Chuyên trang thông tin...

[-] Hỗ trợ thúc đẩy phát triển sản xuất chè bền vững | CÔNG TY CỔ PHẦN CHÈ THÁI BÌNH LẠNG SƠN Hỗ trợ thúc đẩy phát triển sản xuất chè bền vững

Chuyên mục: Tin tức tổng hợp,  |  Đọc: 79 |  Bản in  | Cỡ chữ

Vinanet - Theo Bộ NN&PTNT, cả nước hiện có 116.633ha chè, năng suất đạt 23,15 tạ chè khô/ha. Hiện, 370 tổ chức doanh nghiệp, cá nhân tham gia xuất khẩu chè tới 74 quốc gia và vùng lãnh thổ với khối lượng gần 140.000 tấn; giá xuất khẩu khoảng 2USD/kg, chủ yếu là sản phẩm thô, giá trị thấp...

Bàn giải pháp cho phát triển cây chè, Bộ NN&PTNT vừa tổ chức hội nghị "Thúc đẩy phát triển sản xuất chè bền vững" với sự tham dự của lãnh đạo một số bộ, ngành, Hiệp hội Chè, các địa phương sản xuất chè, một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm chè…

Nước ta có 34 tỉnh, thành phố trồng chè với tổng diện tích 123 nghìn ha chè, năng suất đạt gần 95 tạ/ha, cao hơn năm 2018 là 4,4 tạ/ha, sản lượng đạt 1,02 triệu tấn chè búp tươi. Khối lượng xuất khẩu đạt 136 nghìn tấn, giá trị đạt 235 triệu USD. Những năm qua, chè là cây được sản xuất khá bền vững, góp phần tích cực giảm nghèo cho nhân dân miền núi, đặc biệt ở một số vùng sản xuất chè đặc sản, là cây làm giàu cho nhân dân.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu dự Hội nghị cho rằng, dư địa phát triển chè còn rất lớn, đặc biệt là việc nâng giá trị gia tăng của chè; nhận thức, đầu tư, chỉ đạo và tổ chức sản xuất chè giữa các tỉnh khác nhau, có những nơi một héc-ta chè đạt giá trị tù 500 đến 800 triệu đồng/năm, nhưng có những nơi chưa đạt đến 100 triệu đồng/ha/năm; liên kết sản xuất, chế biến chưa đạt yêu cầu; gắn sản xuất chè với du lịch còn yếu.

Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh đề nghị: Những năm tới đây giữ ổn định diện tích cây chè, nhưng phải nâng cao giá trị gia tăng của chè và sản phẩm trà. Do đó, các địa phương cần đánh giá lại thực trạng sản xuất, kinh doanh, đầu tư, chỉ đạo, tổ chức sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu. Nhằm nâng cao chất lượng trà, cần đẩy mạnh chế biến, liên kết; phân khúc sản phẩm trà, từ đó gắn với chọn giống và chế biến trà; chú ý phát triển, nâng cao chất lượng các sản phẩm mới, nhưng đồng thời cũng phải nâng cao chất lượng sản phầm trà truyền thống.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh giao trách nhiệm cho Cục Trồng trọt xây dựng đề án phát triển cây chè bền vững trong điều kiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó xác định mục tiêu rõ ràng, có chính sách đối với cây chè. Các cục, vụ, viện, trường đại học liên quan có trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất các vấn đề liên quan nhằm phát triển cây chè.

Xuất khẩu chè trong 5 tháng đầu năm 2020 sang các thị trường chính đều giảm cả về lượng và trị giá như: Dẫn đầu là thị trường Pa-ki-xtan đạt 12,1 nghìn tấn, trị giá 22,6 triệu USD, giảm 13,4% về lượng và giảm 18,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019, tỷ trọng xuất khẩu chè sang thị trường này chiếm 26,4% tổng lượng chè xuất khẩu; Tiếp theo là thị trường Đài Loan đạt 5,6 nghìn tấn, trị giá 8,6 triệu USD, giảm 15,2% về lượng và giảm 15,2% về trị giá; thị trường Trung Quốc đạt 2,2 nghìn tấn, trị giá 3,6 triệu USD, giảm 33,6% về lượng và giảm 63,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.

