Chuyên trang thông tin...

[-] Lào Cai: Tập trung nâng cao giá trị vùng chè nguyên liệu | CÔNG TY CỔ PHẦN CHÈ THÁI BÌNH LẠNG SƠN Lào Cai: Tập trung nâng cao giá trị vùng chè nguyên liệu

Chuyên mục: Tin tức tổng hợp,  |  Đọc: 156 |  Bản in  | Cỡ chữ


Công tác quản lý về giống, vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ trong các vùng chè nguyên liệu

(Cổng ĐT HND) - Những năm qua, trên địa bàn tỉnh, cây chè đã mang lại nguồn thu nhập cao và ổn định đối với người dân trong vùng. Với nhiều điều kiện thuận lợi về khí hậu và thổ nhưỡng, có thể nói, chè đang dần trở thành loại cây hàng hóa lâu năm, được người dân tích cực đầu tư trồng với quy mô lớn. Nhờ có sự liên kết chặt chẽ giữa các khâu sản xuất - tiêu thụ bền vững đã giúp người dân xóa đói, giảm nghèo hiệu quả, đời sống và kinh tế gia đình ngày càng khấm khá.

Công tác quản lý về giống, vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ trong các vùng chè nguyên liệu

Vùng chè của tỉnh đã và đang được quy hoạch, tập trung thành từng vùng trọng điểm. Cách làm này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân yên tâm đầu tư sản xuất hàng hóa với quy mô lớn; đồng thời, đảm bảo cho việc quản lý chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu chè bền vững của ngành chức năng được thực hiện sát sao. Đa số các hộ dân đều xác định cây chè là loại cây trồng đem lại hiệu quả về kinh tế và cho nguồn thu nhập ổn định nên đã chủ động, tự giác trồng chè.

Theo quy hoạch, giai đoạn 2016 - 2020, diện tích trồng chè toàn tỉnh đạt 6.500 ha; trong đó, ổn định, cải tạo, thâm canh tăng năng suất diện tích chè kinh doanh đã có khoảng 3.197,5 ha/năm. Như vậy, tính đến năm 2020, tổng sản lượng chè búp tươi của toàn tỉnh ước đạt trên 39,7 nghìn tấn.

Thống kê của Sở Nông nghiệp & PTNT cho thấy, đến hết năm 2017, diện tích chè được trồng tập trung trên địa bàn đạt khoảng 5.400 ha. Trong đó, chè kinh doanh có hơn 3.600 ha và chè kiến thiết cơ bản hơn 1.800 ha. Cơ cấu giống chủ lực vẫn là chè Shan chiếm 59,3%; chè chất lượng cao chiếm 21%; chè lai chiếm 17,7%; còn lại khoảng 1,88% là giống chè Trung du.

Các địa phương có nhiều diện tích chè, trồng chè mới hiệu quả, giúp người dân có thu nhập ổn định gồm 8 xã của huyện Mường Khương, 7 xã của huyện Bảo Thắng và một số xã của các huyện: Bảo Yên, Bắc Hà và Bát Xát. Từ sản phẩm chè búp tươi, các công ty sản xuất chè trên địa bàn sau khi thu mua chế biến thành sản phẩm chè xanh, chè thô để bán cho các nhà máy trong nước. Ngoài ra, sản phẩm còn được xuất khẩu trực tiếp thông qua nhiều hợp đồng ủy thác sang các thị trường truyền thống như: Trung Đông, Nhật Bản, Đài Loan; tính bình quân, doanh thu mỗi năm đạt khoảng 135 tỷ đồng.

Vụ sản xuất chè năm 2017, sản lượng thu hoạch chè toàn tỉnh đạt khoảng 21.640 tấn. Với giá thu mua chè tươi bình quân trên thị trường hiện nay từ 6.500- 7.000 đồng/kg, giá trị đạt 45- 50 triệu đồng/ha chè, tăng hơn từ 13- 15 triệu đồng/ha so với cùng kỳ năm 2016.

Có được những kết quả trên là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của các cấp chính quyền địa phương. Nhiều chính sách nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất vùng nguyên liệu chè của Trung ương, tỉnh được triển khai kịp thời, có hiệu quả, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững.

