Chuyên trang thông tin...

[-] Nâng cao giá trị cây chè Shan tuyết: Cần hình thành chuỗi sản xuất bền vững | CÔNG TY CỔ PHẦN CHÈ THÁI BÌNH LẠNG SƠN Nâng cao giá trị cây chè Shan tuyết: Cần hình thành chuỗi sản xuất bền vững

Chuyên mục: Tin tức tổng hợp,  |  Đọc: 79 |  Bản in  | Cỡ chữ


Sản phẩm chè Shan tuyết của Hợp tác xã Sơn Trà, xã Hồng Thái (Na Hang) được bày bán trong khuôn khổ Lễ hội Thành Tuyên.

Chất lượng của chè Shan tuyết là điều đã được khẳng định, khi sản phẩm này “nức tiếng” với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, giá trị nó mang lại cho người trồng chè lại chưa tương xứng. Lý do chính theo đánh giá của ngành Nông nghiệp tỉnh là việc hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm còn chưa bền vững.

Cây chè Shan tuyết đã được trồng lâu đời tại các huyện Na Hang, Lâm Bình. Có những cây cổ thụ ước tính trên dưới 200 năm. Để phát huy được tiềm năng, lợi thế về khí hậu, đất đai sẵn có của địa phương, đồng thời thực hiện việc phủ xanh đất trống đồi núi trọc, từ năm 2000 tỉnh đã thực hiện dự án trồng rừng bằng chè Shan tuyết theo Chương trình 327 và Dự án 661 ở một số xã thuộc 2 địa phương này, với tổng diện tích trên 1.400 ha. Trong đó riêng diện tích chè Shan tuyết của huyện Na Hang là 1.265 ha.

Hợp tác xã Sơn Trà, xã Hồng Thái (Na Hang) hiện được đánh giá là đơn vị hoạt động có hiệu quả nhất trong sản xuất, chế biến chè Shan tuyết. Ông Đặng Ngọc Phố, Phó Giám đốc Hợp tác xã cho biết, sản phẩm chè búp tươi của người dân được hợp tác xã thu mua với giá từ 15.000 đồng đến 50.000 đồng/kg, riêng sản phẩm chè đinh được thu mua với giá 150.000 đồng đến 300.000 đồng/kg. Giá thu mua nguyên liệu ổn định, nhưng theo ông Phố, đơn vị này cũng chưa bao giờ thu mua đủ nguyên liệu đáp ứng công suất của dây chuyền chế biến là 1 tấn chè búp tươi/ngày. Mỗi năm, Hợp tác xã Sơn Trà thu mua khoảng 70 tấn chè búp tươi cho bà con, tức là mỗi tháng đơn vị này chỉ thu mua khoảng 6 tấn chè búp tươi. Nguyên nhân là người dân vẫn chưa thực sự coi cây chè Shan là nguồn thu nhập chính, dẫn đến việc thu hái thất thường.

Ông Tô Viết Hiệp, Phó Chủ tịch UBND huyện Na Hang cho biết, chè Shan tuyết của Na Hang tập trung nhiều tại 3 xã Sinh Long, Hồng Thái và Sơn Phú. Diện tích chè Shan tuyết chủ yếu được trồng tại các thôn vùng cao, mọc lẫn một số cây trong rừng tự nhiên nên việc thu hái, chế biến và tiêu thụ còn gặp nhiều khó khăn. Do trồng với mục đích thành rừng phòng hộ nên ít có sự đầu tư, thâm canh trong quá trình chăm sóc, thu hái dẫn đến sản lượng búp tươi giảm, năng suất thấp.

Sinh Long hiện là xã có diện tích chè Shan tuyết lớn nhất tỉnh với 987 ha, 367 hộ tham gia trồng chè. Trong số này có khoảng 45 ha chè được người dân đầu tư chăm sóc, thu hái theo đúng quy trình kỹ thuật. Trung bình mỗi năm sản lượng ước đạt 20 - 30 tấn chè búp tươi. Theo UBND huyện Na Hang, mặc dù có 2 cơ sở chế biến đặt tại xã, nhưng do nhiều nguyên nhân, việc thu mua thất thường, nhiều người trồng chè ở Sinh Long phải đưa về Hồng Thái bán lại cho các cơ sở khác.

Việc phát triển sản phẩm chè Shan tuyết tại xã Thổ Bình (Lâm Bình) cũng đang gặp khó, do hệ thống đường giao thông không “ủng hộ” người trồng chè. Ông Vi Văn Sự, Chủ tịch UBND xã cho biết, xã hiện có khoảng 230 ha chè Shan tuyết. Nhưng để hái được 10 - 15 kg chè thì người dân phải mất nửa ngày đi lên và nửa ngày đi xuống.

Ông Phượng Quý Chu, Giám đốc Hợp tác xã Đồng Tiến là hợp tác xã duy nhất sản xuất, chế biến chè Shan tuyết ở Thổ Bình chia sẻ, do thời gian để hái rất ít nên sản lượng thu hái không được nhiều. Sản phẩm để lâu không chế biến, hương vị cũng không giữ được trọn vẹn nữa. Giải pháp của người trồng chè là đưa các máy sao chè, vò chè lên chân đồi để sơ chế ngay khi có sản phẩm. Hợp tác xã Đồng Tiến hiện cũng đưa máy sao chè, vò chè lên chân đồi để chế biến cho bà con, nhưng do không có điện, mọi công đoạn đều phải làm hoàn toàn thủ công. Tuy nhiên, theo ông Phượng Quý Chu, do không giám sát được quy trình thu hái cũng như chế biến của người dân, nên chất lượng cũng như mẫu mã của sản phẩm thường không ổn định. Ông Chu mong muốn, để sản phẩm chè Shan tuyết của xã chinh phục được thị trường, thì việc cần thiết nhất lúc này là đầu tư hệ thống đường giao thông từ trung tâm xã đến các thôn trồng chè, rút ngắn thời gian bảo quản chè búp tươi.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Đại Thành, tất cả sản phẩm chè Shan tuyết của Tuyên Quang đều được trồng ở độ cao từ 800 - 1.000 m so với mặt nước biển, nên chất lượng sản phẩm hội tụ đủ các yếu tố hương thơm, vị đậm. Đặc biệt toàn bộ các khâu sản xuất từ trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến… đều đảm bảo chất lượng chè sạch. Hương vị và chất lượng của chè Shan tuyết Tuyên Quang có tính khác biệt so với các sản phẩm chè cùng loại trên thị trường hiện có. 2 huyện Na Hang, Lâm Bình cũng đã lựa chọn sản phẩm chè Shan tuyết là sản phẩm OCOP chủ lực cấp huyện.

Về lâu dài, để có bước đột phá về chất lượng và thị trường tiêu thụ sản phẩm, ngoài việc rà soát lại toàn bộ diện tích chè Shan để thâm canh, tăng năng suất, thiết lập hệ thống quản lý chất lượng tập trung vào 2 loại sản phẩm chè VietGAP và hữu cơ thì việc quan trọng nhất là hình thành được chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm bền vững và đem lại thu nhập ổn định cho người trồng chè tại các khu vực này.

Bài, ảnh: Trần Liên


Cập nhật: Ngày 28 tháng ba năm 2020
Nguồn baotuyenquang.com.vn


Các tin khác...

Sản phẩm nổi bật

  • Thái Bình Ô long trà

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...

  • Chè Ô long hút chân không 200g

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...

  • Ô long Thanh Tâm 100g

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...

  • Chè xanh Bát Tiên hút chân không 200g

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...

  • Chè xanh Ngọc Thúy hút chân không

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...