Đáng chú ý, xuất khẩu chè sang một số thị trường khác tăng mạnh như: Nga đạt 6,1 nghìn tấn, trị giá 9,3 triệu USD, tăng 11,6% về lượng và tăng 11% về trị giá; In-đô-nê-xi-a đạt 5,1 nghìn tấn, trị giá 4,5 triệu USD, tăng 36,7% về lượng và tăng 29,4% về trị giá; Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất đạt 1,1 nghìn tấn, trị giá 1,6 triệu USD, tăng 224,8% về lượng và tăng 200,9% về trị giá; U-crai-na đạt 742 tấn, trị giá 1,1 triệu USD, tăng 41,6% về lượng và tăng 32,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.
Việt Nam là thị trường cung cấp chè lớn thứ 5 cho Mỹ trong 4 tháng đầu năm 2020, đạt 1,9 nghìn tấn, trị giá 2,4 triệu USD, tăng 14,4% về lượng và tăng 14% về trị giá so với cùng kì năm 2019. Tỉ trọng nhập khẩu chè từ Việt Nam chiếm 5,6% tổng lượng chè nhập khẩu, tăng 1,2 điểm phần trăm so với cùng kì năm 2019.

Theo quy hoạch của Bộ NN&PTNT từ nay đến năm 2030, cả nước ổn định khoảng 140.000ha chè. Theo đó, các địa phương tập trung đẩy mạnh tăng năng suất, chất lượng các vùng chè theo hướng hữu cơ, VietGAP... Các doanh nghiệp đầu tư sâu vào khâu chế biến để tăng giá trị, chất lượng cho sản phẩm chè của Việt Nam.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, Việt Nam hiện là nước sản xuất chè lớn thứ 7 và xuất khẩu chè lớn thứ 5 toàn cầu, với 130.000 ha diện tích trồng chè và hơn 500 nhà máy chế biến chè, công suất đạt trên 500.000 tấn chè khô/năm. Nhiều vùng chè cho năng suất cao và chất lượng tốt, nổi tiếng trong nước như: Tân Cương (Thái Nguyên), Mộc Châu (Sơn La), Bảo Lộc (Lâm Đồng)… Các sản phẩm chè ngày càng đa dạng, phong phú về chủng loại, đảm bảo phục vụ nhu cầu tiêu thụ của người tiêu dùng trong và ngoài nước như: Chè sao lăn, chè xanh, chè Ô Long, chè Hương, chè Thảo dược...

Mặc dù là nước xuất khẩu chè đứng thứ 5 trên thế giới, nhưng đa phần chè Việt Nam vẫn chủ yếu xuất khẩu sang các thị trường dễ tính, chưa có nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường có yêu cầu chất lượng cao như EU, Mỹ...

“Ngoài lý do chất lượng phẩm cấp chè Việt chưa cao, thì việc chưa có thương hiệu là nguyên nhân chính khiến bao năm qua chè Việt muốn ra nước ngoài vẫn phải “núp” dưới tên của các doanh nghiệp ở những quốc gia khác. Sản xuất và xuất khẩu chè Việt Nam còn phải đối mặt với nhiều thách thức về chi phí sản xuất, công nghệ chế biến, tiêu chuẩn chất lượng, quảng bá, xây dựng thương hiệu. Cách thức trồng, chế biến chè vẫn còn một số khâu chưa tuân thủ tiêu chuẩn nên rất khó đảm bảo chất lượng. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới, bên cạnh thuận lợi về giảm thuế quan, các doanh nghiệp phải chịu sức ép về hàng rào kỹ thuật, nhất là vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm”, ông Toản chia sẻ.

Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản khuyến cáo, để mặt hàng chè phát triển bền vững trong thời gian tới, các doanh nghiệp xuất khẩu cần thay đổi hình ảnh, tham gia sâu vào chuỗi giá trị. Phải thúc đẩy các hộ trồng chè trên cả nước tham gia vào chuỗi cung ứng chè bền vững và chất lượng, đẩy mạnh mô hình sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Các doanh nghiệp cần xây dựng thương hiệu, đầu tư công nghệ nhằm sản xuất các mặt hàng đạt tiêu chuẩn quy định về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm đối với mặt hàng chè xuất khẩu, nhất là tại một số thị trường khó tính như Mỹ, EU.

Nguồn: VITIC


Cập nhật: Ngày 01 tháng năm năm 2021
Nguồn vinanet.vn


Các tin khác...

Sản phẩm nổi bật

  • Thái Bình Ô long trà

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...

  • Chè Ô long hút chân không 200g

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...

  • Ô long Thanh Tâm 100g

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...

  • Chè xanh Bát Tiên hút chân không 200g

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...

  • Chè xanh Ngọc Thúy hút chân không

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...