Chuyên trang thông tin...

[-] Công ty CP Chè Thái Bình (Lạng Sơn): Đưa “danh trà xứ Lạng” vươn xa | CÔNG TY CỔ PHẦN CHÈ THÁI BÌNH LẠNG SƠN Công ty CP Chè Thái Bình (Lạng Sơn): Đưa “danh trà xứ Lạng” vươn xa

Chuyên mục: Tin tức tổng hợp,  |  Đọc: 590 |  Bản in  | Cỡ chữ


Người dân thị trấn Nông trường Thái Bình thu hái chè nguyên liệu.

Từ những năm 2002, 2003, chè Ô long, Ngọc Thúy, Bát tiên trồng ở Đình Lập (Lạng Sơn) mệnh danh là “danh trà xứ Lạng” đã được sơ chế, đóng gói, đóng hộp, xuất khẩu sang một số nước và vùng lãnh thổ như Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… Để “danh trà xứ Lạng” có thể vươn xa như vậy, ngoài sự nỗ lực của bà con trồng chè ở Thị trấn Nông trường Thái Bình, không thể không nhắc đến vai trò của Công ty CP Chè Thái Bình.

Cùng với cây thông, trong nhiều năm qua, cây chè cũng là cây trồng chủ lực của huyện Đình Lập. Diện tích trồng chè của huyện Đình Lập hiện có khoảng 527ha, tập trung chủ yếu ở thị trấn Nông trường Thái Bình, xã Lâm Ca và xã Thái Bình. Sản lượng chè búp tươi đạt khoảng 1.500 tấn/năm. Trên thực tế, cây chè đã mang lại nguồn thu nhập không nhỏ cho người trồng chè ở Đình Lập.

Chị Mã Thị Hoa, ở khu 5, thị trấn Nông trường Thái Bình cho biết: Vài năm nay, giá chè tươi đều tăng, hiện giá chè tươi loại I là 13 nghìn đồng/kg, các loại khác có giá từ 8 – 10 nghìn đồng/kg. Không chỉ giá tăng, đầu ra của sản phẩm chè cũng ổn định bởi Công ty CP Chè Thái Bình đã ký kết, đảm bảo khâu tiêu thụ cho người trồng chè.

Cùng chung niềm vui như vậy, bà Hà Thị Phương, ở thôn Hòa An, xã Thái Bình tâm sự: Thời điểm thu hoạch chè bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 8 hàng năm và phải mất từ 30 – 40 ngày mới thu hoạch được một lứa chè. Như vậy cả vụ chỉ thu được 4 – 5 lứa chè. Cứ 1 ha chè mỗi lứa hái được từ 1 – 1,5 tấn. Nếu giá chè tươi ở mức từ 10 - 13 nghìn đồng/kg trừ tất cả các chi phí, 1 vụ chè sẽ cho thu nhập từ 70 – 80 triệu đồng.

Ông Đỗ Đức Định, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nông trường Thái Bình cho biết: Hầu như hộ nào của thị trấn cũng trồng chè, hộ ít thì có 2 - 3 sào, hộ nhiều có khoảng 1ha. Do vậy, nguồn thu nhập chính của người dân thị trấn đều từ cây chè. Hiện diện tích chè của thị trấn Nông trường Thái Bình có hơn 150ha, nguồn thu từ bán chè tươi vào khoảng 12 tỷ đồng/năm.

Ngoài thị trấn Nông trường Thái Bình, nguồn thu nhập của bà con xã Thái Bình, xã Lâm Ca phần lớn nhờ vào cây chè. Qua trao đổi với người dân, cũng như lãnh đạo thị trấn Nông trường Thái Bình, xã Thái Bình và xã Lâm Ca, được biết, người dân an tâm tập trung vào cây chè trong suốt nhiều năm qua cũng nhờ sự bao tiêu sản phẩm từ phía Công ty CP Chè Thái Bình (Lạng Sơn).

