ta vẫn nhập rau từ dưới xuôi lên. Giám đốc nông trường chè Trần Thanh Nghiên nay là Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty chè nói: “Đất thì có nhưng dân tình chưa biết trồng rau, cô về xuôi mang hạt rau giống lên đây để trồng, cô chuyển ra gần nông trường chỗ có đến mấy chục hecta đất trống mà khai phá trồng rau. Cung cấp rau xanh cho nông trường”.

Bà Đinh Thị Tươi cùng bà Đào ngấn nước mắt ôn lại câu chuyện khai hoang mảnh đất nơi phên giậu của Tổ Quốc.

Vậy là cô về xuôi lấy giống xu hào, bắp cải, cà chua, cà rốt... mang về gieo. Đến mùa thu hoạch, 3 giờ sáng thân cò lặn lội trong đêm chở rau ra Đình Lập bán, 6 giờ sáng về cơm nước cho chồng con, 7 giờ lại tất tả đến cơ quan họp. Hai vợ chồng dần dần làm. Gần chục năm trời không có điện, tối đến chỉ thắp đèn dầu. Mãi đầu năm 1997 mới có điện nhưng phập phù.

Năm 1998 nông trường chè cho các hộ gia đình tự sản tự tiêu, người nông dân được mở ra làm tư nhân. Cô sang Tàu mua củ phát đứng, lại có cả củ phát nằm cho thợ. Cả rừng chè mênh mông rộng lớn, vào mùa cô thuê đến 20 thợ. Là nhà đầu tiên ở bản có tivi đen trắng, tối tập trung cả xóm ngồi ở sân xem. Cô bảo: “Sung sướng được hơn chục năm nay rồi. Nếu còn bao cấp thì chắc không được như thế này đâu”.

Cô nói hai chị em Hằng với Hiếu lúc mới 10 tuổi đã biết nấu nồi cơm cho 20 thợ ăn. Lúc đấy ai cũng đói cả. Mình đưa gạo cho gia đình người ta, rồi người ta lại làm công cho mình trừ nợ. Dần dà, mới có cơ ngơi như ngày hôm nay. Không chỉ khéo léo trồng trọt mà còn cả mát tay chăn nuôi. Mỗi năm cô chú cũng xuất 20 tấn lợn. Hiện tại trong chuồng có đàn 100 con lợn giống. Gà trăm con. Đàn dê 50 con.

Ngoài ra, cô chú còn đào 7 ao thả đủ các loại cá trắm, trê, chép, mè... Mỗi lần kéo được 5 đến 7 tạ cá. Nhiều ao nên năm nào cũng thả cá giống, con to để bán, con nhỏ để lại cho sang ao khác. Mỗi năm thu hoạch hàng chục tấn cá.

Nhìn những bao tải chè, tôi nào có phân biệt ngon dở, tốt xấu. Cô giới thiệu: Giống chè thường chỉ trong vòng 7 ngày là được hái. Chè thường thì uống cũng thường thôi. Ở đây đặc biệt có giống chè 42 ngày mới được 1 lứa. Đó là chè Ô Long, Ngọc Thúy, Bát Tiên mình biết chăm sóc thì không phải phun thuốc bảo vệ thực vật. Giống chè mới uống thơm và nước trong xanh hơn hẳn. 7-8 năm lại đây có giống chè mới thu hoạch khấm khá hơn hẳn.

Không chỉ gia đình cô chú mà nhiều gia đình khác cũng nhờ cây chè mà đổi đời. Cô Đào dẫn chúng tôi sang nhà bà Đinh Thị Tươi. Theo lời cô Đào thì từ hồi bà Tươi về đến đất nông trường chè cũng như nhà cô nghèo xác nghèo xơ, cơm chẳng có ăn nhưng nay gia đình đã khấm khá lắm, có xe ô tô, của ăn của để.

