Chuyên trang thông tin...

[-] Nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững cây chè và dong riềng | CÔNG TY CỔ PHẦN CHÈ THÁI BÌNH LẠNG SƠN Nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững cây chè và dong riềng

Chuyên mục: Sự kiện,  |  Đọc: 73 |  Bản in  | Cỡ chữ


Thu hoạch chè trung du tại xã Như Cố (Chợ Mới).

Chè và dong riềng được coi là cây công nghiệp có tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Bắc Kạn, quy mô sản xuất hàng hóa, được tiêu thụ khá trên thị trường trong và ngoài nước, mang lại hiệu quả kinh tế đáng ghi nhận. Mặc dù được đánh giá cao, tuy nhiên, việc phát triển cả hai loại cây trên vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, rất cần được tăng cường đầu tư.

Thực trạng sản xuất, chế biến chè và dong riềng

Với ưu thế trồng một lần cho thu hoạch nhiều năm nên cây chè đang được coi là cây trồng thế mạnh của một số huyện như: Ba Bể, Chợ Đồn và Chợ Mới. Toàn tỉnh hiện có 2.047ha chè, trong đó diện tích đã cho thu hoạch 1.882ha; diện tích được chứng nhận VietGAP là 20ha, chứng nhận hữu cơ 20ha, chứng nhận vệ sinh ATTP 42ha.

Chè ở Bắc Kạn chủ yếu là giống chè trung du và chè Shan tuyết. Chè trung du là các giống chè lá nhỏ và một số ít diện tích trồng giống mới như LDP 1, LDP2. Chè Shan tuyết được trồng áp dụng theo các chương trình trồng rừng phòng hộ nên mật độ cây không đảm bảo, năng suất thấp. Cả 2 loại chè hình thức sản xuất phân tán, nhỏ lẻ, thủ công, dựa vào kinh nghiệm là chính, nên chưa thành vùng sản xuất hàng hóa lớn.

Những năm gần đây, nhiều diện tích trồng mới đã được thiết kế theo băng chống xói mòn, trồng cây che bóng, bón phân cân đối, quản lý dịch hại tổng hợp IPM, sản xuất theo các quy trình an toàn; ứng dụng cơ giới hóa trong đốn, hái, phun thuốc bảo vệ thực vật... Tuy nhiên, nhiều hộ dân chưa chú trọng đầu tư thâm canh tăng năng suất, do vậy năng suất, chất lượng thấp. Khâu chế biến chè theo kiểu truyền thống, tỷ lệ chế biến công nghiệp, cơ giới hóa thấp; sản phẩm chủ yếu là chè xanh tiêu thụ nội địa.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 01 nhà máy chế biến chè tại huyện Chợ Đồn do Công ty TNHH chè Peloyen Đài Loan đầu tư từ trồng đến chế biến, sản phẩm chế biến là chè Ô Long xuất khẩu. Ngoài ra, sản phẩm chè còn được chế biến thông qua một số hợp tác xã (HTX) sản xuất và chế biến chè tại các huyện Ba Bể, Chợ Mới, Chợ Đồn. Các HTX đã đầu tư nhà xưởng, thiết bị, sản xuất ra những sản phẩm chè đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm (ATTP), tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh mang lại giá trị cao. Sản phẩm chè Shan tuyết Bằng Phúc đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể năm 2018. Tuy nhiên, phần lớn nguyên liệu chè búp tươi trên địa bàn tỉnh được chế biến quy mô hộ nhỏ lẻ, sản phẩm tiêu thụ trong và ngoài tỉnh, chưa có tính cạnh tranh cao.

Cây dong riềng được người dân tỉnh Bắc Kạn trồng từ lâu để chế biến ra sản phẩm miến dong. Diện tích trồng dong riềng của tỉnh tập trung chủ yếu tại các huyện Na Rì, Ba Bể và một số ít diện tích tại Bạch Thông, Chợ Mới. Cây dong riềng được đánh giá có năng suất cao, thích hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh, là cây trồng sản xuất hàng hóa mang lại hiệu quả cho người dân.

