Chuyên trang thông tin...

[-] Nâng cao hiệu quả kinh tế sản phẩm chè | CÔNG TY CỔ PHẦN CHÈ THÁI BÌNH LẠNG SƠN Nâng cao hiệu quả kinh tế sản phẩm chè

Chuyên mục: Tin tức tổng hợp,  |  Đọc: 97 |  Bản in  | Cỡ chữ


Ðồi chè Long Cốc, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ. Ảnh: BÌNH LONG

Bài 1: Phát triển theo chuỗi giá trị

Những năm gần đây, cùng với việc chuyển đổi cơ cấu theo hướng trồng các giống chè mới có năng suất, chất lượng cao, các địa phương miền núi và trung du phía bắc đã đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ trong sản xuất, chế biến chè an toàn, chú trọng xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại. Nhờ đó, cây chè mang lại giá trị kinh tế cao, giúp người dân giảm nghèo, từng bước vươn lên làm giàu...

Mở rộng diện tích chè sạch, chè đặc sản


Khách quốc tế dự cuộc thi hái chè tại vùng chè đặc sản Tân Cương, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.

Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến năm 2020, cả nước có 34 tỉnh, thành phố trồng chè, tập trung ở vùng miền núi phía bắc và Tây Nguyên, với diện tích khoảng 124 nghìn ha, năng suất chè đạt 95 tạ/ha (cao nhất từ trước đến nay), sản lượng hơn 1,02 triệu tấn. Nếu như trong giai đoạn 2011 - 2015, diện tích chè tăng từ 127,8 lên 133,6 nghìn ha, thì đến cuối năm 2019, diện tích có xu hướng giảm, nhưng năng suất tăng mạnh từ 7,68 lên 9,48 tấn/ha, nhờ đó sản lượng chè giai đoạn 2011 - 2019 tăng 18,4%. Có được kết quả này là do các tỉnh xây dựng và triển khai các chính sách khuyến khích người dân, doanh nghiệp (DN) cơ cấu lại cây chè, mở rộng diện tích sản xuất chè an toàn, hữu cơ, chất lượng cao, bảo tồn giống chè đặc sản, thay đổi tập quán canh tác, thu hái, vận chuyển chè, đầu tư đổi mới công nghệ chế biến.

Tỉnh Hà Giang có gần 21 nghìn ha chè, trong đó hơn 70% diện tích là chè shan tuyết cổ thụ. Xác định đây là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, từ năm 2016 đến nay, Hà Giang triển khai nhiều chương trình hỗ trợ với số vốn đầu tư hơn 56 tỷ đồng. Trong đó, tập trung cấp giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn GAP cho gần 12 nghìn ha (diện tích chè VietGAP là gần 5.000 ha; diện tích chè hữu cơ là 7.000 ha). Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hoàng Hải Lý cho biết: "Một trong những yếu tố quan trọng để sản xuất chè theo hướng hữu cơ, đó là tỉnh đã phân định được diện tích của từng vùng chè cụ thể. Từ đó định hướng vùng nguyên liệu cho các DN, hợp tác xã (HTX) liên kết với người dân sản xuất chè hữu cơ. Gắn với đó là ban hành các chính sách hỗ trợ cho người dân, DN, HTX đổi mới công nghệ, thay đổi tập quán sản xuất để sản xuất chè sạch. Tỉnh có chính sách hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay cho các tổ chức, cá nhân để thâm canh vườn chè VietGAP hoặc hữu cơ; hỗ trợ 100% lãi suất cho các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng nhà máy chế biến với dây chuyền công nghệ hiện đại, tiên tiến". Từ năm 2016 đến nay, Hà Giang hình thành được mối liên kết giữa gần 10 nghìn hộ trồng chè riêng lẻ với 40 cơ sở sản xuất chè VietGAP, 23 DN, HTX chế biến để xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và chế biến chè hữu cơ. Xây dựng, được công nhận chỉ dẫn địa lý "Chè Shan tuyết Hà Giang" cho gần 17 nghìn ha chè trên địa bàn tỉnh.