Hàng năm, các địa phương đã chủ động tuyên truyền, vận động tổ chức triển khai kế hoạch trồng chè đến các xã và người dân; chuẩn bị nguồn cây giống có chất lượng tốt để bảo đảm cung ứng về giống kịp thời cho bà con. Đồng thời, các cấp, các ngành trong tỉnh còn tăng cường công tác quản lý nhà nước về sản xuất, kinh doanh giống, vật tư phân bón trong vùng nguyên liệu nhằm xây dựng nên các vùng chè an toàn.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trên địa bàn đảm bảo thực hiện tốt việc quản lý, phát triển vùng nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm chè búp tươi ổn định theo hợp đồng cho bà con. Từ đó đã tạo dựng được niềm tin đối với các hộ gia đình trong vùng nguyên liệu, tích cực chuyển đổi diện tích đất trồng sắn, ngô vốn không hiệu quả sang trồng chè. Không chỉ có nguồn thu nhập ổn định và thường xuyên, vùng nguyên liệu chè còn giúp tạo công ăn việc làm cho hàng vạn lao động nông nghiệp ở nông thôn.

Đáng chú ý, năm 2018, tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện dự án ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và phát triển chuỗi giá trị chè. Việc làm này góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ cây chè ở những vùng đã được quy hoạch; từ đó đảm bảo tính bền vững, ổn định, phù hợp với nền kinh tế nông nghiệp nông thôn.

Theo đó, toàn tỉnh sẽ tiếp tục duy trì diện tích 483 ha chè chất lượng cao; thực hiện trồng mới 90 ha; áp dụng các biện pháp, kỹ thuật tiên tiến nhằm cải tạo và thâm canh 347 ha, nâng tổng diện tích chè ứng dụng công nghệ cao trên toàn tỉnh đến hết năm 2018 đạt 920 ha; giá trị thu nhập cao hơn so với thu nhập bình quân chung trong sản xuất chè khoảng 25%.

Đồng thời với đó, tỉnh cũng sẽ thực hiện việc thâm canh, tăng năng suất chè kinh doanh lên 1.205 ha; nâng tổng diện tích chè VieGAP trên toàn tỉnh đạt 3.505 ha, năng suất đạt khoảng 6- 8 tấn, áp dụng một trong các tiêu chuẩn như: VietGAP, Global Gap, HACCP, ICM, chè hữu cơ để giúp quản lý chặt chẽ nguồn chè nguyên liệu, ổn định chất lượng sản phẩm tại các vùng nguyên liệu đặc sản chè của tỉnh.

Để hỗ trợ người dân trong vùng chè ứng dụng công nghệ cao, tỉnh sẽ hỗ trợ hình thành các tổ, nhóm sản xuất theo hình thức: Diện tích trung bình 10 ha/tổ nhóm; quy mô sản xuất tối thiểu 2.000 m2/hộ và 01 ha/Hợp tác xã, Tổ hợp tác, doanh nghiệp. Các ngành chức năng trên địa bàn sẽ hỗ trợ việc chuyển giao, hướng dẫn, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong canh tác; đáp ứng tiêu chuẩn tính trên diện tích mỗi 1.000 ha có năng suất và giá trị sản phẩm chè đều cao hơn từ 25% trở lên so với mức bình quân chung toàn tỉnh của năm liền kề trước đó.

Tỉnh cũng khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng mới dây chuyền chế biến chè Ô long tại các huyện: Mường Khương, Bát Xát, Sa Pa và Bảo Yên. Tiến hành nâng cấp 02 dây chuyền sản xuất tại huyện Bảo Thắng và Mường Khương để chế biến các sản phẩm chè xanh chất lượng cao; tạo ra các sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu đối với các thị trường khó tính cũng như nâng chất lượng giá trị sản phẩm của chè nguyên liệu.

Thời gian tới, tỉnh sẽ tăng cường công tác quản lý chặt chẽ về giống, vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong các vùng nguyên liệu. Tập trung rà soát, quản lý quy hoạch hiệu quả với mục tiêu vùng nguyên liệu được sản xuất theo hướng tập trung, đẩy mạnh thâm canh tăng năng suất chè, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, chú trọng tuyên truyền, giúp người dân hiểu được lợi ích của việc trồng chè; thực hiện tốt liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; tập huấn nâng cao năng lực của người dân trong sản xuất và tiếp cận thông tin thị trường.

Như Ngọc


Cập nhật: Ngày 22 tháng chín năm 2018
Nguồn hoinongdan.org.vn


Các tin khác...

Sản phẩm nổi bật

  • Thái Bình Ô long trà

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...

  • Chè Ô long hút chân không 200g

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...

  • Ô long Thanh Tâm 100g

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...

  • Chè xanh Bát Tiên hút chân không 200g

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...

  • Chè xanh Ngọc Thúy hút chân không

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...