Chuyên trang thông tin...

[-] Chè Gò Loi: Đặc sản nức tiếng, niềm tự hào của người Bình Định | CÔNG TY CỔ PHẦN CHÈ THÁI BÌNH LẠNG SƠN Chè Gò Loi: Đặc sản nức tiếng, niềm tự hào của người Bình Định

Chuyên mục: Tin tức tổng hợp,  |  Đọc: 129 |  Bản in  | Cỡ chữ


Nông dân Gò Loi đang hăng say hái chè. Ảnh: Dũ Tuấn

Đã từng là một thứ chè đặc sản nức tiếng, niềm tự hào của người dân Bình Định, thế nhưng, trải qua “sóng gió” thị trường, cây chè Gò Loi dần chìm vào quên lãng. Giờ đây, những nông dân Gò Loi (xã Ân Tường Tây, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định) đang cặm cụi cùng nhau vực dậy vùng chè với mong tìm về thời kỳ hoàng kim vốn có.
“Bén duyên” với những gốc chè

Nằm ở thung lũng vùng trung du miền núi, huyện Hoài Ân được biết đến như một miền quê yên bình gắn với đặc sản chè Gò Loi nức tiếng. Người dân ở xứ chè kể lại rằng, Gò Loi vốn là vùng đất có thổ nhưỡng kỳ lạ, chủ yếu là đất sỏi cơm, rất phù hợp để chuyên canh các loại cây công nghiệp như: Hồ tiêu, chè, cà phê.

Nông dân Gò Loi đang hăng say hái chè. Ảnh: Dũ Tuấn

Chính vì vậy, cách đây khoảng 40 năm, một nông trường chuyên canh trồng cây chè chính thức thành lập. Những hécta chè đầu tiên được “bén duyên” nảy mầm ở Gò Loi và trở thành cây trồng chủ lực trong nguồn thu nhập chính của người nông dân.

Hơn nửa đời người sống ở vùng đất này, ông Nguyễn Hữu Oanh - nguyên Trưởng phòng Kế hoạch của Nông trường chè Gò Loi, hiện đang phụ trách Chi hội nghề nghiệp trồng chè Gò Loi vẫn thủy chung, gắn bó với cây chè.

Ông Oanh trầm ngâm nhớ lại: “Ở vùng này, ngày trước từng có một đơn vị thanh niên xung phong đóng quân. Tôi còn nhớ, một người thanh niên trong đơn vị tập kết ra Bắc và trồng chè ở ngoài đó. Trong chuyến về thăm quê, ông ấy gợi mở về việc trồng chè ở Gò Loi vì thời tiết, thổ nhưỡng tốt. Từ đó, ông làm việc với Huyện ủy, hỗ trợ thành lập bộ khung cho nông trường chè và tôi là một trong những người đầu tiên tham gia dự án đó”.

Khi hình thành và có sản phẩm, cây chè Gò Loi ở vùng miền núi Hoài Ân xa xôi cách trở bắt đầu theo những chuyến xe tới từng ngõ ngách nơi phố thị. Dần dần, nó trở thành một thứ đặc sản riêng vốn có của nông dân Hoài Ân và của tỉnh Bình Định.

Chè Gò Loi có hương thơm ngào ngạt, khi thưởng thức người dùng sẽ cảm nhận vị đậm chát nơi đầu lưỡi, ngọt lịm ở cuống họng, càng uống càng ngon. Thời đó, chè hiếm đến mức, phải quý nhau lắm thì người dân mới biếu nhau gói chè Gò Loi mỗi dịp lễ, tết.

“Thế nhưng, đến năm 1998 nông trường chè Gò Loi chính thức giải thể, phần lớn diện tích chè bị phá để trồng các loại cây khác. Chỉ còn lác đác vài hộ đam mê nên cố gắng níu giữ với nghiệp trồng chè. Thời điểm đó, không có điện nước, chủ yếu là làm thủ công, nông trường giải thể, vì không có nước nên cây chè cũng chết dần” - ông Oanh lý giải.

Không để vị chè bị quên lãng

Hệ thống nước tưới chè Gò Loi luôn được chú trọng trong mùa nắng nóng hiện nay. D.T

Chứng kiến nông trường chè giải thể, nhiều nông dân vùng Gò Loi đau xót và có ý nguyện cùng nhau mua lại diện tích đất có chè còn sót lại. Lý do duy nhất để họ quyết tâm làm cho bằng được chính là muốn giữ lại cây giống, lưu lại thương hiệu để chè Gò Loi không bị lãng quên.

Mua đất thì dễ dàng nhưng để trồng và lấy lại thương hiệu chè Gò Loi lại là câu chuyện cực kỳ khó khăn vào thời điểm ấy. Để thực hiện giấc mơ này, nhiều nông dân nơi đây đã phải gánh gồng, cùng vượt qua khoảng thời gian u ám nhất của sự nghiệp vì chè Gò Loi. Có những lúc tưởng chừng như họ phải bỏ cuộc giữa chừng vì sự khắc nghiệt của thị thường, khí hậu... Tuy nhiên, tình yêu dành cho cây chè và mong ước duy trì một đặc sản danh tiếng đã không cho phép họ gục ngã.