Tại Thái Nguyên, địa phương có diện tích trồng chè lớn nhất nước ta, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Lượng cho biết: Năm 2017, tỉnh đã ban hành "Ðề án nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững cây chè và thương hiệu sản phẩm chè Thái Nguyên giai đoạn 2017 - 2020", tập trung đầu tư, hỗ trợ nhân dân tăng diện tích, thay thế các nương chè cũ bằng các giống chè mới có năng suất, chất lượng tốt hơn; hỗ trợ đầu tư công nghệ chế biến, đóng gói, cải thiện mẫu mã sản phẩm, quảng bá thương hiệu. Ðến nay, Thái Nguyên có 17.824 ha chè giống mới, chiếm gần 80% diện tích; gần 2.500 ha chè được cấp chứng nhận VietGAP, hàng trăm héc-ta chè được sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ. 100% số HTX, cơ sở sản xuất lớn áp dụng kỹ thuật, cơ giới hóa vào các khâu chế biến bảo đảm an toàn thực phẩm. Với sự hỗ trợ của tỉnh và các địa phương, người dân chú trọng đầu tư thâm canh, nhất là đầu tư hệ thống tưới tự động, tưới xoay chiều, ứng dụng tưới tiết kiệm vào mùa khô, nhờ đó chè đủ độ ẩm, cho thu hái 10 đến 11 lứa/năm, tăng ba, bốn lứa/năm so với trước đây; sản lượng chè chế biến đạt 48.900 tấn, trong đó sản phẩm chè xanh, chè chất lượng cao chiếm hơn 80%.

Những chính sách nêu trên đã đưa cây chè thật sự trở thành cây trồng chủ lực, tạo việc làm và thu nhập ổn định, góp phần giảm nghèo, làm giàu cho nhiều hộ dân các địa phương. Tại HTX chè Hảo Ðạt ở xã Tân Cương nằm trong Vùng chè đặc sản Tân Cương (TP Thái Nguyên) được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý, Giám đốc HTX Chè Hảo Ðạt, Ðào Thanh Hảo chia sẻ: HTX có vốn điều lệ ba tỷ đồng với 30 thành viên, 50 hộ liên kết, đến nay đã xây dựng được vùng nguyên liệu chè đạt tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 10 ha, sản lượng chè búp tươi đạt khoảng 150 tấn/năm. Bên cạnh đó, mỗi năm HTX ký bao tiêu khoảng 650 tấn chè búp tươi của các hộ liên kết, tổ hợp tác trên địa bàn. HTX thu hái, chế biến và đóng gói với quy trình khép kín, nhiều khâu được tự động hóa để tạo ra ba dòng sản phẩm chính, gồm chè đinh, chè nõn tôm, chè móc câu đạt tiêu chuẩn ba sao, bốn sao và hiện được tỉnh chọn đề nghị công nhận năm sao; giá bán các dòng sản phẩm từ 250 nghìn đồng đến ba triệu đồng/kg, mỗi năm đạt doanh thu hơn 10 tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 50 lao động ở địa phương với thu nhập bình quân sáu triệu đồng/tháng.

Thôn Phìn Hồ, xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) có 48 hộ dân với gần 50 ha chè shan tuyết cổ thụ. Ðây là vùng chè được cấp giấy chứng nhận hữu cơ, các hộ dân là người dân tộc Dao và là đối tác của HTX Chế biến chè Phìn Hồ. Trưởng thôn Phìn Hồ Lý Chòi Vạn cho biết, từ khi HTX Chế biến chè Phìn Hồ mở rộng quy mô, đa dạng sản phẩm theo hướng sản xuất chè sạch, chất lượng cao, người dân trong thôn được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, thu hái đúng quy trình kỹ thuật, có đầu ra ổn định, giá trị chè được nâng lên. Hiện nay, người dân trong thôn Phìn Hồ chỉ thu hái, sản xuất theo yêu cầu của HTX các loại chè chất lượng cao là: Chè một tôm, một tôm một lá, một tôm hai lá với giá bán dao động từ 18 đến 300 nghìn đồng/kg chè búp tươi. Thu nhập từ chè đã trở thành thu nhập chính, hộ nào cũng có nguồn thu từ 30 đến 100 triệu đồng/năm. Thôn Phìn Hồ là thôn cao và xa nhất xã Thông Nguyên, nhưng nhờ làm chè, cho nên đến nay không còn hộ nghèo.

