Chuyên trang thông tin...

[-] Mỹ Phương phát triển vùng sản xuất chè hàng hóa | CÔNG TY CỔ PHẦN CHÈ THÁI BÌNH LẠNG SƠN Mỹ Phương phát triển vùng sản xuất chè hàng hóa

Chuyên mục: Tin tức tổng hợp,  |  Đọc: 92 |  Bản in  | Cỡ chữ


Mô hình cải tạo, chăm sóc chè theo hướng hữu cơ ở thôn Pùng Chằm, xã Mỹ Phương.

Xác định chè là cây trồng mũi nhọn trong phát triển kinh tế, những năm qua, chính quyền xã Mỹ Phương (Ba Bể) đã quan tâm, triển khai nhiều dự án hỗ trợ người dân trồng mới, thâm canh, cải tạo các vườn chè già cỗi; nhân rộng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để phát triển cây chè theo hướng hàng hóa, đem lại giá trị kinh tế cao.

Mở rộng vùng sản xuất

Theo thống kê, toàn xã Mỹ Phương hiện có 462ha cây chè, trong đó có 425ha đang cho thu hoạch. Từ các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất, diện tích chè đang ngày càng được mở rộng theo hướng tập trung thành vùng, khu vực. Đồng chí Hoàng Văn Thái- Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Phương cho biết: "Để loại bỏ tình trạng trồng phân tán, nhỏ lẻ, từ năm 2019 đến nay, chính quyền địa phương đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn từ Chương trình 30a, hỗ trợ trực tiếp cho những hộ trồng chè mở rộng diện tích dưới nhiều hình thức như: Trồng mới, trồng dặm bổ sung, trồng nối tiếp với những diện tích đã có... tạo thành vùng nguyên liệu tập trung, thuận lợi cho người dân trong quá trình chăm sóc, thu hoạch".

Năm 2019, hai dự án trồng chè với tổng kinh phí trên 400 triệu đồng được triển khai. Hơn 10ha chè được trồng mới, 52 hộ dân ở các thôn Nà Cà, Cốc Muồi, Bản Hậu, Nà Ngò, Phiêng Phường... được hỗ trợ trên 233.000 cây giống, hơn 11 tấn phân bón. Năm 2020, có thêm gần 5ha chè được trồng mới với tổng kinh phí hỗ trợ trên 203 triệu đồng. Ngành chuyên môn đã trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cho bà con. Phương thức canh tác cũ dần được loại bỏ, ngay từ khâu làm đất, người dân đã đưa máy móc vào để làm rãnh luống, trồng theo mật độ khoảng cách hợp lý, đầu tư thời gian, công sức để chăm bón, thường xuyên vun xới, đốn tỉa, bón phân theo định kỳ.

Bà Hà Thị Chuyên ở thôn Pùng Chằm cho biết: "Trước đây, gia đình tôi và nhiều hộ khác chủ yếu tận dụng đất dưới tán rừng để trồng chè. Cây không được chăm sóc, búp chè thu được với số lượng ít, không đều, chè hay mắc các loại sâu bệnh hại như rầy xanh, bọ cánh tơ, bọ xít... Đến nay, sau khi được hỗ trợ về giống, kỹ thuật, gia đình tôi lựa chọn những khu vực đồi thoáng để trồng mới, mở rộng diện tích lên hơn 1ha. Với những diện tích đang cho thu hoạch, vào mùa cao điểm, trung bình mỗi tháng sẽ tiến hành thu hái được 2 lượt, vì vậy cây chè hiện đã trở thành nguồn thu nhập chính của gia đình".

Những giống chè mới được bà con xã Mỹ Phương đưa vào trồng chủ yếu gồm: Chè LDP1, LDP2, Kim Tuyên, PH8… Đây là các giống phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương, cho năng suất, chất lượng cao hơn những giống khác. Thực hiện việc cơ giới hóa sản xuất, người nông dân đã đầu tư các loại máy móc cơ giới để vun xới, làm đất, vừa giúp giảm công sức lao động, vừa hạn chế sử dụng các loại thuốc trừ cỏ. Nhằm nâng cao chất lượng chè sau chế biến, bà con đầu tư một số loại máy sao, vò, máy sấy... giúp chè có mẫu mã đẹp, giữ được hương vị, độ thơm ngon đặc trưng của từng loại chè.