Những năm trước đây, do việc tăng nhanh về diện tích canh tác, dẫn đến sản lượng củ dong riềng tăng mạnh, các cơ sở chế biến trên địa bàn không đảm bảo công suất chế biến, dẫn đến ứ đọng nguyên liệu, giá củ dong xuống thấp. Do vậy, cần điều chỉnh diện tích phù hợp với mục tiêu xây dựng thương hiệu và nâng cao giá trị sản phẩm miến dong trong chuỗi liên kết từ vùng trồng đến chế biến sản phẩm miến. Những năm gần đây, diện tích trồng dong riềng trên địa bàn tỉnh dao động trên dưới 500ha, năng suất đạt 74 tấn/ha.

Miến dong Bắc Kạn đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Các sản phẩm miến dong Bắc Kạn được tiêu thụ tốt trên thị trường trong và ngoài tỉnh với giá cả ổn định. Việc xây dựng thành công và công bố nhãn hiệu tập thể miến dong Bắc Kạn, đổi mới công nghệ chế biến, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm đã nâng cao uy tín, hình ảnh của miến dong Bắc Kạn đối với thị trường trong nước và bước đầu miến dong Tài Hoan đã xuất khẩu sang Cộng hòa Séc.

Dong riềng chủ yếu là canh tác trên đất nương rẫy diện tích chiếm khoảng 80%, diện tích canh tác dong riềng trên đất ruộng, soi bãi, vườn nhà khoảng 20%. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang trồng hai giống dong riềng chính là: Giống địa phương chiếm khoảng 5% diện tích, sản lượng thấp nhưng củ dong có tỷ lệ tinh bột cao, chất lượng miến tốt; giống DR1 chiếm 95% diện tích, là giống cao sản có năng suất cao, tỷ lệ bột thấp hơn so với dong riềng địa phương.

Toàn tỉnh hiện có 37 cơ sở chế biến miến dong, trong đó có 17 cơ sở vừa chế biến tinh bột, vừa sản xuất miến, 10 cơ sở chuyên sản xuất miến, 10 cơ sở chuyên sản xuất tinh bột. Như vậy, năng lực sản xuất miến thấp, chỉ tiêu thụ được 20-30% lượng tinh bột, còn 70-80% lượng tinh bột dong phải bán ra thị trường ngoài tỉnh, dẫn tới giá bán củ dong và tinh bột thấp.

Sản xuất, chế biến theo quy trình an toàn thực phẩm sản phẩm chè và dong riềng

Theo kế hoạch, mục tiêu đến năm 2025 tổng diện tích trồng chè đạt 2.500ha. Trong đó, diện tích chè trung du là 1.500ha, sản lượng đạt 9.500 tấn búp tươi; diện tích chè Shan tuyết 1.000ha, sản lượng đạt 2.500 tấn búp tươi. Theo đó, trồng mới chỉ có 453ha chè Shan tuyết; toàn bộ diện tích đạt tiêu chuẩn về ATTP, có nhãn mác bao bì sản phẩm; diện tích được chứng nhận VietGAP là 750ha và truy xuất được nguồn gốc.

Đối với cây dong riềng, giữ ổn định 800 - 1.000 ha/năm, sản lượng đạt 59.000 tấn. Toàn bộ củ tươi chế biến thành tinh bột là 8.000 tấn tinh bột, sản xuất thành miến là 4.800 tấn miến thành phẩm. Phấn đấu 800ha đạt tiêu chuẩn về ATTP và có nhãn mác bao bì sản phẩm miến dong. Trong đó, diện tích được chứng nhận đạt tiêu chuẩn sản phẩm hữu cơ là 240ha và truy xuất được nguồn gốc.


Sản xuất, chế biến miến dong tại Cơ sở miến dong Nhất Thiện (Ba Bể).

Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh Bắc Kạn đã đề ra các giải pháp chủ yếu như: Quy hoạch vùng nguyên liệu hàng hóa với diện tích 1.500ha chè trung du tại các xã, thị trấn thuộc huyện Chợ Mới, Ba Bể, Bạch Thông. Quy hoạch vùng chè Shan tuyết với diện tích 1.000ha, tại các xã thuộc huyện Chợ Đồn, Ba Bể, Chợ Mới.