Ðẩy mạnh liên kết sản xuất, mở rộng thị trường xuất khẩu

Trong những năm vừa qua, hình thức tổ chức sản xuất, hợp tác liên kết trong sản xuất, chế biến tiêu thụ chè phát triển mạnh, bước đầu đạt kết quả tốt, tạo được mối liên kết chặt chẽ theo chuỗi từ sản xuất đến chế biến và kinh doanh, tạo ra sản phẩm bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, vừa mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân, vừa phủ xanh đất trống đồi trọc, giữ gìn nguồn nước và bảo vệ môi trường hiệu quả.

HTX dịch vụ nông nghiệp nông thôn Ðông Lĩnh, huyện Thanh Ba (Phú Thọ) là một trong những điển hình về việc các hộ dân cùng liên kết phát triển và xây dựng thương hiệu chè. HTX đã quy hoạch được vùng sản xuất chè với diện tích 20 ha, sản lượng hằng năm đạt hơn 10 tấn chè búp tươi. Ông Trần Văn Ba, Phó Giám đốc HTX, Tổ trưởng Tổ sản xuất chè xanh Dốc Ðen chia sẻ, trước đây người dân sản xuất chè tự phát, chủ yếu trồng những giống chè cũ, cho nên thu nhập thấp, diện tích ngày càng bị thu hẹp. Ðến năm 2006, làng nghề sản xuất, chế biến chè Dốc Ðen chính thức được công nhận. Từ đó, HTX đã tổ chức cho các hộ học tập kinh nghiệm tại một số đơn vị sản xuất chè có uy tín; mở các lớp tập huấn quy trình sản xuất chè sạch, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, cũng như cách trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện nay, sản phẩm chè xanh Dốc Ðen đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ; chứng nhận nhãn hiệu tập thể, các hộ ngày càng chú trọng quy trình sản xuất từ khâu chăm sóc, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó, giá trị và hiệu quả kinh tế của cây chè được nâng lên rõ rệt.