Thời gian đầu, cá nhân ông Oanh tất bật đi lại như con thoi để để tìm kiếm tài liệu về cây chè, nghe ở đâu có hội chợ kinh tế, ông đều hăng hái lên đường đi học hỏi cách trồng và chế biến chè. Vùng nào có mô hình hay, giống chè tốt, dù xa xôi đến mấy những người nông dân như ông Oanh cũng chẳng ngại băng rừng, vượt núi đi đến cho bằng được để học hỏi.

Những nỗ lực của ông Oanh cùng nhiều nông dân khác đã có sự đền đáp, nhờ vậy nhiều hécta chè Gò Loi dần được hồi sinh, những đồi chè trập trùng lại xanh um sau những tháng ngày cằn khô đá sỏi. Tiêu chuẩn quan trọng để làm nên loại chè Gò Loi ngon nức tiếng là búp trà phải đạt 1 tôm 2 lá non. Chọn búp đinh (ngọn trên cùng của búp) ngắn, mập, chắc để khi sao xong sẽ cho đinh chè chắc, không bị vụn. Chè Gò Loi chính hiệu khi chế ra phải có màu vàng hơi đậm, vị chát tương đối dịu.

Gần đây, được sự trợ giúp của chương trình khuyến công, ông Oanh trang bị một máy sao chè với công suất 1,5kg chè khô/mẻ và máy hút khí phục vụ việc đóng gói, bảo quản chè. Trải qua biết bao khó khăn, giờ đây chính cây chè Gò Loi lại giúp gia đình ông Oanh và những hộ trồng chè khác không chỉ ổn định cuộc sống mà còn có thu nhập khấm khá. Ngoài ra, ông Oanh còn liên hệ để đăng ký thương hiệu cho sản phẩm. Ngày 19/5/2016, thương hiệu Chè Gò Loi đã chính thức được công nhận.

Ông Oanh vui mừng nói: “Mỗi tháng, 1ha chè thu về chừng 60kg chè thương phẩm, giá mỗi kg chè dao động từ 300.000 - 500.000 đồng tùy theo loại. Sau khi trừ chi phí, tui thu về khoảng 10 triệu đồng. Nhưng cái mà tôi trân quý hơn cả không phải là nguồn thu nhập cá nhân mà là gìn giữ được hương vị đặc sản chè Gò Loi cho thế hệ con cháu mai sau”.

Vào cuộc với nông dân

Hiện nay, UBND huyện Hoài Ân xếp cây chè đứng đầu bảng trong 7 loại cây trồng thuộc cơ cấu phát triển thành hàng hóa trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của địa phương này.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, huyện Hoài Ân quy hoạch phát triển diện tích trồng cây chè lên 42,5ha, cùng với đó sẽ thực hiện hỗ trợ nông dân 100% về giống, 20% chi phí hệ thống tưới tiêu, điện nước và kỹ thuật. Vùng trồng chè nguyên liệu cũng không chỉ dừng ở xã Ân Tường Tây như bây giờ mà sẽ được mở rộng ra nhiều xã.

Vào cuộc quyết liệt để hiện thực hóa chính sách thành thực tế, huyện Hoài Ân đang xây dựng phương án thành lập HTX chè Gò Loi và giao lãnh đạo xã Ân Tường Tây nhanh chóng khảo sát, lên phương án quy hoạch diện tích trồng chè.

Theo bà Phạm Thị Thu Hà - Phó Chủ tịch UBND xã Ân Tường Tây, địa phương hiện có 5ha cây chè được trồng tập trung và phân tán đang cho thu hoạch (chủ yếu ở thôn Tân Thịnh). Theo kế hoạch, năm 2019 huyện Hoài Ân sẽ hỗ trợ giống, tạo điều kiện cho người dân mở rộng diện tích canh tác lên 12ha.

Bà Hà cho hay: “Chủ trương này nhận được sự ủng hộ rất lớn người dân. Sau khi mở rộng diện tích cây chè, UBND xã sẽ tiếp tục rà soát, khoanh vùng sản xuất tập trung, ổn định. Từ đây, UBND xã sẽ thành lập HTX trồng chè để hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. HTX Nông nghiệp 1 Ân Tường Tây là đơn vị dự kiến sẽ đảm đương khâu đầu mối về công tác quản lý, thu mua, cung ứng chè ra thị trường”.

Một tin vui cho người nông dân trồng chè, khi nhà chức trách tại huyện này vừa thông báo, nếu không “trục trặc” gì thì dự kiến vào cuối năm 2019 Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) sẽ xác lập quyền nhãn hiệu Níu giữ hương chè Gò Loi.

"Sau khi chè Gò Loi được công nhận nhãn hiệu tập thể, UBND huyện sẽ xây dựng quy trình trồng chè đủ tiêu chuẩn, hỗ trợ người dân kỹ thuật để nâng cao chất lượng sao chè. Chủ trương của huyện là tạo điều kiện tối đa cho thương hiệu chè Gò Loi phát triển, lan rộng trong cả nước và kể cả xuất khẩu sang nước ngoài”.

Ông Nguyễn Hữu Khúc - Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hoài Ân

Theo Dân Việt


Cập nhật: Ngày 28 tháng mười hai năm 2019
Nguồn vca.org.vn


Các tin khác...

Sản phẩm nổi bật

  • Thái Bình Ô long trà

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...

  • Chè Ô long hút chân không 200g

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...

  • Ô long Thanh Tâm 100g

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...

  • Chè xanh Bát Tiên hút chân không 200g

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...

  • Chè xanh Ngọc Thúy hút chân không

    Được sản xuất từ giống chè đặc sản chọn...