Ông Bế Xuân Hồng, Phó Giám đốc Công ty CP Chè Thái Bình cho biết, trung bình mỗi năm công ty thu mua từ 1.000 – 1.200 tấn chè tươi nguyên liệu của bà con trồng chè. Sau đó chế biến thành chè Ô long, Ngọc Thúy, Bát Tiên thương phẩm, đồng thời đóng hộp, dán tem truy xuất nguồn gốc để xuất khẩu sang các nước và vùng lãnh thổ như Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc… Doanh thu từ xuất khẩu chè mỗi năm đạt khoảng 20 - 22 tỷ đồng.

Theo ông Hồng, các nước trước vẫn nhập khẩu chè Ô long, Ngọc Thúy hay Bát tiên hiện đã siết chặt về nguồn gốc và chất lượng một số loại nông sản, trong đó sản phẩm chè cũng nằm trong số đó. Trước khi nhập khẩu, các đối tác thường qua khảo sát thực tế vùng trồng nguyên liệu chè. Theo đánh giá thì quy trình chăm sóc, thu hái của bà con cơ bản đáp ứng được yêu cầu của họ. Cùng với đó, công ty liên tục đầu tư vào hệ thống máy móc. Chính điều này khiến việc xuất khẩu sang Đài Loan, Trung Quốc thuận lợi.

“Chúng tôi luôn cử cán bộ kỹ thuật bám sát bà con, hướng dẫn người trồng chè thực hiện việc trồng, chăm sóc, thu hoạch theo đúng quy trình sản xuất nông nghiệp an toàn. Điều này nhằm đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn mà doanh nghiệp các nước yêu cầu…” - ông Hồng nói.

Một nguyên nhân khác khiến giá trị cây chè ở Đình Lập tăng dần từng năm, đó là, việc liên kết giữa người trồng chè và doanh nghiệp là Công ty CP Chế biến chè Thái Bình rất chặt chẽ. Hiện nay, vùng chè nguyên liệu mà công ty đã ký kết với các hộ trồng là 300/527ha của toàn huyện. Việc ký kết giữa doanh nghiệp và người trồng chè góp phần đảm bảo đầu ra, giá bán, đồng thời còn giúp công ty đảm bảo nguồn nguyên liệu tốt để sản xuất ra sản phẩm đạt chất lượng xuất khẩu.

Ông Hoàng Thanh Đạm, Phó Chủ tịch UBND huyện Đình Lập cho biết: Tình hình xuất khẩu một số sản phẩn nông sản của huyện cũng như của tỉnh đang gặp không ít khó khăn do phía các nước siết chặt các tiêu chuẩn về chất lượng. Nhưng, sản phẩm chè Ô long, Bát Tiên, Ngọc Thúy… của Đình Lập vẫn xuất khẩu đều, đặc biệt là xuất khẩu sang một số nước khó tính như Nhật Bản, Úc… Điều này cho thấy vai trò của Công ty CP Chè Thái Bình rất quan trọng. Doanh nghiệp đã làm tốt công tác tìm thị trường, thường xuyên quảng bá, mời chào sản phẩm chè Ô long, Ngọc Thúy, Bát tiên đến doanh nghiệp ở trong và người nước.

Từ thực tế cho thấy, với sự đồng tâm, nhất chí, sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền, doanh nghiệp và nhất là sự đồng lòng của bà con nhân dân, giá trị sản phẩm chè Ô long, Ngọc thúy, Bát tiên từ lâu được gọi là “danh trà xứ Lạng” đang tiếp tục được nâng tầm.

TRÍ DŨNG – CÔNG QUÂN

(Báo Lạng Sơn)

Bài tham dự cuộc thi Người Thái Bình, đất Thái Bình.


Cập nhật: Ngày 28 tháng chín năm 2019
Nguồn baothaibinh.com.vn


Các tin khác...

Sản phẩm nổi bật

  • Thái Bình Ô long trà

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...

  • Chè Ô long hút chân không 200g

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...

  • Ô long Thanh Tâm 100g

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...

  • Chè xanh Bát Tiên hút chân không 200g

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...

  • Chè xanh Ngọc Thúy hút chân không

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...