Ngôi nhà gạch 3 gian của bà Đinh Thị Tươi cách nhà cô Đào chừng 300m. Gian bếp ở ngay sát sân, mấy bao tải chè đóng gói, máy xay xát và máy sao chè nhưng không thấy có người. Một người đàn bà đang nằm trên giường ở gian phòng khách nghe thấy gọi tên mình nhỏm dậy. Bà ở nhà có một mình.

Nghe cô Đào nói chuyện ngày xưa ôn nghèo kể khổ, bà Tươi đỏ hoe con mắt nói: “Hồi đấy khổ lắm cháu ạ, không thể quên được. Cứ nhớ về cái bận mới lên trên này là lại chảy nước mắt. Bây giờ no đủ rồi mà mỗi lần đến dịp tết hồi tưởng chuyện xưa là lại mấy mẹ con tủi thân ôm nhau khóc”.

Cô Tươi năm 1993 lên nông trường chè Thái Bình, sau cô Đào 2 năm. Cô có 4 người con. Ngay sau khi cô hạ sinh người con thứ tư thì chồng bỏ theo người đàn bà khác. Cô làm đơn xin xã đi nông trường... Một người phụ nữ vừa mới sinh nở nheo nhóc 4 người con. Đứa lớn nhất chưa đầy 13 tuổi, đứa bé mới được 2-3 tháng. Nhà không có lao động chính, nên xã không xét cho cô đi đến vùng lao động kinh tế mới. Mãi đến khi có đợt lên nông trường chè Thái Bình ở Lạng Sơn, nơi tiếp giáp gần với Trung Quốc cô mới được ủy ban xã chấp thuận.

Người đàn bà dừng lại, lau nước mắt: “Lúc lên đây 37 tuổi, hai bàn tay trắng, gạo không có mà nấu, cơm không có để ăn. Nhà cô ở ngay sát rừng. Đến tết không có đồng nào mua gạo, thịt cho con, sáng 30 tết bà Đào thương tình mang sang cho một con ngan và 2kg gạo, cùng một đấu đỗ bảo cứ nấu ăn đi, khi nào có trả sau”. Đói khát cũng mất 4, 5 năm rồi dần dần mình cũng đỡ và 4 đứa con giờ đứa nào cũng trưởng thành hết cả, lấy chồng ở xa, chỉ còn thằng út ở nhà với mẹ. Giờ cũng có cái ô tô để chạy qua chạy lại.

Hai người đàn bà đã trải qua những tháng ngày cơ cực, ngồi an ủi nhau. Cái thời chưa có điện, đến vụ thu hoạch, cả nhà mấy mẹ con ngồi bên bếp lửa sao chè bằng chảo. Sau này khấm khá nhà có đến 4 cái máy sao chè. Cây chè cũng phụ thuộc vào thời tiết. Có nhiều năm mất mùa chè, mưa nhiều thì úng, nắng nhiều quá chè khô hạn.

Bà Tươi bảo: “Năm nay thời tiết ở vùng Lạng Sơn thiếu mưa, cây chè mọc trên đồi bị khô hạn, vì đất đồi toàn sỏi đá nhưng cây chè nhà chị Đào trồng trên rừng, đất rừng nhiều nước nên cây tươi tốt um tùm, được mùa”.

Trên gương mặt 2 người đàn bà hằn dấu vết thời gian. Họ đã từng một thời lam lũ, vắt kiệt cùng sức lực, nhưng kì lạ thay sức vóc và ý chí con người họ đã biến những điều không thể thành có thể. Biết biến sỏi đá thành vàng, những người đàn bà tôi gặp hôm nay.

Trần Mỹ Hiền


Cập nhật: Ngày 26 tháng một năm 2019
Nguồn antg.cand.com.vn


Các tin khác...

Sản phẩm nổi bật

  • Thái Bình Ô long trà

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...

  • Chè Ô long hút chân không 200g

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...

  • Ô long Thanh Tâm 100g

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...

  • Chè xanh Bát Tiên hút chân không 200g

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...

  • Chè xanh Ngọc Thúy hút chân không

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...