Chuyên trang thông tin...

[-] Đẩy mạnh phát triển vùng chè nguyên liệu | CÔNG TY CỔ PHẦN CHÈ THÁI BÌNH LẠNG SƠN Đẩy mạnh phát triển vùng chè nguyên liệu

Chuyên mục: Tin tức tổng hợp,  |  Đọc: 204 |  Bản in  | Cỡ chữ

Chè là cây hàng hóa lâu năm, phù hợp với điều kiện về khí hậu, thổ nhưỡng tại Lào Cai. Những năm qua, cây chè luôn mang lại thu nhập cao và ổn định cho người dân trong vùng sản xuất hàng hóa.

Có thể nói, chè đang là cây hàng hóa được trồng với quy mô lớn và có liên kết sản xuất - tiêu thụ bền vững, giúp người dân xóa đói, giảm nghèo hiệu quả.


Chè là cây hàng hóa lâu năm, phù hợp với điều kiện về khí hậu, thổ nhưỡng tại Lào Cai. (Ảnh: Báo NNVN)

Tại tỉnh Lào Cai, cây chè đang được quy hoạch tập trung thành từng vùng trọng điểm, tạo thuận lợi cho việc đầu tư sản xuất hàng hóa quy mô lớn, quản lý chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Lào Cai, đến nay diện tích chè tập trung trên địa bàn đạt khoảng 5.400 ha, trong đó chè kinh doanh hơn 3.600 ha, chè kiến thiết cơ bản hơn 1.800 ha; cơ cấu giống chủ lực là chè Shan chiếm 59,3%, chè chất lượng cao chiếm 21%; chè lai chiếm 17,7%. Lào Cai phấn đấu đến năm 2020 bảo đảm diện tích trồng chè tập trung đạt khoảng 6.500 ha. Tỉnh

Trong năm 2017, sản lượng thu hoạch đạt 21.640 tấn với giá thu mua chè tươi bình quân 6.500 đến 7.000 đồng/kg, giá trị thu nhập đạt 45 đến 50 triệu đồng/ha, tăng hơn cùng kỳ từ 13 đến 15 triệu đồng/ha.

Bảo Yên và Mường Khương là 2 địa phương được đánh giá là thuận lợi nhất trong việc mở rộng quy mô vùng chè nguyên liệu. Do được đầu tư bài bản, đúng hướng, trên địa bàn huyện Bảo Yên của tỉnh Lào Cai đã dần hình thành vùng chè sạch có thương hiệu và chỗ đứng trên thị trường.


Mô hình trồng chè Kim Tuyên cho thu nhập cao ở huyện Bảo Yên. (Ảnh: Báo Lào Cai)

Hiện nay, toàn huyện Bảo Yên hiện có 556ha chè, trong đó hơn 300ha là chè chất lượng cao. Không chỉ tiêu thụ trong nước, sản phẩm chè chất lượng cao ở đây đã và đang vươn ra nhiều thị trường quốc tế.

Hằng năm, các địa phương đã chủ động tuyên truyền, vận động tổ chức triển khai kế hoạch trồng chè đến các xã và người dân; chuẩn bị cây giống có chất lượng tốt, bảo đảm cung ứng kịp thời cho nhân dân; tăng cường công tác quản lý nhà nước về sản xuất, kinh doanh giống, vật tư phân bón trong vùng nguyên liệu nhằm xây dựng vùng chè an toàn.


Chè giống được chuẩn bị để cung cấp cho các hộ trồng mới. (Ảnh: Báo Lào Cai)

Các chính sách hỗ trợ được triển khai kịp thời, hiệu quả, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Các doanh nghiệp thực hiện tốt việc quản lý, phát triển vùng nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm chè búp tươi ổn định theo hợp đồng, tạo niềm tin cho các gia đình mở rộng diện tích trồng chè.

Tuy nhiên, việc phát triển vùng chè nguyên liệu ở Lào Cai đang gặp khó khăn do công tác quản lý quy hoạch còn hạn chế. Việc liên kết trong sản xuất còn lỏng lẻo, một số nơi chưa thành lập được các hợp tác xã ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp chế biến, sản phẩm chưa có nơi tiêu thụ ổn định.

Bát Xát là địa phương gặp nhiều khó khăn nhất trong vụ trồng chè mới năm nay, do thiếu “bàn tay” của doanh nghiệp lớn đứng ra ký hợp đồng cung ứng giống và bao tiêu sản phẩm. Vì vậy, một số hộ dân vùng chè huyện Bát Xát, TP Lào Cai còn chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ và đứng ra bao tiêu sản phẩm cho nhân dân trong vùng.

Bên cạnh đó, dây chuyền thiết bị, công nghệ chế biến chưa đồng bộ, chủ yếu là chế biến chè xanh và bán sản phẩm thô, cho nên giá thấp, khó thúc đẩy sản xuất. Việc đăng ký chứng nhận duy trì và mở rộng diện tích sản xuất chè theo VietGAP còn gặp nhiều khó khăn.

Trong thời gian tới, tỉnh Lào Cai sẽ tăng cường công tác quản lý về giống, vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong vùng nguyên liệu. Tập trung rà soát, quản lý quy hoạch hiệu quả với mục tiêu vùng nguyên liệu được sản xuất theo hướng tập trung, đẩy mạnh thâm canh tăng năng suất chè, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Đồng thời chú trọng tuyên truyền đến người dân lợi ích của việc trồng chè; thực hiện tốt liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; tập huấn nâng cao năng lực của người dân trong sản xuất và tiếp cận thông tin thị trường.

Các công ty, doanh nghiệp cần có kế hoạch quản lý, phát triển vùng nguyên liệu và thu mua nguyên liệu chè búp tươi cho nông dân; công khai giá bán, chia sẻ hài hòa lợi ích với người trồng chè; đầu tư nâng cấp dây chuyền chế biến sâu sản phẩm chè khô; thay đổi mẫu mã, bao bì đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng; tăng cường công tác quảng bá xúc tiến thương mại tìm kiếm thị trường tiêu thụ.

Thùy Dung tổng hợp

(Theo Báo Nhân dân, Báo NNVN và Báo Lào Cai)


Cập nhật: Ngày 12 tháng năm năm 2018
Nguồn nongthonviet.com.vn


Các tin khác...

Sản phẩm nổi bật

  • Thái Bình Ô long trà

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...

  • Chè Ô long hút chân không 200g

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...

  • Ô long Thanh Tâm 100g

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...

  • Chè xanh Bát Tiên hút chân không 200g

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...

  • Chè xanh Ngọc Thúy hút chân không

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...