Quá trình sản xuất, chế biến chè tập trung vào nâng cao chất lượng sản phẩm thông các biện pháp chăm sóc theo quy trình áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ cao, sản xuất bền vững; sản xuất, chế biến theo quy trình ATTP, VietGAP..., tăng hiệu suất sử dụng phân bón, giảm thuốc BVTV, vật tư nông nghiệp nhằm giảm chi phí, tăng năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm, giảm phát thải, bảo vệ môi trường. Hỗ trợ cho các hộ nhỏ lẻ các thiết bị chế biến (máy vò, lò sao) để 100% sản lượng chè búp tươi được chế biến ngay sau thu hái. Duy trì năng suất, sản lượng và chất lượng chè Peloyen Đài Loan tại huyện Chợ Đồn. Chú trọng củng cố các HTX, tổ hợp tác sản xuất chè an toàn gắn với liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chè theo mô hình chuỗi giá trị.

Đối với cây dong riềng, tập trung tại các xã: Côn Minh, Quang Phong, Trần Phú (Na Rì); Mỹ Phương, Chu Hương, Yến Dương (Ba Bể) và một số vùng phụ cận khác như huyện Bạch Thông. Thực hiện các quy trình kỹ thuật sản xuất hữu cơ, để đến năm 2025 có 30% sản phẩm miến đạt tiêu chuẩn sản phẩm hữu cơ. Tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm từ khâu chế biến, phấn đấu 100% sản lượng củ dong riềng được chế biến thành các sản phẩm miến dong, viên nang miến dong, miến dong ăn liền...

Áp dụng các chính sách hỗ trợ cơ sở chế biến miến phát triển. Cụ thể như: Nâng công suất chế biến của Cơ sở chế biến miến Nhất Thiện đạt trên 1.000 tấn/năm; đầu tư mở rộng cơ sở chế biến miến Triệu Thị Tá để đạt sản lượng miến trên 200 tấn/năm. Xây dựng mới 01 cụm chế biến miến dong tại xã Côn Minh đạt 1.500 - 2.500 tấn miến/năm; 01 cơ sở chế biến tại khu vực trung tâm huyện Ba Bể với công suất trên 1.000 tấn miến/năm; 01 cơ sở chế biến với công suất 1.000 tấn miến/năm tại thành phố Bắc Kạn để tiêu thụ toàn bộ sản lượng củ dong. Đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp, HTX trong và ngoài nước đầu tư chế biến ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm chè, miến dong.

Cùng với các giải pháp trên, chú trọng phát triển thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp, HTX gắn với nhãn hiệu tập thể “Chè tuyết Bằng Phúc”, “Miến dong Bắc Kạn”. Đăng ký nhãn hiệu tập thể Miến dong Bắc Kạn tại một số thị trường nước ngoài tiềm năng để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX xây dựng chiến lược xuất khẩu. Đầu tư xây dựng và công bố website chè, miến dong Bắc Kạn, tích hợp truy xuất nguồn gốc để đảm bảo ATTP, khẳng định sự minh bạch nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm chè, miến dong của tỉnh.

Đưa các chính sách tín dụng của Trung ương, của tỉnh, của huyện đến các tổ chức, cá nhân thực hiện Kế hoạch phát triển cây chè và dong riềng nhằm đưa cây chè, dong riềng của tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, góp phần cơ cấu lại ngành Nông nghiệp để tạo ra đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội./.

Phan Quý


Cập nhật: Ngày 07 tháng năm năm 2022
Nguồn baobackan.com.vn


Các tin khác...

Sản phẩm nổi bật

  • Thái Bình Ô long trà

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...

  • Chè Ô long hút chân không 200g

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...

  • Ô long Thanh Tâm 100g

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...

  • Chè xanh Bát Tiên hút chân không 200g

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...

  • Chè xanh Ngọc Thúy hút chân không

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...