Chúng tôi về xã vùng sâu Bản Liền, huyện Bắc Hà (Lào Cai) đúng vào đầu vụ thu hoạch chè xuân, nhà nào cũng phấn khởi vì chè được mùa được giá. Chủ tịch UBND xã Trần Ngọc Phú cho biết, huyện Bắc Hà và chính quyền xã quy hoạch vùng trồng chè và xây dựng cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ phù hợp để đưa cây chè thành mũi nhọn kinh tế nông nghiệp, tạo nguồn thu nhập cao và bền vững cho người dân. Toàn xã có hơn 300 hộ trồng chè shan tuyết, hộ ít thì có 0,5 ha, hộ nhiều có tới 3, 4 ha chè đang cho thu hoạch. Nhiều hộ thoát nghèo và đang làm giàu từ chuyển đổi sang trồng chè shan tuyết, làm chè hữu cơ theo tiêu chuẩn VietGAP để bán cho HTX Chè hữu cơ Bản Liền, như gia đình ông Vàng A Vận ở Ðội 3; ông Lâm A Thướng ở Ðội 2..., mỗi năm thu về từ 60 đến 80 triệu đồng, cuộc sống ngày càng được nâng cao, có tích lũy làm giàu. Khá nhất xã Bản Liền là hộ ông Vàng A Dựng, với 15 ha chè thuần chủng giống shan tuyết, do chăm bón tốt theo tiêu chuẩn VietGAP, thu hoạch đúng kỹ thuật, hằng năm gia đình ông thu được khoảng 400 triệu đồng. Ðồng chí Vàng A Dương, Bí thư Ðảng ủy xã Bản Liền cho biết, để phát triển và phát huy giá trị cây chè shan tuyết, huyện Bắc Hà và chính quyền xã kêu gọi đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho HTX Chè hữu cơ Bản Liền xây dựng nhà máy sản xuất chè hữu cơ, công suất sáu tấn chè búp tươi/ngày, đặt ngay trên địa bàn xã. HTX liên kết với 310 hộ đồng bào dân tộc Tày, H’Mông ở địa phương trồng và thu hoạch chè hữu cơ theo tiêu chuẩn VietGAP. Với hơn 500 ha chè shan tuyết, hằng năm HTX Chè hữu cơ Bản Liền xuất khẩu khoảng 140 tấn chè đã được chế biến sâu, trong đó có 90 tấn chè hữu cơ, tới các nước Pháp, Ðức, Hà Lan… Mới đây nhất, HTX sản xuất thêm sản phẩm chè Hồng Ðào để xuất khẩu sang thị trường Mỹ, với giá cao hơn, mở ra hướng đi mới cho người trồng chè nơi đây.

Tại Tuyên Quang, Công ty cổ phần Chè Mỹ Lâm thành lập tổ sản xuất chè an toàn theo từng nhóm hộ có diện tích chè gần nhau. Các thành viên tổ sản xuất chè an toàn phải thực hiện đúng quy trình kỹ thuật do công ty đề ra, được cấp phát phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và hoàn trả tiền vật tư nông nghiệp thông qua sản phẩm chè búp tươi. Công ty hướng dẫn cho người nông dân quy trình chăm sóc, thu hái, bố trí cán bộ làm công tác khuyến nông tại các tổ sản xuất, ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm chè búp tươi của các tổ sản xuất,... Công ty cũng là doanh nghiệp đầu tiên trên địa bàn tỉnh xây dựng bộ thuốc bảo vệ thực vật sử dụng riêng cho chè theo tiêu chuẩn EU. Hiện nay, công ty có 10 tổ với khoảng 500 hộ dân tham gia. Sản phẩm chè bảo đảm an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn EU, làm tăng giá bán chè thành phẩm, giảm giá thành sản xuất, thị trường mở rộng và ổn định. Công nghệ sản xuất đã đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và quản lý của các tập đoàn lớn trên thế giới. Sản lượng sản xuất của công ty đạt 2.050 đến 2.300 tấn/năm, được xuất khẩu ra nhiều thị trường lớn trên thế giới. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2020, có 370 tổ chức và cá nhân xuất khẩu chè sang 74 quốc gia và vùng lãnh thổ, với sản lượng gần 135 nghìn tấn, trị giá 217,7 triệu USD, mang lại nguồn thu đáng kể...

Phát huy tiềm năng, lợi thế thổ nhưỡng, khí hậu, các tỉnh trung du và miền núi đã phát triển cây chè theo hướng bền vững, chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm. Nhờ tăng cường đầu tư các khâu giống, liên kết sản xuất, kỹ thuật chế biến, xúc tiến thương mại nhiều địa phương đã tạo ra những thương hiệu chè nổi tiếng.

(Còn nữa)

Hương Bình Toàn, Hồng Chung và Long Sơn


Cập nhật: Ngày 10 tháng bốn năm 2021
Nguồn nhandan.org.vn


Các tin khác...

Sản phẩm nổi bật

  • Thái Bình Ô long trà

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...

  • Chè Ô long hút chân không 200g

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...

  • Ô long Thanh Tâm 100g

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...

  • Chè xanh Bát Tiên hút chân không 200g

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...

  • Chè xanh Ngọc Thúy hút chân không

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...