Hướng đi bền vững

Dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật cải tạo và phát triển vùng sản xuất chè hàng hóa tại tỉnh Bắc Kạn” được thực hiện tại xã Mỹ Phương từ tháng 3/2019 đến 10/2021, sau 3 năm đã đem lại nhiều kết quả tích cực. Các mô hình thực hiện gồm: Mô hình thâm canh chè theo hướng VietGAP, quy mô 10ha; mô hình thâm canh chè theo hướng hữu cơ, quy mô 5ha; mô hình trồng chè giống mới chất lượng cao, quy mô 7ha và mô hình chế biến 3 sản phẩm mới. Những mô hình này được thực hiện ở các thôn Pùng Chằm, Bjoóc Ve và Hợp Tác xã chè Mỹ Phương.

Tham gia thực hiện, 200 lượt hộ dân và thành viên của HTX được đào tạo, tập huấn về quy trình chăm sóc chè theo hướng VietGAP, hữu cơ và trồng chè giống mới chất lượng cao. Sử dụng phân bón vô cơ, phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật, chế phẩm sinh học... phù hợp với từng mô hình. Đồng thời bà con được hỗ trợ một số loại máy móc như: Máy đốn chè, máy phun thuốc, máy tạo hình chè... Ông Nông Văn Hoành- Giám đốc HTX chè Mỹ Phương cho biết: "Qua thực hiện Dự án, bà con đã dần thay đổi tư duy phát triển cây chè theo hướng hàng hóa, có sự đầu tư về thời gian, chi phí vật tư. Hiện nay, giá bán chè thành phẩm của các hộ dân đã cao hơn trước rất nhiều. Riêng đối với HTX, nhờ áp dụng máy móc hiện đại vào chế biến mà có nhiều sản phẩm chè khác nhau theo nhu cầu thị trường, tiêu biểu như chè xanh thơm, chè Ngân kim, chè sợi...

Hiện nay, mô hình cải tạo chè cũ trên địa bàn thực hiện theo khoa học kỹ thuật đồng bộ từ chăm sóc, bón phân, đốn hái, tạo tán nên năng suất, chất lượng tăng từ 6 – 8 lần, đạt hơn 4 tấn/ha, tăng trên 53% so với trước khi thâm canh. Mô hình trồng mới tỷ lệ sống đạt trên 95%, cây sinh trưởng và phát triển tốt, năng suất đạt từ 3,5 – 4 tấn/ha, chất lượng sản phẩm tốt. Theo đánh giá của nhiều hộ trồng chè, nhờ được hướng dẫn thu hái đúng thời điểm nên đã hạn chế được nguồn sâu bệnh lây lan, từ đó giảm số lần phun thuốc trong năm. Mật độ búp tăng, khối lượng búp cũng được cải thiện; số lứa hái cũng tăng, trong đó phải kể đến giống LDP1 đạt 10 lứa/năm, giống chè Trung du đạt 9,2 lứa/năm...

Về hướng phát triển bền vững cho cây chè, đồng chí Hoàng Văn Thái- Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Phương cho biết thêm: "Các mô hình sản xuất chè theo hướng hữu cơ, VietGAP đang được chính quyền địa phương khuyến khích bà con nhân rộng, đi đôi với cải tạo lại diện tích chè lâu năm để phục hồi lại khu vực sản xuất và làm tăng năng suất chè. Thời gian tới, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng chè nguyên liệu như: Chuyển đổi giống mới, quản lý sản xuất, củng cố và phát triển mối liên kết giữa sản xuất nguyên liệu với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, trong đó lấy HTX chè Mỹ Phương là hạt nhân để nhân rộng mô hình sản xuất chè an toàn, thúc đẩy phát triển cây chè bền vững".

Với diện tích chè lớn nhất huyện Ba Bể, việc xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, ổn định; cải tạo, thâm canh và trồng mới theo hướng VietGAP, hữu cơ là hướng đi đúng trong phát triển vùng sản xuất chè hàng hóa tại xã Mỹ Phương. Qua đó giúp người dân khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của cây chè, ngày càng nâng cao trình độ, năng lực sản xuất, đem lại giá trị kinh tế cao./.

Thu Hường


Cập nhật: Ngày 03 tháng chín năm 2022
Nguồn baobackan.com.vn


Các tin khác...

Sản phẩm nổi bật

  • Thái Bình Ô long trà

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...

  • Chè Ô long hút chân không 200g

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...

  • Ô long Thanh Tâm 100g

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...

  • Chè xanh Bát Tiên hút chân không 200g

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...

  • Chè xanh Ngọc Thúy hút chân không

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...